Từ sông Chao Phraya nghĩ về sông Sài Gòn
Trên thế giới, có rất nhiều thành phố khai thác dòng sông mang lại nguồn lợi lớn cho thành phố, một trong số đó là sông Chao Phraya của Bangkok, Thái Lan. Dòng sông này nổi tiếng không chỉ là sông di sản lịch sử-kiến trúc, còn gọi là dòng sông kinh tế hay là 'sông tiền', vì nó đóng góp rất lớn vào GDP của Bangkok với hơn 60% từ du lịch.
Venice phương Đông
Sông Chao Phraya (tên gọi khác là Menam) có chiều dài 372km, được coi là “Dòng sông của các vị vua Thái”, phần chảy qua địa phận Bangkok 27km. Trên 2 bờ của dòng sông có 34 bến đỗ, mỗi bến là điểm nút dịch vụ du lịch hấp dẫn. 2 bên bờ sông có những danh thắng nổi tiếng như chùa, viện bảo tàng, nhà hàng, khách sạn, công viên chuyên đề, vườn hoa, chợ nổi và chợ truyền thống.
Trong đó phải kể đến Cung điện Hoàng gia và chùa Phật Ngọc (Wat Phra Kaew), Bảo tàng quốc gia Royal Barge, Đền Wat Arun, chợ đêm Asiatique the Riverfront, tòa tháp cao 76m được tạo hình từ những mảnh vỡ của một con tàu đắm.
Ban đêm, dòng sông này trở nên lung linh huyền ảo không chỉ trên bờ mà cả dưới sông, tạo nên bầu không khí cực kỳ sôi động về đêm. Người châu Âu coi nó như “Venice phương Đông”. Mỗi năm có hàng triệu khách du lịch du ngoạn trên dòng sông này.
Mặc dù có đến 5 đội tàu chuyên nghiệp phục vụ mang 5 màu sắc khác nhau xanh dương, vàng, xanh chuối, cam và gỗ (của dân địa phương), chạy liên tục từ 6 giờ sáng đến 19 giờ 30 tối vẫn không đáp ứng hết nhu cầu của khách, những khách đi theo đoàn phải đặt trước nhiều ngày mới có chỗ. Dòng sông được coi là huyền thoại này mang lại cảm hứng cho nhiều thành phố lớn trên thế giới lên kế hoạch khai thác dòng sông ở thành phố mình.
Kỳ tích dòng sông Sài Gòn vào năm 2040?
Những ngày gần đây, TPHCM đặt ra bài toán làm sao khai thác được sông Sài Gòn, để nó trở thành mặt tiền của thành phố và mang lại lợi ích nhiều hơn nữa cho người dân. Để một dòng sông trở thành “dòng sông kinh tế” nó phải hội tụ được ít nhất 2 yếu tố căn bản, là vẻ đẹp của dòng sông và giá trị văn hóa mà nó ôm trọn. Cả 2 yếu tố này sông Sài Gòn dường như đã có thừa.
Về hình thái học, sông Sài Gòn dài 256km, phần chảy qua địa phận TPHCM dài 80km. So về hình dáng, sông Sài Gòn đẹp hơn sông Chao Phraya. Nếu sông Chao Phraya thẳng và nước sông chảy khá mạnh, sông Sài Gòn nhìn từ trên tòa tháp Landmark 81 hay tháp Bitexco Tower sẽ thấy như dải lụa mềm uốn lượn quanh co, với những khúc bo tròn như Thanh Đa, Thảo Điền, Thủ Thiêm.
Vì là hạ lưu nên sông Sài Gòn chảy êm đềm, sông không quá rộng, 2 bờ sông có nhiều cảnh quan tự nhiên đẹp. Điểm đầu của sông Sài Gòn thuộc địa phận TPHCM là rừng tự nhiên ở Củ Chi, và điểm kết là rừng ngập nước Cần Giờ được UNESCO công nhận là khu sinh quyển thế giới.
