Hương kiệu dẫn lối Tết đến xuân về
Chẳng ai bảo ai, cứ mỗi khi nhìn thấy củ kiệu, ngửi thấy hương kiệu, là những người con đất Việt lại mặc nhiên nghĩ ngay đến Tết cổ truyền, nghĩ tới một mùa xuân mới…
Người ta cho rằng Tết cổ truyền (hay Tết Nguyên đán, Tết âm lịch) thường chính thức bắt đầu kể từ hai mươi ba tháng Chạp, tức ngày cúng đưa Ông Công, Ông Táo về chầu trời. Sau ngày đó, người ta không còn nhắc thời gian theo đúng lịch nữa, mà gọi là hai mươi bốn Tết, hai mươi lăm Tết,…, ba mươi Tết,... Nhưng thực ra, không khí Tết, khung cảnh tươi vui của một mùa xuân mới đã nhen nhóm từ trước đó rồi.
Ấy là khi tiết trời bỗng nhiên dịu lại, nắng nhè nhẹ hanh hao, gió chướng thổi về lồng lộng từng đợt, và nhiệt độ bỗng nhiên giảm xuống, mang đến những ngày cuối năm mát trời se se dễ chịu.
Ấy là khi, những nhà có trồng cây mai bắt đầu tranh thủ lặt lá, hòng cây còn có thời gian tập trung hút chất dinh dưỡng, dồn hết vào những nụ hoa be bé xinh xinh, đặng còn kịp hé nở đúng ngay mấy ngày Tết.
Ấy là khi, các gia đình xôn xao bàn tính chuyện tảo mộ, chạp mả, cùng nhau sửa sang lại mồ mả ông bà, thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên dòng tộc vào mỗi năm.
Và ấy là khi, những người bà, người mẹ, người dì, trong chiếc giỏ đi chợ đầy ắp thực phẩm trở về nhà, ngoài những thứ rau củ, thịt cá thường ngày, thì còn có thêm một món quen thuộc, nhưng chỉ được nhìn thấy mỗi năm một lần. Đó chính là củ kiệu, thức quà đặc trưng của xuân đến, Tết về!
Củ kiệu, thức quà đặc trưng của xuân đến, Tết về.
Trên cả ba miền của nước Việt ta, mỗi vùng miền, mỗi địa phương đều có các tập tục và thói quen ăn Tết cổ truyền khác nhau. Có nơi nấu bánh chưng, có vùng nấu bánh Tết. Có nơi không thể thiếu món thịt kho Tàu trong ba ngày Tết, nhưng có xứ lại nhất thiết phải có món thịt đông. Nhưng quả thật, dù là ở vùng quê hẻo lánh hay chốn thị thành ồn ã, món củ kiệu muối chua dùng cùng các loại thịt chả trong ngày Tết cho đỡ ngán, được xem như một món ăn kèm không thể thiếu trong tập quán đón Tết Nguyên đán.
Kiệu mua về đem cắt rời phần lá, bỏ rễ…
Củ kiệu mùa Tết thường được người nông dân trồng vào độ tháng tám, tháng chín âm lịch, để kịp thu hoạch vào những ngày tháng Chạp kề Tết. Củ kiệu được các bà, các mẹ, các dì đảm đang mua về nhà, khéo léo dỡ ra, cắt lá, bỏ rễ, chỉ lấy phần củ, đem phơi cho héo héo. Sau đó thì đủ các cách làm để muối chua, như củ kiệu ngâm nước muối đường, củ kiệu ngâm mắm, củ kiệu ngâm giấm,… Thành phẩm sẽ được canh ngày, trong tầm từ 7-10 ngày là có thể dùng được, vừa đúng để bày trong mâm giỗ chạp, sau đó là mâm cúng tất niên, cúng giao thừa, và ăn trong mấy ngày Tết.
Sau đó thì đủ các cách để làm kiệu muối chua, phục vụ thành món ăn kèm đỡ ngán trong mấy ngày Tết.
Những ngày cận Tết, ngôi nhà ngập tràn mùi kiệu hăng hăng. Thứ mùi đặc trưng mà mỗi khi ngửi thấy, con người ta nghĩ ngay đến hương của mùa xuân mới, nhớ ngay đến mùi của Tết. Ngửi thấy mùi kiệu là mặc định Tết đang đến thật gần, thật gần.
Trước khi được thử những miếng kiệu giòn giòn, hơi thoảng mùi hăng đầu tiên, những người phụ nữ khéo tay trong nhà đã kịp mời cả gia đình món lá kiệu xào tỏi. Chỉ là món ăn đơn giản và tiết kiệm, tận dụng nguyên liệu tưởng chừng như bỏ đi từ món kiệu muối chua, nhưng lá kiệu xào tỏi cũng đủ hương đủ vị, khiến cho bữa cơm gia đình thêm rôm rả.
Lá kiệu xào tỏi tuy đơn giản nhưng vẫn đủ hương đủ vị.
Một cái Tết cổ truyền đang đến rất gần. Nhà nhà lúc này có lẽ đã ngập tràn hương kiệu, thoảng đưa hương mùa xuân mới, mang đến một cái Tết đoàn viên ấm áp đến với mỗi gia đình.
Kỳ công từ khâu chế biến nguyên liệu đến cách thưởng thức, gỏi nhệch trở thành đặc sản hấp dẫn thực khách thập...