Món ngon đong đầy ký ức ngày Tết
Trong lòng tôi vẫn nguyên vẹn những kí ức đẹp đẽ về những bữa cơm cuối năm ngày cũ, có khi chỉ ngon vì nhớ.
Ngày tháng cạn dần theo những mùa mưa nắng trôi qua, thấy như mới đầu năm đó mà đã sắp lập đông rồi, tự nhiên ai cũng nghĩ về những ngày sắp Tết.
Ở quê tôi bây giờ mùa mưa đã qua, mùa đông vừa thấp thoáng trong mấy cơn gió heo may và không gian như mới vừa ướp một chút hơi lạnh se se. Cái lạnh vừa đủ để lòng người run rẩy chút nhớ thương về những thứ đã lùi xa trong ký ức.
Múa lân ngày Tết
Tôi chợt nhớ đến má tôi và những ngày cận Tết khi còn ở chung với gia đình lớn của mình, bà là người duy nhất lo lắng tính toán mọi thứ trong nhà. Còn nhớ cái Tết hồi xưa sao mà long trọng và thiêng liêng đến thế.
Sau một năm làm việc vất vả ai cũng cầu mong mấy ngày tết trong nhà được đầy đủ, càng dư dả các thứ càng tốt, những mong năm sắp đến sẽ sung túc, an vui hơn năm cũ. Má tôi lo toan mọi thứ từ rất sớm, qua rằm tháng Chạp đã thấy sắm sửa chuẩn bị ăn Tết.
Hồi đó mấy ngày Tết người ta không họp chợ nên thịt cá, rau củ phải chuẩn bị trước ít nhất cho ba, bốn ngày, món ăn chính cho mấy ngày Tết là bánh tét và thịt kho măng.
Nồi thịt kho măng của nhà tôi được má chăm chút nhiều nhất vì đó là món ăn mà người lớn, trẻ nhỏ trong nhà đều thích.
Chợ Tết bắt đầu rất sớm, đầu tiên má tôi mua măng khô, phải là thứ măng khô của Phan Thiết thì kho mới ngon. Thật tình cho đến bấy giờ tôi cũng không phân biệt được măng khô Phan Thiết với các loại măng khô khác nhưng tôi vẫn chọn nó cho nồi thịt kho măng ngày Tết của nhà mình như lời bà dặn.
Măng khô Phan Thiết. Ảnh Linh Như
Sau ngày đưa ông Táo tôi được phân công rửa măng, ngâm măng, mỗi ngày khi vo gạo nấu cơm thì lấy nước vo gạo ngâm măng. Như vậy ngày nấu cơm hai lần thì sẽ thay nước ngâm hai lần, má tôi nói măng ngâm bằng nước vo gạo sẽ trắng và mau mềm hơn.
Mấy ngày giáp tết qua rất nhanh, tôi chỉ cần loay hoay phụ má rim vài thứ mứt như mứt dừa, mứt gừng, mứt khoai chớp mắt thấy đến ngày gói bánh tét.
Nhà tôi thường gói bánh tét trong vài ngày cuối năm vì ba tôi thích cái không khí trong đêm canh lửa nấu bánh tét. Không khí rất rộn ràng vì cả nhà ai cũng có việc làm và việc của tôi là luộc nồi măng.
Bánh tét không thể thiếu trong những ngày Tết
Sau mấy ngày ngâm rồi rửa măng khô đã trắng dần chứ không còn vàng sậm như hồi mới mua về. Khi nồi bánh tét được bắt trên cái bếp được kê bằng ba hòn đá chẻ và lửa đã reo ồn ào, má tôi cời than hồng ở một góc bếp và nồi măng sẽ được luộc ké ở đó.
Nồi măng được thay nước mấy lần và được nhấc ra trước khi bánh tét chín, để nguội rồi lại rửa cho đến khi nồi nước trong vắt, má tôi dặn rằng phải luộc kĩ như thế thì sau khi kho xong mới để được lâu.
Măng được để nguội, xé sợi lớn nhỏ theo mình thích và để thật ráo. Sau đó thì chuẩn bị kho thịt, má tôi thường kho măng khô với giò heo, má nói phải chọn giò sau mới ngon. Giò heo được chặt lớn hơn ngày thường một chút để khỏi bị nát, vì nồi măng kho sẽ được ăn trong ba bốn ngày tới, phải hâm lại nhiều lần.
Món thịt kho măng
Giò heo sau khi chặt phải đem luộc sơ bằng nước sôi vài dạo cho ra hết chất bẩn, nước hầm sẽ trong và thịt sẽ thơm hơn. Sau khi luộc phải đem giò heo rửa lại thật sạch và để ráo, bắc một nồi nước khác đợi sôi rồi bỏ thịt vào hầm.
Bắt đầu lúc này thì tôi không phải làm gì nữa vì má muốn tự tay mình nấu món thịt kho măng theo côn thức độc truyền của bà. Nêm mắm muối, bỏ hành củ, canh lửa, vớt bọt, để lửa riu riu vừa đủ để nước hầm được trong veo thì mới đạt yêu cầu.
Thường má thêm chút xíu đường phèn chừng bằng đầu ngón tay cái sau và nêm nếm lại nồi thịt hầm, rồi mới xào măng.
Xào măng cũng lắm công phu, má đập dập mấy củ hành khô bỏ vào dầu đang sôi cho thơm rồi bỏ măng, má cũng nêm nếm các thứ và xào hơi lâu một chút cho thấm.
