TP.HCM cần cơ chế đặc thù để phát triển đột phá
Các cơ chế, chính sách mới rất cần thiết để tạo điều kiện cho Thành phố phát triển đột phá trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định sự cấp thiết của nghị quyết mới để phát triển Thành phố. Ảnh: Linh Nhi.
Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, cho đến thời điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý về nguyên tắc sẽ đưa vào kỳ họp thứ 5, với điều kiện hoàn thiện hồ sơ đảm bảo. Đến nay, TP.HCM đã cơ bản hoàn thiện hồ sơ sau nhiều ngày đêm nghiên cứu thực hiện.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng nêu 3 cơ chế mới trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54: Thứ nhất là cho phép hộ gia đình, các tổ chức thuê đất hằng năm được áp dụng hệ số theo bảng giá đất; thứ 2 là đa dạng hóa phương thức bồi thường để tạo quỹ đất (bồi thường bằng tiền, bằng đất theo cùng loại đất bị thu hồi, và bằng đất khác theo tỷ lệ quy đổi); thứ 3 là xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để quyết định tính liên thông, công khai, minh bạch và giải quyết nhanh các hồ sơ.
Về vấn đề đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, hiện Luật PPP không cho phép áp dụng đối với 2 lĩnh vực văn hóa, thể thao. Quá trình lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội và nhiều bộ, ngành thì nhận được sự đồng tình. Do đó, dự thảo nghị quyết đã mở rộng hình thức PPP đối với lĩnh vực này.
Về cơ chế, chính sách đặc thù cho các nhà khoa học, nhân tài, nhân lực chất lượng cao, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Thị Kim Huệ cho biết, trong nghị quyết mới sẽ mở rộng hơn nữa không gian pháp lý, tạo tiền đề, sức phát triển mới cho Thành phố tiếp tục phát huy các chính sách đột phá về vấn đề này. TPHCM đưa ra 3 nhóm chính sách gồm: miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm với yêu cầu làm việc ở các trung tâm ưu tiên của Thành phố; thu hút các chuyên gia, nhà khoa học tài năng đặc biệt vào vị trí lãnh đạo các tổ chức khoa học - công nghệ đầu ngành; chính sách thù lao để thực hiện các nhiệm vụ…
Về cơ chế đột phá cho TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng chia sẻ, nghị quyết mới có nội dung phân cấp, ủy quyền để tháo gỡ những khó khăn, bất cập cho TP Thủ Đức trong thời gian qua. Việc phân cấp được thực hiện ở 2 cấp: TPHCM phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức và TP Thủ Đức phân cấp, ủy quyền cho các đơn vị trực thuộc. Khi việc này được thực hiện thì sẽ giải quyết đáng kể về mặt thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đất đai.
Du khách tham quan trụ sở UBND TP.HCM. Ảnh: Hữu Long.
Về tổng thể, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, nghị quyết mới lần này có 43 nội dung với 4 nhóm cơ chế, chính sách.
Nhóm 1: là các cơ chế, chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 54 bao gồm các cơ chế, chính sách kế thừa toàn bộ và các cơ chế, chính sách sửa đổi, bổ sung như: HĐND TP quyết định dự toán ngân sách TP; quyết định phí, lệ phí mới; tăng mức dư nợ vay,…
Nhóm 2: là các cơ chế, chính sách có nội dung tương tự đã được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác như: HĐND TP quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; UBND thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị; …
Nhóm 3: là các cơ chế, chính sách có trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian sắp tới như: UBND TP được ban hành và áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất trong một số trường hợp; thành phố thực hiện thủ tục về giao đất, thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất hình thành sau khi thực hiện lấn biển, tạo quỹ đất mới, không gian phát triển mới cho TP.
Các cơ chế chính sách này nhằm khắc phục các vướng mắc trong thực tế triển khai, bảo đảm việc định giá đất công khai, đẩy nhanh quá trình xác định, phê duyệt giá đất cụ thể; hạn chế khiếu nại liên quan đến đất đai. Khắc phục các vướng mắc trong thực tế triển khai, bảo đảm người thu hồi đất có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, tạo điều kiện triển khai công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư.
Việc thông qua các cơ chế chính sách mới này sẽ tạo cơ sở thực tế để đánh giá về hiệu quả chính sách mới trong khi các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở,… vẫn đang tiếp tục được soạn thảo và trình thông qua áp dụng chung cho cả nước trong thời gian tới.
Nhóm 4: là các cơ chế, chính sách mới, chưa được quy định tại NQ 54/2017/QH14, chưa có trong Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác và chưa có trong các dự thảo Luật sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới, nhưng rất cần thiết tạo điều kiện Thành phố phát triển đột phá trong thời gian tới như: mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức PPP trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa; BOT đối với các dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu; thực hiện lại hình thức hợp đồng BT; cơ chế phát huy hiệu quả vai trò của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP (HFIC); cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP; phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và tổ chức bộ máy TP Thủ Đức.
TP.HCM cần cơ chế đặc thù để phát triển. Ảnh: Hữu Long.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết: “Chúng tôi rất cần sự đồng hành của các Bộ, ngành, Trung ương để tiếp tục hướng dẫn TP.HCM thực hiện. Quá trình thực hiện sẽ có những phát sinh, chúng tôi sẽ luôn có những trao đổi chuyên môn với các cơ quan để đảm bảo sự thống nhất về mặt quản lý của ngành, cũng như hướng dẫn của các đơn vị”.
Trả lời nhóm câu hỏi về tính cấp thiết của Nghị quyết mới, lãnh đạo TPHCM cho rằng, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 và 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, Thành phố tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu của cả nước; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, qua đánh giá tổng kết, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao. Việc chậm triển khai các nội dung của Nghị quyết số 54/2017/QH14 có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan như: nguyên nhân do các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định. Ngoài ra, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, thành phố dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai; đồng thời có 2 năm thành phố chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 nên thực tế thành phố không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết. Vì vậy, việc ban hành một Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu trong nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội đề ra là cần thiết. |