Mở cửa du lịch: Chờ hướng dẫn... mở cửa!
Muốn thí điểm mở cửa du lịch, trước tiên ở Phú Quốc, cần thêm hướng dẫn theo hướng thực sự có ý nghĩa, bớt rào cản.
Nhiều doanh nghiệp vẫn chờ hướng dẫn của các bộ, đặc biệt là của Bộ Y tế. Trong ảnh: Khách trở lại Phú Quốc trong đợt nới lỏng hồi đầu hè 2021 - Ảnh: N.HIỂN
Hai yếu tố quan trọng nhất để mở cửa du lịch quốc tế là địa phương đảm bảo độ phủ vắc xin cho người dân địa phương và có phương án, cơ sở vật chất để xử lý các ca nhiễm phát sinh từ du khách.
Cân nhắc lại các quy định
Nhìn ở góc cạnh này, hiện nay công tác tiêm chủng ở Phú Quốc khá thuận lợi, cơ sở vật chất y tế của Phú Quốc cũng khá hoàn thiện, chỉ còn vướng các chính sách quy định hướng dẫn mở cửa.
Trong kế hoạch về thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc sử dụng "hộ chiếu vắc xin", giai đoạn 1 sẽ thí điểm đón từ 3.000 - 5.000 du khách quốc tế. Đây là một con số không có nhiều ý nghĩa với các doanh nghiệp lữ hành, vì ai sẽ được đón và ai không?
Chúng ta không nên hạn chế số lượng đón khách thí điểm cho từng giai đoạn. Cụ thể, với số lượng mà UBND tỉnh Kiên Giang đưa ra là 3.000 - 5.000 khách/tháng trong giai đoạn 1 và 5.000 - 10.000 khách/tháng trong giai đoạn 2, mục tiêu đón khách quốc tế của Phú Quốc sẽ không thực tế.
Con số 3.000 hay 5.000 khách thí điểm không nói lên điều gì, cũng như cơ sở để đưa ra con số trên rất mơ hồ, mà quên rằng liệu số khách vậy có khuyến khích được doanh nghiệp tái hoạt động, đủ bù chi phí để họ mở cửa?
Thứ hai là không nên áp dụng cách ly 7 ngày. Quy định của Bộ Y tế không thực tế với ngành du lịch lúc này. Bản thân các nước trong khu vực cũng nhìn thấy đây là rào cản lớn nhất để thu hút du khách và họ đã qua một giai đoạn mới, từ bỏ chính sách cách ly.
Chúng ta cũng đang xác định sống chung với COVID-19, nguy cơ lây nhiễm từ các du khách đã được test âm tính, tiêm hai mũi vẫn có nhưng khả năng lây nhiễm không cao và nguy cơ bệnh nặng cũng thấp.
Nếu lúc này vẫn áp dụng quy định cách ly 7 ngày thì chúng ta chỉ đón được những vị khách bắt buộc phải đến Phú Quốc, con số này khoảng bao nhiêu người? Còn khách du lịch thuần túy sẽ không có, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi khách đã có nhiều điểm đến trong khu vực để lựa chọn.
Thay đổi tư duy mở cửa
Chúng ta đã xác định mở cửa thì phải mở hết sức thông thoáng, thực sự trong tâm thế chào đón khách, chứ không thể dựng lên những hàng rào rồi vẫn nói là mở cửa.
Các vấn đề phòng chống dịch cần xem là việc "nội bộ"; doanh nghiệp, địa phương phải chuẩn bị cơ sở vật chất, dịch vụ chu đáo và để đảm bảo khả năng phòng chống dịch có thể giao các sở, ban ngành chuyên môn thẩm định kế hoạch ứng phó.
Chúng ta cần thay đổi trong tư duy mở cửa, không nên xem mở cửa thí điểm Phú Quốc là câu chuyện của tỉnh Kiên Giang, đó còn là thí điểm cho cả nước. Vì thế, việc mở cửa này cần được triển khai theo tinh thần mở một cách thông thoáng, khi đó chúng ta còn có kinh nghiệm xử lý và bài học cho những tỉnh thành khác.
Mở cửa thị trường thì phải xác định đón được khách, nếu không có khách thì càng khó cho doanh nghiệp, khó hơn cả lúc chúng ta duy trì việc đóng cửa. Bởi để quay lại hoạt động, doanh nghiệp phải đầu tư, chuẩn bị cơ sở vật chất, con người và các hoạt động quảng bá, khuyến mãi.
Nghị định 128 nói rất rõ chúng ta phải sống chung với dịch COVID-19, các phương án phòng chống là giúp chúng ta xử lý kiểm soát chứ không thể đẩy hết bất tiện cho du khách.
Chúng ta phải cho thấy sự cởi mở, thân thiện của điểm đến. Trong thời điểm nhiều quốc gia vẫn đang đóng cửa, Việt Nam có những lợi thế về địa lý cho phép vẫn có thể đón khách quốc tế, thế nên càng phải tận dụng để quảng bá hình ảnh du lịch, điểm đến lúc này. Nếu còn tâm lý sợ sệt thì không nên mở, nếu xác định đã mở thì phải thực sự thông thoáng.
Sau nhiều lần trì hoãn kế hoạch mở cửa thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp du lịch đã rơi vào khủng hoảng chưa từng có và đang chật vật quay lại. Nếu các chính sách mở cửa kém thân thiện, hiệu quả thì nhiệt huyết, dũng khí của doanh nghiệp cũng sẽ không còn.
Chúng ta đã xác định mở cửa thì phải mở hết sức thông thoáng, thực sự trong tâm thế chào đón khách, chứ không thể dựng lên những hàng rào rồi vẫn nói là mở cửa... Mở cửa mà không có khách thì càng khó cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thế Lam |
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp): Các bộ ngành cùng ngồi lại gỡ vướng Hiện dịch bệnh đã được kiểm soát cơ bản, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 128 và các bộ ngành cũng đã có những quy định mới về sống thích ứng với COVID-19, nên việc thí điểm mở cửa du lịch đối với du khách quốc tế là hết sức cần thiết. Do đó, việc Bộ VH-TT&DL xây dựng hướng dẫn, lựa chọn các tỉnh có ưu điểm để thí điểm đón du khách nước ngoài trong thời điểm này là phù hợp, góp phần khôi phục ngành dịch vụ du lịch. Việc thí điểm này cần phải có những quy định chi tiết để các địa phương thực hiện, song trường hợp áp dụng quy định cách ly y tế 7 ngày đối với du khách là không nên. Nếu đến mà cách ly như vậy thì khách sẽ ngại đến VN, chẳng ai dám đi đâu hoặc trường hợp đi thì số lượng cũng không nhiều. Các quy định phải có "độ mở" để tạo nên sự cạnh tranh, thu hút du khách, song vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch. Các bộ ngành phải ngồi lại tháo gỡ các vướng mắc để thực hiện, bởi hiện nay "ai cũng thủ hết". Từng bước thí điểm đón khách du lịch ở các địa phương đã đề xuất cũng cần phải làm từng bước. Việc chọn Phú Quốc là điểm đầu tiên để thí điểm đón khách quốc tế là hoàn toàn hợp lý, song địa phương phải đáp ứng điều kiện người dân đã tiêm chủng đủ liều, trong đó có trẻ em tiêm chủng 100%. Bên cạnh đó, khách đến phải có điều kiện đi theo tour khép kín đã được đề xuất, tuân thủ các quy định. |
Xác định “sống chung với dịch”, ngành du lịch không thể tiếp tục 'ngủ đông' chờ 'băng tan' mà chủ động kích hoạt,...