Món bún 'nhà nghèo' đầy ú ụ tóp mỡ giòn tan kèm sung chát, giá chỉ 10 ngàn/bát
Một suất bún đầy đặn không có thịt hay tôm cá, chỉ “phủ kín” vài nguyên liệu ăn kèm bình dân là tóp mỡ và sung nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn cả người già lẫn trẻ em suốt vài thập kỷ.
Bún sung (hay còn gọi bún tóp mỡ) là món ăn quen thuộc đã gắn bó với bao thế hệ người Nam Định từ hàng chục năm nay.
Đến xứ thành Nam, du khách có thể ghé thăm chợ Diên Hồng (TP. Nam Định) để thưởng thức món bún sung nổi tiếng.
Ban đầu, món ăn chỉ đơn thuần là bún riêu cua nhưng sau này được “nâng tầm” hương vị bằng cách kết hợp với quả sung và tóp mỡ, tạo thành thức quà dân dã mà cả người lớn lẫn trẻ em đều mê.
Theo bà Hiền, chủ quán bún sung đã hoạt động hơn 30 năm tại chợ Diên Hồng cho biết, trước đây bà thường thái thêm sung cho khách thưởng thức kèm bún riêu cua. Lâu dần, thực khách có thói quen thích ăn bún cùng sung và món ăn được gọi tên thành bún sung từ đó.
Bún sung là món ăn quen thuộc của nhiều người dân Nam Định (Ảnh: Phương Thảo).
Món ăn này được “nâng tầm” hương vị từ món bún riêu cua kết hợp với sung thái lát và tóp mỡ (Ảnh: Nam Anh).
Bún sung thực chất là bún riêu cua nhưng điểm nhấn ấn tượng nhất chính là phần tóp mỡ vàng ruộm tẩm ướp gia vị vừa miệng được rắc bên trên.
Ngoài ra, thực khách còn được phục vụ thêm một bát sung thái lát với rau sống. Khi ăn, khách tự trộn sung với dấm ớt, đường, bột canh tùy theo khẩu vị và sở thích riêng.
Món bún sung được nấu với “bí quyết” riêng mà chỉ người đầu bếp mới biết sao cho các nguyên liệu và gia vị phải hài hòa để cả người lớn lẫn trẻ em đều có thể thưởng thức ngon miệng.
Bởi vậy, tuy không cầu kỳ về nguyên liệu và cách chế biến nhưng bún sung vẫn chiếm trọn tình yêu của thực khách bằng vẻ dân dã và hương vị truyền thống, đậm chất miền quê.
Bún sung đơn giản từ cách chế biến đến nguyên liệu ăn kèm nhưng vẫn giữ hương vị truyền thống thơm ngon (Ảnh: @hoaianharies)
Một suất bún sung đầy đặn đủ làm no bụng người lớn chỉ có giá 10.000 đồng (Ảnh: @hoaianharies).
Thực khách có thể gọi thêm các nguyên liệu ăn kèm khác như chả cá, cá rán giòn, mọc viên,... với mức giá từ 15.000 - 20.000 đồng/suất (Ảnh: Duong Nguyen)
Nước dùng bún sung có vị ngọt thanh, dậy mùi cua đồng kết hợp với gạch cua mềm và tóp mỡ dai giòn béo ngậy. Vị chát nhẹ của sung hòa quyện vào các nguyên liệu, tạo thành món ăn bình dị nhưng hấp dẫn.
Bún sung ngon nhất là thưởng thức vào mùa đông. Giữa tiết trời se lạnh, hơi nóng và mùi thơm của bát bún tỏa ra khiến thực khách chẳng nỡ chối từ (Ảnh: @trangkoi21)
Một bán bút thông thường rất đầy đặn, gồm tóp mỡ vàng ruộm và quả sung có giá chỉ 10.000 đồng. Thực khách có thể gọi thêm chả cá, cá rán, mọc viên hay chả lá lốt ăn kèm bún sung với mức giá tăng lên khoảng 15.000 - 20.000 đồng/bát.
Bát bún sung tuy không cầu kỳ nguyên liệu như các món bún khác nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn thực khách suốt bao năm (Ảnh: Trần Kim Yến)
Nước dùng ngọt thanh với riêu cua đầy ụ, tóp mỡ béo ngậy kết hợp miếng sung chát nhẹ và rau sống thanh mát tạo thành món ngon mang đậm hương vị xứ thành Nam (Ảnh: @dunggbogg)
Với giá thành bình dân, bún sung trở thành món ăn được nhiều học sinh, sinh viên và những người lao động yêu thích, đủ làm ấm bụng mỗi sáng sớm hay chiều tan làm.
Vào những ngày cao điểm như dịp cuối tuần, quán bún sung truyền thống của bà Hiền luôn chật kín khách và có thể phục vụ hết gần 1.000 suất. Hàng ngày, các thành viên trong gia đình phải dậy từ 3h sáng chuẩn bị nguyên liệu và nấu nướng để phục vụ khách. Quán mở cửa từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối.
Chị Mai Thu (sống ở TP. Nam Định) chia sẻ: “Bún sung tuy chế biến đơn giản và nguyên liệu không cầu kỳ nhưng được xem là món ăn thanh đạm có thể thay thế thịt cá hàng ngày. Bên cạnh đó một bát bún sung bình thường cũng chỉ hơn 10.000 đồng, vừa túi tiền của mọi người.
Món ăn có giá bình dân nhưng hương vị vẫn đảm bảo thơm ngon và được chế biến sạch sẽ, cẩn thận. Mỗi lần thưởng thức bún sung, tôi lại nhớ về thời tuổi thơ khốn khó. Món ăn gợi lại kỷ niệm của nhiều đứa trẻ vùng quê, coi sung như thức quà vặt chẳng mất tiền mua mà ai cũng thích”.