Du lịch Việt Nam rất cần có những chính sách, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tại phiên họp báo cáo “Kế hoạch tổng thể phục hồi du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026” đã cho thấy, những nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ phục hồi ngành du lịch đang dần gặt hái quả ngọt.

Du lịch Việt Nam hậu đại dịch khởi sắc tích cực

Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), đại dịch COVID-19 đã khiến ngành du lịch thế giới hứng chịu thiệt hại nặng nề, ước tính gần 2.000 tỷ USD. Không ngoại lệ, du lịch Việt Nam cũng đã chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về lượng khách, công suất sử dụng phòng khách sạn, tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, hàng không, vận chuyển và người lao động trong toàn ngành. Đóng góp của du lịch với phát triển kinh tế - xã hội tại các quốc gia trên thế giới cũng đều bị ảnh hưởng đáng kể.

Du lịch Việt Nam rất cần có những chính sách, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá - 1

Hồ Gươm vắng lặng bóng du khách khi đại dịch bùng phát tại Việt Nam. Ảnh: VnExpress

Phát biểu chào mừng tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết: “Để sớm phục hồi, phát triển trở lại ngành du lịch, ngày 11/10/2021, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về việc Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, nhờ đó, hoạt động du lịch nội địa được khởi động trở lại ở một số địa phương cùng với việc phát động chương trình “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” do Bộ VHTTDL khởi xướng. Ngày 20/11/2021, Việt Nam cũng đã thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế và mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022.”

Từ khi đại dịch được kiểm soát, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách quan trọng khác hỗ trợ phục hồi ngành du lịch, như cho doanh nghiệp du lịch vay với lãi suất thấp, giảm thuế VAT với dịch vụ du lịch; giảm tiền ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành quốc tế; trợ cấp tiền cho lao động ngành du lịch; giảm thuế và phí để giảm giá xăng, dầu trong nước; hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo lại lao động sau đại dịch…

Song hành với các chính sách thiết thực là sự quyết tâm chuyển mình vực dậy, phá vỡ từng lớp “băng giá” đã kìm hãm suốt hai năm qua của chính bản thân ngành du lịch. Cụ thể, với nỗ lực bao phủ vaccine toàn quốc nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho mỗi người dân đã giúp cho guồng quay cuộc sống trong những ngày bình thường mới từng bước đi vào hoạt động ổn định và nhịp nhàng. Tính mạng con người được an toàn, kinh tế được đảm bảo vững chắc đã góp phần thúc đẩy nhu cầu đi du lịch trở lại.

Từ đó, ngành du lịch đã chủ động tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động quan trọng như: lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 - Quảng Nam dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính diễn ra vào cuối tháng 3; sau đó là các hoạt động liên kết phát triển du lịch của TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM, Hà Nội với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, liên kết hợp tác giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ, liên kết hợp tác với các tỉnh Tây Nguyên tại Kon Tum, Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội năm 2022...

Du lịch Việt Nam rất cần có những chính sách, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá - 2

Quảng Nam đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2022. Ảnh: Internet

Gần đây nhất, Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM (ITE HCMC) 2022 đã chính thức trở lại sau hai năm gián đoạn, tạo nhịp cầu nối giúp các đơn vị kinh doanh du lịch tại TP.HCM nói riêng và tỉnh thành, doanh nghiệp trên cả nước nói chung quảng bá sản phẩm du lịch ra thị trường nước ngoài nhằm thu hút khách du lịch inbound. Diễn ra quy mô và trang trọng, sự kiện xúc tiến du lịch quốc tế này đã thu hút 160 người mua từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cùng sự tham gia triển lãm của 260 gian hàng đến từ 41 tỉnh thành và các doanh nghiệp du lịch uy tín trong nước. Sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, lãnh đạo cơ quan du lịch quốc gia, lãnh đạo cơ quan xúc tiến du lịch, đại diện các tổ chức du lịch quốc tế, các chuyên gia, cơ quan báo chí và doanh nghiệp du lịch đã chứng minh tầm quan trọng của ITE HCMC trong chiến lược phục hồi ngành du lịch hậu COVID-19.

