Phát triển du lịch Hồ Ba Bể: Để 'viên ngọc xanh' tỏa sáng đúng tầm

“Tôi vẫn chỉ thấy một hồ Ba Bể trong thi ca”- một du khách từ Hà Nội đã thốt lên như vậy sau gần 10 năm quay trở lại Ba Bể. Đây cũng là nhận xét chung của nhiều du khách sau nhiều năm quay trở lại vẫn thấy hồ Ba Bể y như trước.

Những homestay dần vắng khách

Hiện nay, mảng du lịch homestay ở quanh hồ Ba Bể chủ yếu được khai thác bởi người Tày bản địa ở các thôn Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, Bản Cám... thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Năm 1994, ông Ngôn Văn Toàn (cựu chiến binh 77 tuổi) là hộ đầu tiên thử nghiệm hình thức này với homestay Khánh Toàn. Những ngày đầu tiếp đón khách, ông cùng vợ tự đi chợ, làm mâm cơm miền núi đãi khách, xếp chỗ ngủ trên nhà sàn.

Năm 2000, chất lượng giao thông được cải thiện, cùng với sự hỗ trợ của các công ty lữ hành ở Hà Nội, ông Toàn mày mò mở thêm dịch vụ tham quan hồ bằng xuồng, mở rộng nhà nghỉ, đa dạng hoá thực đơn…

phat trien du lich ho ba be: de 'vien ngoc xanh' toa sang dung tam - 1

Tiết mục văn nghệ ở homestay Minh Quang. Ảnh: Uyên Bùi

Nhận thấy lượng khách tăng, các hộ người Tày khác cũng nối gót làm homestay. Đến nay, có khoảng gần 60 đơn vị làm homestay, trang bị đủ wifi, nước nóng, thuyền riêng cùng các dịch vụ như thuê thuyền Kayak cho khách Tây ưa du ngoạn hồ. Riêng bản Pác Ngòi đã đào tạo được 4 đội văn nghệ không chỉ trình diễn các điệu then, tiếng tính, các cô gái Tày đã mạnh dạn hơn có thể giao lưu tương tác với khách. Ngoài ra, vài người dân đã tự mở nhà hàng, quán cafe để đa dạng hóa nhu cầu cho du khách.

phat trien du lich ho ba be: de 'vien ngoc xanh' toa sang dung tam - 2phat trien du lich ho ba be: de 'vien ngoc xanh' toa sang dung tam - 3

Khung cảnh ở khu du lịch Nà Mặn Travel. Ảnh: Uyên Bùi

Đặc biệt, năm 2022, ở khu vực xã Quảng Khê, cách xã Nam Mẫu khoảng 6km, hợp tác xã Đồng Lợi Hồng Không Hạt đã cho ra mắt điểm du lịch Nà Mặn Travel. Sự đầu tư cho hàng loạt tiểu cảnh sinh động, phản ánh đời sống người dân vùng cao phía Bắc như cánh đồng lúa chín, hòn hẹn hò, vườn hoa tam giác mạch, vườn hoa cánh bướm, nhiều người trẻ khu vực đã đến check-in bên cạnh hoạt động sống cùng người dân như trước đây.

phat trien du lich ho ba be: de 'vien ngoc xanh' toa sang dung tam - 4

Khung cảnh yên bình. Ảnh: Uyên Bùi

Tuy nhiên, du lịch homestay bắt đầu đi xuống rõ rệt từ thời điểm bùng phát dịch COVID-19. Theo chị Dương Thị Thỏa (con dâu ông Ngôn Văn Toàn, hiện là chủ homestay Khánh Toàn): “Trước COVID-19, trung bình mỗi tháng nhà mình đón 200 khách. Đa phần là khách đoàn do các công ty lữ hành liên kết từ trước hoặc khách lẻ tự tìm đến hoặc do bạn bè giới thiệu rồi thường xuyên quay lại. Nhưng sau dịch thì lượng khách giảm đi rất nhiều, có tháng chỉ vài ba khách”.

phat trien du lich ho ba be: de 'vien ngoc xanh' toa sang dung tam - 5

Anh Dương Văn Thuấn – chủ homestay Minh Quang. Ảnh: Uyên Bùi

Anh Dương Văn Thuấn (chủ homestay Minh Quang) còn gặp khó khăn hơn, khi nằm trong những hộ mở homestay sau cùng. “Bên mình mở được 10 năm rồi, nhưng từ năm 2016 mới đón khách. Lượng khách cũng ổn định, đón tầm 80-100 khách mỗi tháng. Nhưng kể từ sau dịch khách về ít lắm”.

