Chiêm ngưỡng một 'vũ trụ ký ức' nửa thực nửa mơ đậm chất Huế
Ngoài việc tham quan di tích, đền đài, thành quách cổ kính..., du khách khi đến Huế có thể đến SốngPlatform để trải nghiệm trong không gian nghệ thuật kỹ thuật số “Sốnglab”.
Là tổ hợp ẩm thực, mua sắm, giải trí, làm việc và thưởng lãm nghệ thuật, SốngPlatform (nằm trên đường Bà Triệu, TP Huế) vừa mở cửa chào đón người dân Huế cũng như du khách thập phương.
Trong đó, nhiều người chú ý đến không gian nghệ thuật kỹ thuật số “Sốnglab” với diện tích khoảng 1.000m2. Đây là nơi trưng bày, trình diễn các tác phẩm nghệ thuật được thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại, chất liệu đồ họa trí tuệ nhân tạo, công nghệ trình chiếu tối tân 3D mapping…
Sốnglab được tạo ra nhằm giúp thay đổi cách thưởng lãm nghệ thuật tại Việt Nam, khuyến khích mỗi người gỡ bỏ cái giới hạn vốn không có thực của bản thân. Từ đó, cổ vũ tinh thần sáng tạo dựa trên những điều tốt đẹp.
Từ khi ra mắt cho đến nay, Sốnglab thu hút đông đảo người dân, du khách đến trải nghiệm.
Không gian này có 5 phòng gian độc lập với các nhóm tác phẩm với nhiều hiệu ứng khác nhau. Có tác phẩm chỉ cần chiêm ngưỡng hình ảnh chuyển động trên màn hình, có tác phẩm kết hợp màn hình phẳng với những khối sắp đặt, có tác phẩm lại đưa người xem “nhập vai” vào một không gian rộng lớn và đa tầng, có tác phẩm cho người xem ấn tượng khi soi chiếu qua gương, có nơi lại cho mọi người một “bờ biển” đồ họa số tương tác theo từng bước chân…
Bước vào phòng 1, khán giả được chiêm ngưỡng tác phẩm đồ họa 3D trình chiếu với âm thanh của tác giả Nguyễn Ngọc Quý với chủ đề “Đâm chồi nảy lộc”. Người xem thấy được những loài hoa “siêu thực”, vừa quen vừa lạ, được nhào nặn từ các chất liệu bản địa như lụa, gốm, trúc chỉ… Rừng hoa đặc biệt này ẩn dụ cho sự song song tồn tại những điều khác biệt đẹp đẽ trong xã hội...
Phòng tiếp theo trưng bày tác phẩm “Hồng sắc long” của tác giả Jiohan. Tác phẩm này là phiên bản đồ họa 3D của công trình Đại Nội trong thế giới riêng của một nữ nghệ sĩ “gen-Z”. Tác phẩm như một sự đối thoại giữa thế hệ nghệ sĩ rất trẻ với các lớp trầm tích văn hóa hàng ngàn năm tuổi...
Thu hút du khách hơn cả là không gian ở phòng 3 với ba tác phẩm “Mọi miền tiềm thức”, “Một trăm”, “Như một dòng sông”.
Không chỉ được chiêm ngưỡng một “vũ trụ ký ức” nửa thực nửa mơ đậm chất Huế, người dân, du khách còn tranh thủ chụp ảnh, check-in với không gian mới lạ này.
Những dòng chảy chuyển động chầm chậm, thỉnh thoảng đảo chiều khiến người xem như bị hút vào không gian huyền ảo và không muốn rời mắt.
Ỏ phòng 4, tác phẩm “Phản chiếu” được sắp đặt đồ họa tương tác với sàn và tường, trình chiếu Projection Mapping. Lấy cảm hứng từ vẻ đẹp siêu thực của vịnh Lăng Cô, nghệ sĩ tái diễn lại khoảnh khắc đường chân trời hiện lên trong ánh hoàng hôn, xóa nhòa ranh giới của bầu trời và mặt nước.
Những hiệu ứng ánh sáng đi theo bước chân hay thiên nhiên thay đổi rực rỡ sau từng cái chạm tay là phương tiện dẫn dắt người xem bước vào không gian thực tế ảo độc đáo và là cách tôn vinh những kiến tạo của tự nhiên.
Ở phòng 5, có hai tác phẩm “Hạnh phúc sinh sôi” và “Ẩm thực trừu tượng” được sắp đặt đồ họa 3D với Projection Mapping, khối LED trần và phản chiếu gương.
“Sốnglab như một món quà dành cho người dân Huế bởi vì các nghệ sĩ đều không phải là người địa phương. Đây sẽ là góc nhìn mới mẻ và đa chiều của nghệ sĩ đối với Huế cổ kính. Hơn nữa, dự án này rất có ý nghĩa đối với văn hóa và du lịch của đất Cố đô. Vì nghệ thuật kỹ thuật số cũng như nghệ thuật đương đại là xu hướng của thế giới. Và một dự án mang tầm khu vực như Sốnglab sẽ là nơi thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước”, Tùng Monkey, giám tuyển nghệ thuật của dự án này chia sẻ.
Một điều thú vị là người xem không cần “chuẩn bị” một vốn kiến thức về nghệ thuật đương đại trước khi bước vào không gian Sốnglab. Trái với ngôn ngữ nghệ thuật mang tính hàn lâm, nghệ thuật trình chiếu thị giác khá dễ hiểu và dễ tiếp cận. Và điều này rất phù hợp với xu hướng thưởng thức nghệ thuật của giới trẻ, nhất là khán giả gen Z.
Là nhà sáng lập kiêm chỉ đạo thực hiện không gian nghệ thuật kỹ thuật số Sốnglab, ông Dương Đỗ cho biết: “Mục tiêu lớn nhất của không gian này là tạo cơ hội cho mọi người tiếp xúc với nghệ thuật đương đại, cùng những công nghệ tiên tiến thế giới, từ đó mọi người sẽ từng bước nâng cao khả năng thẩm mỹ của mình. Không nhất thiết người trải nghiệm phải hiểu nghệ thuật đương đại là gì.
Đây đơn thuần là một không gian kết hợp giữa công nghệ, giải trí, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật. Người thấy các tác phẩm đẹp, muốn chụp vài tấm hình thì đã thỏa mãn nhu cầu giải trí. Người học thêm những điều mới mẻ, khác với suy nghĩ vốn có của mình, thì thoả mãn nhu cầu giáo dục. Người ở trình độ cao hơn thì sẽ hòa mình vào bầu không khí mang đậm cảm hứng di sản, văn hóa… Mỗi người sẽ có cách trải nghiệm Sốnglab theo nhu cầu của mình”.
CLIP: Đến Huế trải nghiệm không gian nghệ thuật kỹ thuật số "Sốnglab":
Là tổ hợp ẩm thực, mua sắm, giải trí, làm việc và thưởng lãm nghệ thuật, SốngPlatform mang đến cho người dân, du khách...