Song hành kích hoạt thị trường "nội - ngoại", ngành du lịch chủ động phá băng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Xác định “sống chung với dịch”, ngành du lịch không thể tiếp tục 'ngủ đông' chờ 'băng tan' mà chủ động kích hoạt, khôi phục du lịch nội địa và chuẩn bị kỹ càng để sẵn sàng đón khách quốc tế.

Sau thời gian dồn lực chống dịch bằng những biện pháp quyết liệt nhất, triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất trong lịch sử, tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát. Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, Việt Nam đã xác định chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 để từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế.

Song hành kích hoạt thị trường "nội - ngoại", ngành du lịch chủ động phá băng - 1

Phú Quốc dự kiến sẽ đón khách từ tháng 11/2021. Ảnh: Anapa.

Ngành Du lịch cũng nhanh chóng kích hoạt nhằm khôi phục lại các hoạt động du lịch nội địa ngay từ tháng 10/2021 và chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang) vào tháng 11/2021.

Các địa phương, doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng đã rất chủ động đưa ra chủ trương, sản phẩm mới để nhanh chóng đưa hoạt động du lịch khởi động trở lại sau thời gian dài "kiệt sức" vì Covid-19. Tạp chí Du lịch TP.HCM giới thiệu loạt bài viết "Ngành Du lịch chủ động phá băng" khôi phục du lịch nội địa và chuẩn bị kỹ càng để sẵn sàng đón khách quốc tế.

Thời điểm đã “chín muồi”

Với phương châm “an toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn”, ngay từ đầu tháng 9/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch triển khai các chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành, trước mắt tập cho thị trường khách nội địa nhằm thực hiện “mục tiêu kép”.

Song hành kích hoạt thị trường "nội - ngoại", ngành du lịch chủ động phá băng - 2

Việt Nam sẽ đón khách theo phương châm “an toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn”.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã nhanh chóng phát động “Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 lần 4” với chủ đề “Kết nối xanh du lịch Việt Nam”.

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chương trình hướng tới việc chuyển các hoạt động du lịch sang trạng thái bình thường mới, sống chung với Covid-19 và xây dựng ngành kinh tế du lịch an toàn.

“Nếu không có bắt đầu thì hoạt động du lịch không thể mở lại được. Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch sẽ phát động lại, làm lại, tạo điều kiện để mọi người quen đi với khái niệm an toàn mới”, ông Bình nhấn mạnh.

Song hành kích hoạt thị trường "nội - ngoại", ngành du lịch chủ động phá băng - 3

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình. Ảnh: Báo Quốc tế.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng, sau 4 đợt dịch bùng phát, nguồn lực doanh nghiệp đã hết sức cạn kiệt.

Khi du lịch đã “chạm đáy”, việc khôi phục du lịch là một trong những yêu cầu cấp bách của tất cả những người làm du lịch và doanh nghiệp du lịch. Ông Khánh cho rằng, thời điểm này là "chín muồi" để mở cửa du lịch, sự hồi phục của du lịch sẽ giúp kích thích các ngành kinh tế khác trở lại bình thường.

“Đặc biệt, ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đây là cơ hội để du lịch và lữ hành được hoạt động trở lại, không chỉ với du lịch trong nước mà cả du lịch quốc tế,” ông Khánh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Trần Nguyện, Trưởng Ban Kinh doanh Khối Sun World (Tập đoàn Sun Group), đây là thời điểm “đẹp và chín để mở lại các hoạt động du lịch”. Giai đoạn này không chỉ cần thiết mở lại các hoạt động để đón du khách vào mùa du lịch Tết Dương lịch và Tết Âm lịch cũng như năm 2022. Thời điểm này, du khách nội địa không quá đông, các địa phương, điểm đến có thể đưa ra những quy trình thử nghiệm và vận hành an toàn nhất.

“Tôi cho rằng, khi được thực hiện một cách thận trọng từng giai đoạn, với những lộ trình và phương pháp được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn cho du khách và cho điểm đến, việc mở cửa du lịch sẽ phát huy hiệu lực, giúp du lịch có thể “hồi sinh”, từ đó vực dậy nền kinh tế”, bà Nguyện khẳng định.

Nhộn nhịp các tour nội vùng, liên tỉnh

Mặc dù đợt dịch thứ tư bùng phát diện rộng, gây thiệt hại nặng nề nhưng với bản lĩnh của “người đi đầu”, TP.HCM đã sớm khôi phục, kích hoạt lại các hoạt động du lịch nội vùng, liên tỉnh. Từ sự thành công trong việc tổ chức thí điểm tour nội thành tới Cần Giờ và Củ Chi, lãnh đạo TP.HCM đã chủ động kết nối để sớm mở lại các tour du lịch liên tuyến, liên tỉnh.

Song hành kích hoạt thị trường "nội - ngoại", ngành du lịch chủ động phá băng - 4

Tour khép kín “TP.HCM - Khu Du lịch núi Bà Đen” đi về trong ngày được thực hiện vào ngày 18/10 vừa qua.

Ngay từ đầu tháng 10, lãnh đạo TP.HCM đã làm việc với tỉnh Tây Ninh để mở lại tour liên tuyến đầu tiên TP.HCM - Tây Ninh theo mô hình "bong bóng khép kín", khách chủ yếu tham quan tại các điểm du lịch ngoài trời, hay các điểm tham quan sinh thái tại Củ Chi - Tây Ninh.