Không chỉ homestay, các hộ kinh doanh du lịch khác như Nà Mặn Travel, nhà hàng Nguyễn Văn Khoa (bản Bó Lù) cũng đều thưa dần khách. Dù đã chủ động thuê các đơn vị truyền thông để xúc tiến quảng bá, ông Mạch Văn Tập, chủ khu du lịch Nà Mặn Travel cũng chia sẻ việc hạn chế về ngân sách, thiếu kinh nghiệm chuyên môn khiến marketing vẫn còn yếu. Mặc dù, hiện nay hồ Ba Bể đã có thêm nhiều dịch vụ, sản phẩm để gia tăng trải nghiệm khách, tuy nhiên, sự thiếu mô hình hóa và tính kết nối giữa các điểm dịch vụ khiến cho hành trình tại Ba Bể bị phân mảnh, thiếu chuyên nghiệp.

Theo thống kê của UBND Nam Mẫu, hiện trên địa bàn có tổng cộng 58 cơ sở lưu trú. Năm 2023, lượng khách lưu trú tại xã là 12.000 lượt khách, trong đó số khách quốc tế đạt 6.690 lượt. Tính trung bình mỗi cơ sở lưu trú chỉ đón hơn 200 khách/1 năm.

Những mối lo hiện hữu

Ông Nguyễn Văn Tài, giám đốc Công ty Du lịch Vietsense, chia sẻ rằng lần đầu tiên ông đến đây vào năm 2004, lúc đó thiên nhiên ở đây còn hoang sơ, hùng vĩ. Những nếp nhà sàn đơn sơ nép sau dãy núi bình yên, giản dị hấp dẫn du khách đến tìm hiểu và khám phá.

Tuy nhiên, những năm trở lại đây, khi quay trở lại Ba Bể, ông Tài cảm thấy chạnh lòng. Từ khi du lịch homestay phát triển, lần lượt các căn nhà sàn truyền thống bị phá bỏ, thay vào đó là các công trình kiên cố, cao tầng với mái lợp tôn xanh đỏ. Các homestay mọc lên như nấm nhưng manh mún, không theo quy hoạch, không có quy chuẩn.

“Du khách đến hồ Ba Bể muốn được nghỉ dưỡng, đắm mình trong không gian đậm đà bản sắc của người dân địa phương, chứ không phải là ngồi trong những căn nhà bê tông không khác gì dưới thành phố”, ông Tài nhận xét.

phat trien du lich ho ba be: de 'vien ngoc xanh' toa sang dung tam - 6

Một homestay đang xây dựng dang dở. Ảnh: Uyên Bùi

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours cũng cho rằng, bản Pác Ngòi - làng văn hóa tiêu biểu cả nước, xưa đẹp lung linh với nhà sàn nhiều gian, bốn mái, lợp ngói âm dương, dựa lưng chân núi, mặt quay ra sông, thế “tựa sơn, nghinh thủy” và “tiền thoáng, hậu thế” đang bị đe dọa bởi những công trình bê tông tổ ong. Bản Bó Lù cũng không còn thấy dáng xưa.

phat trien du lich ho ba be: de 'vien ngoc xanh' toa sang dung tam - 7

phat trien du lich ho ba be: de 'vien ngoc xanh' toa sang dung tam - 8

Những công trình bê tông kiên cố ngay sát hồ Ba Bể. Ảnh: Việt Hùng

“Đến Ba Bể quá thú vị nhưng các dịch vụ dễ bực mình. Từ nhà nghỉ, nhà hàng đến thuyền du ngoạn. Chỉ hướng dẫn viên là nhất. Cảnh quá đẹp mà dịch vụ chưa tương xứng, nhất là mùa cao điểm. Ba Bể đang đối mặt nạn ô nhiễm và bồi lấp do khai thác quặng quanh vùng, hội “Những người yêu Ba Bể” đã nhiều lần kêu cứu. Những công trình bê tông vô hồn và dự án thủy điện sông Năng đang đe dọa Ba Bể”, ông Mỹ cho biết.

