“Cú lội ngược dòng” ngoạn mục của TripActions

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TripActions đã huy động được 1,3 tỷ USD kể từ khi thành lập vào năm 2015. Đáng chú ý, khoảng 780 triệu USD trong số đó đã được huy động trong đại dịch.

Trước đại dịch COVID-19, TripActions chủ yếu được biết đến là nền tảng kết hợp nhiều hoạt động của quá trình đặt chuyến công tác cho các doanh nghiệp bao gồm đặt vé máy bay, tìm khách sạn, thuê xe, cùng với khả năng theo dõi chi phí cho khách hàng.

Nhưng TripActions cũng là một trong những công ty khởi nghiệp (startup) bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Trên thực tế, Giám đốc điều hành (CEO) kiêm đồng sáng lập TripActions, ông Ariel Cohen, chia sẻ cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đã đẩy doanh thu của công ty xuống còn 0 USD trong giai đoạn đầu đại dịch. Công ty buộc phải sa thải một số lượng lớn nhân viên và khả năng phá sản khi đó là hoàn toàn có thể.

Gần một năm sau, câu chuyện đã đảo ngược hoàn toàn: TripActions đã thành công triển khai ba vòng gọi vốn, mua lại một công ty khác, trong khi tiếp tục mở rộng hoạt động cho các dịch vụ họ cung cấp.

Trước sóng cả không ngã tay chèo

“Cú lội ngược dòng” ngoạn mục của TripActions - 1

Chỉ một tháng trước khi đại dịch COVID-19 lan rộng, TripActions ra mắt một dịch vụ quản lý tín dụng có tên TripActions Liquid vào tháng 2/2020 với khoản vay 500 triệu USD từ các ngân hàng Silicon Valley Bank, Goldman Sachs và công ty dịch vụ tài chính Comerica.

Ban đầu, TripActions Liquid hướng tới việc giúp các doanh nghiệp sử dụng nền tảng quản lý du lịch TripActions nhanh hơn và thuận tiện hơn cho việc thanh toán các chuyến bay, chi phí khách sạn và thuê xe.

Nhưng cuộc khủng hoảng COVID-19 đã khiến lượng đặt phòng du lịch giảm mạnh tới 90% vào mùa Xuân năm 2020. TripActions buộc phải cắt giảm chi phí, bao gồm cả một đợt sa thải lớn gần 300 nhân viên hồi tháng 3/2020 trong bối cảnh hoạt động kinh doanh bế tắc.

Đó là thời điểm TripActions đưa ra quyết định chuyển hướng tập trung vào sản phẩm công nghệ tài chính (fintech) TripActions Liquid của mình.

Khi đại dịch dẫn đến làn sóng số hóa cùng với xu hướng làm việc từ xa phổ biến hơn, các nhân viên công ty giờ đây cần phải đưa ra quyết định chi tiêu từ bên ngoài văn phòng làm việc, trong khi hầu như không còn nhu cầu đi công tác xa. Họ chuyển sang sử dụng thiết bị văn phòng tại nhà và phần mềm họp trực tuyến.

Nắm bắt nhu cầu của khách hàng, TripActions đã mở rộng các loại chi phí mà nhân viên có thể kiểm kê trong ứng dụng fintech của họ.

Startup đã tận dụng rất nhiều công nghệ fintech và các công cụ khác nhau để nâng cao khả năng quản lý chi phí của các doanh nghiệp. Một ví dụ được đưa ra là TripActions Liquid sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) để nhanh chóng phê duyệt chi phí và xử lý các khoản thanh toán.

Ông Thomas Tuchscherer, Giám đốc tài chính (CFO) của công ty, cho biết quyết định mở rộng TripActions Liquid để bao gồm các chi phí ngoài việc đi lại cũng được thúc đẩy bởi sự phát triển tự nhiên của hoạt động kinh doanh tại TripActions. Ứng dụng cũng nhằm mục tiêu đóng một vai trò chiến lược hơn đối với bộ phận tài chính của khách hàng, bao gồm cả các CFO.

Những "trái ngọt" từ quyết định đúng đắn

“Cú lội ngược dòng” ngoạn mục của TripActions - 2

Sự xoay trục đó là một bước đi thông minh của công ty. Điều này được thể hiện qua việc vào tháng 6/2020 - giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch, TripActions đã huy động được 125 triệu USD từ các nhà đầu tư.

