Cách thành phố Bắc Kạn 70km về phía Tây Bắc, hồ Ba Bể nằm ở trung tâm Vườn Quốc gia Ba Bể, thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể.

Chúng tôi đến đây vào một ngày cuối tháng 8. Vừa bước qua cổng Vườn Quốc gia Ba Bể là một khung trời xanh thăm thẳm của một bên là núi đá hùng vĩ, một bên là rừng già bạt ngàn cổ thụ trầm mặc với thời gian.

Những câu thơ được học từ bé chợt vang lên trong tâm tưởng khi chúng tôi lên thuyền, bắt đầu hành trình khám phá hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam này.

Theo các nhà địa chất, hồ Ba Bể được hình thành cách đây gần 200 triệu năm do một biến động địa chất lớn làm sụt lún các dãy núi đá vôi tạo thành.

Hồ được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi xen lẫn sa thạch cổ và các cánh rừng nguyên sinh, tạo nên những phong cảnh ngoạn mục với cấu trúc địa chất, đất đai có một không hai.

Bao quanh hồ là những dãy núi đá vôi cổ có niên đại hơn 450 triệu năm.

Giá trị lớn nhất của Hồ Ba Bể là cảnh quan địa chất độc đáo. Các nhà địa chất của Viện địa chất Việt Nam và Hội địa chất Bỉ đã khẳng định, đá vôi tại vùng hồ Ba Bể có đặc điểm kiến tạo rất đặc biệt.

Trong quá trình biến đổi địa chất, đá vôi đã biến thành những mảng đá hoa cương. Cùng với đó, đáy hồ Ba Bể có một lớp đất sét dày tới 200m bịt kín, chính địa tầng sét này không cho nước thoát xuống và hồ được hình thành.

Giá trị nổi bật của hồ là đa dạng sinh học. Hồ Ba Bể có chiều dài hơn 8km, chỗ rộng nhất khoảng 3km, sâu khoảng 20-30m. Diện tích mặt hồ khoảng 650ha được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi có nhiều suối ngầm và hang động.

Năm 1995, hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới tại Mỹ công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt cần được bảo vệ. Năm 1996, hồ được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Năm 2011, Ba Bể được công nhận là khu Ramsar – khu bảo tồn đất ngập nước có tầm quan trọng của thế giới.

Hồ Ba Bể đẹp nhất là vào buổi sáng sớm khi nắng vừa vặn lên cùng mây. Phong cảnh nơi đây như một bức tranh thủy mặc hữu tình.

Mặt hồ long lanh in đậm bóng núi và mây trời lồng lộng. Hai bên là những dãy núi đá cao sừng sững bạt ngàn cây xanh tươi tốt. Ngồi trên thuyền, hít thở không khí trong lành, khỏa tay xuống dòng nước mát, những nhọc nhằn nơi phố phường đông đúc bụi bặm như được trút bỏ.

Vì không có nhiều thời gian, đoàn chúng tôi lựa chọn đi thuyền máy, mặc dù nhanh nhưng tiếng máy nổ khá ồn ào đã làm giảm đi ít nhiều vẻ lãng mạn của non nước nơi này.

Trên đường đi, chúng tôi được nghe cô hướng dẫn viên người Tày Trương Thị Trưng giới thiệu và kể lại những huyền tích ly kỳ như sự tích hồ Ba Bể, sự tích về đảo Bà Góa, truyền thuyết động Hua Mạ…

Chị Trưng cho biết, giữa lòng hồ có hai đảo nhỏ nổi lên là đảo An Mạ và đảo Bà Góa. Xung quanh hồ là quần thể du lịch Ao Tiên, động Puông, động Hua Mạ, thác Đầu Đẳng…

Ngoài những giá trị về mặt cảnh quan và địa chất, hồ Ba Bể còn là nơi cư ngụ của khoảng 50 loài cá nước ngọt, trong đó có những loài cá rất quý hiếm như cá cóc Ba Bể, cá chiên, cá lầm xanh, cá sình ga... và nhiều loài thực vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như nghiến, đinh, lim, trúc dây…

Giữa trời mây bao la, cô gái nhỏ mang cây đàn tính ra gảy và ngân nga cất tiếng hát Then về huyền thoại hồ Ba Bể.

Tất cả vẻ đẹp của đất trời như quyện lại trong không gian xanh thẳm của trời, xanh ngắt của cây, xanh trong của nước, trong gió nhẹ thổi, trong tiếng đàn hát dặt dìu. Một cảm giác hư hư thực thực vấn vương khó có thể diễn tả bằng lời.

Đi một vòng lòng hồ, chúng tôi dừng tại đảo An Mã (hay An Mạ) – một hòn đảo đá vôi có hình mai rùa, nhô cao khoảng 30m giữa mặt hồ Ba Bể.

Trên đảo có một ngôi đền cổ được trùng tu xây dựng lại vào năm 2006. Đây là đền thờ Thần Rừng, Thần Hồ, mẫu Thượng Ngàn, Chúa Sơn Trang, Đức Thánh Trần và các bậc trung thần nghĩa dũng.

