Thực khách "sôi bụng" với bơ núi lửa
Bơ được trồng ở vùng đất núi lửa thơm ngon lạ kỳ, nhất là về độ dẻo, màu sắc và hương vị. Chỉ cần nghe tên của nó thôi cũng đủ làm thực khách "sôi bụng", phải tìm đến thử.
Khi trồng bơ tại khu vực núi lửa Nâm Kar, Đắk Nông, người dân phát hiện quả bơ vùng đất này có những đặc trưng riêng, nhất là về độ dẻo, màu sắc và hương vị. Từ đó họ quyết định dốc hết vốn liếng, tâm lực để phát triển cây bơ.
Từ kết quả ban đầu, người dân đang nỗ lực xây dựng thương hiệu bơ gắn với địa danh núi lửa Nâm Kar và tạo giá trị đặc trưng của địa phương. Ảnh: Hồng Thoan
Người nông dân ở đây cho rằng, đất đai, khí hậu khu vực núi lửa Nâm Kar có những khác biệt so với nơi khác. Đây là những giá trị riêng, không nơi nào có được.
Bơ được trồng chủ yếu là những loại bơ đặc sản như bơ booth, 034, hass... Các giống bơ này có tính ưu việt lớn, khắc phục được những hạn chế của bơ thông thường như vỏ mỏng, dễ hư hỏng khi thu hái, thời gian chín ngắn... Điều quan trọng hơn, thị trường trong nước và thế giới đang rất ưa chuộng.
Gần đây, một số hộ dân bắt đầu ghép bơ booth vào các chồi bơ pinkerton, hass, reed. Đến nay, những vườn bơ này đã cho thu hoạch chính, với năng suất khá cao, khoảng 15 tấn/ha. Các giống bơ đặc sản khi ghép vào gốc bơ booth rất phù hợp, chỉ khoảng 1 năm sau là cho quả. Đặc biệt, do cho thu hoạch trái vụ, nên sản phẩm bơ rất dễ tiêu thụ.
Điểm đặc biệt nữa là bơ có hàm lượng dầu rất cao, đáp ứng tốt yêu cầu của các nhà máy chế biến tinh dầu. Hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá nhiều loại bơ xuống thấp. Nhưng bơ núi lửa cơ bản vẫn giữ được giá bán, ít phụ thuộc vào thị trường.
Bơ vùng đất núi lửa có những đặc trưng riêng, nhất là về độ dẻo, màu sắc và hương vị. Ảnh: Hồng Thoan
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông, bơ vùng núi lửa Nâm Kar được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Bởi vì cây bơ được trồng trên nền đất đỏ bazan, hòa trộn với khoáng chất được hình thành từ núi lửa phun trào. Quả bơ ở đây có giá trị riêng như kích cỡ to, đẹp, mùi vị thơm, dẻo...
Theo Ban quản lý Công viên địa chất Đắk Nông, dãy núi lửa Nâm Kar được hình thành từ 3 núi lửa gồm một điểm nón than chính và hai nón than phụ, nằm cạnh quốc lộ 28 thuộc thôn Phú Sơn, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô.
Điểm nón than chính và cao nhất 60m có đường kính 220m, miệng nhỏ sâu khoảng 20m tính từ đỉnh núi, có hình dạng oval điển hình. Điểm có độ cao 660m so với mực nước biển, được cấu tạo chủ yếu từ xỉ, mỗi viên xỉ có đường kính trung bình vài centimet.
Về hướng Bắc cách vài chục mét, là một nón xỉ nhỏ hơn, cao 24,2m và có độ cao 605m so với mặt nước biển. Được tạo thành do quá trình phun nổ, gồm xỉ và bom núi lửa có đường kính khoảng 10cm kết dính với nhau.
Miệng núi lửa có hình móng ngựa do các pha phun trào dung nham ở các thời kì khác nhau, đồng thời hình thành nên cánh đồng dung nham pahoehoe có diện tích khoảng 4.75km2 trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Dãy núi lửa Nâm Kar được hình thành từ 3 núi lửa gồm một điểm nón than chính và hai nón than phụ. Ảnh: Đ.K
Hoạt động phun trào cũng tạo nên các bom núi lửa với nhiều hình dáng và kích cỡ khác nhau, đã tạo nên lớp màng thủy tinh do sự nguội lạnh quá nhanh chóng. Sau đó, khi dung nham bắt đầu ít khí gas và lỏng hơn, chúng dễ dàng chảy ra xa để tạo nên cánh đồng dung nham pahoehoe.
Với hình dạng được bảo tồn khá nguyên vẹn, dãy núi lửa Nâm Kar được xem là núi lửa rất trẻ, có niên đại dưới 10.000 năm tuổi. Đây là một điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai yêu thích nghiên cứu, khám phá những giá trị địa chất, địa mạo đặc trưng của vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.