Về di sản lịch sử- kiến trúc và văn hóa, dù các di sản này ở 2 bên bờ sông Sài Gòn có khá nhiều, nhưng phân bổ không đều và có phần tản mát. Tập trung nhiều nhất là khúc bờ sông thuộc quận 1, một phần quận 4 và Bình Thạnh. Bao gồm bến cảng Nhà Rồng, thủy đài, cột cờ Thủ Ngữ, trụ sở Hải quan, các khách sạn Riverside và Majectic, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, tượng Trần Hưng Đạo, ụ tàu Ba Son, công viên bờ sông, cầu Sài Gòn.
Tất cả công trình này đều có tuổi đời trên 100 năm. Các đoạn tiếp theo là cầu Bình Lợi, cầu Bình Triệu và điểm cuối của đoạn sông này là địa đạo Củ Chi, đền tưởng niệm Bến Dược. Dọc theo đoạn sông này còn có chùa, đình miếu, nhà đặc trưng Nam bộ, và đặc biệt là các làng nghề như làng nghề trồng hoa, cây cảnh, làng nông nghiệp sinh thái, làng đan lát, làng bánh tráng…
Sông Chao Pharaya được ví như "Venice Phương Đông".
Tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa được dòng sông di sản, TPHCM cần có triết lý phát triển nhất quán cho sông Sài Gòn. Sau đó cần có đề án quy hoạch không gian, quy hoạch môi trường, quy hoạch kinh tế- xã hội và văn hóa. Đề án này tốt nhất là kết quả của cuộc thi mang tầm quốc tế, rồi huy động các nguồn lực để hiện thực hóa nó. Đề bài đặt ra cho các nhà quy hoạch là phải thực hiện được 3 nhiệm vụ quan trọng nhất.
Thứ nhất, hình thành nên dải đô thị mềm, xanh, sinh thái ven sông Sài Gòn. Nó cần được quy hoạch bài bản, lớp lang và thật sự khoa học. Đây là không gian kiến trúc nền để đặt di sản văn hóa vào trong đó. Tuy nhiên, cần lưu ý tuyệt đối không được làm 4 điều: bê tông hóa bờ sông, phân lô bán nền, giao thông bộ nhanh và xây nhà cao tầng liên tục thành dãy, tạo nên bức tường thành vây nhốt người dân sống bên trong, tách biệt với sông Sài Gòn.
Thứ hai, tiến hành kiểm kê, đánh giá, phân loại di sản để khai thác hợp lý. Chẳng hạn, xem chúng cách bờ sông bao xa, cần cải tạo nâng cấp đường sá để tiếp cận đến được như thế nào. Công trình nào cần phải xây thêm các công trình phụ như bến thuyền, nhà chờ, nhà hàng, khu vệ sinh…
Thứ ba, cần làm mới những điểm thu hút du khách. Bởi 80km sông Sài Gòn có nhiều chỗ còn hoang sơ và tự nhiên nên cần có những công trình, chẳng hạn như công viên chuyên đề, bảo tàng, nhà hàng, khách sạn, vườn tượng, vườn ẩm thực, khu nông nghiệp sinh thái cho khách trải nghiệm cùng nông dân.
Sông Sài Gòn hoàn toàn có thể trở thành dòng sông di sản, dòng sông văn hóa-lịch sử, dòng sông phục vụ cho đời sống, giao thông đi lại và dòng sông kinh tế. Nếu khai thác tốt mặt nước, bờ sông, quỹ đất, sông Sài Gòn sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho thành phố và người dân. Du lịch sông Chao Phraya (Bang kok), sông Hoàng Phố (Thượng Hải, Trung Quốc), sông Hán (Seoul, Hàn Quốc), sông Matxcova (Nga) mang lại hàng tỷ USD mỗi năm. Hy vọng chúng ta sẽ có “Kỳ tích dòng sông Sài Gòn” vào năm 2040.
Thời gian gần đây, 'Food tour Hải Phòng' trở thành từ khóa được rất nhiều bạn trẻ tìm kiếm, đặc biệt là các bạn...