TP.HCM: Ngôi nhà ‘đại đoàn kết’ của các dân tộc anh em
Dù là đô thị lớn nhất nước, TP.HCM có đủ đại diện các dân tộc của Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc. Thành phố luôn tạo mọi điều kiện, chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần, làm sâu đậm thêm nghĩa tình và sự đoàn kết giữa các dân tộc.
TP.HCM hiện đang có 53 dân tộc thiểu số, chiếm hơn 5% dân số tổng thể của thành phố. Trong nhiều nằm qua, thành phố đã luôn chăm lo, tạo điều kiện về vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Điều này giúp họ “siết chặt” tình thần đoàn kết, cùng vượt qua khó khăn, chung tay xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, hiện đại, nghĩa tình. Tạp chí Du lịch TP.HCM thực hiện chùm 2 bài viết ghi nhận những kết quả nổi bật trong công tác đại đoàn kết dân tộc của thành phố cũng như các đóng góp tích cực của đồng bào dân tộc cho thành phố trong thời kỳ hội nhập.
Chăm lo từ an sinh xã hội đến văn hóa tinh thần
Ngồi bên chiếc bàn nhỏ, dáng người cao, gầy cùng với đôi bàn tay thô ráp, mỗi ngày anh Du So (55 tuổi, dân tộc Chăm Islam), Trưởng ban thánh đường Chăm Malaysia - Madrasah - Noor Al – Islam (P.13, Q.3, TP.HCM) vẫn không ngừng nắn nót, truyền dạy cho con em đồng bào Chăm, giữ gìn văn hóa dân tộc.
Lớp học tiếng Chăm của anh Do So diễn ra hơn 1 tiếng đồng hồ, vào buổi sáng các ngày 2,4,6 tại thánh đường. Tuy hơi chật chội và có phần oi bức, nhưng nhìn các em nhỏ say sưa đọc, viết tiếng Chăm là anh Do So quên đi những mệt nhọc ngoài kia. “Tôi luôn muốn các em nhỏ dân tộc Chăm hiểu về văn hóa mình. Không chỉ đọc mà còn biết viết rạch ròi tiếng Chăm”, anh Du So nói.
Anh Du So (55 tuổi, dân tộc Chăm Islam), Trưởng ban thánh đường Chăm Malaysia - Madrasah - Noor Al – Islam (P.13, Q.3, TP.HCM)
Để lớp học được duy trì đến ngày hôm nay là nhờ sự chung sức, giúp đỡ của chính quyền địa phương. “Hằng tháng, đặc biệt là những dịp lễ, tết của người Chăm, chính quyền địa phương đều tới thăm, tặng quà và hỗ trợ kinh phí. Họ còn tạo thêm nhiều sân chơi, trao học bổng cho các con em là dân tộc Chăm, từ đó giúp các em có thêm động lực học tập, gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống”, anh Du So chia sẻ.
Những năm qua, dân tộc Chăm nói riêng và các dân tộc khác trên địa bàn TP.HCM nói chung luôn được chính quyền chăm lo, hỗ trợ với đa dạng hình thức từ an sinh đến văn hóa tinh thần như: tổ chức giao lưu văn nghệ, trình diễn trang phục dân tộc, xây dựng nhà tình thường, cấp học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn…
Từ một cô sinh viên quê Trà Vinh nay Kiên Thị Thúy An (24 tuổi, dân tộc Khmer) đã trở thành dân quân thường trực Ban Chỉ huy quân sự tại P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM.
“Lúc mới lên TP.HCM để học tập, em rất lo lắng và gặp không ít khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, đặc biệt là những lời chỉ dạy, quan tâm của cô chú xung quanh đã giúp em mạnh mẽ và trưởng thành hơn rất nhiều”, Thúy An bộc bạch.
Thúy An (ngoài cùng bên trái) tham gia các hoạt động giúp đỡ người dân khó khăn tại địa phương
Theo ông Hứa Sa Ni (dân tộc Khmer), Phó Trưởng Khoa Văn hóa Dân tộc Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, lãnh đạo TP.HCM luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách đặc thù giáo dục và đào tạo đối với con em đồng bào dân tộc Khmer có hộ khẩu tại TP.HCM, đảm bảo 100% con em đồng bào dân tộc Khmer được hưởng các chính sách hỗ trợ giáo dục.
Xác định vai trò quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhiều năm qua, TP.HCM luôn quan tâm làm tốt chính sách dân tộc, nâng cao chất lượng sống của đồng bào dân tộc cả về vật chất và tinh thần. Từ đó tạo ra sự đồng thuận xã hội, giữ vững ổn định chính trị-xã hội của thành phố.
Các chính sách dân tộc đặc thù trên địa bàn thành phố tập trung vào các lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội; hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề; gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào người dân tộc. Nhờ đó, cộng đồng dân tộc thiểu số tại TP.HCM luôn đoàn kết, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
TP.HCM đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào người dân tộc
Điển hình như chương trình đua ghe ngo (môn thể thao dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer) trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, do UBND Q.3 tổ chức. Để tôn vinh nét đẹp dân tộc Khmer, đơn vị còn kết hợp biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa cùng vô số những món ăn hấp dẫn như: cà rì bò (dân tộc Chăm), xôi ngũ sắc (dân tộc Tày), bún nước lèo, cốm dẹp của dân tộc Khmer… để người dân và du khách thưởng thức.
