Bánh cam, bánh còng - Món ăn vặt ngọt ngào của tuổi thơ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Một trưa mùa hè oi ả, chạy ngang qua góc chợ Phạm Thế Hiển ở Quận 8, bất giác nhìn thấy một bà lão bán bánh cam bánh còng ven đường, khiến lòng tôi bất giác nôn nao.

Từ lúc còn nhỏ, bánh cam, bánh còng giòn ngọt, phủ lớp đường óng ánh, mè trắng... đã là món bánh ưa thích của anh em tôi. Với tôi, hai thức bánh bình dị này không chỉ đơn thuần là một món ăn mà còn đong đầy biết bao kỉ niệm về khoảng đời tuổi thơ đầy khó nhọc.

Bánh cam, bánh còng - Món ăn vặt ngọt ngào của tuổi thơ - 1

Bánh cam

Ai đã từng có khoảng thời gian sống tại Sài Gòn thập niên 90, hẳn sẽ không xa lạ gì với hình ảnh những chiếc tủ kiếng xếp đầy mâm bánh cam, bánh còng, thức quà vặt được rất nhiều trẻ em ưa chuộng. Những buổi trưa hè yên tĩnh, chỉ cần nghe tiếng rao: “Ai bánh cam, bánh còng không?" vọng ra từ hẻm nhỏ, bọn trẻ chúng tôi lập tức cảm thấy háo hức. Thậm chí đến tận bây giờ khi đã trưởng thành, chỉ cần nghe thoang thoáng câu rao là biết bao kỉ niệm tuổi thơ cứ thế ùa về.

Không chỉ có trẻ con, ngay cả người lớn thi thoảng thèm ngọt cũng mong muốn tìm được món gì đó nhấm nháp vào buổi xế trưa. Chắc cũng vì lẽ đó nên khi tình cờ nghe được tiếng rao, khẽ thấy bóng dáng người bán đội một mâm bánh cam, bánh còng cao chất ngất trên đầu, thì niềm háo hức lại càng nhân đôi.

Bánh cam, bánh còng - Món ăn vặt ngọt ngào của tuổi thơ - 2

Bánh cam, bánh còng

Bánh cam là tên gọi của người miền Nam. Tên gọi này xuất phát từ hình dáng và màu sắc bắt mắt như một quả cam nhỏ. Còn bánh còng được nặn theo kiểu hình tròn rỗng ruột chính giữa, có hình dáng tương tự như chiếc vòng đeo tay. Do nguyên liệu chế biến hai loại bánh này khá tương đồng, chỉ khác ở chỗ bánh cam có nhân đậu xanh, bánh còng không có nhân nên nó thường được người miền Tây chế biến và bán cùng nhau.

Theo lời mẹ tôi kể thì bột để chế tạo nên hai loại bánh được làm từ bột nếp và bột gạo. Muốn tăng thêm độ béo bùi, người làm bánh có thể cho thêm ít khoai lang vàng vào trong phần bột. Riêng phần nhân sẽ được chế biến từ đậu xanh đánh và đường rồi tỉ mỉ sên thành viên tròn. Bột sau khi nhồi xong được cán mịn, cắt thành miếng tròn, rồi nắn dẹt, nhẹ nhàng cho phần nhân vào giữa rồi gói lại, vo viên. Người chế biến có thể lăn qua ít mè trắng cho bám đều bên ngoài vỏ bánh rồi đem chiên.

Riêng bánh còng, cách chế biến lại đơn giản hơn. Người ta chỉ cần nặn bột bánh thành dây dài rồi khéo léo nối lại thành chiếc vòng. Bánh sau khi tạo hình xong sẽ được lăn qua mè trắng rồi thả vào chảo dầu, chiên vàng đều hai mặt. Điểm gây hứng thú nhất của bánh cam và bánh còng là sau khi được rán vàng đều, người bán sẽ nhẹ nhàng phết đều thêm một lớp đường mạch nha thắng kẹo, tỏa ra hương thơm và có màu vàng óng ánh, cực kỳ đẹp mắt.

Bánh cam, bánh còng - Món ăn vặt ngọt ngào của tuổi thơ - 3

Vị ngọt ngào của tuổi thơ

Không chỉ gây ấn tượng bởi hương vị thơm ngon, bánh cam bánh còng còn gây ấn tượng với bọn trẻ con với hình thức bán bánh truyền thống của những cô bác khi đó. Mẹ tôi thường bảo các ông bà, cô chú này lấy bánh từ các “lò bánh” quanh khu vực cầu Nhị Thiên Đường, Quận 8 rồi len lỏi đi bán khắp Sài Gòn. Họ có thể là người Sài Gòn chính gốc, nhưng đôi khi là người miền Tây rời quê lặn lội lên Sài Gòn mưu sinh.

