‘Tàu lượn siêu tốc phiên bản cát’: Cảm giác thót tim hay ám ảnh kinh hoàng?
Một số tỉnh thành ở Việt Nam sở hữu vùng đất của cát trắng, nắng vàng và những trải nghiệm du lịch đầy mê hoặc. Trong số đó, xe địa hình nổi lên như một "đặc sản", được ví von là "tàu lượn siêu tốc phiên bản cát", hứa hẹn mang đến những giây phút bùng nổ cảm xúc. Nhưng liệu đằng sau những tiếng reo hò phấn khích ấy có phải là hiểm họa rình rập?
Tim tôi như muốn rơi khỏi lồng ngực
Tôi còn nhớ như in chuyến đi đến Ninh Thuận. Bên cạnh khung cảnh thiên nhiên hoang sơ tuyệt mỹ, điều thôi thúc tôi nhất là trải nghiệm xe địa hình.
Tài xế, một người đàn ông bản địa chỉ kịp dặn dò: "Bám chắc nhé, đừng la nhiều quá, sẽ mất sức”. Tôi cứ nghĩ anh đùa. Cho đến khi chiếc xe leo lên đỉnh đụn cát cao ngất và... lao xuống như rơi tự do. Tiếng hét của tôi lạc hẳn vào gió, tôi không kịp thở.
Mỗi cú xoay gấp, mỗi lần bánh xe trượt dài trên nền cát mịn như nhung đều khiến tôi cảm thấy như đang sống ở ranh giới giữa phấn khích và hoảng loạn. Có lúc, xe nghiêng hẳn một bên như sắp lật, nhưng rồi lại thăng bằng một cách kỳ lạ. Tôi thoáng nghĩ đến phim hành động, chỉ khác là tôi không còn là khán giả, mà là nhân vật chính.
Xe vượt địa hình tự chế tại một khu du lịch ở Ninh Thuận. Ảnh: Hà Sang
Chỉ sau vài phút khởi hành, tôi đã hiểu vì sao người ta gọi trò chơi này là "cảm giác mạnh giữa sa mạc trắng". Trên chiếc xe địa hình gầm rú phóng qua những đồi cát chập chùng, tim tôi như muốn rơi khỏi lồng ngực.
Phấn khích tột độ hay nỗi sợ hãi thường trực?
Thế nhưng, không phải ai cũng xem đây là "trò chơi cảm giác mạnh đáng thử một lần trong đời". Nhiều du khách đã có những trải nghiệm "nhớ đời" theo cách không mong muốn.
Anh N.V.T (34 tuổi, TP.HCM) kể lại sau lần ngồi xe mô tô địa hình tại Bàu Trắng (Bình Thuận): "Không ai hướng dẫn, không có dây đai bảo hộ, tài xế thì không hỏi ý kiến khách mà tự ý lao xuống dốc cát dựng đứng. Tôi đã nghĩ sẽ bị lật xe hoặc văng ra ngoài. May mắn là tôi còn sống sót, nhưng chắc chắn không có lần sau”.
‘Tàu lượn siêu tốc phiên bản cát’. Ảnh: Chụp màn hình
Tương tự, anh Trần Hữu Phước (31 tuổi, ngụ tại TP.HCM) cũng cho biết: "Tôi và nhóm bạn leo lên xe mà chẳng ai nói gì, ngồi sau thùng xe tự bám vào thành. Xe chạy cực nhanh. Mỗi khúc cua là một phen thót tim. Không có bất kỳ cảnh báo nào về độ dốc hay rủi ro. Thật sự không dành cho người yếu tim”.
Một du khách khác chia sẻ với Tạp chí Du lịch TP.HCM: "Hồi đó ngồi địa hình từ trên cao xuống, tôi ngồi kế bác tài mà chân cứ đạp thắng theo phản xạ. Từ đó tôi né hết mấy trò tương tự. Với tài xế thì quen rồi, nhưng với du khách, đó là nỗi lo thực sự. Như bác sĩ quen dao kéo, nhưng bệnh nhân thì sợ”.
Du khách trải nghiệm xe vượt địa hình, nhiều người nhớ cả đời. Ảnh: Hà Sang
Mặc dù vậy, vẫn có nhiều người sau cơn hoảng loạn lại... nghiện cảm giác này. "Có người cười lớn vì sung sướng, có người ôm mặt như vừa thoát chết. Nhưng rồi tất cả đều thốt lên: 'Quá đã! Chơi thêm lần nữa không?'”.
Trong khi loại hình xe địa hình đem đến cảm giác mới lạ, sảng khoái và hình ảnh độc đáo cho du lịch Bình Thuận, thì sự thiếu vắng các yếu tố an toàn cơ bản như: dây an toàn, hướng dẫn trước chuyến đi, cảnh báo với người có tiền sử bệnh tim, người lớn tuổi, đang khiến nhiều người lo ngại.