Sang tháng 1/2021, công ty huy động được 155 triệu USD trong vòng gọi vốn Series E, đưa mức định giá của TripActions lên gần 5 tỷ USD. Rồi tới tháng 10/2021, TripActions thông báo tiếp tục huy động được 275 triệu USD trong vòng tài trợ “tăng trưởng” Series F với mức định giá tới 7,25 tỷ USD.

Tổng cộng, TripActions đã huy động được 1,3 tỷ USD kể từ khi thành lập vào năm 2015. Đáng chú ý, khoảng 780 triệu USD trong số đó đã được huy động trong đại dịch.

Vòng gọi vốn mới nhất thu hút nhiều sự chú ý vì một số lý do. Trong đó, lý do nổi bật nhất là nó báo hiệu sự mở rộng cho TripActions từ một startup chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực môi giới đặt chuyến công tác (corporate travel) sang một công ty quản lý chi tiêu với quy mô rộng hơn. Điều này đồng nghĩa TripActions đang cạnh tranh với các fintech có tốc độ phát triển nhanh khác như Brex và Ramp.

Song sự khác biệt lớn nhất là hai công ty đó đã chuyển hướng khỏi hoạt động du lịch và tập trung nhiều hơn vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi TripActions tập trung nhiều hơn vào các doanh nghiệp lớn.

Ngày nay, TripActions có hơn 5.000 khách hàng doanh nghiệp, bao gồm những cái tên nổi bật như công ty chuyên về đồ nội thất Wayfair, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh Pinterest, công ty dịch vụ gọi xe công nghệ Lyft, ứng dụng họp trực tuyến Zoom và nhà sản xuất chip Qualcomm.

Trong khi CEO Cohen từ chối tiết lộ số liệu doanh thu cụ thể, ông cho biết lượng đặt phòng và doanh thu của TripActions hiện đã vượt mức trước đại dịch. Tổng ngân sách cho du lịch do startup này quản lý đã tăng hơn gấp đôi, trong khi ngân sách cho chi phí kinh doanh tăng 1.400% vào cùng giai đoạn.

Trong nửa đầu năm 2021, TripActions Liquid đã ghi nhận mức tăng trưởng hơn 500% về lượng giao dịch và 400% về lượng người dùng đang hoạt động. Các khách hàng doanh nghiệp mới nổi bật gần đây của công ty bao gồm nhà sản xuất bia Heineken, hãng tin Thomson Reuters và công ty phần mềm đồ họa Adobe.

Số lượng nhân sự của TripActions hiện vào khoảng 1.500 người so với khoảng 800 nhân viên khi họ tiến hành đợt sa thải lớn vào tháng 3/2020.

* Lạc quan về con đường phía trước

Tại một sự kiện hồi tháng 11/2021, CEO Cohen bày tỏ sự lạc quan về tương lai của công ty khi tiếp tục hành trình dự kiến kéo dài nhiều thập kỷ để xây dựng “một Amazon chuyên dành cho các chuyến công tác”.

Hiện tại, TripActions có kế hoạch sử dụng nguồn vốn mới chủ yếu cho TripActions Liquid, với mục tiêu mở rộng giải pháp quản lý chi phí và thanh toán fintech của họ ra toàn cầu.

Startup này cũng đang lên kế hoạch đầu tư sâu hơn vào Reed & Mackay, một đại lý du lịch họ mua lại hồi tháng 5/2021 chuyên cung cấp các hỗ trợ đi lại và tổ chức sự kiện cấp cao.

Ngoài ra, TripActions cũng đang lên kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động ở châu Âu, nơi đã phát triển nhanh chóng và chiếm 30% hoạt động kinh doanh của họ. Cụ thể, công ty dự định bổ sung hơn 150 nhân viên tại Vương quốc Anh, Israel và khắp châu Âu trong năm tài chính này.

Công ty cũng có kế hoạch tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực du lịch cốt lõi với mục tiêu trở thành một công cụ thiết yếu cho các công ty khi họ bước vào thời kỳ mới.

Ông Jonah Crane, một đối tác của công ty đầu tư tập trung vào fintech Klaros Group, đánh giá quyết định mở rộng hoạt động kinh doanh của TripActions cho thấy cách các startup có thể linh hoạt điều chỉnh mô hình kinh doanh của họ, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng.

Theo ông, đó là một ví dụ điển hình về xu hướng rộng lớn hơn sau đại dịch, nơi một công ty thường bắt đầu phát triển từ một hoạt động nhất định rồi từng bước mở rộng quy mô lẫn lĩnh vực kinh doanh của mình trong nền kinh tế "bình thường mới"./.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

H.Thủy (Bnews)

CLIP HOT