Quanh co thân ốc quanh co

Cái con ốc cả đời úp mặt không dám nhìn ai, thân ốc quanh co vặn vẹo thấy thương, nước luộc bị ví “nhạt như nước ốc”. Ấy thế mà, khi vào tay của người Hà Nội, ốc lại biến thành một món ăn chơi hấp dẫn, ngon lành và giỏi gây thèm, gây nhớ đến nỗi có hẳn một thành ngữ “ốc tháng Mười, người Hà Nội”

Cái con ốc cả đời úp mặt không dám nhìn ai, thân ốc quanh co vặn vẹo thấy thương, nước luộc bị ví “nhạt như nước ốc”. Ấy thế mà, khi vào tay của người Hà Nội, ốc lại biến thành một món ăn chơi hấp dẫn, ngon lành và giỏi gây thèm, gây nhớ đến nỗi có hẳn một thành ngữ “ốc tháng Mười, người Hà Nội”

Món ăn vùng nào đều có mối quan hệ chặt chẽ về mặt địa lý, văn hóa của vùng đất ấy. Con ốc chẳng hạn. Khi nói đến ốc của Sài Gòn, Hải Phòng - những nơi cũng có thương hiệu ốc, người ta nghĩ ngay đến hàng chục món ốc hấp dẫn, song đa phần đều là ốc biển hoặc ốc nước lợ.

quanh co than oc quanh co - 1

Còn con ốc của Hà Nội là ốc nứa, ốc đá, ốc mít, ốc nhồi, ốc bươu,… những cư dân của hàng nghìn ao hồ lấp lánh như những con mắt ở chốn này. Địa thế của Hà Nội là nằm giữa sông Hồng và sông Tô Lịch, lại lắm hồ lớn, ao nhỏ, nên không gian mặt nước dày đặc, phù hợp cho sự sinh sôi của con ốc.

Không biết con ốc “bò” vào bếp của người Hà Nội từ bao giờ, nhưng rõ ràng, người Hà Nội có một kho kiến thức đồ sộ về việc chế biến ốc, nấu ốc thành cả chục món ngon khác nhau, mà món nào cũng đậm khí chất, phong vị riêng của Hà Nội, nơi khác khó thể nào bắt chước.

quanh co than oc quanh co - 2

Để có được con ốc ngon, các bà nội trợ Hà Nội sẽ không bao giờ mua ốc vào những ngày hạ huyền, khi mặt trăng hao khuyết thành hình lưỡi liềm hay hoàn toàn biến mất trong giai đoạn đầu hoặc cuối tháng âm lịch.

Bài đồng dao “Mồng một lưỡi trai, mồng hai lá lúa, mồng ba câu liêm, mồng bốn lưỡi liềm…” ngoài việc mô tả chu kỳ của con trăng, có lẽ còn dùng để tính ngày nào ăn ốc hay không ăn ốc nữa. Vì con ốc trong những ngày hạ huyền hay không trăng thường sinh sản nên ốc gầy, ít thịt, không thơm, đã thế còn lắm ốc con, ăn lạo xạo không ngon.

Thế vậy, ốc ngon phải là khi trăng tròn. Ốc béo nần nẫn, toàn thân mướt rượt, khẽ nhể là toàn bộ con ốc tót ra khỏi vỏ, ruột sạch lại không có ốc con. Thật kỳ diệu khi mặt trăng không chỉ tác động đến thuỷ triều, con nước, con người mà cả với con ốc. Trăng càng tròn, ốc càng ngon. Và ốc ngon nhất là vào mùa thu.

quanh co than oc quanh co - 3

Ngày xưa, mâm cỗ trông trăng Trung thu của người Hà Nội ngoài bánh nướng, bánh dẻo và trái cây dành cho trẻ con, không thể thiếu món ốc luộc lá bưởi, lá chanh, lá gừng chấm với cái thứ nước chấm rực rỡ gừng, ớt giã cay xé lưỡi, rắc lá chanh nếp thái chỉ thơm ơi là thơm. Đây mới chính là món ốc luộc trứ danh của Hà Nội, với những sự cầu kỳ tỉ mỉ để biến một thứ bình thường thành một món ăn đẹp đẽ.

