Tinh túy ẩm thực bánh tráng phơi sương Trảng Bàng
Khi nhắc đến địa danh Trảng Bàng, nhiều người thường nghĩ tới bánh tráng phơi sương – một sản phẩm dân dã làm từ hạt gạo đã trở thành thương hiệu riêng của vùng đất đầy nắng và gió nơi đây.
Bánh tráng phơi sương là một đặc sản của Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đã không còn quá xa lạ với người dân TP.HCM. Bánh dẻo, dai, vị mặn, hình tròn, màu trắng đục và trên bề mặt có các hạt bong bóng nhỏ nổi lên, có thể ăn trực tiếp mà không cần nhúng nước hoặc nướng giòn.
Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Ảnh: Việt Giải Trí.
Về nguồn gốc, mãi cho đến hôm nay, vẫn chưa mấy ai có thể lý giải tường tận do đâu mà món bánh tráng đặc sản hấp dẫn này lại xuất hiện trong văn hóa ẩm thực Việt.
Theo chia sẻ từ những cao niên trong làng nghề, món bánh phơi sương là sản phẩm của ẩm thực khẩn hoang Nam bộ, do thế hệ tiền nhân khai phá, lập ấp ở Trảng Bàng vào thế kỷ 18 mang đến.
Tương truyền rằng, xưa kia có một gia đình mưu sinh bằng nghề làm bánh tráng đã di cư từ miền Trung vào Trảng Bàng. Bánh tráng ngày ấy vẫn được làm từ bột gạo nhưng dày và cứng hơn bây giờ, chỉ dùng để nướng ăn. Vào một buổi chiều nọ, cô con dâu đi thu gom bánh tráng đã sơ ý bỏ quên 2 vỉ bánh ở góc rào.
Sáng hôm sau, mẹ chồng định rầy la thì anh con trai thương vợ đã ra gỡ những chiếc bánh tráng thấm ướt hơi sương đó vào nhà, đem cuốn ăn với các loại rau có sẵn trong vườn. Thật bất ngờ khi chỉ vừa nếm thử, tất cả mọi người trong nhà đều tấm tắc khen ngon. Và món bánh tráng phơi sương được ra đời kể từ ấy.
Để làm món bánh tráng phơi sương ngon đúng điệu Trảng Bàng đòi hỏi người nghệ nhân tráng bánh phải thật tỉ mỉ, kỹ càng từ khâu chọn nguyên liệu đến cách chế biến.
Nghệ nhân tráng bánh cẩn thận làm nên từng chiếc bánh tráng trắng trong, tròn đều tay. Ảnh: TTXVN.
Đầu tiên, nguyên liệu bột làm bánh tráng phải là gạo làng Miên, được ngâm và vo kỹ trong vòng 3-6 tiếng đồng hồ. Tiếp theo, mang gạo đã ngâm đi xay mịn và tiếp tục lọc bột cẩn thận để không lẫn tạp chất mới khiến chiếc bánh trông ngon và trong hơn. Không giống như các bánh tráng khác thường thêm đường vào bột bánh, bánh tráng Trảng Bàng chỉ cần một lượng muối vừa để tạo vị mặn. Sau đó, bột bánh được tráng đều tay trên bếp lửa.
Điều tạo nên sự khác biệt của bánh tráng Trảng Bàng chính là kỹ thuật tráng 2 lớp. Áp dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật này, người nghệ nhân có thể tạo nên một chiếc bánh tráng tròn đều tay và có độ mỏng vừa phải, để khi đem nướng, sức nóng của lửa làm bánh phồng nổi lên thì mới ngon.
Sau khi nướng xong, bánh sẽ được đem đi phơi sương và bảo quản trong túi ni-lông để tránh gió. Việc phơi sương bánh tráng cũng rất khó khăn, đòi hỏi một quy trình cụ thể, rõ ràng và phụ thuộc theo thời tiết hôm đó.
Công đoạn phơi sương bánh tráng. Ảnh: Bizmedia.
Nhờ vào khí hậu thiên nhiên thích hợp, ngày đầy nắng, đêm lại lắm sương đã giúp người dân tạo ra loại đặc sản đặc biệt đến như thế. Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng càng độc đáo hơn khi thưởng thức với thịt luộc kèm thêm ít rau rừng, rau sông và được rất nhiều người ưa chuộng trên khắp các vùng miền, không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế.
Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đem cuốn với rau rừng và thịt luộc tạo nên một món ăn hấp dẫn. Ảnh: Phương Nam.
Vào năm 2016, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Để tri ân các nghệ nhân làm bánh tráng phơi sương, cũng như mang nghề làm bánh tráng truyền thống này đến với đông đảo công chúng, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức Lễ hội văn hóa, du lịch nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng thường niên từ năm 2018.
Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 10 đến hết ngày 18/12 tại sân vận động thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Khách tham quan lễ hội sẽ có dịp thưởng thức và tìm hiểu về nghề làm bánh tráng phơi sương tinh túy của ẩm thực Tây Ninh.