Sài Gòn, vị mưa, vị nắng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Cà phê vợt, hủ tiếu gõ, phá lấu, bánh xèo, bánh canh,… những món ăn lề đường hè phố, tồn tại đậm đà bao tháng bao năm giữa chốn đô hội Sài Gòn, bởi người ta đã thưởng thức chúng không chỉ bằng vị giác, mà bằng tất cả các giác quan.

Những tháng năm sống giữa Sài Gòn, tôi tự hỏi bàn chân mình đã chạm lên bao nhiêu con đường trong thành phố. Những con đường dẫn đi muôn ngả, những lối hẻm quanh co như thể đang giăng ra trước mắt tôi vô số mê cung. Giữa bủa vây vội vàng, có bao giờ bạn để lại bên lề những ràng rịt, cho đôi chân mình một lần đi lạc giữa thành phố?

Tôi vẫn tin dọc bao nẻo đường ngỡ quen mà lạ, ngỡ cũ mà mới ấy, bằng cách nào đó sẽ luôn đánh thức trong bạn những điều gần gũi, mến thương. Như là một mùi thơm đằm đượm níu ngọn gió lang thang, thoảng vào trí nhớ bạn một hương vị cố cựu ngỡ đã tan mất. Như là những vỉa hè, những ngõ chợ sóng sánh vị mưa, vị nắng, vị của thời gian…

Sài Gòn, vị mưa, vị nắng - 1

Quán trà đá bình dân ở vỉa hè

Tôi dạt về quán cà phê vợt trên đường Phùng Hưng, ngồi xuống chiếc ghế đẩu con con, bắt đầu để mình trôi theo một dòng chảy khác của thời gian ở thành phố này - dòng chảy chậm rãi, từ tốn, dìu dặt, mặc kệ những hối hả ngoài kia. Mùi cà phê vợt, cái mùi đầm đậm, bung biêng, ngấm từng chút, từng chút dần dà sẽ dắt người ta vào một cơn say của ký ức, đó là ký ức về những vạt đồi, nương rẫy cà phê hun hút gió ngàn và liêu phiêu sương sớm.

Những hạt cà phê ngậm mưa nắng cao nguyên bóng rẫy màu nâu dịu đằm, chưa tan hết mùi của núi đồi, đất đỏ rộc rạc nguyên sơ. Ở góc bếp kia, chiếc ấm thiếc đen tuyền màu nhọ đặt trên những nhánh lửa chờn vờn nhảy nhót, nước vừa sôi khi tiếng kêu ấm bắt đầu vun vút rổn rảng, tà khói mỏng thanh thao xoắn xuýt bay lên. Giây phút ấy, tôi nhớ chiếc ấm nước đen kịt, chiếc bình thuỷ cũ xưa của mẹ mỗi sớm mai ở quê nhà, dậy lên thanh âm của ngày mới thân thuộc, yên bình trong gian bếp bời bời trầm tích tháng năm.

Sài Gòn, vị mưa, vị nắng - 2

Thì đây, giữa lòng Sài Gòn hoa lệ vẫn chân phương một mảnh quê với bức tường ám khói, vài chiếc bình đất nung, cái bếp lem luốc dấu nhọ nồi với mớ củi khô xếp gọn một góc, để dành cho những lần rang cà phê thơm nức ngõ chợ.

Nước sôi được rót một dòng trong vắt vào cái vợt đẫm đầy cà phê, từ đó rót vào cốc thuỷ tinh, rồi hòa chung với sữa đặc, quấn quện, loang loáng, sóng sánh nắng ban mai. Những cái vợt đã bện lớp lớp dấu tích cà phê, bện tháng, bện năm, bện một đời người chắt chiu từng giọt tình thơm thảo. Bởi vậy, tôi đã được uống cả vị của thời gian trong từng hớp cà phê vợt, và nhận ra vị của đời người ngọt, đắng, dư ba.

Tất cả diễn ra trong cái chầm chậm ngẫm ngợi, giữa những ánh khói liu riu quấn quýt trước những khuôn mặt người bàng bạc màu dâu bể. Nắng sớm Sài Gòn mỏng nhẹ trễ nải buông, len vào đáy mắt thắp lên ánh nhìn thong dong, thơ thới. Tiếng khuấy muỗng leng keng nhập hòa vào lao xao chuyện đời chìm nổi, những mái đầu bạc cạnh những mái đầu xanh. Tờ báo sớm còn bịn rịn mùi mực được lật từ tốn bên chiếc ấm đất nét hoa văn uyển chuyển. Nhận ra ở nơi này một Sài Gòn chẳng cần vội vã, chẳng hề xa lạ, sớm mai thức dậy khi cơn mơ đêm qua còn bảng lảng, uống từng nhấp cà phê và ngấm sâu cả cái vị bình dân, hào sảng, thấy lòng mình là một nhánh sông vỗ nhịp đời chảy trôi.

