"Phao cứu sinh" giữa vùng dịch - ấm lòng người ở lại

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Những ngày qua, ở TP.HCM, Bình Dương cùng nhiều tỉnh thành phía Nam, nghĩa đồng bào lại bùng lên mạnh mẽ. Hàng nghìn túi "an sinh xã hội" được trao cho người nghèo, hàng trăm phòng trọ được miễn, giảm cho người xa quê... làm ấm lòng những người ở lại

Không "liều mình" về quê

Chị Võ Thị Nguyệt (quê Quảng Trị) sau nhiều ngày cầm cự đã chọn giải pháp ở lại Bình Dương với rất nhiều hy vọng sớm ổn định cuộc sống và việc làm. Hai vợ chồng xa quê vào thành phố Thủ Dầu Một lập nghiệp được 3 năm nay. Gần đây, chị nghỉ thai sản, một mình chồng phải lo toan cho cả gia đình. Công việc khó khăn, giãn cách xã hội khiến hai vợ chồng càng khó khăn hơn.

Chủ nhà trọ thấu hiểu hoàn cảnh đã giảm tiền thuê nhà từ 1,5 triệu đồng xuống 700.000 đồng/tháng. Với số tiền 800.000 đồng được giảm, chị có thể tằn tiện để yên tâm phần nào về chi phí nuôi con nhỏ của mình. Chị Nguyệt cho biết, gần như ngày nào các cô chú cán bộ ở khu phố cũng đến hỏi thăm và tặng rau củ quả từ các đoàn thiện nguyện gửi đến.

"Khi khó khăn quá, mình có thể kêu gọi sự giúp đỡ của chủ nhà trọ, của cán bộ ở cơ sở để người ta biết mà giúp chứ không nên vội vã bồng bế nhau về quê khiến mọi việc càng khó khăn vất vả hơn" - chị Nguyệt bày tỏ.

"Phao cứu sinh" giữa vùng dịch - ấm lòng người ở lại - 1

Nhiều chủ nhà trọ giảm tiền cho người thuê. Ảnh: Songmai

Đồng cảnh ngộ, thay vì ồ ạt bỏ về quê theo phản ứng dây chuyền, những ngày qua, trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đã có rất nhiều người không cố "liều mình" về quê mà đã chọn giải pháp ở lại.

Nhà trọ của anh Nguyễn Quang Vinh (khu phố 3, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một) có tổng cộng 42 phòng thì nay chỉ còn một nửa số phòng còn người thuê. Dù khó khăn do thu nhập không bằng trước đây nhưng vợ chồng anh chị đã giảm từ 1 triệu đồng xuống còn 600.000 đồng/tháng. Vợ anh Vinh cho biết mặc dù tiền xây phòng trọ là vay ngân hàng, hàng tháng phải trả cả vốn và lãi nhưng nhìn cảnh công nhân khó khăn cũng không nỡ lấy giá cũ.

Đồng cảm với sự vất vả của những người ở trọ khi phải nghỉ việc để chống dịch, bà Đặng Thị Kim Chánh (khu phố 8, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một) không những đã chủ động giảm tiền phòng trọ cho những người thuê, mà còn tặng mỗi phòng 10kg gạo và không lấy tiền thuê đối với người là thợ hồ, bán vé số, chạy xe ôm, mua ve chai.

Nhận gạo và rau củ, trứng từ bà Chánh trao, bà Nguyễn Thị Út (quê Vĩnh Long) rất mừng và xúc động. Bà cho biết mình bị tiểu đường và bệnh khớp nên thu nhập từ việc làm thợ hồ của chồng chỉ đủ trang trải, đóng tiền phòng trọ và mua thuốc. Từ hôm chồng phải nghỉ làm, cả nhà rất khó khăn. Thậm chí bà không dám gặp chủ trọ vì không có tiền trả, nhưng khi được bà Chánh thông báo giảm tiền phòng và cho nợ một phần, bà Út như trút được gánh nặng.

"Túi an sinh xã hội"

"Phao cứu sinh" hay "túi an sinh xã hội" thực ra cũng chỉ là cách đặt tên của nhiều người, nhất là những tổ chức, cá nhân làm công tác dân vận, thiện nguyện. Đáng mừng là dù cách gọi gì đi chăng nữa thì nó cũng không nằm ngoài mục đích để chia sẻ nhiều hơn, với mong muốn dịch bệnh qua mau, cuộc sống sớm trở lại  bình thường.

Ngày 2/8/2021, trong cuộc họp do Thành ủy TP.HCM tổ chức, cái tên "túi an sinh xã hội" dành cho người nghèo, công nhân ở trọ… được xướng lên và nhận được sự ủng hộ, đồng thuận rất cao của tập thể Ban lãnh đạo Thành ủy.

Ngay sau đó, ngày 3/8, thành phố đã thành lập, tổ chức 24 đoàn đi đến từng quận, huyện (riêng TP Thủ Đức là 3 đoàn) trực tiếp đến khu vực phong tỏa trao từng phần quà cho các hộ nghèo không bị F1, F0... Còn những hộ F0, F1 sẽ thông qua "Tổ Covid -19 cộng đồng" chuyển những phần quà này đến với họ.