Này nhé, cách rằm Trung Thu vài ngày, đã phải mua mớ ốc mít mới xúc trong đêm. Luộc thì ốc mít là ngon nhất, thịt thơm, ngọt, giòn. Sở dĩ phải mua sớm thế là vì phải cần ngâm ốc cho sạch chất bẩn. Ốc thường được ngâm trong nước vo gạo đặc, vừa để ốc nhả bùn, vừa để ốc ăn cho béo, cứ nửa ngày lại thay nước vo gạo ngâm ốc một lần.

Ngày cuối cùng hòa một ít dấm và thả mấy quả ớt cay đã đập dập vào chậu ốc khiến ốc cay quá phải nhả hết chất nhớt còn sót lại. Quan trọng nhất phải để ý những con ốc nổi lập lờ, đích thị là ốc chết hoặc sắp chết. Không thể tiếc hay bất cẩn được, vì chỉ một con ốc chết thôi sẽ làm hỏng cả nồi ốc luộc bởi cái mùi của nó.

quanh co than oc quanh co - 4

Như thế đã đủ để yêu cầu để luộc ốc? Chưa, ốc phải có thêm tùy tùng thì mới đi vào nồi luộc. Ốc tính hàn, nếu ăn nhiều, ăn ban đêm sẽ khiến người yếu bụng bị đau bụng. Thế nên, người Hà Nội thường dùng những thứ lá có nhiều tinh dầu ấm nóng như lá gừng, lá bưởi, lá chanh để luộc cùng ốc nhằm giảm tính hàn.

Ốc luộc chín rất nhanh nên khi nào ăn thì mới luộc. Ở cỗ trông trăng nhà tôi hồi xưa, khi bố tôi và những người bạn đã an vị, mẹ tôi mới bắc nồi. Bà lót đáy nồi bằng một lớp lá bưởi, lá gừng, lá chanh rồi mới đổ vào một lượt ốc cùng vài hạt muối và một hai thìa mẻ, rồi lại trải lớp lá, lớp ốc tiếp theo.

Bật lửa to, chỉ sau vài phút, mùi lá bưởi, lá gừng đã tỏa một mùi thơm ấm rất quyến luyến. Bát ốc nóng bốc khói nghi ngút như xông hơi, tỏa mùi thơm mạnh mẽ của lá bưởi, lá gừng, lá chanh song vẫn thoang thoảng mùi ngai ngái của ao hồ. Lấy gai bưởi hoặc gai bồ kết đực để khêu ốc mới đúng điệu, chỉ cần vặn khéo là toàn thân ốc xổ ra, quanh co, uốn lượn, núng nính.

quanh co than oc quanh co - 5

Chấm vào bát nước đủ vị mặn, ngọt, chua, cay rồi đưa vào miệng nhai nghe giòn sần sật thật là thống khoái. Chiêu thêm hớp rượu nếp than hay nếp cái hoa vàng thì càng tuyệt thú. Dưới ánh trăng ngà, câu chuyện văn chương, chữ nghĩa của bố tôi và mấy người bạn cứ nở như ngô rang, trong khi đống vỏ ốc đã vun thành ngọn.

Con ốc ngày trăng tròn đã ngon như vậy, thế nhưng, người Hà Nội còn biết một thời điểm con ốc đạt độ ngon tố hỏa hơn. Đó chính là con ốc của tháng 10 âm lịch, nghĩa là chính ở thời điểm này trong năm. Con ốc tháng 10 phải ngon xuất sắc như thế nào thì mới được sánh với người Hà Nội chứ. Tháng Mười âm lịch, giai đoạn ấm áp cuối cùng trong năm trước khi mùa đông ập đến. Vòng đời của vạn vật đều tuân theo trật tự: xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng, có nghĩa là mùa xuân sinh ra, mùa hạ trưởng thành, mùa thu thu hái, mùa đông tích trữ.