Sau thành công của tour liên tỉnh đầu tiên này, đoàn công tác của TP.HCM đã làm việc với các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định. Theo đó, từ tháng 11 tới, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành có thể tổ chức tour đưa khách TP.HCM đến tắm biển Nha Trang, khám phá vùng đất “hoa vàng cỏ xanh” Phú Yên hay thưởng thức đặc sản của Quy Nhơn.

Song hành kích hoạt thị trường "nội - ngoại", ngành du lịch chủ động phá băng - 5

Du khách ở bến tàu tại huyện Cần Giờ, TP.HCM trong tour đường thủy độc đáo sáng 24/10.

“TP.HCM là địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao so với cả nước. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để đưa ngành du lịch trở lại quỹ đạo hoạt động. Đặc biệt từ tháng 11 TP.HCM sẽ bắt đầu đẩy mạnh đón khách ngoại tỉnh thông qua các liên kết,” bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết.

Cùng với TP.HCM, các tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Bình, Bình Thuận… cũng đã đón những du khách ngoại tỉnh đầu tiên. Đây là những dấu hiệu tích cực để khởi động tại du lịch trên toàn quốc sau đợt dịch Covid-19 thứ tư.

Sẵn sàng mở cửa đón khách quốc tế

Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc được xem là điểm nhấn đặc biệt của ngành du lịch sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Hiện tại, 100% người dân, người lao động ở Phú Quốc đã được tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid-19, dự kiến sẽ hoàn thành tiêm chủng mũi 2 trong tháng 11/2021 tức là đạt miễn dịch cộng đồng, sẵn sàng đón khách du lịch.

Song hành kích hoạt thị trường "nội - ngoại", ngành du lịch chủ động phá băng - 6

Khánh Hòa ủng hộ mô hình 7+ của doanh nghiệp, theo đó trung bình mỗi tháng sẽ có hàng chục ngàn khách Nga đến Việt Nam trên các chuyến bay thuê chuyến.

Bên cạnh Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh cũng được lựa chọn để mở cửa với du lịch quốc tế trong năm 2021. Hiện các công ty lữ hành trong nước đã kết nối lại đối tác nước ngoài, với việc bước đầu hàng chục nghìn khách Nga đặt trước tour đến Khánh Hoà trong mùa đông tới.

Tại cuộc họp mới đây với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng 5 địa phương: Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh về phương án đón khách du lịch quốc tế trong tình hình mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, lộ trình mở cửa, phục hồi các hoạt động du lịch quốc tế khẩn trương, nhưng phải bảo đảm đầy đủ các quy định, triển khai khoa học, an toàn.

Song hành kích hoạt thị trường "nội - ngoại", ngành du lịch chủ động phá băng - 7

Các thiên đường du lịch cho khách nước ngoài ở Việt Nam đang khẩn trương chuẩn bị cho ngày trở lại. Ảnh: CPV.

Với các thời điểm đón khách, Phó Thủ tướng chỉ đạo, trong giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021), việc đón khách quốc tế đến 5 tỉnh Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh phải nêu rõ, chi tiết điểm đến, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng. Khách quốc tế đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong vòng 7 ngày, nếu muốn đi tới những điểm đến khác phải thực hiện xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế.

Đối với giai đoạn 2 (từ tháng 1/2022), ngoài 5 địa phương đã nêu, các địa phương khác có thể đăng ký để thí điểm đón khách quốc tế nếu đủ điều kiện, sẵn sàng tham gia. Bộ VH-TT&DL sẽ xem xét, quyết định.

“Việc mở cửa hoàn toàn trong lĩnh vực du lịch cần căn cứ cụ thể vào tình hình dịch bệnh, những bài học, kinh nghiệm đã được tổng kết từ việc triển khai giai đoạn 1, giai đoạn 2,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Song hành kích hoạt thị trường "nội - ngoại", ngành du lịch chủ động phá băng - 8

Ngành du lịch đang từng bước phục hồi, kích hoạt trở lại cả du lịch nội địa và quốc tế. 

Theo TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch VN (TAB), mở cửa du lịch một cách an toàn, kể cả du lịch quốc tế, là việc không nên trì hoãn, không thể không làm, nếu không muốn để ngành du lịch Việt Nam bị sụp đổ với những hệ lụy về kinh tế, xã hội hết sức lớn.

“Một số địa phương trong nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao hoàn toàn có thể chủ động xây dựng đề án mở của du lịch quốc tế cho địa phương mình và báo cáo, đề nghị Chính phủ xem xét phê duyệt, không nhất thiết phải chờ kết thúc đề án thí điểm đón du khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine” đến Phú Quốc,” TS Nam đề xuất.

Du lịch Việt Nam thiệt hại do Covid-19:

Song hành kích hoạt thị trường "nội - ngoại", ngành du lịch chủ động phá băng - 9

Song hành kích hoạt thị trường "nội - ngoại", ngành du lịch chủ động phá băng - 10

(Mời quý độc giả theo dõi bài tiếp theo trong loạt bài "Ngành Du lịch chủ động phá băng" vào 11h ngày mai, 26/10/2021)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phương Hà

CLIP HOT