Phở Sài Gòn phải ăn kèm giá - rau thơm và sự khác biệt với phở Hà Nội, Nam Định
Tất cả cùng được gọi là phở Việt Nam nhưng tại đó vẫn tồn tại những nét đặc trưng thú vị.
Nhắc tới ẩm thực Việt Nam, không ai có thể quên được món phở. Ăn kèm với món phở thường là thịt bò và thịt gà. Thịt bò được thái mỏng, đập dập, nhúng vào nước dùng vớt ra đúng lúc để miếng thịt vừa chín mà vẫn mềm và thơm ngon; thịt gà thường được luộc nguyên con, sau đó chặt miếng nhỏ, xếp đều trong bát, trên lớp phở đã được trần qua, rồi cho nước dùng.
Phở Hà Nội
Phở Hà Nội đã có từ xa xưa, nó trở thành một nét văn hóa ẩm thực không thể thiếu của người Hà Nội. Nước dùng của phở Hà Nội thường trong và ngọt, vị ngọt chân chất của xương. Ở Hà Nội, người ta thường có thói quen cho thêm một chút mì chính vào nước dùng.
Viết về phở Hà Nội, nhà văn Thạch Lam đã từng viết trong tác phẩm Hà Nội băm sáu phố phường: "Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon".
Phở ngon phải là phở "cổ điển", nấu bằng thịt bò, "nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả", "rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một ít cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ".
Nếu ăn phở ở Hà Nội, người bán sẽ chỉ đưa ra một bát phở “mộc” gồm bánh phở thịt bò và hành hoa, có chăng là kèm thêm miếng chanh, quả ớt hoặc vài lát hành tây ăn kèm. Đặc biệt, người Hà Nội rất thích ăn phở bò với quẩy chiên, bánh quẩy giòn tan, thơm ngậy sẽ được nhúng vào nước dùng rồi ăn kèm với phở.
Phở Nam Định
Có rất nhiều giả thuyết cho rằng phở xuất hiện đầu tiên ở Nam Định, tại nơi đây, bí quyết chế biến nước dùng của món phở thường được truyền từ đời này sang đời khác.
Từ giữa những năm 60 đến trước những năm 90 của thế kỷ 20, vì nhiều lý do, Phở Nam Định đã từng vắng bóng một thời gian ở những địa phương khác. Tuy nhiên, từ năm 90 trở lại đây, Phở Nam Định phục hồi trở lại và ngày càng phát triển mạnh.
Bánh phở Nam Định có nhiều nét khác biệt nhất, là loại sợi to bản, rất mỏng mềm và dai, không bao giờ bở nát. Nghe đâu là do họ bỏ thêm một ít bột dong vào khi làm bánh phở.
Phở Nam Định có hương vị đậm đà hơn phở Hà Nội nhờ cốt nước mắm cá. Nước dùng có váng mỡ, đậm vị mắm, xương bò và tiêu. Khi thưởng thức thực khách thêm ớt xay, ớt tươi, dấm và ăn kèm quẩy giòn loại nhỏ.
Phở Sài Gòn
Với phở Sài Gòn, bạn có thể cảm nhận được cái vị ngọt của đường khá rõ nét. Đặc biệt, người Sài Gòn nhiều nơi còn nấu nước dùng bằng xương gà và thêm con khô mực, có lẽ vì vậy mà nước dùng của phở miền Nam có màu hơi đục, có vị béo và ngầy ngậy hơn.
Ở miền Nam, ngoài tô phở chính, họ còn có thêm một chén nước béo (nước mỡ của xương bò, có những nơi còn có cả nước tiết nữa) để riêng nếu khách muốn và tương ngọt (tương đen), tương ớt đỏ.
Phở Sài Gòn thường phải bán đi kèm với chanh, ớt tươi, ngò gai, húng quế, giá (được chần qua nước sôi hoặc ăn sống), hành tây cắt lát mỏng (có thể ngâm với dấm), đó là những loại rau bắt buộc phải có, thường là để riêng trong một dĩa hay rổ bán kèm theo từng tô phở, khách thích thứ nào thì lấy bỏ vào tô của mình.
Ngày nay, món phở đã trở thành một món ăn phổ biến, không thể thiếu trong nền ẩm thực Việt Nam. Phở cũng trở nên đa dạng hơn, được chế biến theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên phở chế biến theo cách truyền thống vẫn được ưa chuộng nhất không chỉ trong nước mà còn trên nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Những sợi bánh to tròn, dai dai màu trắng trong như con tằm được chan đều với nước sốt cà ri sánh đặc, ăn kèm xíu mại...