phat trien du lich ho ba be: de 'vien ngoc xanh' toa sang dung tam - 9

Rác dưới chân các nhà hàng ven hồ. Ảnh: Việt Hùng

Đồng quan điểm, ông Vũ Văn Tuyên, CEO Travelogy Việt Nam, bày tỏ tiếc nuối khi cho rằng, Pác Ngòi đáng lẽ phải trở thành bản du lịch sinh thái đẹp nhất Việt Bắc. Tuy nhiên, do thiếu quy hoạch nên Pác Ngòi đang đánh mất bản sắc độc đáo của mình.

“Làm nóng” lại sức hút của nàng thơ

Lần đầu đến với hồ Ba Bể, gần như ai cũng ngỡ ngàng với hồ nước trong xanh, núi non hùng vĩ, cuộc sống yên bình, người dân thân thiện. Tuy nhiên, ngồi trên xuồng 2-3 giờ tham quan hồ, đến vài ba điểm trong khu vực hồ như, đền An Mạ, thác Đầu Đẳng, Ao Tiên, động Hua Mạ… rồi không biết làm gì. Thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc, chưa biết đẩy mạnh quảng bá nên du khách đến với hồ Ba Bể không nhiều và chỉ đến một lần cho biết.

Theo thống kê từ Cục Du lịch quốc gia, năm 2019 - thời điểm trước dịch COVID-19, lượng khách du lịch đến Ba Bể đạt hơn 85.000 lượt, doanh thu phí danh lam thắng cảnh đạt hơn 3 tỷ đồng. Năm 2023, huyện Ba Bể đã đón tiếp gần 97.000 lượt khách tham quan, trong đó có hơn 6.000 lượt khách quốc tế (chưa rõ doanh thu). Theo Đề án phát triển Khu du lịch Ba Bể thành Khu du lịch quốc gia giai đoạn 2022 - 2030, định hướng đến năm 2050 của UBND tỉnh Bắc Kạn, tỉnh này phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Ba Bể đón 1 triệu lượt khách; đến năm 2035 đón khoảng 1,35 triệu lượt người; đến năm 2050 là khoảng 2 - 2,5 triệu lượt khách.

Hiện mỗi ngày, Vườn quốc gia Ba Bể đón khoảng 100-200 lượt khách. Dịp cuối tuần, con số tăng lên 500-1.000 khách. Những con số này thực sự quá “khiêm tốn” so với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng mà hồ Ba Bể đang sở hữu. Đáng chú ý, tour Hà Nội – Ba Bể 2 ngày 1 đêm đang dần mất ưu thế, không còn được nhiều hãng lữ hành lựa chọn như trước, thay vào đó, Ba Bể chỉ là điểm ghé qua trên lịch trình tour Hà Nội – Bắc Kạn – Cao Bằng… Theo các chuyên gia, đây là một điều đáng tiếc với ngành du lịch của tỉnh.

phat trien du lich ho ba be: de 'vien ngoc xanh' toa sang dung tam - 10

Dịch vụ cắm trại ở hồ Ba Bể. Ảnh: Quang Ba Bể

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc công ty Du lịch AZA Travel, cho rằng Bắc Kạn còn thiếu hạ tầng giao thông và lưu trú. Các homestay chủ yếu do người dân địa phương mở ra nên chưa có tính đồng bộ và đạt chuẩn để đạt phục vụ khách trong và ngoài nước.

Muốn thu hút du lịch và trở thành điểm đến khiến khách chi nhiều, ở lâu, ngành du lịch cần phải tăng các sản phẩm du lịch hướng đến khám phá văn hóa - thiên nhiên sẵn có như đi bộ đường dài, tìm hiểu đời sống của người dân tộc Tày ở các bản. Tỉnh cũng cần quy hoạch tạo thành các khu du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái quy mô 100-200 phòng đạt chuẩn. Bên cạnh đó, Bắc Kạn cần hướng đến phát triển du lịch xanh, bền vững, tránh can thiệp vào vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ, gây tác động lớn đến môi trường.

