Ngành du lịch thế giới đưa ra 10 cam kết để thúc đẩy phục hồi

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hội nghị cấp cao về Tương lai của Du lịch Thế giới đưa ra "Kêu gọi Hành động Barcelona" nhằm chỉ dẫn lộ trình khởi động lại ngành du lịch thông qua đẩy mạnh du lịch có trách nhiệm.

Hội nghị cấp cao về Tương lai của Du lịch Thế giới đưa ra "Kêu gọi Hành động Barcelona" nhằm chỉ dẫn lộ trình khởi động lại ngành du lịch thông qua đẩy mạnh du lịch có trách nhiệm.

Ngành du lịch thế giới đưa ra 10 cam kết để thúc đẩy phục hồi - 1

Hội nghị cấp cao về Tương lai của Du lịch Thế giới diễn ra từ 26 - 27/10. (Ảnh chụp màn hình)

Được tổ chức trực tuyến và trực tiếp tại Barcelona (Tây Ban Nha) từ 26 - 27/10, Hội nghị cấp cao về Tương lai của Du lịch Thế giới là sự kiện tầm quốc tế đầu tiên về chủ đề này sau đại dịch, với sự tham gia của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cùng nhiều quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp toàn cầu.

Ngành du lịch đã sẵn sàng 

Hội nghị đưa ra "Kêu gọi Hành động Barcelona" (Barcelona Call for Action) nhằm khẳng định cam kết về một tầm nhìn chung cho tương lai bền vững và toàn diện của ngành du lịch. Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili nhấn mạnh "Kêu gọi hành động Barcelona" báo hiệu sự sẵn sàng của ngành du lịch để "dẫn đầu, đối mặt và vượt qua những thách thức để xây dựng ngành du lịch tốt hơn cho tất cả mọi người".

"Kêu gọi Hành động Barcelona" gồm 10 điểm, bao gồm cam kết tích hợp du lịch vào các kế hoạch hành động cấp quốc gia và địa phương, trong đó ưu tiên ứng phó với tình trạng khẩn cấp về kinh tế và xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp đồng thời duy trì và tạo việc làm. Tuyên bố này cũng nhấn mạnh sự cần thiết về đảm bảo khởi động lại ngành du lịch và tăng trưởng trong tương lai phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận cấp cao của hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thông báo về việc Chính phủ Việt Nam đã đồng ý kế hoạch thí điểm mở cửa trở lại du lịch quốc tế vào cuối năm 2021; cũng như những nỗ lực của đất nước trong việc hỗ trợ và tái khởi động ngành du lịch, trong bối cảnh lĩnh vực này chịu ảnh hưởng nặng nề vì COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa và phần lớn lao động du lịch bị mất việc làm.

Ngành du lịch thế giới đưa ra 10 cam kết để thúc đẩy phục hồi - 2

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu trực tuyến tại Hội nghị cấp cao về Tương lai của Du lịch Thế giới.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, để giảm thiểu các tác động tiêu cực, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ cho ngành du lịch, bao gồm hỗ trợ về tài chính và xã hội cho lao động du lịch. "Chúng tôi đang phối hợp với các đối tác để thực hiện chương trình đào tạo cho nhân lực du lịch trong giai đoạn đầy thử thách này. Chính phủ Việt Nam đã đồng ý kế hoạch thí điểm mở cửa trở lại du lịch quốc tế vào cuối năm nay, và chúng tôi sẽ từng bước cân bằng cung - cầu của thị trường nhân lực du lịch, cũng như tiếp tục tập trung vào nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách" - ông Nguyễn Trùng Khánh nói.

Chuyển đổi số là công cụ để phục hồi

Khi được hỏi về những dự báo cho tương lai của ngành du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng "số hóa" sẽ là xu hướng tiếp diễn trong thời gian tới, trước nhu cầu về du lịch số ngày càng gia tăng sau đại dịch COVID-19. 

"Kêu gọi Hành động Barcelona" cũng bao gồm nhiều nội dung liên quan tới chuyển đổi số, với cam kết số 7 là "Khuyến khích số hóa du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông và thực hiện các kế hoạch điểm đến thông minh để tạo ra giá trị và nâng cao tính bền vững" hay cam kết số 10 về "Khai phá tiềm năng du lịch bằng cách tạo điều kiện cho cả khu vực nhà nước và tư nhân, bao gồm tài trợ cho việc hỗ trợ quản trị và áp dụng các mô hình kinh doanh mới trong số hóa và tăng trưởng xanh".

Ngành du lịch thế giới đưa ra 10 cam kết để thúc đẩy phục hồi - 3

Phiên thảo luận cấp bộ trưởng tại Hội nghị cấp cao về Tương lai của Du lịch Thế giới. Nguồn: UNWTO

Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cũng nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo ngành du lịch các nước và tổ chức quốc tế. Ông Htay Aung - Bộ trưởng Du lịch và Khách sạn Myanmar cho rằng ứng dụng công nghệ mới sẽ mang đến sự an toàn và thuận tiện cho du khách và các bên liên quan trong ngành du lịch.

Ông Yacine Hammadi – Bộ trưởng Du lịch và Thủ công Algeria cho biết nước này cũng đang tích cực ứng dụng công nghệ và hiện đại hóa ngành du lịch, song song với việc tiêm vaccine và duy trì việc làm cho người lao động. 

Đại diện nước chủ nhà, ông Fernando Valdes – Bộ trưởng Du lịch Tây Ban Nha tin rằng chuyển đổi du lịch sang nền sinh thái số là một thách thức, tuy nhiên cũng mang lại kết nối chặt chẽ hơn để thúc đẩy hợp tác; giúp hội nhập tất cả đối tượng trong ngành du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đại diện Tổ chức Hàng không dân dụng Thế giới (ICAO) – ông Juan Carlos Salazar cho rằng công nghệ mới và giao thức "không chạm" sẽ là công cụ quan trọng cho các chính phủ trong quá trình phục hồi, nhất là đảm bảo an toàn trên các chuyến bay./.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hải Nam/VOV.VN

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!