Bánh mì Sài Gòn, miền ký ức về lòng hiếu khách và sẻ chia

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mạ (mẹ) từ miền Trung vào Sài Gòn chữa bệnh. Mỗi lần thưởng thức những món ngon, bà lại say sưa kể về chuyến “di cư” vào Nam hơn 40 năm trước cùng chiếc bánh mì của người phụ nữ Sài Gòn rất “sành ăn” và hào sảng.

Năm 1979, mạ cùng cậu tôi và người dân trong xã gói ghém bao hy vọng khi đón chuyến tàu vào Nam đi kinh tế mới. Từ ga Mỹ Trạch (Lệ Thủy, Quảng Bình), tàu hỏa lăn bánh suốt 2 ngày đêm, điểm đến cuối cùng là ga Sài Gòn. Những chuyến xe đò bắt đầu trờ đến, nhộn nhịp đến và đi như con thoi, chở dòng người lao động trẻ ngược lên các tỉnh miền Đông như Đăk Lăk, Kon Tum, Gia Lai… Đoàn của xã mạ tôi phải lưu trú lại nhà khách ở Thủ Đức trong 3 ngày đêm để chờ những chuyến xe được “chi viện”, sau đó mới có thể đến “miền đất hứa” Bình Phước.

Dù từng xa nhà đi Thanh niên xung phong ở Thạch Hãn (Quảng Trị), nhưng đây là lần đầu tiên mạ rời xa lũy tre làng đến hàng nghìn km. Khi đó, bà vừa tròn 19 tuổi. Những phố xá, con người, giọng nói, món ăn ở Sài Gòn trở thành miền ký ức khó quên.

Sáng cuối cùng ở Sài Gòn, xe đò còn chưa tới, mạ xắn tay áo giúp người phụ nữ đối diện khu lưu trú dọn sạch đám lá trâm trước nhà mà chẳng chờ nhờ vả. Người phụ nữ trạc 50 tuổi, mái tóc xoăn cắt ngắn lấm tấm hoa râm nở nụ cười hiền, hồ hởi mời mạ tôi vào nhà.

Bánh mì Sài Gòn, miền ký ức về lòng hiếu khách và sẻ chia - 1

Ở tuổi 64, mạ tôi vẫn say mê kể về món ăn ngon nhất khi bà đến Sài Gòn vào năm 19 tuổi.

Bên trong căn nhà tường xây, sơn xám, gian bếp ngăn nắp có lò than rực hồng, người phụ nữ thoăn thoắt một lúc, mùi thơm lừng đã nhảy nhót khắp góc bếp. Bà cười nói hào sảng, đặt trước mặt mạ tôi chiếc đĩa có ổ bánh mì nướng vàng ruộm còn nóng hổi, chiếc chảo nhỏ có trứng chiên lòng đào và thịt thái mỏng tỏa mùi thơm lừng. Đến đất khách quê người, đó là lần đầu tiên mạ tôi được thấy bánh mì, học cách ăn độc đáo của người phụ nữ lạ. Chiếc bánh mì được xé từng mẩu, giòn rụm, chấm lớp trứng lòng đào mềm mịn, kẹp một ít thịt và bắt đầu thưởng thức trọn vẹn vị thơm ngon.

“Hồi ấy quê nghèo, cơm còn độn khoai. Vô Sài Gòn mạ mới được đãi món ngon đến thế”, mạ xuýt xoa nói và kể thêm, nhờ người phụ nữ hiếu khách, bà mới biết thêm về gốc gác của chiếc bánh mì được người Pháp du nhập vào Việt Nam từ thời trước, trở thành món ăn sáng phổ biến ở Sài Gòn với nhiều cách ăn sáng tạo khác nhau. Người sành ăn cũng không cần chế biến cầu kỳ vẫn có thể thưởng thức trọn bữa ăn ngon với trứng gà ốp la lòng đào, pate, thập cẩm, hoặc chỉ bánh mì nướng giòn chấm sữa đặc cũng mang lại hương vị riêng.

