Theo bước chân chiến thắng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngược lại thời gian, theo bước chân thần tốc chiến thắng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 30/4/1975… 50 năm - nửa thế kỷ, những địa danh lịch sử hôm nay trở thành các “địa chỉ đỏ”- điểm tham quan du lịch nhiều thú vị không chỉ với người Việt Nam, mà còn là của du khách bốn phương.

Địa đạo Củ Chi và Trung đoàn Thép

Tháng 2/1975, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định yêu cầu huyện Củ Chi thành lập một Trung đoàn vũ trang chiến đấu. Ngày 26/3/1975, Trung đoàn Củ Chi Đất Thép chính thức được thành lập với gần 800 chiến sĩ và bước ngay vào chiến đấu. Sáng 29/4/1975, Trung đoàn nhận lệnh tập kết tại xã An Phú.

Theo bước chân chiến thắng - 1

Trung đoàn thép Củ Chi. Ảnh: Tư liệu

Ông Phạm Tấn Thành (biệt danh Hai Thành, nguyên Huyện đội trưởng huyện Củ Chi) kể lại: “Ngay lúc đó, lệnh từ Trung đoàn trưởng, anh em thuộc Trung đoàn đi trước mở đường cho quân chủ lực theo hướng Tỉnh lộ 15 để bao vây đồn Tân Thạnh Đông. Ngày hôm đó, Trung đoàn tiếp tục tiến quân về Trung tâm huấn luyện Quang Trung (huyện Hóc Môn), chờ đợi. Rạng sáng ngày 30/4/1975, cùng với quân chủ lực, Trung đoàn Củ Chi Đất Thép bắt đầu nổ súng ở vòng ngoài.

Đúng 11h40 ngày 30/4/1975, chiến sĩ Trung đoàn Củ Chi Đất Thép đã hoàn thành nhiệm vụ cắm lá cờ giải phóng trên Tòa đô chính Gia Định.

Sân bay Tân Sơn Nhất 

5h30 ngày 29/4/1975, đội hình binh chủng hợp thành Sư đoàn 10 theo đường số 1 tiến về Sài Gòn. Trung đoàn 24 là mũi nhọn đi đầu của Sư đoàn do nữ chiến sĩ biệt động thành Nguyễn Trung Kiên (Cao Thị Nhíp) dẫn đường. Đúng 11h30 ngày 30/4/1975, Trung đoàn đã kéo lá cờ "Quyết thắng" lên đỉnh cột cờ Bộ Tư lệnh Không quân Sài Gòn, nhưng phải tới 14h ngày 30/4, sân bay Tân Sơn Nhất mới thực sự im tiếng súng.

Theo bước chân chiến thắng - 2

Bức ảnh tư liệu nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Trung Kiên dẫn đường cho xe tăng của Sư đoàn 10 Quân đoàn 3 vào đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất do nhà báo Đậu Ngọc Đản chụp ngày 29/4/1975

Cũng từ cửa ngõ vào thành phố lúc này có nhà báo Ngọc Đản, ông đã “chộp” được những khoảnh khắc đẹp, vừa “dịu dàng mà hiên ngang” của cô Nhíp giữa lúc Sài Gòn khói bom còn chưa tan hết. Một trong số các bức ảnh sau đó được đăng lên trang nhất số đầu tiên của báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 5/5/1975, với dòng chữ chú thích "Nguyễn Trung Kiên, nữ biệt động 18 tuổi hướng dẫn xe tăng quân Giải Phóng chiếm sân bay Tân Sơn Nhất". Thú vị hơn, sau đó cô được đạo diễn Khương Mễ mời vào vai chính trong phim truyền hình 2 tập “Cô Nhíp”. Đây là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của điện ảnh cách mạng về miền Nam.

Cầu Rạch Chiếc và trận quyết chiến cuối cùng

Để mở đường cho các cánh quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn, Lữ đoàn 316 Đặc công - Biệt động được giao nhiệm vụ đánh chiếm, bảo vệ những cây cầu huyết mạch xung quanh thành phố, trong đó có cầu Rạch Chiếc. Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang), nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316, cho biết đánh sập cầu không khó, mà khó là phải chiếm giữ cây cầu nguyên vẹn.

