TS Nguyễn Bá: Người làm nên thời đại hoàng kim ngành bưu chính viễn thông TP.HCM

Từ hệ thống viễn thông tan nát sau ngày giải phóng, TS Nguyễn Bá đã cùng với những cộng sự đã vượt bao khó khăn, làm nên thời đại hoàng kim cho ngành bưu chính viễn thông TP.HCM.

TS Nguyễn Bá, 92 tuổi (nguyên giám đốc Bưu điện TP.HCM giai đoạn 1986 - 1993) cùng những cộng sự vượt ngàn khó khăn khôi phục mạng lưới thông tin liên lạc cho thành phố sau chiến tranh. Cùng với đó, ông và các cộng sự phát triển nhiều dự án bưu chính - viễn thông, giúp nhân viên có thu nhập cao hàng top đầu những năm 1990.

Sau khi thôi chức giám đốc Bưu điện TP.HCM ông ra Hà Nội nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 1993 - 1997. TS Nguyễn Bá được coi là tiến sĩ ngành mạng lưới viễn thông đầu tiên tại Việt Nam khi tốt nghiệp trường Đại học Kỹ thuật Điện tử Viễn thông Moskva (Liên Xô) năm 1968.

Hệ thống viễn thông "tan nát" sau ngày giải phóng

TS Nguyễn Bá quê tại Thủ Dầu Một, Bình Dương trong gia đình có truyền thống nho học. Tốt nghiệp tú tài, tổ chức chọn ông là một trong những học sinh xuất sắc học tiếng Nga trong một năm để cử đi học tại Trường Đại học Kỹ thuật Điện tử Viễn thông Moskva (MEIS) năm 1960. Thời gian này, ông cùng bạn bè được tiếp cận với nhiều giáo sư giỏi nhất ngành viễn thông của Liên Xô và môi trường học tập chất lượng ở ngôi trường hàng đầu về công nghệ viễn thông.

Sau khi tốt nghiệp kỹ sư năm 1965, nhà trường đề xuất với Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô cho sinh viên Bá học tiếp lên phó tiến sĩ (tương đương tiến sĩ). Ba năm sau, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ với đề tài nghiên cứu xây dựng mạng lưới thông tin viễn thông tối ưu độ chính xác cao, giá rẻ và đảm bảo an toàn nhất phục vụ cho cả một vùng hay quốc gia. “Đó cũng là cột mốc tôi ấp ủ ý tưởng xây dựng mạng lưới viễn thông cho Việt Nam khi về nước năm 1968”, TS Nguyễn Bá nhớ lại.

Tốt nghiệp tiến sĩ tại Liên Xô, TS Bá về nước công tác tại Tổng cục Bưu điện, trụ sở tại 18 Nguyễn Du, Hà Nội. Thời gian này, ông được phân công nhiệm vụ xây dựng quy hoạch mạng lưới viễn thông ở miền Bắc cùng với các đối tác Liên Xô. Sau khi Sài Gòn được giải phóng, dự án này tiếp tục thực hiện ở phía Nam. Đội ngũ kỹ sư của Việt Nam lúc đó có hơn 10 người và 10 kỹ sư của Liên Xô. Khi hoàn thành dự án này, ông đề đạt cấp trên nguyện vọng được ở lại TP.HCM, vì có mẹ đã hơn 80 tuổi sống tại Bình Dương. Sau khi được tổ chức đồng ý, ông nhận nhiệm vụ Phó giám đốc Bưu điện TP.HCM phụ trách kỹ thuật.

Tan nát - đó là những gì mà TS Bá cùng các cộng sự nhìn thấy về hệ thống viễn thông TP.HCM sau ngày giải phóng. Mặc dù, thành phố trước đó có hơn 40.000 điện thoại còn hoạt động. Song, sau khi tiếp quản, việc bảo hành, bảo dưỡng không được liên tục, dẫn đến thiết bị xuống cấp. Mạng dây cáp ngầm bị ngâm nước, hư hỏng nặng khiến không thể sử dụng.

