Tương lai của phố cà phê đường tàu
Tuyến đường sắt qua nội đô sẽ biến mất cùng với việc di dời ga Hà Nội, thay thế bằng tuyến metro Ngọc Hồi - Yên Viên. Dù vậy, tương lai của phố cà phê đường tàu vẫn còn là dấu hỏi.
Sinh sống và kinh doanh tại phố cà phê đường tàu đoạn qua Phùng Hưng từ nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Dung chứng kiến nhiều lần các hàng quán ở khu vực này phải tạm ngừng hoạt động, dựng rào chắn, các hộ kinh doanh bị thu hồi giấy phép... Lần gần nhất là ngày 15/9.
Tương lai của đoạn phố này đang được chính quyền Hà Nội và ngành giao thông vận tải xem xét, sau hàng loạt những đề xuất về việc khai tử hàng quán tại đây. Trong khi đó, theo quy hoạch chung của thành phố, tuyến đường sắt chạy qua khu vực có thể sẽ không còn tồn tại.
Vì sao không an toàn nhưng người dân vẫn sinh sống?
"Phố cà phê đường tàu" là tên của một đoạn đường nằm dọc hai bên tuyến đường sắt từ ga Hà Nội đến ga Long Biên, chạy cắt qua đường Lê Duẩn - Trần Phú - Cửa Đông và Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây được đánh giá là điểm đến được đa số khách nước ngoài lựa chọn khi đến thủ đô.
Chị Nguyễn Thị Dung cho biết, gia đình chị được cấp nhà sinh sống ở đây từ năm 1976. Do đó, chị chứng kiến sự thay đổi của khu phố này từ những ngôi nhà làm bằng nứa, nhà tập thể đến những ngôi nhà riêng kiên cố như hiện nay.
"Nếu cho rằng khu vực này không an toàn thì vì sao chúng tôi vẫn ở đây suốt bao nhiêu năm qua?", chị Dung đặt câu hỏi và nói rằng vào những ngày trong tuần không có tàu chạy, trẻ con chơi ở quanh đường ray thậm chí an toàn hơn khi chơi ngoài đường lớn.
Lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm tiến hành rào chắn khu vực phố cà phê đường tàu sau kiến nghị của ngành đường sắt. Ảnh: Trương Hiếu.
Trước thông tin chính quyền một lần nữa yêu cầu tạm dừng hoạt động cà phê đường tàu, chị Dung cho biết, người dân trong khu vực mong muốn địa phương và bộ ngành sớm có sự thống nhất về số phận của con phố này.
"Chúng tôi chỉ mong muốn được định cư và kinh doanh tại nơi mà mình đang sinh sống. Còn nếu nơi ở không an toàn, thì chúng tôi mong muốn thành phố cho di dời đi nơi khác nhưng phải đảm bảo quyền lợi bao gồm cả kế sinh nhai cho người dân", chị Dung nêu nguyện vọng.
Tuyến đường sắt có thể ngừng khai thác
Theo quy định, phạm vi bảo vệ đường sắt là 5,6 m tính từ mép ray, cộng thêm 3 m hành lang an toàn đường sắt (áp dụng với đô thị) thì khoảng cách không được xâm phạm hắt về mỗi bên là 8,6 m.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng thiếu quy hoạch đã khiến khoảng cách từ nhà dân ở xóm đường tàu đến phạm vi bảo vệ đường sắt không đáp ứng con số này. Nhiều đoạn từ cửa nhà đến mép ngoài đường ray chỉ khoảng 3 m.
Về công năng, đoạn đường ray dọc các tuyến phố Trần Phú, Phùng Hưng thuộc trục đường sắt kết nối ga Hà Nội với các tỉnh phía Đông Bắc và Tây Bắc như Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai... So với trước đây, tần suất tàu chạy hiện chỉ còn hai ngày cuối tuần với 8 chuyến/ngày cả chiều đi và về, không có tàu chạy qua vào ngày trong tuần.
Với khung thời gian tàu chạy cố định, các chủ quán kinh doanh hai bên đường thường chủ động thông báo trước khi tàu về 10-15 phút để du khách đảm bảo khoảng cách khi tàu chạy qua.
"Tôi thậm chí đã làm việc với một công ty phần mềm để lên đề án thiết lập chuông báo tàu tự động. Khi tàu về đến ga Long Biên, chuông sẽ phát cảnh báo ở phố cà phê đường tàu. Do đó, tôi cho rằng có nhiều phương án để đảm bảo an toàn cho khách du lịch ở khu vực này, thay vì dẹp bỏ", chị Dung nói.
Theo quy định, tàu chạy từ ga Hà Nội đến ga Long Biên chỉ được đi với vận tốc tối đa 15 km/h. Ảnh: Trương Hiếu.
