Quốc gia Đông Nam Á trở thành 'chợ đồ cũ'

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Những cửa hàng bán quần áo cũ từ các thương hiệu nước ngoài xuất hiện tràn lan trên khắp Malaysia. Người dân cũng ưa chuộng hình thức mua sắm này do giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng.

Theo New York Times, ngày càng nhiều người tiêu dùng quan tâm tới những trang phục đã qua sử dụng, giá cả phải chăng thay cho thời trang nhanh. Ngay cả người nổi tiếng cũng thường diện lại đồ cũ khi xuất hiện trên thảm đỏ, trước công chúng.

Báo cáo năm 2021 từ nền tảng bán hàng cũ ThredUp và công ty Global Data chỉ ra doanh số bán quần áo cũ có thể chạm mốc 77 tỷ USD trong năm 2025, tăng lên 41 tỷ USD so với năm nay.

Quốc gia Đông Nam Á trở thành 'chợ đồ cũ' - 1

Xu hướng buôn bán đồ secondhand trở nên thịnh hành ở Malaysia.

Đa số hoạt động mua bán quần áo secondhand diễn ra online trên các nền tảng số như Etsy, eBay hay Grailed. Đáng nói, người bán đến từ khu vực Nam Á, nhất là ở Malaysia, chiếm phần đông.

"Ai cũng nhận thấy điểm này khi mua sắm trên các website. Tôi đang tìm kiếm một chiếc áo nịt hãng Agnès B và tất cả người bán đều ở Malaysia", Sarah Brown, nhà thiết kế trang sức ở Manhattan (Mỹ), nói.

Chuộng đồ cũ, giá rẻ

Mua quần áo cũ, hay còn gọi là sắm "theo lố" (bundle shopping), là xu hướng phổ biến ở Malaysia.

Các cửa hàng bán đồ đã qua sử dụng xuất hiện trên khắp đất nước với quy mô từ sạp hàng ven đường, nhà kho lớn cho đến các chuỗi mang thương hiệu. Hai trong số những công ty theo mô hình chuỗi là Jalan Jalan Japan và Family Bundle.

"Sau nhiều thập kỷ, loại hình mua sắm này ngày càng phát triển. Tôi thích dành vài giờ đồng hồ 'ngụp lặn' trong đống quần áo để tìm những món đồ phù hợp. Tôi từng gom được một chiếc áo gió, một áo khoác dài hiệu Burberry", Naim Azhar (28 tuổi), nhân viên công ty an ninh mạng ở Kuala Lumpur, nói.

Năm 2019, anh được nhiều người biết tới nhờ biết cách kết hợp trang phục đã qua sử dụng theo phong cách sang trọng, lịch lãm.

Quốc gia Đông Nam Á trở thành 'chợ đồ cũ' - 2

Quốc gia Đông Nam Á trở thành 'chợ đồ cũ' - 3

Amirul Ruslan (mặc áo khoác denim) thường mua sắm quần áo cũ tại các cửa hàng không xuất hiện trên mạng xã hội, Google Maps.

Chia sẻ với New York Times, anh cho biết mình chủ yếu mua quần áo secondhand với giá dưới 1 ringgit (0,24 USD).

Thông thường, mức giá của những món đồ trên có thể dao động từ 20-60 USD khi mua từ các cửa hàng đồ cũ ở Mỹ. Thậm chí, những mặt hàng có giá trị sưu tầm có thể lên đến 500 USD.

Nhưng hầu hết người bán ở Malaysia không buôn đồ đã qua sử dụng vì lợi nhuận, mà làm vì tình yêu thời trang.

Amirul Ruslan (31 tuổi), một nhạc sĩ sống ở Kuala Lumpur, nói rằng các cửa hàng tiết kiệm ở Malaysia thường tổ chức sự kiện khi khui kiện hàng mới.

"Người bán sẽ lấy một bao lớn quần áo, lấy dao rọc túi và đổ đống quần áo xuống. Mọi người sẽ bước vào tiệm và tự lựa chọn. Tôi thích những cửa hàng không xuất hiện trên mạng xã hội hay Google Maps", anh nói.

Một trong những cửa hàng mà Ruslan yêu thích là Maxstation. Chỉ vài tháng trước, nơi này đã bị cháy.

"Tôi không rõ chuyện gì đã xảy ra. Tôi đã buôn đồ cũ được 10 năm rồi. May mắn là thị trường địa phương đem đến ít lợi nhuận hơn ở nước ngoài", Nor Muhamad Mat Nor (34 tuổi), chủ cửa hàng, nói.

Muhamad bắt đầu nhập và bán quần áo cũ, áo phông ban nhạc từ năm 2017 và có lợi nhuận sau 3 năm kinh doanh. Hiện cửa hàng trực tuyến của anh có khoảng 10-15 mặt hàng mỗi tháng, bao gồm nhiều thương hiệu thời trang Nhật Bản: Comme des Garçons, Yohji Yamamoto và Kapital.

