Cần Giờ - 'Cánh chim xanh' trên bản đồ thành phố
Trong cuộc đổi thay mang tính cách mạng của kỷ nguyên vươn mình, trên bản đồ TP.HCM mới vẫn luôn hiện hữu một "cánh chim xanh" Cần Giờ. Cánh chim ấy đang đứng trước bầu trời rộng mở với nhiều vận hội.
Bạn có đang cầm trên tay một tấm bản đồ TP.HCM không? Ừ, mà thời 4.0, tra Google Maps tiện hơn chứ nhỉ? Bản đồ giấy hay số đều được, bạn hãy mở ra xem trên đó có thấy hiện lên một cánh chim xanh không, đang rướn về phía trước đầy kiêu hãnh? Nếu vẫn chưa thấy, bạn hãy ngắm kỹ một lần nữa, chỗ vị trí nơi mà chúng ta vẫn gọi là Cần Giờ.
Phải, nếu nhìn trên bản đồ, hoặc giả như, bạn đang từ một tầm cao… thật cao nào đó nhìn xuống, vượt khỏi mọi giới hạn hay rào cản che chắn, để thu trọn vào mắt dáng hình của nó, và huy động trí tưởng tượng một chút, bạn sẽ thấy vùng đất Cần Giờ tựa hồ một cánh chim xanh.
Cần Giờ (vùng tô đỏ) trên bản đồ TP.HCM.
Tháng 12/1978, huyện Duyên Hải từ tỉnh Đồng Nai sáp nhập về TP.HCM. Tháng 12/1991, Duyên Hải đổi tên thành Cần Giờ. 50 năm đất nước hòa bình, thống nhất, thì cũng chừng ấy thời gian, Cần Giờ trở thành bộ phận hữu cơ không thể tách rời của TP.HCM, với tư cách huyện ngoại thành duy nhất giáp Biển Đông.
Cắt hình mảng xanh nổi bật trên bản đồ thành phố, cách trung tâm khoảng 60km về phía Đông Nam, "cánh chim" Cần Giờ rộng hơn 700km2, đúng nơi cửa sông - vịnh biển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Mạng lưới hàng trăm sông rạch chằng chịt lớn nhỏ thuộc hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn vừa ôm trọn, vừa chia cắt Cần Giờ hiện rõ trên bản đồ, ví như "mạch máu" làm nên sự sống cho cánh chim xanh ấy.
Màu xanh Cần Giờ, rất đặc biệt, chính là rừng ngập mặn. Từ chỗ bị tàn phá, hủy diệt nghiêm trọng trong chiến tranh, chỉ thời gian ngắn sau ngày bắt tay tái thiết đất nước, rừng ngập mặn Cần Giờ được hồi sinh ngoạn mục. Đó là tầm nhìn và quyết tâm phủ xanh, trồng lại rừng trên diện tích rộng lớn của lãnh đạo thành phố, cùng biết bao người dân đã đổ sức chung tay.
Năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ chính thức được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam. Thực là "kỳ tích", trong truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của thành phố này.
Tiêu biểu trong các loại cây rừng ngập mặn là đước, bộ rễ hình nơm đặc trưng bám chắc vào đất bùn lỏng, lá hình mác mọc đối nhau, cứng dày, mọng nước, cây con nảy mầm trên thân cây mẹ. Ca khúc nổi tiếng "Một đời người, một rừng cây" (Nhạc sĩ Trần Long Ẩn) nhắc đến "loài cây sống gần nhau thân mới thẳng" - chính là Đước. 'Có một cây là có rừng, và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương…".
Một góc rừng ngập mặn Cần Giờ.
Dưới tán rừng ngập mặn Cần Giờ là "chộn rộn" và phong phú vô cùng nhịp sống, nhịp thở của hệ động - thực vật đa dạng, độc đáo. Nhưng chưa dừng lại đó. Vượt qua lớp "bề mặt", nỗ lực thâm nhập sâu vào những tầng trầm tích trong lòng đất, sẽ mở ra thế giới kỳ diệu khác.