Thời điểm đó, Việt Nam bị Mỹ cấm vận, không thể mua bán, giao dịch với bên ngoài. Mặt khác đất nước sau chiến tranh còn rất khó khăn, cái ăn cái mặc cấp thiết hơn việc nên việc phân bổ nguồn lực khôi phục các hạ tầng thông tin liên lạc rất khó khăn. “Chúng tôi nghĩ mình cần chủ động để cứu lấy mạng lưới này”, ông nhớ lại.

ts nguyen ba: nguoi lam nen thoi dai hoang kim nganh buu chinh vien thong tp.hcm - 1

Đại lộ Lê Lợi năm 1980. Ảnh: Dirck Halstead

Với vai trò Phó giám đốc Bưu điện TP.HCM, TS Nguyễn Bá cùng anh em trực tiếp đến Công ty công trình Bưu điện thành phố vận động, thuyết phục họ huy động hơn 100 công nhân thực hiện khôi phục nối lại các đường dây cáp. Sau khi hút nước đọng lại khu vực đường đi, các công nhân thực hiện nối các đường dây bị đứt. Anh em hình dung công việc này như băng bó vết thương cho đường dây, giúp khôi phục tín hiệu.

Do không có vật liệu kết nối, TS Bá gửi đề nghị cho Viện nghiên cứu hóa học chế tạo vật liệu có tên AQCS làm từ nhựa đường (AQ), bột cao su (CS) pha trộn với dầu lửa và một số chất phụ gia khác tạo thành hợp chất đặc biệt. Chất AQCS có đặc tính lỏng sệt ban đầu nhưng sẽ đông cứng sau một thời gian tạo cho mối xoắn sợi cáp được cố định, giúp chống ẩm, chống nước hiệu quả. Trong hơn một năm, công nhân làm ngày làm đêm, có ngày trời mưa công nhân che bạt, dựng lều xung quanh vị trí để đẩy nhanh tiến độ công việc.

Thành quả trong thời gian đó, Bưu điện TP.HCM đã khôi phục đường dây cáp trong thời gian ngắn nhất có thể. Dù vậy, nhiều thiết bị liên lạc bị hư hỏng nặng. Bốn tổng đài lớn của thành phố được các kỹ sư sửa chữa, khôi phục. Thông qua sự giúp đỡ của những Việt Kiều, bằng việc thực hiện các giao dịch mua bán, mục đích huy động đô la Mỹ nhằm mua một số thiết bị từ nước ngoài để sửa chữa tổng đài thành phố.

ts nguyen ba: nguoi lam nen thoi dai hoang kim nganh buu chinh vien thong tp.hcm - 2

Bưu điện TP.HCM năm 1995. Ảnh: Nik Wheeler

Trong giai đoạn 1985 - 1986, gần 40.000 đôi cáp gốc được sửa chữa góp phần nối lại thông tin cho hàng nghìn số điện thoại bị ngưng trệ trước đó và cung cấp cho các số điện thoại mới cho người dân có nhu cầu. Những công việc đó nhằm trong Đề án 784 vì nó thực hiện từ tháng 7 năm 1984, thấm đẫm biết bao mồ hôi, công sức của hơn 100 con người. “Dù lúc đó chúng tôi đôi lúc thấy mình cô đơn. Nhưng nếu không thực hiện thì sự tồn tại của chúng tôi, trọng trách của chúng tôi với thành phố và nhân dân không còn ý nghĩa”, TS Nguyễn Bá bộc bạch.

Sau đề án 784, Bưu điện TP.HCM tiếp tục nhiệm vụ khôi phục tổng đài điện báo do Pháp để lại nhưng không có thiết bị đầu cuối. Đội ngũ lãnh đạo liên hệ với các giáo sư làm việc tại trường Đại học Bách khoa TP.HCM, dùng máy tính để bàn chuyển thành máy đầu cuối. Phương án này được sử dụng để giải quyết vấn đề thiếu thiết bị đầu cuối của hệ thống điện báo.