Theo bước chân chiến thắng - 3

Cầu Rạch Chiếc

Phía Quân đội Sài Gòn cũng hiểu tầm quan trọng của cầu Rạch Chiếc nên bố trí phòng thủ rất chặt chẽ, nghiêm ngặt, sẵn sàng phá hủy cầu khi có tình huống xấu. Ông Tư Cang nhớ lại: “Cứ mỗi lần tấn công không thành, địch lại lùi ra rồi dùng pháo binh và trực thăng bắn phá dữ dội vào các vị trí chốt giữ của ta. Đến 12h ngày 27/4, bộ đội ta phải vượt qua sông rộng, lui về ém quân. Trong trận này, 52 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Có những đồng chí chấp nhận hy sinh để đồng đội được bảo toàn”.

Theo bước chân chiến thắng - 4

Bộ đội đánh chiếm cầu Rạch Chiếc

Ngày 29/4, đơn vị nhận được lệnh tiếp tục đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, không cho quân địch phá, chờ đại quân tiến vào. 5h sáng ngày 30/4/1975, quân ta bắt đầu nổ súng và chiếm được cầu. Đến 7h, xe tăng Quân đoàn 2 cùng các đơn vị của ta qua cầu tiến vào trung tâm Sài Gòn, Lữ đoàn 316 hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ cầu Rạch Chiếc.

Dinh Độc Lập - 11 giờ 30, ngày 30/4/1975

10h45 ngày 30/4/1975, xe tăng mang số hiệu 843 của quân giải phóng dẫn đầu đội hình đã húc nghiêng cổng phụ của Dinh Ðộc Lập, tiếp đó xe tăng mang số hiệu 390 đã húc tung cổng chính tiến thẳng vào Dinh.

11h30 cùng ngày, Trung úy Bùi Quang Thận - lúc đó là Ðại đội trưởng chỉ huy xe tăng 843 đã hạ lá cờ của chính quyền Sài Gòn, kéo lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên. Cờ phấp phới tung bay báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Theo bước chân chiến thắng - 5

Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân

Trung tướng Phạm Xuân Thệ, Anh hùng LLVTND, nguyên Tư lệnh Quân khu I, 50 năm trước, ông là Đại úy, Trung đoàn phó E66, F304, Quân đoàn 2, Binh đoàn Hương Giang. Ông là một trong những người đầu tiên vào phòng họp trong Dinh Độc Lập, bắt gọn toàn bộ nội các Chính quyền Sài Gòn. Sau đó, áp tải Tổng thống Dương Văn Minh đến Đài phát thanh, kêu gọi binh lính chính quyền Sài Gòn buông súng đầu hàng.

Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình, nguyên Phó Chính ủy Quân khu 4. Trong trận chiến cuối cùng, ông đang là Chính trị viên D8, E66, phụ trách mũi đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn. Ông kể: “Khi chúng tôi vào được tới Đài, đồng chí Toàn, trung đội trưởng, đã cắm cờ Quân giải phóng, báo hiệu ta đã chiếm được Đài phát thanh. Tôi được lệnh bảo vệ tuyệt đối sự an toàn ở Đài vì sau đó, anh Phạm Xuân Thệ sẽ áp tải Tổng thống Dương Văn Minh sang để đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện… Sau khi ông Dương Văn Minh đọc xong lời tuyên bố, khoảng 14h ngày 30/4, chúng tôi mới cho anh em sinh viên Sài Gòn thuộc Tổng đội Sinh viên Sài Gòn vào đàn hát các bài ca cách mạng. Và sau này tôi biết có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát bài Nối vòng tay lớn”…

Theo bước chân chiến thắng - 6

Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975

NSND Đặng Xuân Hải, nguyên Giám đốc Điện ảnh Quân đội, nguyên CT Hội ĐAVN, đã cùng các đồng đội của mình là Vũ Oa, Phạm Thọ, quay lại những thước phim lịch sử vô giá suốt dọc đường hành quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông xúc động chia sẻ: “Chúng tôi đã có mặt ở Dinh Độc Lập vào thời khắc lịch sử. Bằng chiếc máy quay 35 ly cũ kỹ, tôi và các đồng đội đã ghi lại được hình ảnh quân ta phất cờ trên Dinh Độc Lập. Và sau đó thì cũng “thần tốc” như khi hành quân vào chiến dịch, chúng tôi đã mau chóng hoàn thành bộ phim tài liệu lịch sử “Mùa xuân toàn thắng”, vẫn như còn mang hơi nóng của chiến trận và hạnh phúc vô bờ của ngày chiến thắng”. Những thước phim này đã được phát sóng đúng vào ngày 2/5/1975, trên sóng VTV.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Nguyên CT Hội Nhà văn Việt Nam. Ngày đó ông là chiến sĩ tăng - thiết giáp của Binh đoàn Hương Giang, Quân đoàn 2 vào thành phố, khoảnh khắc đáng nhớ đã được ông ghi lại bằng những vần thơ ngay ngày 30/4/1975. Bài thơ này được xem như một “tư liệu” đặc biệt kỷ niệm khoảnh khắc đầu tiên của hòa bình thống nhất:

“Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện

Rau muống xanh như hái tự ao nhà

Trời còn đầy ắp hoa và pháo

Nhìn nhau chưa vội mở vung ra

Màu xanh - sân cỏ xanh mải miết

Quây quần đồng đội đến vui chung

…….

Tự do xanh quá, mênh mông quá

Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi

Bỏ lại đằng sau bao trận đánh

Kịp vào thành phố sáng tên Người

Độc lập theo tăng vào cổng chính

Cờ treo trên đỉnh nước non ơi

(Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập, 30/4/1975)

Bưu điện Sài Gòn - cánh sóng viễn liên thống nhất Nam Bắc

24h ngày 30/4/1975, rạng sáng ngày 1/5/1975, sau một ngày hành quân vất vả, với khí thế thần tốc, tiến về Sài Gòn, đoàn của ông Trần Văn Thâm (Ba Cao), Phó trưởng ban Giao bưu Trung ương Cục phụ trách đã có mặt tại Bưu điện Sài Gòn theo đường giao liên công khai và đặc biệt có sự hỗ trợ của bộ phận nội tuyến.

Theo bước chân chiến thắng - 7

Một anh bộ đội gửi thư về quê nhà ngày 1/5/1975 tại Bưu điện Sài Gòn. Ảnh: Herve Gloaguen

Công tác tiếp quản diễn ra trong trật tự hết sức nhanh chóng. Sáng ngày 1/5/1975, ông Ba Cao thông báo tạm thời vẫn áp dụng mọi thể lệ quy định như cũ trong giao dịch, dùng con tem cũ, khắc con dấu mới với tiêu đề “30/4/1975” đóng lên các bì thư, bưu phẩm, bưu kiện. Cùng thời gian này việc tiếp quản Bưu điện Gia Định, Chợ Lớn đã diễn ra nhanh chóng trọn vẹn.

Khúc ca hòa bình thống nhất

Trưa ngày 30/4/1975, nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng, cùng với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã làm nên một “chiến thắng” ngoạn mục chưa từng có, chỉ trong vòng 2 giờ khi ca khúc được sáng tác và tập, hoàn thành, rồi phát sóng khắp ba miền Bắc- Trung- Nam…

Cũng ngay trong đêm 30/4/1975, ca khúc Đất nước trọn niềm vui ra đời tại nhà riêng của nhạc sĩ Hoàng Hà ở Hà Nội khi ông chưa từng biết đến Sài Gòn. Ca khúc phát sóng sáng 1/5/1975 và được thể hiện lần đầu tiên qua giọng ca của NSND Trung Kiên... :“Hội toàn thắng náo nức đất nước/ Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang/ Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam/ Tổ quốc anh hùng”.

Đêm 30/4/1975, nhà báo Đăng Trung của báo Tiền Phong đã viết bài báo với cái tít: "Từ thành phố này, Người đã ra đi". Đêm 1/5/1975 với nhiều cảm hứng, ông sáng tác bài thơ với cái tứ ấy. Như một ngẫu nhiên kỳ lạ, sáng 2/5/1975, nhạc sĩ Cao Việt Bách đến chơi và ngay hôm sau, 3/5/1975, Cao Việt Bách đã cho ra đời ca khúc Tiếng hát từ thành phố mang tên Người hoàn chỉnh: "…TP.HCM ngời ngời rực sáng tương lai, trong mỗi trái tim, trong mỗi ước mơ, trong mỗi cuộc đời ta luôn nhớ Bác".

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hoài Hương

CLIP HOT

Những
Những "luồng gió mới" thay đổi thị trường F&B Việt Nam

Bất chấp những khó khăn, kinh doanh ẩm thực và đồ uống (F&B) vẫn là một trong những ngành thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp. Năm 2025 được các chuyên gia dự đoán sẽ là bức tranh đầy mới mẻ, với nhiều tín hiệu tích cực và cơ hội cho những ai biết nắm bắt.