Du lịch Việt Nam rất cần có những chính sách, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá - 3

Người mua quốc tế trao đổi với doanh nghiệp Việt Nam tại ITE HCMC. Ảnh: BTC ITE HCMC

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, ngành du lịch Việt Nam đang triển khai chiến dịch quảng bá với chủ đề “Sống trọn vẹn ở Việt Nam” nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài, chú trọng tăng cường thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong du lịch, xác định chuyển đổi số là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế số và phát triển du lịch thông minh, du lịch “không chạm”, “liền mạch” tại Việt Nam.

Bằng những quyết sách mang tầm nhìn chiến lược xa rộng, phù hợp với thời đại, ngành du lịch Việt Nam vươn mình mạnh mẽ như Thánh Gióng. Trong khuôn khổ Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới WTA tổ chức tại TP.HCM vừa qua, Việt Nam đã được trao 46 giải thưởng khác nhau, thể hiện sự hấp dẫn, uy tín của ngành du lịch nói chung và các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch Việt Nam nói riêng trên phạm vi thế giới.

“Trong bối cảnh và xu hướng chung phục hồi du lịch khu vực và trên thế giới, với mục tiêu tiếp tục khôi phục đà tăng trưởng như trước đại dịch, ngành du lịch Việt Nam rất cần có những chính sách, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá. Qua đó khẳng định vai trò, vị thế của ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới,” Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết.

Du lịch Việt Nam rất cần có những chính sách, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá - 4

Hình ảnh quảng bá du lịch Việt Nam đẹp ấn tượng trong chiến dịch "Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn ở Việt Nam" đã góp phần giúp tăng lượt tìm kiếm du lịch Việt Nam trên toàn cầu. Ảnh: Tổng cục Du lịch Việt Nam

Chuyên gia châu Âu đề xuất ý kiến thúc đẩy du lịch Việt Nam

Bộ VHTTDL đánh giá cao sự hỗ trợ của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và đặc biệt là nhóm chuyên gia quốc tế đã dày công nghiên cứu, xây dựng Báo cáo Kế hoạch tổng thể phục hồi Du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026. Trong đó có những đề xuất chính sách cụ thể trên nhiều lĩnh vực để tiếp tục duy trì đà phục hồi, phát triển ngành du lịch, cụ thể như: chính sách về thị thực, truyền thông, tài chính, quảng bá xúc tiến du lịch, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, đa dạng hóa thị trường, tăng cường hợp tác công - tư, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số…

Trưởng Ban Hợp tác và Phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Kristina Bunde đánh giá, Việt Nam là một đất nước có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, cần phải chú ý nhiều hơn đến việc phát triển du lịch xanh, bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội để sự phát triển chung của du lịch không làm ảnh hưởng đến tài nguyên tự nhiên.

Du lịch Việt Nam rất cần có những chính sách, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá - 5

Theo bà Kristina Bunde, Việt Nam cần chú trọng phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững. Ảnh: Internet

Bà Kristina Bunde cũng cho rằng, thời gian qua Việt Nam đã khôi phục mạnh mẽ thị trường du lịch nội địa. Muốn khôi phục thị trường quốc tế, thu hút khách quay trở lại sau dịch COVID-19, Việt Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ, ngành để tạo điều kiện tốt nhất cho du khách. Bà cũng mong muốn đẩy mạnh quan hệ giữa Việt Nam và khối EU để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển du lịch bền vững trong tương lai.

Tại phiên họp, các chuyên gia của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã trình bày mục tiêu và nội dung của dự án Kế hoạch tổng thể phục hồi du lịch do EU tài trợ; các lĩnh vực ưu tiên chiến lược; tăng cường thực hiện du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam - phát triển sản phẩm du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch; quản lý điểm đến bền vững; tiếp thị và quảng bá du lịch; chuyển đổi số trong du lịch…

Trong khuôn khổ phiên họp, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng đã bàn giao chính thức tài liệu Kế hoạch tổng thể phục hồi du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026 cho Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch và TAB. Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để nghiên cứu, sớm cụ thể hóa các đề xuất trong bản kế hoạch.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Bảo

CLIP HOT