Không chỉ khôi phục hạ tầng kỹ thuật, những hạ tầng dịch vụ khác ngành Bưu điện thành phố phải làm cho nó tốt hơn, đẹp hơn để phục vụ khách hàng. Trong giai đoạn này, nhiều nhà vệ sinh ở bưu điện bị xuống cấp, hư hỏng. Người dân đến làm thủ tục khi vào nhà vệ sinh rất sợ vì phải đi trên những viên gạch bong tróc, đọng nước và bốc mùi hôi thối. Bưu điện TP.HCM quyết định giải quyết tất cả nhà vệ sinh của bưu điện phải sạch. Trong một tháng, với sự phối hợp cùng ngành xây dựng TP.HCM, thực hiện cải tạo các nhà vệ sinh của bưu điện theo bốn tiêu chí: sạch - sáng - khô - không hôi. Người dân khi đi vệ sinh có thể ở lại soi gương, rửa mặt với tâm trạng thoải mái nhất chứ không còn là nỗi sợ như trước đó.

Nâng cao đời sống công nhân bằng các dự án lịch sử

Những năm sau giải phóng, thư từ, bưu phẩm qua lại giữa dân Sài Gòn với bà con Việt Kiều khá nhiều. Cũng với lý do thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn nên nhân viên bưu tá nảy sinh sinh tiêu cực.

TS Bá nhớ lại, lúc đó nhân viên bưu tá khi giao thư cho người dân có bà con ở nước ngoài, họ biết trong thư có tiền, nên tìm cách gợi ý người nhận thư phải chi tiền cảm ơn. Nghiêm trọng hơn, nhân viên còn xé bao thư lấy tiền tiêu xài. Với nhân viên lắp điện thoại cũng tìm cách làm rề rà như cách gợi ý để người dân chi tiền bồi dưỡng. “Chúng tôi chỉ đạo truy tìm, kỷ luật những nhân viên này và giáo dục họ làm việc trách nhiệm hơn. Nhưng trong câu chuyện này, chúng tôi thấy đau lòng, vì nhìn nhận thấy mình có phần lớn trách nhiệm trong đó”, TS Bá hồi tưởng.

ts nguyen ba: nguoi lam nen thoi dai hoang kim nganh buu chinh vien thong tp.hcm - 3

Sở chỉ huy chuyển mạng điện thoại cố định từ công nghệ tương tự sang công nghệ số vào tháng 12/1991. Ảnh: NVCC.

Để tăng thu nhập nhân viên, TS Nguyễn Bá cùng cộng sự lên kế hoạch cho hàng loạt dự án phát triển ngành bưu chính viễn thông TP.HCM trong giai đoạn những năm 1980 - 1990. Kế hoạch này thực hiện trong bối cảnh Việt Nam nói chung và TP.HCM bước sang giai đoạn Đổi mới, với quan điểm mở cửa, phát triển kinh tế thị trường. Nhu cầu về thông tin liên lạc, trao đổi hàng hóa, bưu phẩm tăng cao.

Nhận thấy nhu cầu lắp đặt tổng đài từ các khách sạn lớn ở TP.HCM như NewWorld, Rex, Caravelle…, TS Nguyễn Bá cùng đoàn công tác sang tận Bangladesh thương thảo và mua được hệ thống tổng đài 200 số phục vụ nhu cầu các khách sạn. Để giảm chi phí, Bưu điện TP.HCM chỉ tiếp nhận một phần kỹ thuật của họ, phần còn lại là những kỹ sư Việt Nam tự phát triển ứng dụng trong nước. Nhiều khách sạn tại TP.HCM đã lắp đặt tổng đài điện thoại, hoạt động khá tốt và được đánh giá cao. Ngành bưu điện sau đó, nhận được nhiều đặt hàng của đơn vị bên ngoài. Yêu cầu thiết có tổng đài lớn hơn quy mô hàng nghìn số điện thoại được tính đến. TS Nguyễn Bá và đội ngũ tìm đến một công ty trụ sở ở Seoul (Hàn Quốc) có thể cung cấp tổng đài hơn 5.000 số điện thoại, kết nối vào mạng điện thoại TP.HCM, phục vụ người dân thành phố và hỗ trợ các địa phương lân cận.