Du khách có quyền được biết và lựa chọn trước khi bị cuốn vào những cú đổ dốc thót tim. Ảnh: Chụp màn hình
"Một trải nghiệm đáng nhớ không nên đi kèm với nguy cơ mất an toàn", anh N.V.T nói. "Tôi mong ngành chức năng sẽ xem xét lại quy trình vận hành hoạt động này, đảm bảo du khách có quyền được biết và lựa chọn trước khi bị cuốn vào những cú đổ dốc thót tim”.
Ngày 27/11/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai công tác quản lý nhà nước đối với thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng. Trong đó, yêu cầu Sở GTVT (thời điểm chưa sáp nhập) phối hợp với Công an tỉnh nghiên cứu các quy định pháp luật và đặc thù địa phương, tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể đối với hoạt động xe mô tô, ô tô chở khách tham quan trên đồi cát. Nội dung tập trung vào điều kiện vận hành như: kiểm định an toàn, nguồn gốc phương tiện, bằng lái phù hợp, biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách, cũng như trách nhiệm quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm của các đơn vị liên quan. UBND huyện Bắc Bình được giao thành lập Tổ công tác do lãnh đạo huyện làm Tổ trưởng, gồm đại diện các phòng, ban chức năng, Công an huyện, Ban Quản lý điểm du lịch Bàu Trắng và xã Hòa Thắng... Tổ này có nhiệm vụ kiểm tra định kỳ, đột xuất các dịch vụ vận chuyển và hoạt động du lịch khác tại Bàu Trắng và khu vực liền kề, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như tranh giành khách, gây mất trật tự, thiếu an toàn hay làm ảnh hưởng môi trường. Mới đây, trong tháng 3/2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục có công văn yêu cầu tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh trật tự cho hoạt động vận chuyển khách tham quan trên đồi cát. Những chỉ đạo liên tục và quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh cho thấy rõ nỗ lực nhằm bảo vệ thắng cảnh Bàu Trắng cũng như an toàn cho du khách. Sự cố xe địa hình lao xuống hồ khiến một người thiệt mạng hôm 25/5 là lời cảnh tỉnh nghiêm túc, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải siết chặt hơn nữa công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động dịch vụ và nâng cao trách nhiệm của đơn vị kinh doanh. |
Khi phấn khích biến thành thảm kịch
Những lo ngại về an toàn không phải là không có căn cứ. Đã có nhiều sự việc nghiêm trọng xảy ra liên quan đến xe địa hình, biến những chuyến phiêu lưu thành nỗi ám ảnh.
Mới đây nhất, vào sáng 25/5, tại khu du lịch Bàu Trắng (Bình Thuận), một sự cố nghiêm trọng đã khiến một người thiệt mạng. Chiếc xe địa hình chở 8 nữ du khách từ TP.HCM bất ngờ lùi lại và lao xuống hồ sâu khi đang dừng để chụp ảnh. Dù tài xế và một số du khách được cứu kịp thời, bà Lê Thị Thu Thủy (56 tuổi) đã mắc kẹt trong xe và tử vong. Hiện các cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân.
Vào sáng 25/5, tại khu du lịch Bàu Trắng (Bình Thuận), một sự cố nghiêm trọng đã khiến một người thiệt mạng. Ảnh: Chụp màn hình
Tai nạn liên quan đến xe địa hình tại Bàu Trắng không phải là chuyện hiếm. Trước vụ việc này, đã từng xảy ra nhiều sự cố như xe bị lật khi đổ dốc, va chạm giữa các xe, hoặc người lái không kiểm soát được tốc độ, dẫn đến chấn thương nghiêm trọng cho du khách. Điển hình:
Ngày 24/10/2023: 4 du khách Hàn Quốc di chuyển bằng xe Jeep tại khu du lịch Làng Cù Lần (Lâm Đồng) bất ngờ gặp lũ cuốn và tử vong. Vụ việc này đã dẫn đến việc khởi tố vụ án "Vô ý làm chết người" và khởi tố bị can đối với 3 cán bộ, nhân viên khu du lịch.
Tháng 7/2024: Một nhóm 4 du khách từ Bắc Ninh bị lật xe khi tham quan đồi cát, khiến 2 người bị chấn thương vùng đầu, trán và phải nhập viện.
Ngày 26/2/2025: Tại đồi cát Mũi Dinh (Ninh Thuận), một chiếc xe Jeep chở 5 du khách Hàn Quốc bị lật khi đổ dốc do tài xế điều khiển tốc độ cao, khiến một người bị thương nặng.
Ngày 1/5, tại Hòn Khô (Bình Định), một mô tô nước mất lái, lao lên bãi biển và tông vào nhóm du khách, khiến một bé gái 8 tuổi tử vong tại chỗ và 3 người khác bị thương.
Những vụ tai nạn này là hồi chuông cảnh báo về sự thiếu hụt các quy định và biện pháp an toàn cần thiết trong hoạt động du lịch mạo hiểm. Du khách có quyền được trải nghiệm những cảm giác mới lạ, nhưng quyền được an toàn phải luôn được đặt lên hàng đầu.

Gần đây, tạp chí du lịch Wanderlust đã đánh giá Phong Nha-Kẻ Bàng là điểm đến hàng đầu cho du lịch mạo hiểm. Ông Phạm...