Lúc còn bé, mỗi khi nhìn thấy hình ảnh các cô chú, thậm chí các ông bà tuổi tác đã cao, nhẹ nhàng đội lên đầu một mâm bánh chất cao ngất ngưỡng, lòng tôi đều không khỏi cảm thấy bất an, thậm chí sợ hãi. Tôi luôn có cảm tưởng chỉ cần một cơn gió thoáng qua cũng đủ khiến mâm bánh đổ ngay ra đường.

Dù thế, nhưng lo lắng này chẳng bao giờ xảy ra, vì hầu hết mọi người đều có khả năng đội mâm bánh cực kỳ điêu luyện. Thậm chí, có những trường hợp, người bán chẳng cần vịn tay vào mâm mà vẫn tự tin rảo bước trên nhiều nẻo đường quanh co ở thành phố.

Kí ức tuổi thơ nhắc nhớ tôi vào những buổi sáng tinh mơ, ba anh em tôi thường dắt nhau ra con hẻm nhỏ tấp nập trước nhà ngồi ngóng mẹ đi chợ về. Mãi cho đến khi nhìn thấy chiếc xe đạp cọc cạch thấp thoáng từ xa, mẹ tôi khẽ khàng gọi: “Mẹ về rồi nè tụi con ơi”. Tức thì, ba đứa tôi lại nhanh nhẹn xuống xách giỏ phụ, tôi vốn là em út trong nhà được anh chị ưu tiên khỏi phải xách gì, lại rất hay thẽ thọt hỏi mẹ: “Hôm nay, mẹ đi chợ có mua bánh cam cho tụi con không?”.

Mẹ tôi thường mỉm cười hiền hậu: “Mẹ mua rồi. Mẹ để trong giỏ đó con. Hôm nay, mẹ có mua cả bánh còng nữa. Mấy anh chị em chia nhau mỗi đứa một cặp”. Ba anh em tôi, chỉ chờ có thế thì hân hoan mở giỏ đi chợ của mẹ, nhìn những cái bánh cam bánh còng vàng rượm, ngoài phủ lớp đường với mè rang thơm phưng phức mà bụng cồn cào. Cắn một miếng bánh, nhấm thêm một ngụm trà, ta có thể cảm nhận được độ giòn thơm của vỏ bánh kết hợp với vị ngọt bùi của nhân đậu xanh.

Nhìn ba đứa nhỏ đang ăn mẹ tôi chép miệng, thở dài: ''Tội nghiệp,con nhà nghèo nên ăn gì cũng thấy ngon''. Trong một thoáng chốc, tôi thấy mẹ rơm rớm nước mắt. Mãi cho đến sau này lớn lên, những khi nhớ mẹ tôi mới hiểu ý nghĩa của những giọt nước mắt ấy. Sự buồn tủi vì phận nghèo, không lo được đầy đủ cho các con khiến mẹ tôi xót xa mà rơi lệ.

Từ những năm đôi mươi, tôi bắt đầu cuộc sống xa nhà, không còn những khoảng thời gian nhàn tản ngồi lặng lẽ ở con hẻm nhỏ trước nhà để chờ mẹ đi chợ về như khoảng đời thơ ấu. Thi thoảng, trong cơn mơ màng, tôi lại thấy nhớ hương vị của cái bánh cam Sài Gòn, thứ bánh giản đơn nhưng chất chứa biết bao cảm xúc, đong đầy cả những giọt nước mắt của mẹ tôi khi xưa.

Nhịp sống tất bật nơi đất khách quê người, khiến tôi mải mê với công việc, kể cả thói quen thưởng thức món bánh giản đơn nhưng thấm đượm hương vị ngọt ngào của quê nhà. Mãi cho đến một chiều mùa thu nào đó quay trở lại Sài Gòn, ngồi lặng lẽ uống cafe trên con phố gần nhà, chợt nghe văng vẳng tiếng rao: “Bánh cam đây mấy anh mấy chị ơi”, tự nhiên thấy lòng nao nao về những hoài niệm đã cũ…

Bánh cam, bánh còng - Món ăn vặt ngọt ngào của tuổi thơ - 4

Bánh cam, bánh còng - Món ăn vặt ngọt ngào của tuổi thơ - 5

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thiên An

CLIP HOT

Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới
Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới

Cuộc sống hàng ngày gắn liền với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, các lễ hội, trang phục truyền thống và đặc sản địa phương, thay vì chỉ giữ những điều đó cho riêng mình, cô gái trẻ quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, dùng mạng xã hội để chia sẻ những nét đẹp của người Hà Nhì với thế giới.