Những hoạt động này diễn ra thuận lợi nhờ cơ chế hợp tác giữa Tổng cục Bưu điện và UBND TP.HCM. Cơ chế này cho phép Bưu điện TP.HCM chủ động mua sắm thiết bị theo phê duyệt của UBND thành phố, không cần qua Tổng cục Bưu điện. Nhờ đó, ngành bưu điện đẩy nhanh tiến độ phát triển hệ thống thông tin liên lạc và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.

ts nguyen ba: nguoi lam nen thoi dai hoang kim nganh buu chinh vien thong tp.hcm - 4

TS Nguyễn Bá nhận Huân chương Lao Động hạng Nhất tại Hà Nội năm 2011. Ảnh: NVCC.

Thời kỳ này, những bưu phẩm vận chuyển trong nước gặp nhiều bất cập. Đặc biệt người dân TP.HCM gửi bưu phẩm như tài liệu, sách vở, hiện vật ra nước ngoài rất bức xúc vì hàng không được bảo đảm, không xác định được trạng thái gửi hàng, dễ bị thất lạc. Trong năm 1988, đội ngũ chuyên gia Bưu điện TP.HCM ngay lập tức tìm kiếm đối tác là nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh là công ty DHL của Mỹ. Hai bên đặt vấn đề mời họ vào cung cấp dịch vụ tại TP.HCM ký kết biên bản ghi nhớ trở thành đối tác. Ngay trong tuần, bộ phận nghiệp vụ công ty này từ nước ngoài phối hợp với nhân viên bưu điện thành phố tổ chức triển khai dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế.

Dịch vụ này khắc phục hầu hết những bất cập trong nước như người dùng biết được trạng thái đơn hàng, khả năng thất lạc hàng thấp. Quá trình hợp tác này, ngành bưu điện học hỏi được phương pháp quản lý dịch vụ, để lấy kinh nghiệm phục vụ dịch vụ chuyển phát nhanh trong nước.

Để phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin của người dân, những năm 1990, Bưu điện TP.HCM xây dựng mô hình tổng đài 108, sau này người dân quen gọi là 1080. Tổng đài cung cấp thông tin mọi mặt của đời sống phục vụ người dân như lịch chiếu phim, truyền hình, giá vàng, ngoại tệ, lịch tàu xe, số điện thoại cơ quan tổ chức, dịch vụ tư vấn pháp lý, làm đẹp, hẹn hò…

Trong một cuộc họp, TS Bá hỏi anh em chọn đầu số nào cho dịch vụ này và sau đó quyết định chọn 108. Nó không phải thể hiện ngày tháng như dự án 784 trước đây mà ý nghĩa đến từ hình ảnh 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc.

“Chúng tôi, từ hơn 100 công nhân chung tay ngày đêm kết nối lại tuyến cáp thành phố sau giải phóng, luôn coi nhau như anh em. Chọn con số 108 để nhắc nhớ chúng tôi rằng mình đã sống, đã làm và không hối tiếc với những ngày tháng khó khăn nhất đó”,

TS Nguyễn Bá 

Từ dữ liệu số điện thoại, Bưu điện TP.HCM xây dựng trang vàng niên giám điện thoại phục vụ người dân tìm kiếm liên hệ các doanh nghiệp, công ty, đơn vị trên cả nước và quốc tế. Cuốn danh bạ sau đó được đón nhận và được coi như một trong những sản phẩm tiêu biểu ngành bưu chính viễn thông thời kỳ đó. Cũng trong giai đoạn này, ngành bưu điện phát triển nhiều dịch vụ đa dạng như điện hoa, chuyển đổi hệ thống đường truyền điện thoại từ công nghệ tương tự (analog) sang công nghệ số (digital), xây dựng trạm vệ tinh mặt đất Hoa Sen…