Giai đoạn cuối thu, đầu đông, con ốc cũng hối hả nạp năng lượng để đủ sức trải qua một mùa đông khắc nghiệt. Thế nên, vào thời điểm này, ốc rất béo, ruột vàng óng và căng mọng, lại không có ốc con. Thịt ốc cũng đạt ngưỡng thơm, ngon, ngọt, giòn nhất so với ốc ở các tháng khác vì nhu cầu tích trữ dinh dưỡng.

quanh co than oc quanh co - 6

Đem con ốc này ra làm món gì cũng ngon, từ ốc luộc, chả ốc, bún ốc, ốc chuối đậu, ốc hấp lá gừng, bún ốc nguội, canh ốc thả,… Cụ Tản Đà xưa kia còn biến con ốc nhồi tháng 10 thành một thứ vưu vật bằng cách nuôi ốc không phải bằng nước vo gạo đặc mà bằng lòng đỏ trứng gà trong suốt một tuần, sau đó mới đem làm món ốc hấp lá gừng.

Mẹ tôi không nuôi ốc bằng trứng gà như Tản Đà bởi nó cầu kỳ quá. Bà chỉ lấy thịt ốc nhồi đã làm sạch, thái nhỏ trộn cùng giò sống, nấm hương, cùng một chút nạc vai băm nhỏ và gia vị, hạt tiêu trộn kỹ rồi đem quết thành những viên ốc nhỏ.

Lại lấy vỏ ốc nhồi đã rút ruột đem rửa cho thật sạch, luộc qua, lau khô bên trong rồi lót vào trong lòng vỏ hai lá gừng tươi, sau đó nhồi viên ốc vào thật chặt, dùng vảy ốc đậy cho thật kín, nhưng vẫn để hai đầu ngọn lá gừng thò ra như râu ốc. Đem mớ ốc đó hấp khoảng 10 phút là vừa chín. Khi ăn, chỉ cần bỏ vảy ốc, túm hai đầu ngọn lá gừng nhấc lên là miếng ốc sẽ ra khỏi vỏ. Ăn miếng ốc hấp lá gừng sẽ cảm nhận được vị thịt ốc thơm rất khác biệt so với các loại thịt khác.

Nhưng đỉnh cao của món ốc phải là bún ốc nguội và ốc nấu thả. Trời nắng thu hanh hao, nhìn đĩa bún “hến”trắng ngần xinh xinh như những bông hoa cúc trắng, bát nước ốc trắng ngà điểm chút ớt chưng màu đỏ sẫm bảng lảng, những con ốc béo ngậy đen sẫm, đôi con có trứng vàng ngậy. Ốc giòn, ngọt, nước dùng chua nhẹ, cay cay. Cắn con ốc, gắp cái bún rồi chiêu thêm ngụm nước dùng,… các vị hài hòa ngon tuyệt.

Còn ốc nấu thả, con ốc nhồi sau khi được làm sạch mà túi ốc vẫn phải còn nguyên. Giò sống, nấm hương, tiêu trộn kỹ, quật dẻo chia viên nhồi vào cái túi dọc thân con ốc. Nồi nước hầm xương gà lọc kỹ để nước trong, nêm vừa miệng đun sôi lăn tăn thì thả những con ốc đã nhồi vào. Khi ốc nổi lên là ốc đã chín. Vớt ốc ra bát, rắc ít lá chanh, lá mùi thái nhỏ, đun nước dùng sôi lên rồi chan vào bát ốc ăn nóng.

quanh co than oc quanh co - 7

Những món ốc không quá cầu kỳ nhưng thực sự  là những món ngon đặc biệt để người Hà Nội đãi khách mùa thu.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bài: Vĩnh Quyên - Ảnh: Vĩnh Quyên, Ngọc Trần

CLIP HOT

Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa
Về 'đất tổ' nghề phở, thưởng thức chuẩn vị xưa

Ăn một miếng phở Vân Cù, người sành ăn sẽ nhận ra thứ hương vị, bánh phở không giống với bất cứ một loại phở nào. Vị ngọt đậm, béo nhưng thanh của nước dùng “quyện” trong từng sợi phở dai, giòn, bóng mướt.