“Phải lòng” ốc luộc Hà thành

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Gẩy ốc chấm với mắm cay xè, nhón thêm miếng sung muối chua chua chát chát. Hương vị tô ốc luộc giản đơn lại khiến khách Sài Gòn "thương nhớ" mãi khôn nguôi.

Thường lúc đang ở Sài Gòn thì tôi hay nhận được đôi ba lời mời kiểu “khi nào ra Hà Nội cafe nhé, gọi nhé”, hoặc khi tôi trở ngược vào Sài Gòn rồi thì sẽ nhận được câu hỏi “Ơ sao ra mà không báo”. Còn khi lang thang giữa Hà Nội, tôi chẳng nghĩ ra mình nên gọi cho ai, để làm gì.

Tôi đến Hà Nội nhiều lần nhưng hiếm khi đi ăn uống đặc sản ở đây. Chính xác với tôi mà nói, Hà Nội giống một điểm transit – quá cảnh để tôi chờ lên xe đi Sa Pa, đi Hà Giang hoặc nơi nào đó. Vậy nên mãi đến lần này, tôi mới có một buổi chiều thảnh thơi dạo chơi trước giờ ra sân bay để tập trung nghĩ xem nên tận hưởng món ăn nào.

Ngày bay từ Sài Gòn ra Hà Nội, tôi trò chuyện với một anh tài xế từng có thời gian làm ở Cần Thơ. Anh kể về khoảng thời gian làm việc ở miền Nam với những khác biệt giữa hai miền mà anh không hiểu nổi. Rằng người miền Nam ăn uống cầu kì nhưng ăn mặc thì xuề xòa. Anh bảo anh hãi hùng với mưa trong miền Nam, không thể dự báo nổi, không thể hiểu nổi, mưa gì mưa lắm thế. Nói đến bia, anh bảo khiếp thật trong đấy uống bia như uống nước lã, thế là bọn tôi cười, ủa chứ mấy anh ngoài này uống rượu khác nào uống nước lọc không? Xe đến gần bờ Hồ, tôi mới hỏi thế sao anh không ở trong ấy làm mà lại về Hà Nội. Anh bảo về thôi, về lo lấy vợ. Hóa ra là trong những ngày ở Cần Thơ, anh tranh thủ cưới được một cô vợ theo anh ra Hà Nội, nên mới quay về lái taxi cho gần gia đình.

Chiều đó, tôi đã ngồi ở Bờ Hồ thật lâu, tôi và bạn gọi 2 ly sấu dầm ngồi trò chuyện, hỏi nhau ăn món gì. Hay là ăn lẩu ếch? Thế là hai chúng tôi đi theo chỉ dẫn của một chị chuyên review món ăn người Hà Nội mà tôi follow trên instagram. Search đường từ Bờ Hồ ra Tống Duy Tân khoảng 1,5km, quất bộ thôi. Ra đến nơi, như chỉ dẫn, tôi tìm đúng số 28 Tống Duy Tân tìm quán lẩu Thắng Béo, nhưng chỉ thấy 1 căn nhà hoang tàn đổ nát tối tăm, xung quanh vẫn là hàng quán tấp nập sáng trưng. Lẽ nào quán chuyển địa điểm?

“Phải lòng” ốc luộc Hà thành - 1

Quầy hàng ốc đơn giản

Đói quá sau quãng đường đi bộ khá xa, tôi và bạn bèn đi đến cuối đường, may sao lúc này nhìn thấy quán ốc đông ơi là đông bèn tấp ngay vào không suy nghĩ. Vào cái có bàn ngồi ngay, mấy người đến sau còn phải chờ mới có bàn ngồi. Đi ăn về mới biết quán ốc này siêu siêu nổi tiếng tên gọi là Ốc Bà câm.

Quả thực, ốc ở đây rất ngon! Thảo nào anh lái taxi bảo người miền Nam ăn uống cầu kì, làm gì có vụ ốc luộc sơ sài thế này rồi ăn. Phải xào me xào muối xào dừa gì đó, rồi nướng rồi xào trứng muối rang bơ đủ kiểu kín cái menu 2 trang. Còn ốc Hà Nội, chỉ có 3 loại: ốc to, ốc bé và ốc lẫn chế biến theo một phương pháp duy nhất: luộc. 2 đứa tôi gọi 1 tô to, 1 tô bé, thêm 2 chai bia Hà Nội. Mắm làm cũng ngon lắm nhé, ốc thì béo, sạch, thơm.

“Phải lòng” ốc luộc Hà thành - 2

Mâm ốc luộc hấp dẫn

Tôi để ý thấy mấy anh chị tây balo đi qua nhìn thấy món lạ cũng tò mò vào thử. Quán còn bán cả nem rán với chân gà sả tắc, ngao hấp. Menu ngắn gọn dễ gọi đỡ suy nghĩ.

Lần đầu tiên tôi biết nước ốc cũng là một cực phẩm, đến mức tôi phải xin thêm 1 chén, gọi thêm 1 tô ốc to ăn cho đã thèm. Gẩy ốc chấm với mắm cay xè, nhón thêm miếng sung muối chua chua chát chát. Nước mắm chấm ốc là sự tổng hòa của sả, lá chanh, gừng, ớt cùng gia vị như chanh, đường, vừa đẹp mắt, vừa đánh thức khứu giác lẫn vị giác. Ăn ốc cay quá thì lại uống 1 ngụm bia Hà Nội mát lạnh. Xong lại chuyển qua húp nước ốc. Nước ốc phải húp nóng mới ngon và không bị tanh nhé! Cứ thế hai chúng tôi nhâm nhi 1 mâm ốc 2 người ăn phủ phê khi tính tiền chỉ có 190k. Quá rẻ!

Sau này, nhiều khi ở Sài Gòn, tôi thèm một tô ốc luộc đơn giản như ở Hà Nội vậy thôi mà chịu chẳng biết ăn ở đâu.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Huyền Trần

CLIP HOT

Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới
Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới

Cuộc sống hàng ngày gắn liền với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, các lễ hội, trang phục truyền thống và đặc sản địa phương, thay vì chỉ giữ những điều đó cho riêng mình, cô gái trẻ quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, dùng mạng xã hội để chia sẻ những nét đẹp của người Hà Nhì với thế giới.