Trước khi xe chuyển bánh, người phụ nữ chất giọng miền Nam ngọt ngào đặt vào tay mạ tôi bịch bánh mì nướng còn nóng hổi và hộp sữa đặc để làm quà gửi đến những vị khách phương xa khi có dịp dừng lại Sài Gòn, dù là ít ngày ngắn ngủi. Mạ kể, bà chỉ kịp biết và ghi nhớ tên người phụ nữ ấy là Thanh Mai. Bóng hình người phụ nữ Sài Gòn hiếu khách, hào sảng và hương vị chiếc bánh mì đầu tiên đã khắc sâu vào tâm khảm bà. Bà nói, đó là bánh mì ngon nhất trong cuộc đời không chỉ vì món ăn, cách ăn, mà chứa đựng tình người dù những người xa lạ.

Bánh mì đã đi muôn phương, đến mỗi địa phương đã ít nhiều có những biến tấu tạo nên những nét riêng trong văn hóa ẩm thực. Ở Sài Gòn, cách ăn bánh mì cũng đổi dần theo năm tháng. Những xe bánh mì hiện diện khắp nẻo đường phù hợp với sự tiện lợi, dễ dàng cho dòng người đến và mang đi, dần dần trở thành một phần trong nếp sống của người trẻ.

Tôi đón mạ vào Sài Gòn từ hồi đầu năm, khắc khoải tìm địa chỉ có bánh mì giữ hương vị và cách ăn xưa. Ngày mạ còn đi lại được, tôi đưa bà đến bánh mì Hòa Mã (quận 3). Nhìn ổ bánh mì vàng ruộm, chiếc chảo nhỏ còn tỏa khói có trứng gà lòng đào, thịt nguội thái mỏng, chả lụa chiên, pate, bơ… và những khách thập phương ngồi trầm tư thưởng thức, bà nao nao lòng nhớ lại thời tuổi trẻ có dịp trú chân tại Sài Gòn và tấm lòng thơm thảo của người phụ nữ hào sảng. Không sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn để tường tận về cách ăn chính gốc, với mạ và tôi chỉ đơn giản là tìm về miền ký ức vụn dù năm tháng qua đi.

Bánh mì Sài Gòn, miền ký ức về lòng hiếu khách và sẻ chia - 2

Bánh mì Hòa Mã, vẫn giữ cách chế biến và bài trí ngay trong chảo giống với ký ức của mạ tôi khi lần đầu tiên trú chân tại Sài Gòn.

Sài Gòn rộng lớn và năng động dung chứa đủ món ngon khắp các miền, có cả hương vị nguyên bản và giao thoa. Nào là bánh canh bột gạo miền Trung, bánh mì, bún bò Huế, bánh canh cua, bún mọc, bánh cuốn nóng, phở Hà Nội, cơm tấm…, mỗi ngày mạ như sống ở ngay quê nhà với món ăn hương vị thân thuộc, hoặc bất ngờ đến mỗi vùng miền qua từng đặc sản.

Tôi nói với mạ “Sài Gòn vẫn luôn hào sảng, và hiếu khách”. Nước miễn phí khắp các con đường. Bánh mì 0 đồng cho người thập phương trong lúc khốn khó. Cơm tấm, cơm chay, cơm mặn miễn phí ở các bệnh viện tiếp thêm nghị lực cho người bệnh giữa lúc khó khăn. Khi được hỏi về hương vị ẩm thực bà cảm nhận được sau nhiều ngày ở Sài Gòn, mạ nói với tôi đại ý rằng, đó không chỉ là mặn, ngọt, chua, cay, đắng… của gia vị giao hòa cùng nguyên liệu chính, mà còn là cảm xúc của người thưởng thức với từng món ăn. Là niềm biết ơn, cảm mến, khắc khoải khôn nguôi trước tình người, tấm lòng hiếu khách, lá lành đùm lá rách trong đời…

Bánh mì Sài Gòn, miền ký ức về lòng hiếu khách và sẻ chia - 3

Bánh mì Sài Gòn, miền ký ức về lòng hiếu khách và sẻ chia - 4

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hoài Thương

CLIP HOT

Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới
Hotgirl triệu view và hành trình đưa văn hóa, đặc sản vùng cao ra thế giới

Cuộc sống hàng ngày gắn liền với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, các lễ hội, trang phục truyền thống và đặc sản địa phương, thay vì chỉ giữ những điều đó cho riêng mình, cô gái trẻ quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, dùng mạng xã hội để chia sẻ những nét đẹp của người Hà Nhì với thế giới.