3 món giải ngấy cho mâm cỗ ngày Tết

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Với hương vị chua ngọt thanh mát, các món nộm, gỏi là lựa chọn "giải ngấy" không thể thiếu cho thực đơn ngày Tết.

Nộm sứa xoài xanh

3 món giải ngấy cho mâm cỗ ngày Tết - 1

Ảnh: Cooky.

Nguyên liệu:

- 200 g nộm sứa (túi đã ngâm sẵn gia vị)

- Một quả xoài xanh

- Một củ cà rốt

- Lạc

- Tỏi, ớt

- Rau thơm, rau mùi, kinh giới

- Nước mắm, giấm, đường.

Cách làm:

- Sơ chế các nguyên liệu: Đổ sứa ra một cái rá cho ráo nước. Xoài và cà rốt bào sợi, bóp nhẹ với chút muối để cho ra bớt nước rồi vắt nhẹ. Các loại rau nhặt, rửa sạch, để ráo. Lạc rang chín, giã dập.

- Pha nước trộn gỏi: Cho vào bát các thành phần nước mắm, giấm và đường theo tỉ lệ 2:2:1. Khuấy đều rồi cho tỏi, ớt băm nhỏ vào.

- Trộn gỏi: Đổ sứa, xoài, cà rốt vào bát to, rưới nước trộn gỏi lên và trộn đều. Sau đó, để hỗn hợp 10 phút cho ngấm gia vị.

- Hoàn thành: Cuối cùng, trước khi ăn, bạn trộn rau vào món nộm và rắc lạc rang lên trên.

Gỏi đu đủ Thái Lan

3 món giải ngấy cho mâm cỗ ngày Tết - 2

Ảnh: Serious Eats.

Nguyên liệu:

- 500 g đu đủ xanh

- 2 quả cà chua

- Nửa quả chanh

- 50 g đậu đũa (luộc chín tới)

- Lạc rang

- Tôm khô

- Ớt, hành tím, tỏi

- Gia vị: muối, đường, mắm, giấm

- Dụng cụ: cối và chày

Cách làm:

- Sơ chế đu đủ: Đu đủ rửa sạch, gọt vỏ, bào sợi sau đó rửa với nước pha chút muối và giấm để loại bỏ mủ. Tiếp đến, ngâm đu đủ vào nước đá để giòn hơn.

- Giã nguyên liệu trộn: Cho vào cối tỏi, muối, lạc, ớt, đường và tôm khô, giã thành hỗn hợp sền sệt, rồi đổ ra bát to. Trộn hỗn hợp với nước chanh và mắm. Kế đến, cho cà chua cắt miếng và đậu đũa luộc vào cối, giã nhẹ rồi đổ vào trộn với hỗn hợp trong bát.

- Hoàn thành: Đổ hỗn hợp trộn vào thau đựng đu đủ bào, đảo nhẹ nhàng và kỹ cho đu đủ ngấm gia vị. Có thể nêm nếm lại gia vị nếu cần. Cuối cùng, cho gỏi đu đủ vào đĩa, rắc lạc rang lên trên và thưởng thức.

Chân gà ngâm sả tắc

3 món giải ngấy cho mâm cỗ ngày Tết - 3

Ảnh: bTaskee blog.

Nguyên liệu:

- 500 g chân gà

- 150 g tắc (quất)

- 10 nhánh sả

- 10 g lá chanh

- 100 g tỏi

- 10 quả ớt nhỏ

- Một củ gừng

- Gia vị: đường, rượu trắng, nước mắm, giấm, muối.

Cách làm:

- Sơ chế chân gà: Chân gà rửa sạch, chặt bỏ móng rồi ngâm với nước pha rượu trắng và gừng đập dập để khử mùi. Sau đó, xả lại chân gà với nước lạnh, để ráo rồi chặt làm đôi.

- Sơ chế các nguyên liệu khác: Sả phần củ cắt lát mỏng, còn phần lá cắt khúc, đập dập. Lá chanh cắt sợi. Gừng, tỏi bỏ vỏ, cắt lát mỏng, ớt thái nhỏ. Tắc cắt đôi, bỏ hạt để không bị đắng.

- Luộc chân gà với muối, gừng và một nửa phần sả đã đập dập. Khi chân gà vừa chín tới, vớt vào thau nước đá và để ngâm khoảng một phút. Sau đó, đổ nước đi, để chân gà ráo nước, rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 20 phút cho có độ giòn.

- Pha nước ngâm theo tỷ lệ: 300 g đường, 100 ml giấm trắng, 100ml nước mắm, 500 ml nước lọc, nửa thìa muối. Đun sôi hỗn hợp rồi tắt bếp.

- Ngâm chân gà: Để nước ngâm nguội hẳn rồi cho tắc, sả, ớt, tỏi, gừng, lá chanh và chân gà vào, trộn đều. Chân gà có thể ăn được sau khi ngâm 8 tiếng đồng hồ và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh 4-5 ngày.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

An Ngọc (Zing News)

CLIP HOT

Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa
Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa

Ăn một miếng phở Vân Cù, người sành ăn sẽ nhận ra thứ hương vị, bánh phở không giống với bất cứ một loại phở nào. Vị ngọt đậm, béo nhưng thanh của nước dùng “quyện” trong từng sợi phở dai, giòn, bóng mướt.