Ngôi đền là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương, khách thập phương và là nơi dâng lễ trước giờ khai mạc Hội xuân Ba Bể, tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng hằng năm.

Đền An Mạ có sự tích gắn liền với trận đại hồng thủy hình thành Ba Bể. Tích khác kể về thủ lĩnh họ Ma nghĩa hiệp, tài trí giúp dân cứu đời. Phía sau đền có ngôi miếu nhỏ, thờ bảy trung thần nhà Mạc tuẫn tiết trong cuộc chiến tranh phong kiến thời Lê – Mạc.

Khi bị truy đuổi, các tướng nhà Mạc chạy về Bắc Kạn. Tới động Puông, cùng đường, họ tuẫn tiết. Người dân thương tiếc, chôn cất, giữ bí mật mộ tướng để tránh trả thù và lập miếu thờ vọng. An Mạ theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là “mồ yên mả đẹp”.

Đường lên đền, những cô gái đon đả mời chào du khách mua đặc sản của hồ, có những xâu cá nướng, măng khô, ốc núi, dược liệu...

Đến Ba Bể, nếu du khách muốn ở lại có thể chọn bản Pác Ngòi làm nơi nghỉ chân, ở đây vẫn còn những ngôi nhà sàn nằm nép sau dãy núi, đơn sơ và vô cùng gần gũi.

Bản Pác Ngòi có gần 100 hộ dân, nhiều hộ mở dịch vụ homestay. Người dân tại đây rất hiền lành, chất phác. Có lẽ vì vậy, mà nơi đây được khách du lịch yêu quý.

Với nhiều người, hồ Ba Bể chán ngắt, vì “ngoài cái hồ nước và đi thuyền” hết một vòng ngắm cảnh, thăm hang động không có hoạt động trải nghiệm gì đặc sắc, không quán cafe, khách sạn cao cấp, quán ăn sang chảnh. Phòng nghỉ thì bé, không điều hòa, những trải nghiệm như trekking, đạp xe thì hợp với du khách nước ngoài hơn là du khách trong nước...

Thế nhưng với anh Tuấn Đào, một vị khách khi “không biết đi đâu thì sẽ lên Ba Bể”, nơi đây vẫn luôn có sức hút kỳ lạ.

“Ở đây, tôi được ngồi nhâm nhi cốc rượu nếp thơm lừng, thưởng thức những món ăn đậm chất dân tộc và trò chuyện cùng gia chủ, ngắm cảnh hoàng hôn rơi xuống bên kia hồ. Bạn sẽ cảm nhận được những điều bình yên mà có thể bạn đã ‘đánh mất’ đâu đó lâu lắm rồi”, anh Tuấn cho biết.

Trong hành trình 15 ngày khám phá Việt Nam, 2 vợ chồng du khách Pháp là bà Beatrice và ông Sylvain đã có 2 đêm ngủ lại tại nhà sàn ở bản Pác Ngòi.

Với họ, hồ Ba Bể là một điểm đến không thể bỏ qua trong vùng Việt Bắc. Nơi đây không chỉ đẹp về cảnh quan mà còn phong phú về con người, văn hóa và ẩm thực.

“Tôi đã chụp ảnh rất nhiều và chắc chắn sẽ giới thiệu cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đến đây nghỉ dưỡng và khám phá văn hóa bản địa. Thật tuyệt vời làm sao! Chắc chắn chúng tôi sẽ trở lại đây cùng với các con, một đại gia đình cùng ngồi ăn mâm cơm ấm cúng”, bà Beatrice thân tình chia sẻ.

Ngoài dịch vụ ngủ nghỉ, các nhà dân còn có dịch vụ dẫn khách đi tham quan hồ Ba Bể, trekking vào các bản của người Tày hay trekking rừng già trong khuôn viên rừng quốc gia Ba Bể...

Các hoạt động vận động thu hút đa số các vị khách nước ngoài, trong khi các khách Việt lại chọn đến hồ để nghỉ ngơi, thư giãn.

“Nếu thời gian nhiều hơn, chắc chắn nên đi thăm động Puông, động Hua Mạ, thác Đầu Đẳng – những nơi đẹp nhất của Ba Bể”, anh lái thuyền bảo với tôi. Vậy nên, chúng tôi thầm hẹn lần sau sẽ lại đến. 

Trên đường quay trở về bến, chị Huyền Trần - một du khách từ TP.HCM, chia sẻ hồ Ba Bể khiến chị nhớ đến Inle lake ở Myanmar, cũng bầu không khí lạnh và những đám mây bao phủ mặt hồ xanh phẳng lặng. Cũng một ngôi làng nhỏ bé hiền hòa.

"Tôi tự hỏi vì sao Inle lại được khách nước ngoài biết đến nhiều như thế? Một phần là vì người ta đã gắn nó với một câu nói đi vào tiềm thức “đến Myanmar, nhất định không thể bỏ qua Inle”. Vậy thì bây giờ hãy để tiềm thức mọi người ghi nhớ: “Đến Việt Nam, không thể bỏ qua hồ Ba Bể”.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo
Thứ Hai, ngày 02/09/2024 15:59 PM (GMT+7)

N. Hương - B. Uyên