Thành tựu của ngành khảo cổ học TP.HCM nói riêng và Nam Bộ nói chung sau năm 1975 cung cấp hiểu biết mới, sâu sắc về vị thế Cần Giờ như một "cảng thị sơ khai" từ thời tiền sơ sử, nơi "tiếp thu và chuyển hóa nhiều yếu tố văn hóa - kỹ thuật từ bên ngoài, đồng thời cũng là nơi tích tụ và phát tán những yếu tố văn hóa bản địa".
Cư dân cổ Cần Giờ phát triển thương mại bằng đường sông hướng vào Đông Nam Á lục địa, bằng đường biển hướng ra Đông Nam Á hải đảo và xa hơn. Hệ thống di tích khảo cổ học trên các giồng đất đỏ Cần Giờ có niên đại 3.000 - 2.000 năm cách ngày nay, tiêu biểu như các mộ chum Giồng Cá Vồ niên đại 2.500 năm, cho phép phác dựng, tiết lộ với hậu thế rằng, Sài Gòn - TP.HCM là đô thị hơn 300 năm, nhưng thẳm sâu, vùng đất này có lịch sử khoảng 3.000 năm trước.
Còn nếu xuyên qua những tán rừng? Sẽ gặp chân dung con người Cần Giờ.
Sau lớp cư dân cổ, giai đoạn muộn hơn, Cần Giờ lưu dấu bước chân người Việt theo sông biển xuôi về phương Nam. Khai phá vùng đất mới, họ hình thành các cộng đồng dân cư, nhẫn nại lao động, mưu sinh, khai thác các nguồn lợi thông qua hoạt động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; đồng thời, không ngừng kết tụ, vun bồi đời sống tinh thần đậm đà bản sắc. Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ phản ánh tín ngưỡng thờ thần Nam Hải - cá Ông, cá Voi của ngư dân, gắn với di tích Lăng Ông Thủy Tướng - Thạnh Phước Lạch, diễn ra vào tháng 8 âm lịch hàng năm, nay là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong khói lửa chiến tranh, nếu địa đạo Củ Chi như "căn cứ chìm", thì chiến khu Rừng Sác Cần Giờ như "căn cứ nổi" của cách mạng, với lực lượng đặc công nước anh hùng lừng lẫy chiến công, nhưng cũng không ít chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng sông Lòng Tàu nơi đất mẹ.
Bước vào thời kỳ đổi mới, các thế hệ cư dân Cần Giờ không nề hà khó nhọc, bởi "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai", đã cùng chung sức chung lòng dựng xây quê hương.
Chiến khu Rừng Sác ngày nay.
Cần Giờ được xem là "của để dành" của TP.HCM, bởi tầm quan trọng đặc biệt của nó. Song, đã đến lúc phải khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế. Nhưng không chỉ cho chúng ta của hiện tại, mà còn phải dành phần các thế hệ tương lai, để Cần Giờ vẫn sẽ là "của để dành" cho muôn đời sau. Đó kỳ thực cũng chính là tinh thần phát triển bền vững theo xu thế toàn cầu.
Chỉ vài năm trở lại đây, chưa bao giờ Cần Giờ chứng kiến loạt chuyển động nhanh, mạnh đến thế với các siêu dự án "tỷ đô". Vị thế "cửa ngõ", "mặt tiền" hướng biển của vùng đất này được đánh thức, mang giấc mơ đô thị vệ tinh hiện đại, văn minh, thông minh, sinh thái của TP.HCM và toàn vùng Đông Nam Bộ.
Không thể nói tới phát triển bền vững mà không đảm bảo ba trụ cột kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường. Cần Giờ cần đứng vững chắc để đi lên từ đó, tuyệt đối không đánh đổi bất cứ phương diện nào.
Riêng du lịch, trong định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, bên cạnh những loại hình du lịch truyền thống đã và đang vận hành, Cần Giờ có thể và cần nghĩ đến loại hình du lịch giáo dục - nghiên cứu khoa học chuyên sâu (educational tourism, academic tourism, research tourism), thúc đẩy chủ yếu bởi mục đích, động cơ giáo dục, nghiên cứu.
