Nếu mở cửa sớm, du lịch có thể đóng góp 8.600 tỷ USD năm 2022

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Du lịch vẫn là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, với lượng khách quốc tế đến châu Á và Thái Bình Dương trong năm 2020 giảm 82,8% so với mức trung bình trước đại dịch từ năm 2015 đến năm 2019.

Kết thúc năm 2021, các chỉ số du lịch của châu Á - Thái Bình Dương cho thấy lượng khách đi lại vẫn còn thấp, tuy nhiên đã có những dấu hiệu lạc quan khi các chương trình tiêm chủng bắt đầu được triển khai và nhiều quốc gia, nền kinh tế thận trọng mở lại biên giới với mức độ khác nhau.

Nếu mở cửa sớm, du lịch có thể đóng góp 8.600 tỷ USD năm 2022 - 1

Du khách Hàn Quốc đến Phú Quốc du lịch theo chương trình thí điểm đón khách quốc tế - Ảnh: T.L

Theo báo cáo Hội nhập kinh tế châu Á (AEIR) 2022 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vừa được phát hành, sự hỗ trợ của chính phủ quyết định nhiều đến khả năng khôi phục niềm tin du lịch. Nhiều nước sử dụng công nghệ nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại và tuân thủ các quy trình y tế cùng trong quá trình hỗ trợ ngành du lịch phục hồi.

Trong hai năm qua dịch đã tàn phá ngành du lịch toàn cầu. Lượng khách quốc tế giảm 72,6% trên toàn cầu vào năm 2020 so với năm 2019, khiến doanh thu du lịch mất 1.300 tỷ USD và GDP toàn cầu giảm hơn 2.000 tỷ USD.

Những quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào ngành du lịch cũng đã chủ động tập trung khởi động bằng du lịch trong nước. Đến nay, nhiều quốc gia đã hợp tác cùng nhau, vượt qua những thách thức trong việc lập kế hoạch và thực hiện có hệ thống lộ trình mở cửa, tăng khả năng phục hồi cao hơn cho ngành du lịch. 

Song động lực này của kinh tế vẫn còn nhiều thách thức do các đợt bùng phát tái diễn, mà hiện nay là chủng Omicron có tốc độ lây nhiễm nhanh. 

Theo tính toán của Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), nếu việc triển khai tiêm vắc xin tiếp tục diễn ra với tốc độ trong năm nay và các hạn chế đối với du lịch quốc tế được nới lỏng trên khắp thế giới, lĩnh vực này có thể tạo ra 58 triệu việc làm năm 2022, đưa tổng số việc làm du lịch đạt hơn 330 triệu, chỉ thấp hơn 1% so với trước đại dịch và cao hơn 21,5% so với năm 2020.

Bà Julia Simpson, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành WTTC, cho rằng trong 2 năm vừa qua, ngành du lịch và lữ hành thế giới đã phải hứng chịu tổn thất to lớn.

Năm 2022 sẽ là mốc quan trọng đánh dấu sự hồi sinh mạnh mẽ nếu chính phủ các nước tiếp tục việc mở cửa và nới lỏng hạn chế du lịch. Ngành du lịch toàn cầu có thể sẽ tạo ra hơn 58 triệu việc làm trong năm 2022 và đóng góp 8.600 tỉ USD, thấp hơn chỉ 6,4% so với trước đại dịch, điều này sẽ thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chủ trì, phối hợp cơ quan, địa phương kịp thời công bố lộ trình và triển khai thực hiện mở cửa lại du lịch. 

Theo đề xuất của bộ trước đó, Việt Nam có thể mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, gồm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và đưa khách đi du lịch nước ngoài qua tất cả cửa khẩu quốc tế từ ngày 31/3. 

Việc mở cửa hoàn toàn mảng du lịch quốc tế đang được cộng đồng doanh nghiệp trông đợi nhằm khôi phục lại các hoạt động kinh doanh. Bởi hiện du khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch phải đi theo chương trình thí điểm đón khách quốc tế.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

N. Bình (Tuổi Trẻ Online)