Hay giải Lân Sư Rồng mở rộng lần thứ I - năm 2023, do UBND TP.Thủ Đức tổ chức, đã thu hút các đoàn lân sư rồng khắp các quận, huyện tại TP.HCM về tham gia. Qua đó, tạo nên sân chơi bổ ích, lành mạnh, giúp các đoàn lân giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm…
Thực hiện Quyết định số 1270/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, TP.HCM đã ban hành nhiều chính sách nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di tích lịch sử, di tích văn hóa trong đó có văn hóa của các dân tộc thiểu số. Thành phố cũng phối hợp Học viện Dân tộc xây dựng mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống của ba dân tộc Hoa, Chăm, Khmer trên địa bàn gắn với phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2025; góp phần mở ra hướng mới trong nâng cao chất lượng đời sống, giảm nghèo bền vững cho cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục trong đồng bào dân tộc thiểu số được thành phố ban hành như: Miễn giảm học phí đối với học sinh người dân tộc Chăm và Khmer; hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; miễn học phí cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và cận nghèo; hỗ trợ chi phí học tập cho học viên cao học, nghiên cứu sinh là người dân tộc thiểu số… |
Không để ai ở lại phía sau
Theo thông tin từ Ban dân tộc TP.HCM, năm 2023, TP.HCM đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 10.840 trường hợp, hỗ trợ 72 căn nhà ở, nhà tình thương; dạy nghề miễn phí và hỗ trợ việc làm cho hàng trăm trường hợp. Hỗ trợ vay vốn cho 615 trường hợp với số tiền gần 28,4 tỷ đồng; miễn học phí đối với học sinh dân tộc Chăm và Khmer với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng; hỗ trợ 50 giáo viên người dân tộc thiểu số dạy tiếng dân tộc với tổng số tiền gần 500 triệu đồng.
Chăm lo cho con em là đồng bào dân tộc thiểu số
Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chủ động tổ chức thăm, tặng quà đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, khó khăn, người già neo đơn, công nhân, học sinh và sinh viên khó khăn... với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng.
Trao đổi với Tạp chí Du lịch TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Chánh Văn phòng Ban Dân tộc TP.HCM, cho hay thành phố đã và đang thực hiện hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số với phương châm không để ai ở lại phía sau, thu hẹp khoảng cách giữa dân tộc thiểu số với mức sống chung của người dân thành phố. Trong đó, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ các chiều thiếu hụt cơ bản về y tế, giáo dục, đào tạo, việc làm, điều kiện sống, thu nhập….
Riêng nửa năm 2024, Ban Dân tộc Thành phố đã tổ chức thăm và trao tặng 1.476 phần quà, trị giá gần 667 triệu đồng (trong đó, nguồn kinh phí xã hội hóa là 395 triệu đồng). Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đã chủ động tổ chức thăm và tặng 31.887 phần quà cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, người già neo đơn, công nhân, sinh viên khó khăn…với tổng số tiền gần 16,8 tỷ đồng (trong đó, nguồn xã hội hóa là 12 tỷ đồng).
Tết Chôl Chnăm Thmây, nét đẹp của đồng bào dân tộc Khmer
Ngoài ra, trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đã trao 3.642 phần quà với tổng kinh phí là 2 tỷ đồng (trong đó, nguồn kinh phí xã hội hóa là 1,7 tỷ đồng). Dịp Tết Ramưwan và tháng Ramadan của đồng bào Chăm theo tôn giáo Hồi giáo (Bàni, Islam), thành phố cũng đã trao 1.033 phần quà, với tổng kinh phí gần 581 triệu đồng (trong đó, nguồn kinh phí xã hội hóa là gần 362 triệu đồng).
Cảm kích trước sự quan tâm hỗ trợ này, anh Du So bày tỏ những chính sách về dân tộc, tôn giáo đã giúp ích và tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc, giúp họ có niềm tin, an tâm làm việc, cống hiến… “Chúng tôi luôn sẵn sàng làm việc, chung tay xây dựng TP.HCM ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, anh Du So nói. Ông Res A Bidine, Trưởng Ban quản trị Thánh đường Mubarak (phường 2, quận 8), cũng phấn khởi chia sẻ: “Từ một dân tộc thiểu số, các cháu có trình độ học vấn thấp đến nay đã có một số em vào ngành y làm bác sĩ tại các bệnh viện, một số em học cao học và có em là giáo viên đứng lớp giảng dạy tại các trường học. Đây là điều mà trước đây chúng tôi không dám mơ ước”.
Đồng bào dân tộc tại TP.HCM tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc
Ông Vương Bái Xuyên, nguyên Chánh Văn phòng Ban Bảo trợ Trung tâm Hoa văn Khải Tú, cho hay bà con đồng bào người Hoa rất phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền TP. HCM, khi đã có những chính sách thiết thực để họ yên tâm làm ăn. “Tôi cũng như bà con người Hoa hiện nay rất yên tâm phát huy tiềm lực để tham gia bảo vệ và xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn”, ông Vương Bái Xuyên nói.
Với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Thành ủy, UBND TP.HCM về công tác dân tộc, đặc biệt chăm lo về vật chất, tinh thần, tạo điều kiện và hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, góp phần giúp cộng đồng các dân tộc thiểu số, tín đồ các tôn giáo cùng đoàn kết dưới ngôi nhà chung Mặt trận Tổ quốc. Sự đoàn kết giữa các dân tộc anh em đã góp phần tạo nên sức mạnh nội tại cho mỗi cộng đồng các dân tộc thiểu số, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố hiện đại, văn minh, nghĩa tình.
Bài 2: Cộng đồng dân tộc thiểu số chung tay xây dựng TP.HCM giàu đẹp, nghĩa tình