KTS, chuyên gia quy hoạch Nguyễn Mạnh Bình San cho rằng, hồ Ba Bể thực sự là 1 kho báu vô giá: “Hồ Ba Bể là địa danh quen thuộc, nhưng cái gì quen quá thì chúng ta lại thấy bình thường, ai cũng kêu hồ Ba Bể tôi đi rồi, hồ Ba Bể đẹp lắm nhưng thực sự đi để khám phá, trải nghiệm thì rất ít người. Đó cũng là thực trạng chung của những điểm đến nổi tiếng ở Việt Nam”.

phat trien du lich ho ba be: de 'vien ngoc xanh' toa sang dung tam - 11

Ba Bể còn giữ được nhiều nét hoang sơ kỳ vĩ. Ảnh: Đồng Nhất Huy

Theo ông San, điều may mắn là nơi này vẫn chưa bị can thiệp quá nhiều và Ba Bể cũng không cần phải thay đổi gì cả vì tự thân Ba Bể đã quá đẹp, quá lộng lẫy rồi. Tuy nhiên, theo ông San có 3 điều cần làm để du lịch Ba Bể có thể phát triển.

“Thứ nhất, tạo ra 1 tuyến combo tham quan giá trị có thể bán với giá 800.000 - 1 triệu để du khách không thể đi coi một cách sơ sài, cưỡi ngựa xem hoa mà họ phải nhập tâm vào trọn vẹn vào chuyến đi thì họ mới phát hiện ra những giá trị của hồ Ba Bể. Thứ 2, gia tăng thêm các điểm để du khách có thể check-in, trong đó nhấn mạnh vào điểm du lịch tâm linh là đền An Mạ. Và thứ 3, phải có điểm nhấn, điểm kết thật ấn tượng bắt buộc người ta phải đi hết hành trình để đến đó”.

Theo ông Vũ Văn Tuyên, hồ Ba Bể có ưu thế phát triển các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm trên hồ, trong rừng, tắm rừng, du lịch chữa lành. Chuyên gia này cũng cho rằng, trước mắt phải nhanh chóng quy hoạch bản Pác Ngòi thành 1 bản phát triển du lịch cộng đồng giữ được bản sắc dân tộc vì đây là bản có địa hình đẹp nhất hồ Ba Bể, có nhiều lợi thế cạnh tranh trở thành 1 bản du lịch tốt nhất trong khu vực và trên thế giới.

“Bên cạnh đó, cần quy hoạch bảo tồn và phát triển loại hình thuyền độc mộc, các xưởng sản xuất, cơ sở cũng có thể trở thành điểm tham quan đối với du khách. Đây chính hình ảnh đặc trưng của hồ Ba Bể nhưng đáng buồn là đang bị đang thay thế dần bằng thuyền kim loại”, ông Tuyên nói thêm.

Các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp, người dân và địa phương phải tạo ra chuỗi hoạt động cho du khách từ sáng đến tối, làm cho khách du lịch chủ động tương tác với người dân, trải nghiệm văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với du lịch sinh thái.

phat trien du lich ho ba be: de 'vien ngoc xanh' toa sang dung tam - 12

Những cô gái Tày chèo thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể.

Cũng đã đến lúc, việc quảng bá cần được đẩy mạnh cả trên nền tảng online và offline để duy trì, “làm nóng” lại sức hút của nàng thơ Bắc Kạn. Đối với người dân, việc chủ động nâng cao tiếng Anh, tận dụng nền tảng như facebook, tiktok để tối ưu khả năng tiếp cận khách xuyên biên giới và gia tăng kết nối với các doanh nghiệp lữ hành là giải pháp có thể thực hiện trước mắt. Về đường dài, việc cải tạo giao thông cũng như tập hợp các chuyên gia để xây dựng chiến lược cho hệ sinh thái du lịch bền vững ở Ba Bể cũng là yêu cầu bắt buộc để “viên ngọc xanh” tỏa sáng đúng tầm.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

N.Hương - B.Uyên