Mứt gừng ấm dạ ngày xuân
Gió xuân đưa mùi gừng cay cay, mùi mật đường thơm ngọt ngời lên trong nắng chạp gợi nhớ, gợi thương về những hương vị nguyên sơ, thơm thảo làm lòng người thêm nôn nao đợi Tết.
Mùa chạp về đem theo những cơn gió se se và những đợt nắng vàng mật lấp ló bên hiên nhà, má lại càm ràm: “Năm hết Tết đến”, rồi loay hoay chuẩn bị nhiều thứ dành đón Tết. Vài bện dây chuối phơi dọc lối đi chờ đủ nắng, nia kiệu, đậu nếp, củ cải... thi thoảng ra vào trở bề rồi ngồi nơi bậc thềm nghỉ chân nhìn xa xăm.
Má nhớ ngoại.
Cạnh đó là rổ gừng còn nguyên mùi đất, mùi thảo mộc quê nhà dậy lên cay cay. Má lựa từng củ ngâm vào nước cho mềm vỏ, dễ cạo rồi nhắc đến ngoại: ngày xưa ít thuốc men ngoại hay dùng gừng để chữa đau bụng đầy hơi, nên năm nào ngoại cũng làm một hũ mứt gừng đầy như một thói quen ngày Tết.
Qua rằm, mùi gừng đã tràn ngập từ chợ về nhà, trong giỏ xách người nội trợ và gian bếp của mỗi nếp nhà. Vài củ gừng làm góc bếp ngày Tết thêm nhiều hương vị, gừng kho cá, gừng ngâm mật ong, gừng thêm vào dưa món, dưa chua, gừng làm mứt…
Thêm chút lá dứa vào dậy mùi thơm cho chảo mứt
Kinh nghiệm chọn gừng của má tôi theo đúng nghĩa đen: “gừng càng già càng cay”. Má thường chọn gừng củ lớn cho dễ xắt lát, độ già vừa phải, thêm vài quả chanh, nhánh sả. Nếu có dịp về Bến Tre thời điểm này, má luôn ghé qua chợ Giồng Trôm tự tay lựa chọn vài ký gừng tươi đem về và Tết năm đó hủ mứt gừng của má đặc biệt hơn vì có thêm hương vị quê nhà.
Củ gừng có nhiều nhánh con ngộ nghĩnh, khi thì như bàn tay xòe ra, lúc thì giống hình bản đồ của một quốc gia nào đó. Đặt vào đĩa sứ vài củ gừng nhỏ để gần cửa sổ phòng khách làm góc thư giãn, vài ngày sau đã thấy bật lên cái mầm xanh, vùi vào đất, chẳng bao lâu sẽ có một bụi gừng xanh thân mướt lá.
Để củ gừng của hương đồng gió nội hóa thân thành món mứt ấm dạ ngày xuân cần có đôi tay thật tỉ mỉ, từ khâu cạo vỏ, thái lát, luộc đến ướp đường và sên mứt. Con cháu ngồi quây quần bên má nghe vài câu chuyện Tết, mỗi người góp một tay, từng củ gừng đã được làm sạch vỏ và xắt thành nhiều lát mỏng.
Mẻ mứt gừng vừa tới
Má vừa làm vừa tỉ mỉ hướng dẫn từng công đoạn. Gừng thái lát xong đem luộc sơ qua hai lần cùng một ít nước chanh để giảm bớt độ cay nồng rồi xả lại vài lần để ráo. Kế đến trộn với đường, má làm theo thói quen, xóc đều rồi áng chừng lượng đường cần thêm vào. Theo má, cân nặng của gừng thường gấp đôi đường là được rồi gia giảm để món mứt có độ cay ngọt vừa ý. Phơi gừng - đường vài giờ dưới nắng cho thấm, thỉnh thoảng đảo đều cho đường mau tan.
