Bún chả Hàng Mành nướng thịt kiểu công nghiệp vì quá đông khách
Một quán bún chả có tên Hàng Mành ở khu tập thể Thành Công (Hà Nội) phải dùng 3 máy nướng bật hết công suất mới kịp đáp ứng kịp lượng khách vào ăn buổi trưa.
Bún chả ở Hà Nội có đặc điểm thường đông khách vào buổi trưa, nhất là khoảng 11h đến 13h.
Một quán bún chả đông khách dù mang tên Hàng Mành nhưng lại nằm trong khu tập thể Thành Công. Ông Nguyễn Văn Ngà (chủ quán) cho biết từ những năm 1997 cơ sở kinh doanh của họ chỉ là gian hàng nhỏ trên phố Hàng Mành (cách địa điểm này khoảng 7 km). Do không đủ chỗ ngồi, 2 vợ chồng ông quyết định chuyển về đây. Mặt bằng này rộng tới 300 m2 với 5 mặt tiền liền nhau.
Khoảng 5h mỗi ngày, thực phẩm được nhân viên tất bật chuẩn bị. Thịt được nướng bằng hơi nóng của bếp gas, 3 máy nướng được bật hết công suất. "Nướng bằng máy sẽ làm cho miếng thịt vàng đều hơn, rút ngắn thời gian chín mà vẫn ngon và quan trọng là đủ đáp ứng lượng khách tăng cao vào buổi trưa. Ngoài ra, nướng bằng hơi nóng của gas thay bằng bếp than đảm bảo sức khỏe cho khách hơn", một nhân viên khẳng định.
Bún được nhân viên chia sẵn theo từng suất để tiện phục vụ khách ngồi tại chỗ và mang đi. Được biết, trung bình mỗi ngày quán tiêu thụ khoảng 100 kg thịt lợn, 150-200 kg bún.
Hơn 11h, các bàn đều hết chỗ, nhân viên phải làm việc trong không khí khẩn trương kéo dài suốt cả buổi trưa.
Một suất bún chả tại quán này có giá từ 50.000 đồng, nếu thêm nem cua bể là 80.000 đồng. “Tất cả nguyên liệu đều được tôi chọn lựa từ những cơ sở uy tín. Thịt phải nhập từ công ty, nước mắm nguyên chất lấy từ Phú Quốc, công thức pha nước chấm riêng của gia đình”, ông Ngà cho biết.
"Chúng tôi đã ăn ở đây rất nhiều lần, điều đặc biệt làm nên món bún chả ngon tôi thấy là nước mắm chứ không phải thịt. Nước mắm ở đây pha vừa phải và thịt ở đây ăn nhiều mà không bị ngán", Nguyễn Gia Linh (Đại học Ngoại thương, ngoài cùng bên phải), chia sẻ.
Hiện tại, lượng khách đến với quán này tăng khoảng 30% sau khi Hà Nội được bình thường trở lại. Riêng lượng đơn giao hàng qua các ứng dụng trực tuyến đã giảm hơn nhiều so với thời gian giãn cách xã hội.
Anh Việt Hùng và chị Mỹ Linh di chuyển từ quận Cầu Giấy sang đây để dùng bữa trưa. “Đây là lần đầu tôi ăn ở quán này, thấy hợp khẩu vị, giá cả khá hợp lý”, anh Hùng nói.
Buổi trưa là khoảng thời gian quán đông khách nhất. Hai dãy bên đường chật kín ôtô và xe máy.
Một quán bún chả khác nằm trên chính phố Hàng Mành (quận Hoàn Kiếm) là địa điểm quen thuộc của nhiều du khách nước ngoài lẫn trong nước. Hàng này mở cửa từ năm 1966 đến nay và để lại nhiều ý kiến nhận xét khác nhau.
Khách đến đây chủ yếu là người nước ngoài hoặc người dân từ các tỉnh, thành tới Hà Nội ghé vào ăn. "Hiện tại, du lịch trong và ngoài nước đã dần mở cửa trở lại nhưng lượng khách đến với quán không tăng nhiều. Nguyên liệu nhập vào tôi vẫn lấy như trước đây không tăng thêm gì”, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền (chủ quán), cho biết.
Một suất bún chả ở Hàng Mành bao gồm chả băm, chả lá lốt và chả miếng, giá khoảng 50.000-70.000 đồng.
Nem cua bể là món ăn kèm được nhiều thực khách ưa thích. Bởi vậy mà những hàng bún chả đông khách đều phải bán kèm. Vào những đợt cao điểm quán này bán được khoảng 250-350 chiếc nem (giá 20.000 đồng) trong một buổi trưa.
Chị Hiền (bên phải, đến từ Đà Nẵng), chia sẻ: “Bún chả Hà Nội khác so với các thành phố ở miền Trung. Nước chấm ở đây đậm đà và thanh hơn, một suất khá là đầy đặn. Tôi đánh giá cao nhất món nem cua bể vì nhân đầy đặn và chắc, không bị rời rạc như các quán tôi từng ăn”.
Ngày 26/3/2022, chương trình giới thiệu ẩm thực đặc sắc địa phương lần thứ IX-2022, khách sạn Grand Sài Gòn ra mắt hai...