Cháo cá đồng rau choại
Cháo rau, cái món ngỡ như chỉ dành cho nhà nghèo, lại chứa đựng cả một trời kỷ niệm và vẫn là thức ngon, thanh mát.
Ngày nay, rau choại cũng hiếm dần
Rau choại là loài mọc hoang trên khu vực đất ẩm thấp. Vào những ngày mưa dầm, rau choại phát triển rất nhanh, đọt lá non mọc lên tua tủa. Làng tôi có vài gia đình quanh năm chuyên sống bằng nghề hái đọt choại. Họ đem bán trong chợ. Người làng thì không cần mua. Hôm nào muốn ăn loại rau này chỉ cần cắp rổ rảo một vòng quanh các khóm đất hoang.
Đọt choại được làm thành nhiều món dễ bắt cơm, nhưng có một món khá lạ. Má tôi thỉnh thoảng nấu rau choại kèm trong cháo cá. “Cháo rau”, nghe thôi đã có vẻ là món thanh đạm nhà nghèo. Cả nhà tôi đều thích nó, nhất là ăn lúc cháo nóng hổi, trong những ngày mưa bão mù trời. Gạo nhà có sẵn, ba tôi giăng lưới được mớ cá lóc, cá rô, tôi theo chúng bạn đi hái đọt rau rừng.
Gọi “đọt choại” nhưng thật ra đó là những chiếc lá non vừa mới bung lụa, vẫn chưa kịp xòe. Bởi chúng còn quá non nên chỉ cần đưa tay hái nhẹ là được. Chiếc búp lá mọc thẳng thân rồi cuốn tròn hình xoắn ốc, xinh xắn tựa như một dấu hỏi. Đọt choại trữ nhiều chất nhờn bên trong. Chính chất nhựa ấy tạo nên hương vị đặc biệt. Dân địa phương gọi chúng là “chột”, để phân biệt với lá choại non đã xòe ra. Dây choại có lá kép lớn, xếp hình lông chim. Vẫn có thể lấy lá choại non làm rau, nhưng hầu hết mọi người thích hái “chột” hơn.
Cách má tôi chế biến “món ruột” này không có gì cầu kỳ, chỉ là nấu cháo cá thông thường. Nêm nếm xong, má thả mớ rau vào, đun lửa to cho nồi cháo sôi bùng, múc ra tô, rắc thêm ít tiêu xay là đã có thể quây quần cùng nhau ăn bữa cháo đạm bạc. Gạo nở hoa dẻo nhựa, thịt cá trắng tinh ngọt thơm, rau chín vẫn giữ màu xanh ngát nằm lẫn lộn trong tô cháo loãng. Má tôi vừa thưởng thức món chính tay mình nấu vừa tự trấn an: “Không có mấy bà hàng bông càng tốt, đỡ tốn tiền mà vẫn ăn ngon. Ngày mai, ngày kia, nếu vẫn còn mưa, má sẽ tiếp tục nấu mấy món kiểu này cho cha con bây”.
“Mấy bà hàng bông” má nói là những người bán rau thịt và nhu yếu phẩm hằng ngày. Tuy vậy, ai muốn có thêm bất cứ thứ gì thì cứ đặt hàng, họ sẽ mua hộ mọi thứ và chỉ nhận chút tiền công. Các dì thồ hàng bằng xe đạp. Vào ngày mưa, những người bán dạo ấy không thể đến được làng tôi vì con đê làng bê bết bùn nhão. Chợ xa, đường đi khó, hầu như mỗi năm dân trong xóm đi chợ chỉ vài lần. Thức ăn và những thứ linh tinh cần dùng đều nhờ hết vào đội bán dạo. Khi họ vắng mặt, mọi người sẽ tự chế các món cây nhà lá vườn như cách má chăm sóc chúng tôi.
Nhiều năm qua đi, không còn đất hoang, dây rau choại cũng hiếm dần. Lâu lắm mới thấy có người bày bán đọt choại ở chợ. Thỉnh thoảng má tôi vẫn mua về luộc, xào hoặc nấu cháo. Tôi nói với má, có lẽ hồi đó quá thiếu thốn nên ăn gì cũng thấy ngon. Bây giờ mới biết cháo rau choại cũng bình thường, nó chỉ lạ miệng một chút thôi. Má nói, đến đời tôi nó trở thành món lạ miệng là tốt rồi. Thời của má, phải ăn cháo kèm các loại rau như thế để chống đói. Thì ra, hương vị một món ăn có thể dẫn dắt mỗi người trôi về những ký ức rất khác nhau. Bây giờ, mỗi khi nhớ món cháo xưa, tôi lại tưởng tượng quãng đời gian truân đói khổ ba má đã trải qua. Thương không kể xiết.
Chỉ với hai nguyên liệu cơ bản là nếp và trám, xôi trám Cao Bằng vẫn mang đến hương vị thơm ngon khó cưỡng.