Cần Giờ hứa hẹn là điểm đến lý tưởng, hấp dẫn ở loại hình du lịch này, với các sản phẩm du lịch khai thác cả tài nguyên tự nhiên - tiêu biểu là hệ sinh thái rừng ngập mặn điển hình, lẫn tài nguyên văn hóa - nổi bật là văn hóa khảo cổ và văn hóa biển đặc sắc. Nó có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của phổ rộng đối tượng mục tiêu, từ các em thiếu nhi và gia đình, các bạn học sinh, sinh viên, đến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế ở nhiều lĩnh vực, liên ngành, xuyên ngành; đem đến du khách đa trải nghiệm khám phá, tìm hiểu, học tập, nghiên cứu và nhiều hoạt động học thuật khác trên đa phương diện, đa chiều kích. Tất nhiên, không thể phụ thuộc tài nguyên "thô", mà phải "đổ vào", nâng cao hàm lượng sáng tạo, hoàn thiện hệ sinh thái của loại hình du lịch này.
Tháp Tang Bồng, hay tháp vọng cảnh, tại khu du lịch Vàm Sát (Cần Giờ).
Trong cuộc đổi thay mang tính cách mạng của kỷ nguyên vươn mình, TP.HCM sau sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là một siêu đô thị tầm cỡ châu lục. Cần Giờ sau gần nửa thế kỷ cũng được định hình lại với những sắp xếp về đơn vị hành chính.
Nhưng, vượt trên tất cả, trong cái nhìn tổng thể, vẫn luôn hiện hữu trên bản đồ TP.HCM mới một cánh chim xanh "Cần Giờ".
Cánh chim ấy đang đứng trước bầu trời rộng mở với nhiều vận hội. Tự tin tung bay vào tương lai, chí ít phải dựa trên đôi cánh tự nhiên và văn hóa, để Cần Giờ mãi màu xanh vĩnh cửu của hòa bình, hy vọng, hạnh phúc và thịnh vượng.
MỜI BẠN THAM GIA CUỘC THI "THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - NHỮNG ĐIỂM CHẠM TẦM CAO" Nhằm lan tỏa tình yêu và ghi nhận những khoảnh khắc đặc biệt, đậm chất riêng của Thành phố, Tạp chí Du lịch TP.HCM phát động cuộc thi "Thành phố Hồ Chí Minh - Những điểm chạm tầm cao". Đây sẽ là diễn đàn để người dân thành phố, du khách chia sẻ những góc nhìn độc đáo về mảnh đất giàu bản sắc này. 50 năm sau ngày thống nhất, TP.HCM đang chuyển mình thành một siêu đô thị rộng lớn, nơi những tòa nhà chọc trời hiện đại vươn mình bên cạnh các công trình kiến trúc cổ kính. Nhưng phải "chạm" từ trên cao bạn mới có thể thu trọn vào tầm mắt vẻ đẹp của thành phố này. Từ những điểm nhìn tầm cao, Thành phố mang dáng vẻ năng động với những tòa tháp nổi bật trên đường chân trời trộn lẫn dấu ấn xưa cũ của những khu nhà ở khiêm tốn, những con hẻm chằng chịt đậm nét truyền thống, ẩn chứa một trật tự ngầm, một nhịp sống riêng biệt. Chi tiết thể lệ cuộc thi vui lòng xem tại đây. Xem lại các bài dự thi tại đây. Lưu ý: Cuộc thi đã gia hạn thời gian nhận tác phẩm đến hết ngày 15/7/2025. |
SanDisk là thương hiệu Mỹ hàng đầu toàn cầu trong lĩnh vực giải pháp lưu trữ dữ liệu. Với hơn 30 năm kinh nghiệm, SanDisk mang đến các sản phẩm lưu trữ hiệu năng cao như thẻ nhớ, USB, ổ cứng SSD… được tin dùng bởi hàng triệu người dùng cá nhân, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim và các chuyên gia sáng tạo trên toàn thế giới. Dòng sản phẩm SanDisk Creator Series là lựa chọn lý tưởng dành cho các nhà sáng tạo nội dung và làm phim, kết hợp giữa tốc độ vượt trội, độ bền cao và thiết kế hiện đại, giúp bạn ghi lại mọi khoảnh khắc sáng tạo một cách mượt mà và đáng tin cậy. Trân trọng cảm ơn thương hiệu SanDisk đã đồng hành cùng cuộc thi "Thành phố Hồ Chí Minh - Những điểm chạm tầm cao"! |

Với vị thế là huyện biển của TP.HCM, Cần Giờ sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển gắn với bảo tồn...