"Phao cứu sinh" giữa vùng dịch - ấm lòng người ở lại - 2

Lãnh đạo TP.HCM tặng quà người dân khu phố 1, phường 15, quận Tân Bình. Ảnh: QDND

Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội các đoàn sẽ đến trao "túi an sinh xã hội" cho hộ gia đình 2 đến 4 người hoặc phòng trọ 4 người sử dụng ít nhất trong một tuần.

Túi an sinh này gồm: 10kg gạo, mì gói và thực phẩm, nước tương, nước mắm, dầu ăn, bột nêm, đường, thuốc men thông dụng, khẩu trang, típ C, dầu gió, thuốc hạ sốt…

Ông Hiệp cho biết, từng địa phương có thể hỗ trợ thêm rau củ quả để có "túi an sinh xã hội" cho các hộ nghèo, cận nghèo, những công nhân lao động không về quê đang ở các khu nhà trọ. Toàn bộ “túi an sinh xã hội” sẽ được tổ chức chuyển nhanh đến tất cả các hộ dân thuộc đối tượng nêu trên.

Không phân biệt ai

Chung cư 21- 41 Tản Đà (phường 10, quận 5) có 45 hộ dân với khoảng 150 nhân khẩu và là một trong những nơi không có ca mắc Covid-19 trên địa bàn phường 10. Anh Nguyễn Văn Hùng ngụ tại chung cư cho biết, tất cả thành viên trong gia đình đã được tiêm vắc-xin. Ban quản trị chung cư, chính quyền địa phương rất nhiệt tình, trách nhiệm để hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống và tiêm vắc-xin.

Bà Lê Mỹ Uyên - Ban quản trị (BQT) chung cư này cho biết, để duy trì được "vùng xanh" tại chung cư, BQT đã phối hợp với các tổ Covid cộng đồng đi tuyên truyền, phát tờ rơi vận động người dân thực hiện tốt các quy định chống dịch. Công tác chăm lo cho cư dân cũng được thực hiện thường xuyên với nguồn huy động từ các nhà tài trợ. Hiện chỉ còn vài hộ là người trên 60 tuổi với nhiều bệnh nền có sẵn là chưa được tiêm vắc-xin.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê, những ngày qua cả thành phố đang chung sức chăm lo cho người dân ổn định cuộc sống, đảm bảo người dân ai cũng được tiêm chủng, không phân biệt ai.

"Những mô hình mà các cơ quan quản lý đưa ra không thể vĩnh cửu, tốt đẹp bằng chính người dân tự thiết lập và cùng chung tay tạo dựng lên. Đó là kết quả từ lòng dân, thống nhất, chia sẻ. Những vùng xanh trong khu dân cư, chung cư với cả trăm nhân khẩu là điều hết sức đáng quý, cần được tiếp tục nhân rộng" - ông Khuê nhận định.

"Phao cứu sinh" giữa vùng dịch - ấm lòng người ở lại - 3

Thanh niên tình nguyện thuộc Tỉnh đoàn Bình Dương tặng rau xanh cho người dân khó khăn. Ảnh: Trọng Liêm

Chiều 4/8, ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Вình Dương cho biết, thống kê sơ bộ có khoảng 500.000 công nhân (CN), người lao động (NLĐ) ở lại Вình Dương sẽ được nhận hỗ trợ bằng tiền.

Ông Lộc khẳng định việc hỗ trợ cho CN, NLĐ ở lại Вình Dương sẽ được thực hiện ngay trong sáng 5/8. Mỗi người sẽ được nhận 500.000 đồng và nhu yếu phẩm trị giá 300.000 đồng. Tổng số tiền hỗ trợ đợt này khoảng 260 tỉ đồng.

Sở LĐ-TB-XH và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Вình Dương cho biết đến nay cũng đã chi số tiền hỗ trợ cho trên 25.000 người bị ảnh hưởng dịch Covid-19 với tổng số tiền trên 36 tỉ đồng.

Trước đó, Tỉnh ủy Вình Dương đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể phải thực hiện ngay chiến dịch tiêm vắc - xin cho CN và người dân, đồng thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm hằng ngày cho CN trong cάc khu nhà trọ…

Những ngày qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi, lãnh đạo của nhiều tỉnh, thành trong khu vực phía Nam… bên cạnh chỉ đạo, áp dụng biện pháp mạnh để phòng, chống dịch còn có sự tâm huyết với dân. Mong muốn mọi người không nên về quê lúc vì sẽ gây khó khăn cho các địa phương, nguy hiểm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Thông điệp "mềm" các nhà lãnh đạo dành cho những người xa quê lúc này là hãy thật bình tĩnh, yên tâm ở lại, thông cảm, đồng lòng, ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch. TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam trong khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16 - 16+ đang rất cố gắng bằng mọi nguồn lực, khả năng có thể, với sự tâm huyết dành hết sức mình chăm lo cho người dân, cam kết không để người dân nào thiếu đói, và đảm bảo ai cũng được tiêm vắc-xin phòng dịch.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đinh Gia Cư

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!