Khi giò heo đã hơi mềm má cho măng đã xào lên trên, để nước sôi lại mới để nhỏ lửa cho tới khi mùi thơm tỏa lên mới tắt bếp. Lúc đó là trưa ba mươi tết khi lửa đã tàn trong lò bánh tét và cả nhà rộn ràng sắp sửa mọi thứ để cúng tất niên và đón ông bà về ăn Tết.
Thịt kho măng là món ăn chính trong ngày Tết
Trong mâm cúng tất niên chiều ba mươi Tết năm nào của nhà tôi cũng có hai tô thịt kho măng nằm trang trọng ở giữa bàn. Đây cũng là món ăn chính của nhà tôi, bánh tét chỉ là món ăn kèm cùng dưa món, củ kiệu để tăng hương vị.
Thường là thịt kho măng dùng để cuốn bánh tráng nên trên bàn ăn phải có thêm đĩa rau sống đủ thứ rau thơm, thêm chén mắm chua ngọt thật ngon. Má tôi thường lựa loại bánh tráng hơi dày, có khi phải nhúng sơ qua nước sôi mới mềm.
Trải bánh tráng đã nhúng ra dĩa, xếp một lớp rau sống, một lớp măng,vài miếng thịt, ai thích thì thêm vài lát trứng vịt luộc rồi cuốn thật chặt. Vì nhiều thứ như vậy nên thành phẩm thường là cuốn bánh thật to. Ba tôi hồi đó rất thích cầm cuốn bánh thật to, nhai ngồm ngoàm một cách thú vị.
Ba ngày Tết hình như trên bàn ăn chỉ có bánh tét kèm dưa món củ kiệu, thịt kho măng, bánh tráng, rau sống và chén nước mắm chua ngọt. Nhớ lại và tôi vẫn không hiểu sao ăn như vậy mà không ai kêu chán và đều ăn rất ngon lành.
Nồi thịt kho măng được chăm sóc rất kĩ, sáng nào cũng hâm lại và buổi tối hâm thêm một lần một lần trước khi cất vào tủ. Khi múc ra ăn lỡ không hết thì cho vào nồi riêng hâm lại chớ không được cho vào nồi lớn. vì vậy dù không có tủ lạnh nồi thịt kho măng để ba bốn ngày vẫn không bị hỏng, chỉ là vào ngày cuối thì măng và thịt cũng đã rất mềm.
Món thịt kho măng và bánh tét khi đó mỗi năm chỉ ăn một lần vào ngày Tết nên trở thành món ăn thần thánh được hăm hở chờ đợi mỗi khi Tết đến.
Bữa cơm đoàn viên ngày nay.
Mấy ngày Tết không ai thích ăn cơm, đi đâu về chỉ cần dọn thịt kho măng cuốn bánh tráng và bánh tét với củ kiệu, dưa món. Hết Tết mới nghĩ đến chuyện nấu cơm mà cũng ít ai muốn ăn, cứ như đợi thêm ít ngày là đến Tết khác để ăn thịt kho măng.
Bây giờ mọi thứ đã khác nhiều. Mấy ngày Tết chợ vẫn họp, siêu thị thì đến tối ba mươi tết mới đóng cửa nên chẳng cần mua thứ gì để dành ăn suốt mấy ngày.
Dù cho đã có nhiều sự lựa chọn thì tôi cũng chỉ ăn món thịt kho măng vào ngày Tết. Bây giờ măng khô ngâm sẵn ngày nào cũng có bán ngoài chợ, muốn hầm thịt giò cũng không cần tỉ mỉ như hồi xưa, chỉ bấm nút cái nồi áp suất là xong.
Nhưng mỗi năm tôi cũng ngâm măng khô vào ngày 25 Tết, cũng luộc măng kho thịt như ngày xưa má đã làm. Mâm cơm cúng chiều cuối năm bây giờ vẫn có hai tô thịt kho măng nhưng thật lòng mà nói tôi không còn thấy quá hào hứng như hồi còn nhỏ. Ăn cuộn bánh tráng với măng kho,rau sống, chấm nước mắm chua ngọt, giống hệt như ngày ấy nhưng sao không tìm thấy đúng hương vị ngày xưa.
Hỏi rồi tự trả lời, thời thế đã khác. Cuộc sống bây giờ có đã thêm nhiều thứ so với những ngày mình còn thơ dại. Trẻ con bây giờ cũng không như mình hồi còn nhỏ, không thích ăn những món mà mình yêu thích ngày xưa.
Không phải những người trẻ thờ ơ với cái cũ mà bởi vì họ đã có những điều khác để yêu thích và thương nhớ. Những bữa cơm chiều ba mươi Tết gần như chỉ còn ý nghĩa của bữa cơm đoàn viên, ăn gì cũng được, ăn gì cũng ngon, chỉ là được quây quần cùng nhau trong cái không gian tinh tươm trong buổi chuyển giao linh thiêng của đất trời là đủ.
Dù vậy trong lòng tôi vẫn nguyên vẹn những kí ức đẹp đẽ về những bữa cơm cuối năm ngày cũ, có khi chỉ ngon vì nhớ.
Tháng Chạp ở miền Trung lạnh lẽo mưa phùn, trong gian bếp ấm nồng, biết bao đứa trẻ như tôi đã quây quần bên bà, bên...