Phường Vũng Tàu hướng đến mỗi người dân là một đại sứ du lịch
Với định hướng phát triển du lịch tầm cỡ quốc tế, TP. Vũng Tàu đang nỗ lực thay đổi từ những điều nhỏ nhất, bắt đầu từ việc nâng cao văn hóa ứng xử và xem mỗi người dân như một đại sứ thân thiện của địa phương.
Ngày 22/7, UBND phường Vũng Tàu (TP.HCM) tổ chức hội nghị tập huấn giao tiếp và quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch cho cán bộ, công chức, lực lượng công an, quân sự phường, cùng đại diện các khu phố, trường học, chợ trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Tấn Bản nhấn mạnh: Phường Vũng Tàu đang định hướng phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có tầm quốc tế. Bên cạnh tiềm năng về hạ tầng, cảnh quan và sản phẩm du lịch, yếu tố con người đóng vai trò then chốt trong việc nâng tầm hình ảnh địa phương.
Theo ông Bản, phát triển du lịch không thể theo kiểu ngắn hạn, “chụp giựt”, mà cần sự thay đổi toàn diện từ tư duy đến hành vi của từng cá nhân tham gia vào chuỗi dịch vụ, kể cả lực lượng chức năng. “Làm du lịch là làm con người. Cả công an cũng phải là người làm du lịch – gần dân, thân thiện, sẵn sàng hỗ trợ du khách mọi lúc, mọi nơi”, ông nói.
Hội nghị được tổ chức với mục tiêu xây dựng cộng đồng văn minh, thân thiện, nơi mỗi cán bộ, mỗi người dân là một đại sứ du lịch góp phần quảng bá hình ảnh địa phương đến du khách trong và ngoài nước.
Tại buổi tập huấn, TS. Lê Thị Thu Phượng – giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – đã truyền đạt ba chuyên đề chính: Du lịch có trách nhiệm, kỹ năng giao tiếp – ứng xử văn minh, và kỹ năng phối hợp xử lý tình huống. Các nội dung xoay quanh việc nâng cao ý thức cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững, khuyến khích bảo tồn giá trị văn hóa, nâng cao trải nghiệm du khách, cũng như cách xây dựng diện mạo và thái độ chuyên nghiệp trong môi trường phục vụ đa dạng.
Phường Vũng Tàu – trung tâm du lịch của TP.HCM – hiện sở hữu hệ sinh thái du lịch toàn diện hiếm có, gồm biển, núi, di tích, ẩm thực và văn hóa. Các địa danh nổi tiếng như Bãi Trước, Bãi Sau, Núi Nhỏ, Núi Lớn, tượng Chúa Kitô, ngọn Hải đăng, Mũi Nghinh Phong… đã định hình thương hiệu du lịch đặc sắc cho địa phương.
Bãi Trước là nơi thường xuyên tổ chức lễ hội, sự kiện đêm; gần đó là Bạch Dinh – di tích kiến trúc Pháp lịch sử, và Thích Ca Phật Đài – quần thể văn hóa tâm linh giữa không gian xanh mát. Núi Lớn có khu du lịch Hồ Mây với không khí trong lành như một “Đà Lạt thu nhỏ”. Núi Nhỏ là nơi tọa lạc tượng Chúa Kitô Vua và ngọn Hải đăng Vũng Tàu – điểm ngắm toàn cảnh thành phố từ trên cao. Đồi Con Heo, Mũi Nghinh Phong… là những điểm check-in yêu thích của du khách trẻ.
Theo ông Nguyễn Tấn Bản, trọng điểm phát triển của phường là tuyến Bãi Sau – Thùy Vân với dự án chỉnh trang gần 1.100 tỷ đồng, đang trong giai đoạn hoàn thiện và dự kiến đưa vào khai thác đúng dịp Quốc khánh 2/9/2025. Dự án kỳ vọng tạo ra không gian biển sống động, thân thiện, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và du khách.
Để xây dựng thương hiệu du lịch khác biệt, trong 6 tháng cuối năm 2025, phường Vũng Tàu sẽ tổ chức ít nhất 18 sự kiện văn hóa – thể thao – du lịch lớn. Phường cũng định hướng phát triển không gian du lịch theo cụm, theo chủ đề như: điểm check-in biển – núi – tâm linh – trải nghiệm xanh, phát triển tour trekking, giải leo núi, du khảo địa chất, sáng tác ảnh nghệ thuật…
"Mục tiêu không chỉ là thu hút mà còn giữ chân du khách, kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao trải nghiệm và tăng chi tiêu. Chúng tôi quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Bí thư, đưa Vũng Tàu trở thành đơn vị dẫn đầu về phát triển du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế – xứng đáng là trái tim du lịch của thành phố mang tên Bác", ông Bản khẳng định.