Gió xuân đưa mùi gừng cay cay, mùi mật đường thơm ngọt ngời lên trong nắng chạp gợi nhớ, gợi thương về những hương vị nguyên sơ, thơm thảo làm lòng người thêm nôn nao đợi Tết. Ngoài sân, bụi lá dứa xanh rì nhánh lá đã sẵn sàng làm hương liệu cho các món mứt thêm những sắc màu mùa xuân.
Mùi tinh dầu từ nồi nước luộc gừng thoang thoảng bay trong gió ban trưa thơm nồng cả gian bếp. Má gợi ý giữ lại một ít nước luộc gừng để làm món nước “kiểu mùa dịch năm ngoái”, thêm vào vài nhánh sả, đường phèn, rồi trà, chanh, mật ong, nước lọc, để vào tủ lạnh làm món giải khát đầy lợi ích cho ba ngày Tết. Hương chanh, hương sả tròn vị tự nhiên đồng nội nhẹ nhàng xoa dịu, thư giãn các giác quan.
Gừng phơi nắng vài giờ đã thấm đẫm mật đường rồi cho vào chảo rộng lòng sên liu riu lửa. Vài khúc lá dứa được thêm vào, lúc này mùi thơm đặc trưng của mật đường, gừng và hương lá dứa cứ vấn vít bay khắp mọi góc nhà làm giấc trưa phải choàng bật dậy hít hà.
Giấc trưa đó là bọn trẻ.
Chúng đang hóng đợi món mứt yêu thích mà ngoại hứa làm riêng cho đám cháu chứ không phải món mứt gừng cay lưỡi. Má dỗ dành bọn trẻ bằng một mẻ mứt dừa đủ màu sắc từ rau củ vào ngày hôm sau.
Má dặn làm mứt nào cũng vậy, cứ để lửa thong thả, chầm chậm, đừng vội vàng như bước chân chợ Tết, để mật đường ngấm dần, thấm dần, món mứt nào cũng có hương vị thơm ngon.
Món mứt dừa thơm ngọt cho bọn trẻ
Bồng bềnh một lúc, từng lát gừng đã được dung hòa bớt độ cay nồng, đảo gừng thêm một dạo, nghe nặng tay rồi má nhắc chừng: “Cứ đảo liên tục cho đường cạn nha con”. Và chảo mứt từ từ xuất hiện lớp bột đường trắng mịn phủ lên những lát gừng vàng nhạt dậy mùi cay nhẹ. Tắt lửa, đôi tay vẫn còn bận rộn thêm vài lượt đảo đến khi chảo mứt nguội hẳn, thành phẩm là những lát gừng thơm ngọt bay khắp gian bếp ngày xuân.
Trong buổi trà sớm của ba má những ngày cuối chạp luôn có đĩa mứt gừng trên bàn, ngồi trò chuyện thưởng trà, thi thoảng nhắc nhớ nhau vể thuở thân tình của thời “ gừng cay- muối mặn”. Gừng - trà là đôi hương liệu truyền thống của ba ngày Tết, một ấm trà nóng, vài lát mứt gừng cay nhẹ ẩn mình bên trong lớp đường mịn ngọt góp vào câu chuyện đầu năm những ấm áp, an vui.
Đĩa mứt bên bàn trà
Mứt gừng bảo quản được lâu lại sẵn có khi cần đến, là khắc tinh của dư vị thịt mỡ giúp bụng dạ khơi thông. Lọ mứt gừng ấm áp, chân chất mùi quê hương, thơm thảo làm ngày xuân thêm ý nghĩa, vẹn tròn. Mùi của Tết, của những sum vầy và tình thân chừng như còn mãi khi chạm tay vào những lát gừng mộc mạc thân thương gắn liền với những công dụng gần gũi đời thường.
Trong những bày biện ba ngày Tết của gia đình tôi không thể thiếu vắng đĩa mứt gừng “nhà làm” trên bàn khách gia đình và trên mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên.
Cánh cửa bếp mở ra, mùi thơm cay nồng từ gừng đang sên trên bếp xộc thẳng vào mũi, bỗng chốc xua tan đi cái rét buốt...