Quốc gia Đông Nam Á trở thành 'chợ đồ cũ' - 4

Nor Muhamad Mat Nor dành 3 tiếng mỗi ngày để phân loại, lựa chọn quần áo từ những kiện trang phục lớn nhập từ nước ngoài.

Mỗi ngày, Muhamad dành gần 3 giờ đồng hồ lựa chọn và phân loại quần áo từ các kiện trang phục lớn nhập từ nước ngoài. Anh đặc biệt thích quần áo từ Mỹ và Nhật Bản vì "có thể mua được những món đồ chất lượng cao".

Muhamad nói thêm một sản phẩm chất lượng tốt, được bán với giá 100 USD sẽ đủ để chi trả cho cả một kiện hàng. Phần còn lại sẽ bán tại cửa hàng Maxstation ở địa phương.

Sau trận hỏa hoạn hồi tháng 10/2020, Muhamad đã xây dựng và mở bán trở lại từ tháng 12/2020. Hồi tháng 1 vừa qua, khi phóng viên tới thăm, anh đang mặc quần đùi, đeo tạp dề denim để phân loại 300-400 bộ quần áo.

"Tôi mất khoảng một giờ để phân loại chúng, kiểm tra từng đường chỉ, đường may, khóa kéo và xem nó có phải sản phẩm đến từ thương hiệu giá trị không", anh nói.

"Điểm đến" của quần áo secondhand

Khi quyên góp quần áo cũ, đa số người gửi đều tưởng chúng sẽ được tái chế hoặc "có cơ hội thứ 2" trên các giá đồ ở cửa hàng Goodwill hay Salvation Army.

Tuy nhiên, Adam Minter, tác giả cuốn sách Secondhand: Travels in the New Global Garage Sale, lại cho rằng các cửa hàng bán đồ tiết kiệm như trên chỉ là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình vòng quanh thế giới của những bộ quần áo cũ.

"Chỉ 1/3 số quần áo quyên góp được bày bán tại các cửa hàng tiết kiệm ở Mỹ. Các đơn vị này thường bán lại trang phục cũ cho bên xuất khẩu quần áo và vận chuyển đi khắp thế giới. Đồ của bạn có thể đi từ bang California đến Houston (Mỹ), sau đó tới Pakistan, Ấn Độ, Malaysia", anh nói.

Ngày nay, một vài mặt hàng nhất định, ví dụ áo hoodie Nike, có thể được sản xuất ở một nhà máy tại Đài Loan (Trung Quốc), xuất khẩu đến Mỹ. Khi đã qua sử dụng, chúng sẽ được quyên góp cho Goodwill, rồi vận chuyển theo kiện lớn tới Malaysia và trở về Mỹ qua nền tảng Etsy.

New York Times cho biết nhà nhập khẩu trang phục secondhand lớn nhất vào năm 2019 là Mỹ, với tổng kim ngạch xuất khẩu là 720 triệu USD. Con số này ở Malaysia là 105 triệu USD.

Minter lưu ý rằng Malaysia là một trong nhiều quốc gia phát triển về xu hướng mua sắm này do có "cộng đồng am hiểu thời trang toàn cầu, có mức thu nhập khả dụng để kinh doanh theo loại hình đó".

Quốc gia Đông Nam Á trở thành 'chợ đồ cũ' - 5

Giống như nhiều cửa hàng bán đồ secondhand ở Malaysia, Sora Bundle cũng bày bán quần áo từ các thương hiệu của Mỹ như Levi's và Lacoste.

Ngoài ra, đất nước này cũng là nơi đặt cơ sở sản xuất của các công ty như Dell và Intel trong nhiều năm, có vị trí gần Nhật Bản - nơi có những mặt hàng quý hiếm, có sức hút trong khu vực.

"Nhiều mẫu thiết kế của Vivienne Westwood và Jean Paul Gaultier được tìm thấy ở eBay, Etsy khu vực Malaysia, Thái Lan. Vài bộ chỉ được sản xuất ở thị trường Nhật Bản vào năm 1990-2000 ", Collin James, nhà sáng lập cửa hàng James Veloria tại Manhattan, nói.

Yoppy Ardiyanto, một người bán đồ secondhand đến từ Bandung (Indonesia), cho biết trào lưu kinh doanh này đang dần phát triển ở nước mình. Vợ chồng anh đã bán áo khoác cũ, quý hiếm trên Etsy được 5 năm qua.

"Gần đây, những mẫu này rất, rất khó tìm thấy tại các cửa hàng đồ cũ. Công việc này ngày càng cạnh tranh hơn, nhưng tôi thấy mừng vì điều đó. Ngành nghề này đem lại cơ hội lớn", anh nói.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trang Minh (Ảnh: Ian Teh/The New York Times) (Zing News)

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.