Nước mía Sài Gòn

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

“Thật tốt vì không phải mọi hương vị trên đời này đều có thể đóng gói trở thành hàng đại trà, để người ta cứ phải nhung nhớ và hoài niệm khôn nguôi”.

Một buổi trưa oi nồng, tôi dự định ra về, thì nghe tiếng bà lão bán nước mía trước cổng trường gọi với theo: “Cô giáo ngồi xuống uống ly nước mía cho mát nha. Uống ủng hộ giúp bà nha. Ngày mai, bà bán xe nước mía, về quê luôn rồi”. Mấy lời giản đơn nhưng khiến tôi xúc động vô cùng, chợt nhớ khoảng thời gian gắn bó của bản thân với xe nước mía của bà cụ. Không chỉ có thầy cô giáo mà cả các em học sinh, những người buôn bán gần cổng trường cũng lưu luyến hương vị ngọt ngào, thanh tao của ly nước mía đơn thuần mà tinh tế này.

Nước mía Sài Gòn - 1

Ảnh minh họa.

Khi thử đi lý giải cho sự xuất hiện của những xe bán nước mía trên khắp các nẻo đường ở Sài Gòn, nhiều người đều đồng tình với nguyên nhân bắt nguồn từ đặc trưng khí hậu và thời tiết oi nồng đến khó chịu của thành phố phương Nam này. Nhu cầu tìm một thức uống ngọt ngào, có tính giải nhiệt cao như nước mía đã trở thành lí do chính khiến nhiều hàng nước mía xuất hiện liên tiếp trên mọi nẻo đường để phục vụ cho nhu cầu của thực khách. Nước mía là một thứ thức uống bình dân, hợp túi tiền nên được đại số những người lao động bình dân, các em học sinh, sinh viên yêu thích. Dần dà, nước mía, trong tâm thức của nhiều người dân Sài Gòn, đâu chỉ đơn thuần là một thức uống để giải khát, mà còn gợi nhớ biết bao nỗi nhớ niềm thương.

Xoay quanh xe nước mía chắc hẳn không thiếu những kí ức tươi đẹp thời học trò. Bản thân tôi, khi còn là học sinh ở trường Lương Văn Can (quận 8) luôn có thói quen tụ họp cùng bạn bè trước xe nước mía gần trường, để bản luận về học hành, thậm chí tán gẫu, trêu chọc nhau. Mà ngẫm cho cùng, đâu chỉ có bọn học trò nhàn tản, thích tụ họp uống nước mía, những xe nước mía ở lề đường Sài Gòn còn là một địa điểm được những cô bác, anh chị em trong xóm lao động yêu thích và lựa chọn làm nơi dừng chân nghỉ ngơi khi thời tiết quá oi nồng. Ai đã từng sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn hẳn sẽ không xa lạ với cảnh mọi người ngồi tụ tập trong quán nước mía dưới những tán cây râm mát, mải mê ngồi đọc báo, trò chuyện sôi nổi, mặc cho ánh nắng mặt trời oi ả ngoài phố. Lâu dần, thói quen này trở thành một nét văn hóa khá đẹp trong sinh hoạt của cộng đồng người Sài Gòn vốn dung dị nhưng đầy hào sảng.

Rồi thì cũng từ các quán nước mía vỉa hè, đã có biết bao những câu chuyện tình yêu dang dở giữa lòng đô thị ồn ã. Tôi có một người chị họ, bây giờ đã khá lớn tuổi, khi kể chuyện tình của mình, vẫn thường vui tính bảo rằng anh bạn trai trước đây rất” “kẹo”, hàm nghĩa là tiết kiệm. Khi tôi hỏi nguyên nhân, chị kể rằng trước đây tán tỉnh chị, anh chẳng rủ chị đi đâu, toàn mời đi uống nước mía. Dẫu chê như thế nhưng chắc mối tình dang dở này nhiều ấn tượng nên chị cứ nhắc mãi, thi thoảng lại cười buồn, ánh mắt nhìn xa xăm.

Nước mía Sài Gòn - 2

Ảnh minh họa.

Hương vị nước mía ngọt ngào của Sài Gòn đối với các chị em quả là khó quên. Một cô bạn đồng nghiệp của tôi theo chồng định cư tại Hàn Quốc đã nhiều năm. Thế mà, mỗi khi quay trở lại Sài Gòn, lại nằng nặc đòi tôi dẫn đi uống nước mía. Cô hay bảo ngày xưa khi em còn đi học có để ý thương thầm một anh chàng. Mẹ của anh bán xe nước mía trong chợ. Thế nên ngày nào, cô cũng ghé uống ủng hộ vài li nước mía. Mãi cho đến khi nghe tin cả gia đình anh được di dân sang Mỹ theo diện bảo lãnh, cô gái mới chạnh lòng nhận ra mọi cố gắng của mình đều là vô nghĩa. Dẫu mối tình dang dở nhưng hương vị ngọt ngào của nước mía thì khó lòng phai phôi trong lòng cô.

