Tháp Nhạn - độc đáo kiến trúc Chăm Pa ở Phú Yên
Tháp Nhạn tọa lạc tại phường 1, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên; người Ê Đê và Gia Rai gọi là tháp Kơ H'Meng, người Kinh gọi là tháp Chàm, còn người Chăm gọi là đền Kalan. Tháp Nhạn được xây dựng vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII, là công trình kiến trúc tiêu biểu của người Chăm xưa.
Tháp Nhạn là Di tích quốc gia đặc biệt, có ý nghĩa về lịch sử và văn hóa. Ảnh: Hà Thế
Sự xuất hiện và tồn tại của tháp Nhạn hơn 800 năm cùng với những truyền thuyết về tháp Nhạn của người Việt đã phản ánh quá trình khai phá vùng đất Phú Yên của người Việt trong thế kỷ XVI, về sự giao thoa văn hóa, tinh thần giữa hai dân tộc Việt - Chăm trên vùng đất Phú Yên trong quá khứ và hiện tại.
“Hòn ngọc” văn hóa phi vật thể
Tháp Nhạn ở Phú Yên, có nhiều câu chuyện cổ tương truyền. Có người kể rằng, xưa kia, có tiên nữ Thiên Yana hạ giới để chỉ dạy về cày cấy, dệt vải, kéo sợi... cho người dân nơi đây. Sau khi tiên nữ quay về trời, để thể hiện lòng nhớ thương và khắc ghi công ơn tiên nữ đã khai sáng cho dân tộc mình, người Chăm Pa nơi đây đã xây dựng ngọn tháp ấy làm nơi thờ phụng tiên nữ. Còn về tên gọi tháp Nhạn, nhiều người cao tuổi ở Phú Yên giải thích rằng, do có rất nhiều chim nhạn bay tới đây sinh sống, làm tổ trên ngọn tháp. Dần về sau, nơi đây cũng được đặt tên theo tên của loài chim này.
Kiến trúc tháp Nhạn được xây dựng gồm có 3 phần: Đế tháp, thân tháp và mái tháp. Mặt chân tháp và thân tháp được xây dựng theo hình vuông, ý nghĩa tượng trưng cho đất, tổng chiều cao cả ba phần vào khoảng 24m. Chân tháp được thiết kế lớn hơn thân tháp, với chiều cao khoảng 3,3m. Các hàng gạch phía trên được xây dựng lùi vào so với hàng bên dưới theo một trật tự nhất định, cứ như thế thu nhỏ dần rồi ôm sát vào thân tháp. Chân tháp là một khối lớn vững chãi bám sâu vào trong lòng đất, giúp nâng đỡ thân và mái của tháp.
Thân tháp được thiết kế dạng hình vuông, mỗi cạnh dài 10,5m, cao khoảng 9,3m, tường dày khoảng 3m. Tường xây dựng thẳng đứng, được bổ trụ ở 4 góc, tạo gờ lồi lõm ở hai mặt bên và mặt sau của tường. Những biểu tượng chạm trổ, gờ chỉ trên thân tháp vô cùng đa dạng và phong phú. Nó không chỉ thể hiện nên ước vọng, hoài bão của con người, mà còn phản ánh thế giới các vị thần.
Mái tháp có 4 lớp, hình khối, đường nét rất lạ, chiều cao mái khoảng 8,5m. Lớp dưới cùng với 4 tai trụ lớn ở 4 góc trông xa như 4 búp sen và các gờ chỉ nhô ra khỏi thân tháp tựa như xê nô mái nhà. Lớp thứ hai và thứ ba, mỗi lớp cũng có 4 búp sen, càng lên cao nhỏ lại và nhọn dần. Lớp trên cùng là hòn đá lớn nguyên khối đáy hình vuông, trên cong đều nhọn dần theo 4 phía, được gọt đẽo tinh xảo, đó là biểu tượng của Linga. Linga là sinh thực khí nam, tượng trưng cho thần Shiva, một trong 3 vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Nhìn xa, phần mái có hình dáng giống đóa hoa rừng, như ngọn lửa đêm đông, biểu trưng cho thần thánh, sự giác ngộ, thức tỉnh của con người trong đời sống tâm linh. Mái có hình dáng rất lạ, lồi lõm.
Bên trong tháp là một khoảng trống với chiều dài 4,5m, nền tháp cao 1,8m so với sân bên ngoài. Việc bài trí thờ cúng bên trong cũng rất đơn giản, chỉ làm bàn thờ tiên nữ Thiên Yana nhìn ra cửa. Toàn bộ tháp từ móng, đế, thân và mái tháp đều được xây bằng gạch đặc, chỉ có bộ Linga là bằng đá. Riêng phần đỉnh tháp được xây dựng với một tảng đá hình búp sen nhọn đẽo khắc tỉ mỉ, cân đối, thể hiện cho biểu tượng của sinh thực khí, sức mạnh sinh thành trong văn hóa Chăm.
Bên cạnh tảng đá hình búp sen là các phù điêu cũng thể hiện rõ bộ sinh thực khí. Tuyệt vời hơn là nếu đứng trên cao ngắm nhìn kỹ, đỉnh tháp là ranh giới tách biệt giữa phần trên và phần dưới thông qua chi tiết 4 mặt của đỉnh đều có 4 cửa sổ ứng với 4 hướng “Đông, Tây, Nam, Bắc” trong âm dương ngũ hành.
Kiến trúc tháp được xây dựng phần nào thể hiện được nền văn hóa rực rỡ của người Chăm lúc bấy giờ. Tháp Nhạn là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lịch sử của người Chăm và đây cũng là thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh Phú Yên được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Ngày 24-12-2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1820/QĐ-TTg xếp hạng tháp Nhạn là Di tích quốc gia đặc biệt.
“Cầu nối” văn hóa Việt-Chăm
Phú Yên hiện có hơn 23.000 người Chăm sinh sống cùng các dân tộc anh em. Trải qua quá trình lịch sử, người Chăm và người Kinh ở Phú Yên đã sáng tạo và lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, thể hiện trong: Kiến trúc, trang phục, nghệ thuật, lễ hội, phong tục tập quán và tri thức dân gian...
Điểm nổi bật để tôn vinh nét đẹp của người Chăm ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật rõ nhất là các tiết mục múa của Đoàn Ca nhạc Sao Biển (Phú Yên). Dù là người Kinh, nhưng khi biểu diễn cho các khách tham quan tháp Nhạn, các diễn viên đã hóa thân như những thiếu nữ Chăm thực thụ... qua những điệu múa cổ Chăm Pa.
Hằng năm, tại tháp Nhạn đều diễn ra lễ Vía Bà (tiên nữ Thiên Yana), trong đó, ngày 21-3 là chính lễ. Lễ Vía Bà thu hút nhân dân trong tỉnh Phú Yên và một số tỉnh lân cận tham gia, trong đó, đồng bào người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định đều tổ chức cử đoàn (30-50 người) tham gia hành lễ dâng các loại lễ vật, hoa quả, chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp... để cầu xin cuộc sống no đủ, bình an, may mắn.
Đặc biệt, từ năm 1980 đến nay, vào dịp rằm tháng Giêng hằng năm, tại tháp Nhạn thường diễn ra “Đêm thơ Nguyên tiêu” với sự tham gia của các nhà thơ, người yêu thơ đến từ Phú Yên và các tỉnh lân cận.
Trên thế giới, có rất nhiều thành phố khai thác dòng sông mang lại nguồn lợi lớn cho thành phố, một trong số đó là sông...