Cung cấp nhiều dịch vụ, đời sống anh em công nhân được nâng lên. Ngành bưu điện TP.HCM thời kỳ đó trả lương công nhân theo tuần, vào thứ 7. Công nhân lãnh lương xứng đáng với hiệu quả công việc, năng lực, đóng góp cho từng vị trí. Sau khi nhận tiền họ tỏa đi các tiệm vàng mua coi như phần thưởng của mình. Họ tích góp mua xe, mua nhà, mua đất. Dân gian gọi người làm trong ngành bưu điện thu nhập đứng số một, nhiều thế hệ học sinh khi đó chọn thi vào các trường bưu chính viễn thông. “Chúng tôi coi đó là thời hoàng kim của mình”, TS Nguyễn Bá tự hào.

Trăn trở với ngành bưu chính - viễn thông

Tháng 5/1992, điện thoại di động bắt đầu xuất hiện đầu tiên tại TP.HCM, với sự tham gia của mạng di động Singapore Telecom. Một năm sau đó, thành phố ra mắt Mobifone - mạng di động đầu tiên của Việt Nam. Sự xuất hiện này bắt đầu một giai đoạn chuyển đổi mang tính thay đổi thời cuộc trong thói quen sử dụng các hệ thống thông tin liên lạc của người dân. Điện thoại di động khiến ngành viễn thông từ thời kỳ hoàng kim như bị “hụt hơi”. Các dịch vụ tổng đài điện thoại cố định trước đó dần lui về phía sau.

ts nguyen ba: nguoi lam nen thoi dai hoang kim nganh buu chinh vien thong tp.hcm - 5

TS Nguyễn Bá tại nhà riêng ở Quận 3, TP.HCM. Ảnh: Nhã Uyên

Sau điện thoại di động, là internet và mạng xã hội như Zalo, Facebook làm thay đổi hoàn toàn thói quen liên lạc. Chỉ cần có điện thoại kết nối internet, người dân có thể gọi cho người thân trên khắp thế giới. TS Nguyễn Bá kể, nếu để nói kỳ vọng vực dậy ngành bưu điện như ngày xưa sẽ là không thể. Ông nói những người trong thế hệ của mình đã làm hết sức mình, làm thật tốt và xem như đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn đó của ngành. Ông nhận định, công nghệ thay đổi làm cuộc sống người dân tiện lợi hơn, hữu ích hơn. Điều này đòi hỏi những người làm bưu chính - viễn thông luôn phải nhanh hơn, đổi mới hơn, thích ứng để theo kịp xu hướng công nghệ hiện đại.

Trong cuốn hồi ký mang tên “Anh Năm Bá” xuất bản năm 2020, ông Võ Hòa Bình, nguyên Phó giám đốc Viễn thông TP.HCM, đánh giá TS Nguyễn Bá là một nhà lãnh đạo, người thầy, người anh đáng kính. Nhiều năm là cộng sự cũng là học trò, ông Bình nói giữa học và hành, tư duy và hành động, lý luận và thực tiễn TS Nguyễn Bá luôn coi đó là sự song hành, đi cùng nhau, thể hiện tính nhất quán, yêu cầu tối ưu về công việc. “Trong năm tháng đối mới của ngành, có những thành công được xã hội đón nhận và hoan nghênh, trong đó có đóng góp không nhỏ từ anh”, ông Bình viết.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhã Uyên

CLIP HOT

Những
Những "luồng gió mới" thay đổi thị trường F&B Việt Nam

Bất chấp những khó khăn, kinh doanh ẩm thực và đồ uống (F&B) vẫn là một trong những ngành thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp. Năm 2025 được các chuyên gia dự đoán sẽ là bức tranh đầy mới mẻ, với nhiều tín hiệu tích cực và cơ hội cho những ai biết nắm bắt.