Chắc cũng vì lẽ đó nên khi ghé quán, cô ngồi xuống uống liên tục… 4 ly nước mía ngon lành, mãi cho đến khi chạm phải ánh mắt ngạc nhiên của những người chung quanh, mới e ngại gọi tính tiền. Dù thế, chúng tôi đã kêu tới ly thứ 5 nên cô em đồng nghiệp vui vẻ đề nghị người bán cho vào bịch xách về… uống tiếp. Uống một lúc 5 ly nước mía kể cũng hơi lạ nhưng với người lâu ngày không quay trở về Sài Gòn, thì chẳng phải là một điều ngạc nhiên. Thậm chí, khi thưởng thức xong, cô còn hồn nhiên nói: “Sao người Việt Nam mình không vô hộp nước mía rồi xuất sang nước ngoài chị nhỉ? Mà có lẽ là không được, vì nếu thêm vào nhiều chất bảo quản để giữ cho nước mía không hư sẽ làm hỏng hết hương vị”. Đôi lần, nghe cô tự hỏi rồi cũng tự trả lời như thế, tôi chỉ khẽ mỉm cười và thầm nghĩ: “Thật tốt vì không phải mọi hương vị trên đời này đều có thể đóng gói trở thành hàng đại trà, để người ta cứ phải nhung nhớ và hoài niệm khôn nguôi”. Và có lẽ do hương vị đặc trưng này mà nước mía Sài Gòn vẫn tồn tại, bất chấp sự tấn công ồ ạt của các hãng nước ngọt, nước giải khát nhiều mùi vị khác.

Riêng bản thân tôi, hoài niệm lớn nhất về nước mía có lẽ bắt nguồn những ly nước mía ngọt ngào của bà lão bán trước cổng trường. Những ngày mới đi dạy, tôi thường tò mò trước cảnh tượng vô số học sinh, người đi đường dừng chân trước hàng nước mía nhỏ trước trường. Điều đặc biệt là dù trước đây hàng nước mía không có bàn ghế ngồi lại, người thưởng thức phải đứng chờ dưới trời nắng gắt nhưng ai cũng kiên nhẫn chờ đợi để xách về tận 4 - 5 phần giải nhiệt mang về nhà. Qua đôi lần trò chuyện, tôi được biết xe nước mía của bà đã tồn tại gần 30 năm nay. Hàng nước mía này do người chồng của bà bắt đầu sự nghiệp. Sau khi ông mất, bà vẫn tiếp tục duy trì.

Nước mía Sài Gòn - 3

Ảnh minh họa.

Khi thấy tôi có vẻ ngạc nhiên về bí quyết làm thế nào để duy trì hàng nước mía lâu dài như thế, bà lão vui vẻ cho biết do những cây mía, nguyên liệu chính của loại thức uống này đều được bà mua mỗi ngày từ chợ đầu mối nên luôn đảm bảo chất lượng. Thêm vào đó, chỉ khi nào khách gọi thì bà mới bắt đầu khởi động máy ép. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng bí quyết để tạo nên điểm khác biệt, nhằm "đánh bại" những hàng nước mía khác của bà chính là việc kết hợp mía với nước cam ép, thay vì sử dụng tắc (quất) có độ chua và đậm mùi, sẽ làm át đi vị mía. Giữa cái nắng oi ả của Sài Gòn, ngồi thưởng thức chút chua dịu và thơm thoảng của cam dung hoà trong nước mía càng khiến cho thức uống mộc mạc này trở nên hấp dẫn gấp bội. Chỉ cần thong thả nhấm nháp một hơi thật dài để hương vị ngọt ngào ấy lan tỏa đều trong cổ họng, chúng ta sẽ cảm nhận cái ngọt thanh rất tự nhiên. Ly nước mía mộc mạc, chẳng cần sử dụng bất kỳ mĩ từ nào để miêu tả nhưng khi nghĩ đến đã thấy hết sự sảng khoái đến tận cùng.

Ngoài ra, theo sự phát triển của thời đại, cũng có những kiểu cách kết hợp khá hy hữu, điển hình như nước mía pha hương vị sầu riêng hoặc mít. Vị ngọt của ly nước mía nhờ sự kết hợp các nguyên liệu ấy mà trở nên rất đậm đà, cộng theo chút beo béo ngây ngất của sầu riêng hoặc thơm ngọt của mít mà tạo nên một hương vị đặc biệt rất quyến rũ.

Những ngày trời Sài Gòn oi nồng, chạy xe giữa cái nắng nóng gay gắt, lại chợt thèm có một ly nước mía bình dân thôi cũng đủ làm dịu "tâm hồn" và thoả mãn cơn khát. Người đi xa thành phố này lâu ngày hẳn sẽ không thôi hoài niệm hương vị của một thức uống thanh mát đến dịu dàng.

Nước mía Sài Gòn - 4

Nước mía Sài Gòn - 5

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trần Huỳnh Tuyết Như

CLIP HOT

Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới
Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới

Cuộc sống hàng ngày gắn liền với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, các lễ hội, trang phục truyền thống và đặc sản địa phương, thay vì chỉ giữ những điều đó cho riêng mình, cô gái trẻ quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, dùng mạng xã hội để chia sẻ những nét đẹp của người Hà Nhì với thế giới.