Sài Gòn, vị mưa, vị nắng - 3

Cà phê vợt

Sài Gòn chợt mưa, chợt nắng. Cái lạnh quanh năm chơi trò trốn tìm, chỉ thỉnh thoảng đánh dấu chút dư âm. Những chiều xám xịt hơi mưa còn đọng, tôi rong ruổi qua bao ngõ ngách Sài Gòn, và ghé lại một hàng bánh xèo nép mình bên con đường nhỏ ngang chợ Xã Tây. Những lát bánh xèo miền Trung giòn ruộm, đượm đà vị cố xứ, được tráng mỏng trên những mặt khuôn bóng láng, bởi một đôi bàn tay hằn nét phong ba. Người đàn ông chủ quán đã nhận ra đồng hương bằng giọng nói rặt xứ Nẫu của tôi. Dường như chú ấy đã nêm vào từng lát bánh thêm chút gió mưa, chút tình Sài Gòn từ những câu chuyện từ thuở ban sơ lập nghiệp, nên tôi nhận ra vị của nỗi thân thiết đồng hương lúc này đã hoà vào vị của tình người thành phố.

Ở góc chợ khiêm nhường, dưới một mái hiên che chỉ đủ bày ra vài cái bàn, ghế nhựa, hơi ấm từ những chiếc lò đất nung toả lan trong tiếng “xèo, xèo” vui tai, rôm rả, cùng tiếng mưa tí tách mặt đường và chợ phố xôn xao. Những chiếc nắp nhỏ cũng khẽ động đậy theo chiếc bánh xèo xì xụp trên khuôn nóng. Mỗi lát bánh được gấp làm đôi rồi cắt thành nhiều khúc nhỏ, cuốn trong lớp bánh tráng dai mềm kèm rau sống tươi rói, nhúng ngập vào chén nước mắm mặn ngọt có thêm những sợi cà rốt, củ cải muối chua, nhai từng miếng giòn râm ran béo ngầy ngậy, vệt dầu tứa ra dính vào vành môi bóng loáng. Cái mềm dai bên ngoài bao bọc lấy cái cứng giòn vừa phải bên trong, tôm thịt mặn mà lẫn trong bột gạo béo bùi hài hoà, tương hỗ.

Từ miền Trung, lát bánh xèo vào Sài Gòn có thêm những sợi dưa chua sừn sựt trong nước chấm, đủ vị mặn, béo, chua, ngọt đẫm đượm nơi đầu lưỡi. Đó là những giao thoa giản dị, khéo léo như cách người muôn phương đã mang về đây vô vàn hương vị cố xứ, và Sài Gòn nồng hậu đón lấy tất cả, rồi ý tứ pha phết thêm chút nắng mưa bất chợt, chút phong vị riêng lắng bồi từ hàng trăm năm tuổi. Nhưng vẫn không để phai đi vị thương, vị nhớ gói ghém trọn vẹn trong tâm thức kẻ tha hương.

Tôi để mình đi lạc vào những hẻm dài, ngõ hẹp, đường xá quanh co, nhưng tôi biết tâm trí mình hoàn toàn không đi lạc, vì ở đâu cũng có những người lặng thầm đánh thức hồn cốt của thành phố này, bởi cái bình dị, chân thật, không kiểu cách. Và những món ăn hè phố chân phương, những ly cà phê, trà đá hẻm chợ đã góp vào đó một dáng dấp riêng của thành phố “mưa rồi chợt nắng”. Những lẽ tự nhiên, chân thật sẽ tồn tại bền chặt với đời sống này, dù là ở thôn xóm xa xôi hay thị thành nhà cao bóng thẳm.

Cà phê vợt, hủ tiếu gõ, phá lấu, bánh xèo, bánh canh,… những món ăn lề đường hè phố, tồn tại đậm đà bao tháng bao năm giữa chốn đô hội Sài Gòn, bởi người ta đã thưởng thức chúng không chỉ bằng vị giác, mà bằng tất cả các giác quan. Người ta thưởng thức bằng ký ức, bằng muôn vàn thâm tình của đất và người, bằng tâm thức nguồn cội bao la. Tất cả đã níu những trái tim ở lại, không phân biệt ngụ cư, chính gốc, dẫu thị thành đất chật người đông.

Và ngày nào đó, họ sẽ mang theo bao vị mưa, vị nắng, vị của tháng năm từ thành phố này, theo những chuyến xe dằng dặc, những ngả đường ngút ngát, ra đi và trở về trong nhớ thương…

Sài Gòn, vị mưa, vị nắng - 4Sài Gòn, vị mưa, vị nắng - 5

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trần Văn Thiên

CLIP HOT

Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới
Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới

Cuộc sống hàng ngày gắn liền với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, các lễ hội, trang phục truyền thống và đặc sản địa phương, thay vì chỉ giữ những điều đó cho riêng mình, cô gái trẻ quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, dùng mạng xã hội để chia sẻ những nét đẹp của người Hà Nhì với thế giới.