Băn khoăn của chị Dung tương tự nhiều khách du lịch từng trải nghiệm dịch vụ tại đây, khi cho rằng vận tốc tàu chạy ngang qua khu phố này khá chậm và người dân có thể chủ động giữ an toàn. Theo quy định, tàu từ ga Hà Nội đến ga Long Biên chỉ được chạy với vận tốc tối đa 15 km/h, thấp hơn rất nhiều so với những đoạn tuyến khác.
Ngoài ra, theo quy hoạch chung về giao thông của Hà Nội, thành phố dự kiến dỡ bỏ tuyến đường sắt quốc gia hiện có gồm tuyến xuyên tâm Yên Viên - Ngọc Hồi và tuyến vành đai Hà Đông - Bắc Hồng, thay thế bằng tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 và 6.
Để thực hiện kế hoạch trên, trước mắt, Bộ GTVT sẽ phối hợp chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan di dời cơ sở hạ tầng đường sắt quốc gia như ga Hà Nội, ga Giáp Bát, để bàn giao mặt bằng cho Hà Nội triển khai thực hiện dự án.
Như vậy, trong tương lai, nếu kế hoạch này được thực hiện, tuyến đường sắt từ ga Hà Nội đến ga Long Biên sẽ dừng hoạt động, đồng nghĩa với tuyến phố cà phê đường tàu sẽ chỉ còn là cái tên.
Thế nhưng trong lúc chờ đợi tàu không còn chạy ngang qua nhà nữa, hàng chục hộ kinh doanh ở con phố này vẫn đang thấp thỏm chờ phương án chính thức của thành phố về việc "giữ hay bỏ" địa điểm du lịch này.
Xây dựng đề án cho phố cà phê đường tàu hoạt động
Theo ông Nguyễn Anh Quân - Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, hơn 30 quán cà phê dọc phố đường tàu nằm trên địa bàn quận quản lý. Thời gian qua, địa phương nhận được văn bản của ngành đường sắt kiến nghị dẹp bỏ khu vực này vì các hộ kinh doanh vi phạm an toàn hành lang đường sắt.
Trước mắt, quận chỉ đạo các phường liên quan tổ chức thu hồi giấy phép kinh doanh và đình chỉ có thời hạn đối với các hộ tại đây. Đồng thời, lực lượng chức năng sẽ có rào chắn và tuyên truyền người dân, du khách không chụp ảnh giữa đường ray, gây nguy cơ mất an toàn.
Về tương lai của phố cà phê đường tàu, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết địa phương dự kiến xây dựng đề án nhằm biến khu vực này trở thành điểm đến thu hút khách du lịch nhưng phải đảm bảo an toàn. Việc này nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cả người dân và du khách.
Cụ thể, địa phương sẽ phối hợp với ngành giao thông và đường sắt xây dựng đề án cho hàng quán tại đây hoạt động theo khung giờ, phù hợp với thời gian tàu chạy.
Phố cà phê đường tàu là điểm đến yêu thích của nhiều khách du lịch nước ngoài khi đến Hà Nội. Ảnh: Trương Hiếu.
Góp ý thêm, chuyên gia du lịch Nguyễn Tiến Đạt đưa ra phương án thành phố có thể triển khai để đảm bảo tính an toàn cho khu vực này như lắp các rào chắn, đèn tín hiệu ở các tụ điểm quán cà phê ven đường ray.
Vị chuyên gia cũng đề xuất thêm các hình thức in tranh ảnh, kể chuyện về những chuyến tàu, lịch sử hình thành đường sắt dán ở khu vực này... để du khách vừa trải nghiệm loại hình mới, vừa có sự quảng bá về văn hóa, lịch sử của thủ đô.
Ông Đạt cho rằng, Hà Nội có thể coi đây là một loại hình kinh doanh thí điểm và quyết liệt trong công tác quản lý để xem hiệu quả đến đâu. Việc cấm đoán và dẹp bỏ có thể gây ra một số hệ lụy xấu cho việc phát triển du lịch, văn hóa thủ đô.
Bên cạnh đó, ông Đạt cũng cho rằng, những tụ điểm này xuất hiện do lỗi quy hoạch từ xưa khi để người dân xây nhà tạm ngay sát đường tàu. Vì vậy, việc dẹp bỏ loại hình này là rất khó khi người dân đã bám trụ ở đây từ lâu và việc kinh doanh cà phê trở thành nguồn thu nhập chính của họ.
Cùng góc nhìn, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam - nhận định, nếu muốn dẹp bỏ, Hà Nội sẽ cần giải tỏa toàn bộ bộ phận dân cư sống sát đường tàu.
Vì vậy, ông cho rằng, Hà Nội phải có sự thống nhất về giải pháp, đảm bảo hành lang an toàn cho các đoạn đường sắt chạy qua khu vực dân cư, đặc biệt các nơi bị xâm phạm bởi hoạt động kinh doanh, bán hàng.
Nhiều du khách nước ngoài chia sẻ phố đường tàu Hà Nội là điểm du lịch “độc“ trên thế giới. Nếu dẹp bỏ, thành phố...