Đậm đà hương mắm cá linh
Mỗi khi lũ về là bà con vùng đầu nguồn thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) lại bước mùa làm mắm cá linh - đặc sản vùng sông nước miền Tây.
Nghề làm mắm ở vùng đầu nguồn biên giới thị xã Tân Châu có từ lâu đời và được truyền từ thế hệ này sang hệ khác. Vì vậy, hương vị mắm cá linh do nơi đây làm vẫn giữ nguyên như thuở ban sơ.
Người dân ở xã Tân Châu bận bịu ngồi sơ chế cá linh.
Với người dân nơi đây, làm mắm cá linh vào mùa nước nổi là một nét đẹp truyền thống cần phải giữ gìn.
Từ tháng 9 âm lịch là thời điểm những hộ làm mắm bắt tay vào việc chuẩn bị nguyên liệu làm mắm cá linh. Theo bà con, phải là những con cá còn tươi thì nước mắm được làm ra mới giữ nguyên hương vị truyền thống.
Cá linh được làm sạch, để ráo và trộn với muối theo đúng tỷ lệ. Tiếp đến, cá được ủ vào khạp (lu), khoảng nửa tháng sau mới trộn với thính (được làm từ gạo rang vàng, xay nhuyễn). Sau đó, cá được tiếp tục ủ nửa tháng mới đến công đoạn chao đường.
Cá linh sau khi sơ chế được trộn với muối theo đúng tỷ lệ.
Sau đó sẽ được người dân cho vào các khạp để ủ.
Để mắm thơm và ngọt thanh, người làm mắm cá linh dùng đường thốt nốt để ướp, nên mắm lên màu đỏ, nhìn rất hấp dẫn.
Quá trình ủ hơn 6 tháng, phải thường xuyên mở nắp khạp để phơi nắng con cá. Sau thời gian ủ, mắm cá được lấy ra khỏi khạp để đun, nấu thành nước mắm. Công đoạn nấu để cho ra nước mắm cá linh đậm chất truyền thống cũng là bí quyết riêng của người làm mắm nơi đây.
Cách làm nước mắm cá linh đậm chất truyền thống là bí quyết riêng của người làm mắm Tân Châu.
Nước mắm cá linh có màu đỏ rất hấp dẫn.
Nước mắm cá linh sau khi nấu, thơm nứt mũi, trong vắt, mang đi kho hay làm món chấm thì... ngon “vô đối”, bởi hương vị đậm đà khó quên.