Công ty du lịch lo không chuẩn bị kịp đón khách quốc tế

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhiều vấn đề cần các công ty lữ hành Việt Nam giải quyết trước khi đón khách quốc tế. Tuy nhiên, họ vẫn thấp thỏm vì chưa có thông báo chính thức từ Chính phủ.

Trong năm nay, nhiều khả năng Việt Nam sẽ chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch. Khách quốc tế có thể đến Việt Nam và người Việt Nam cũng sẽ được du lịch nước ngoài trở lại mà không gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, trước những tin vui đó, nhiều công ty du lịch inbound (chuyên đón khách quốc tế vào Việt Nam) vẫn còn lo ngại.

Không chuẩn bị kịp

Đặc thù của việc đón khách quốc tế khác xa khách nội địa. Ví dụ, khách nội địa có thể hôm nay đặt vé máy bay, ngày mai đi du lịch ngay. Với khách nước ngoài, họ cần thời gian chuẩn bị khá dài, thường từ sáu tháng đến một năm. Một số ít du khách có thể lên kế hoạch sớm hơn nhưng con số này không thấm vào đâu so với quy mô của toàn ngành du lịch inbound.

Do đó, đa số doanh nghiệp inbound khi được hỏi đều trả lời họ đang nửa mừng, nửa lo trước thông tin mở cửa của Chính phủ. Thứ nhất, họ mừng vì sau thời gian dài, doanh nghiệp đứng trước cơ hội hồi sinh trở lại. Tuy nhiên, họ cũng lo âu khi chẳng biết làm sao bởi mọi thứ vẫn chỉ là những đề xuất. Và đề xuất là điều họ đã phải nghe quá nhiều suốt cả năm qua.

"Tôi có nói chuyện với một số bên làm inbound khác. Họ vẫn sợ lắm vì cứ đề xuất rồi lại đóng cửa. Đầu tư lại tốn rất nhiều tiền nên ai cũng mong một câu trả lời chắc chắn", ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc World Mate Travel, chia sẻ.

Công ty du lịch lo không chuẩn bị kịp đón khách quốc tế - 1

Khách quốc tế thường lên kế hoạch sớm trước khi đi. Ảnh: World Mate Travel.

Năm 2018, 2019 có thể xem như "cực thịnh" của du lịch Việt. Tuy nhiên, 2 năm sau đó khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Chia sẻ với phóng viên, một số bên cho biết họ đã vay rất nhiều tiền để đầu tư nhưng rồi không thu lại được gì. Vì thế, tất cả đều mong một thông báo chính thức từ Chính phủ để sẵn sàng dốc tiền một lần nữa.

Nhiều doanh nghiệp inbound đã xin dừng hoạt động từ năm 2020. Một thống kê hồi tháng 6 năm ngoái của Sở Du lịch TP.HCM cho thấy 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp kinh doanh thị trường inbound đã tạm ngưng hoạt động. Tính cả năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, 171 doanh nghiệp đã rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Với tình trạng hiện nay, không ít doanh nghiệp chắc chắn "kiệt sức" nếu tiếp tục đầu tư nhưng việc đón khách quốc tế vẫn bị trì hoãn. Trả lời phóng viên, ông Vũ Minh Thọ, Giám đốc Asia Top Travel, nói nếu hiện tại chưa có kế hoạch cụ thể, ít nhất phải cuối năm mới đón được khách.

Đại diện doanh nghiệp này cũng lấy ví dụ từ câu chuyện của Campuchia - quốc gia láng giềng với Việt Nam hiện đã mở cửa đón khách. Thông báo mở cửa được Campuchia đưa ra từ tháng 11/2021 và họ mở chính thức từ tháng 2 năm nay. Tuy nhiên, khi trao đổi với các đối tác tại Campuchia, ông Thọ cho biết lượng khách nhận được hiện tại cũng rất ít.

"Nếu doanh nghiệp có thể đề xuất, tôi mong các bộ, ban, ngành xem xét đưa ra thông báo chính thức từ cuối tháng 2 và mở cửa luôn từ tháng 3. Chúng ta cần có kế hoạch cụ thể từ đầu tháng 3 để doanh nghiệp lên kế hoạch. Từ lúc mở cửa đến lúc đón được khách cũng cần có độ trễ để khách quốc tế đánh giá và chuẩn bị. Sau 3 tháng từ lúc bắt đầu mở cửa, tôi nghĩ mới có được ít khách. Mùa chính của khách inbound là từ tháng 10 đến tháng 4 nên phải mở từ đầu năm chứ mở sát ngày khách sẽ không lên kế hoạch được", ông Thọ cho biết.

Tìm kiếm nhà cung cấp dịch vụ

Đối với các doanh nghiệp inbound, ngoài làm việc với đối tác nước ngoài, họ cũng cần chuẩn bị dịch vụ trong nước để đón tiếp khách hiệu quả. Công tác chuẩn bị có khá nhiều bước như lên kế hoạch tour, xây dựng bảng giá, làm việc cùng hãng xe, khách sạn...

Khâu xây dựng sản phẩm gần như phải làm mới hoàn toàn. Sau thời gian dài "ngủ đông", bảng giá dịch vụ coi như đã lỗi thời. Họ phải xây dựng chương trình, cập nhật điểm đến để đưa ra mức giá mới phù hợp.

Hiện tại, đại diện World Mate Travel cho biết đang đi khảo sát lại dịch vụ của các đối tác. Ông Tú nói nhiều khách sạn chuyên phục vụ khách nước ngoài đã xuống cấp, không còn đủ tiêu chuẩn. Trong khi đó, yêu cầu của khách quốc tế, đặc biệt là khách châu Âu tương đối cao.

"Mới có khoảng 60% đối tác còn đạt yêu cầu để mình gửi khách. Hiện nay, mỗi điểm đến, chúng tôi phải dự trù 6-7 khách sạn để lựa chọn, xem xét. Xe cộ của nhiều công ty lớn cũng 'đắp chiếu' thời gian dài, xuống cấp trầm trọng. Bãi đỗ xe 45, 29 hay 16 chỗ toàn ở ngoài trời nên việc hư hại sau thời gian không sử dụng là khó tránh, thậm chí chuột bọ còn chui vào làm ổ", ông Tú cho hay.

Công ty du lịch lo không chuẩn bị kịp đón khách quốc tế - 2

Doanh nghiệp inbound đau đầu vì chuỗi cung ứng dịch vụ đón khách quốc tế. Ảnh: Đức Anh.

Công tác kết nối với các đối tác cũ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nội bộ nhiều công ty cũng chưa ổn định. Thời gian qua, nhân sự là vấn đề gây đau đầu với toàn ngành du lịch khi nhiều người bỏ nghề do không thể kiếm sống.

Với các tour inbound, hướng dẫn viên là nhân tố quan trọng. Tuy nhiên, nhiều người cũng đã rời ngành do không thể cạnh tranh với các hướng dẫn viên nội địa - thị trường cung nhiều nhưng cầu không cao.

Khi bên cung cấp dịch vụ làm chưa ổn, các công ty cũng không thể đón khách quốc tế. Nếu đón tiếp không chu đáo, khách có thể đánh giá xấu về công ty trên các website du lịch trực tuyến.

"Vài đánh giá xấu có thể khiến doanh nghiệp mất khách. Vì vậy, chúng tôi thực sự mong một thông tin chính thức để có thể chuẩn bị tốt nhất", đại diện Asia Top Travel bày tỏ.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Anh Tú (Zing News)