5 món bún miền Tây có tên "độc lạ" nhưng ăn siêu ngon

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sẽ thật đáng tiếc nếu đi du lịch miền Tây mà các bạn không thưởng thức những món bún có tên cực lạ mà lại siêu ngon này.

Bún kèn

Nếu có dịp đến 2 vùng đất miền Tây là An Giang và Kiên Giang, bạn nhất định phải thử ngay món bún kèn. Tên gọi lạ lẫm của món bún này được vay mượn từ ngôn ngữ của đồng bào người Khmer. Theo đó, "kèn" có nghĩa là được nấu bằng nước cốt dừa.

Phần nước dùng của bún kèn được nấu bằng dừa nạo vắt lấy nước, nên khi ăn có vị béo và thơm đặc biệt của dừa. Tuy cùng là bún kèn, nhưng món ăn này ở An Giang và Kiên Giang lại có nét riêng.

5 món bún miền Tây có tên "độc lạ" nhưng ăn siêu ngon - 1

Topping của bún kèn An Giang là những miếng cá được phi lê kĩ lưỡng, rồi xào chung với bột nghệ, bột cà ri, đinh hương,… để tạo màu và làm dậy mùi. Còn bún kèn ở Kiên Giang thì cá lại được xay nhuyễn, sau đó đem xào với sả, ớt, tỏi cho đến khi tơi ra. Ngoài ra, nước dùng của bún kèn Kiên Giang cũng thường sệt và ít hơn bún kèn An Giang.

Bún quậy

Nếu đặt chân đến Phú Quốc, bạn nhất định phải thử món bún quậy trứ danh. Bún quậy hay còn gọi là bún tươi hải sản với các thành phần chính gồm mực, chả tôm, chả cá... Món ăn này có nguồn gốc từ bún tôm miền Trung và được bán phổ biến ở Phú Quốc từ khá lâu. Sau này, người dân địa phương cải biến lại, thêm bớt một số nguyên liệu và gia vị để phù hợp với khẩu vị, từ đó món bún quậy ra đời.

5 món bún miền Tây có tên "độc lạ" nhưng ăn siêu ngon - 2

Sở dĩ được gọi là bún quậy vì món ăn phải quậy rất nhiều. Từ lúc nấu, người đầu bếp đã phải quậy nhiều để hải sản chín đều. Một điểm đặc biệt khác là nước dùng của bún quậy không được nêm nếm bất kỳ gia vị nào, mà thực khách sẽ là người nêm sao cho hợp khẩu vị nhất. Sau khi đã cho đủ nguyên liệu như muối, đường, bột ngọt, ớt, chanh.. vào bát, bạn cần quậy mạnh để nước dùng sánh lại. Nước dùng sẽ rất ngon khi gia vị tan hết và chuyển sang màu đỏ cam.

Bún gỏi dà

Bún gỏi dà khá phổ biến ở một số tỉnh miền Tây, nhất là Sóc Trăng. Theo người dân địa phương, món ăn có nguồn gốc từ món gỏi cuốn. Tuy nhiên, thay vì cuốn các nguyên liệu như bún, tôm, tép, thịt luộc, rau sống... lại với nhau, người miền Tây lại cho tất cả vào tô để và (lùa) như cơm. Do cách phát âm từ "và" thành "dà" mà từ đó bún gỏi dà ra đời.

5 món bún miền Tây có tên "độc lạ" nhưng ăn siêu ngon - 3

Trước đây, bún gỏi dà là món bún khô. Mỗi phần sẽ bao gồm một tô bún kèm chén nước dùng. Nhưng hiện tại, phần nước dùng đã được chan trực tiếp vào trong tô để dễ ăn hơn. Nước dùng của bún gỏi dà có vị chua của me và mùi đặc trưng của tương hột. Đây chính là điểm nhấn khiến món ăn trở nên khác biệt.

Bún nhâm

Món bún nhâm xứ Hà Tiên, Kiên Giang thường được bán cùng với bún kèn. So với món bún kèn, món bún nhâm tôm khô ít phổ biến hơn nhưng vị ngon không thua kém là bao.

5 món bún miền Tây có tên "độc lạ" nhưng ăn siêu ngon - 4

Thành phần làm nên bún nhâm gồm bún tươi, chà bông tôm khô, nước cốt dừa, giá, rau thơm các loại, rau sống, đu đủ bào sợi, nước cốt cá... Khi ăn, bạn chỉ cần trộn đều các nguyên liệu lên, rồi rưới thêm chút nước chấm mặn ngọt là đã có được một tô bún thơm ngon, đậm đà.

Bún suông

Bún suông là một trong những món đặc sản mà bạn nên thử khi ghé thăm Trà Vinh. Món bún này không chỉ độc lạ ở cái tên mà còn cuốn hút thực khách bởi nguyên liệu và cách chế biến độc đáo.

5 món bún miền Tây có tên "độc lạ" nhưng ăn siêu ngon - 5

Thành phần chính của bún suông chỉ gồm bún, tôm và thịt ba chỉ. Đặc biệt, những con tôm tươi sẽ được xay thật nhuyễn mịn, tẩm ướp các loại gia vị, quết nhiều lần để tạo độ dai và được nặn thành từng sợi dài.

Sự hấp dẫn của món này chính là nước dùng mang đậm chất Trà Vinh. Nước dùng không trong mà có màu nâu đậm, bởi được hầm từ xương heo, khô mực, đầu tôm,... trong nhiều giờ rồi cho thêm một ít me và tương hạt, tạo nên vị ngọt thanh lại vừa thoang thoảng hương thơm của tương rất hấp dẫn.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Như Khánh (Sao Star)

CLIP HOT