Liên kết du lịch TP.HCM - ĐBSCL có hiệu quả nhưng phải đột phá hơn

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Năm 2019, TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã ký liên kết hợp tác phát triển du lịch. Sau 3 năm, sự liên kết này đã dần hình thành sắc thái riêng cho du lịch miền Tây và đạt được những kết quả bước đầu.

Theo Hội đồng liên kết, 2023 là giai đoạn quyết tâm đột phá để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm “đón lõng” du khách.

Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến doanh thu du lịch khu vực phía Nam sụt giảm mạnh. Trong năm 2020, khách du lịch đến TP.HCM đạt 17,2 triệu lượt (giảm 66,6% so năm 2019). Tương tự, khách du lịch đến ĐBSCL cũng chỉ ở ngưỡng 27,8 triệu lượt (giảm 41,3% so năm 2019).

Để phục hồi ngành “công nghiệp không khói” này, TP.HCM phối hợp ĐBSCL công bố 3 trục tuyến du lịch gồm: Tuyến “Những nẻo đường phù sa” “Non nước hữu tình” “Sắc màu vùng biên”. Từ 3 trục tuyến này, các doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng hơn 70 chương trình du lịch từ TP. HCM đến vùng ĐBSCL.

Ông Võ Phạm Tân – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang – địa phương chiếm ưu thế nhất nhì ĐBSCL với loại hình du lịch sinh thái miệt vườn cho biết: "Đến thời điểm hiện nay, đã có 900.000 lượt khách đến với Tiền Giang. Doanh thu đạt 500 tỉ đồng, những con số này đã nói lên được hoạt động du lịch đã được phục hồi, tạo niềm tin trong cộng đồng làm du lịch. Đây chính là căn cứ để các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển du lịch trong tình hình mới".

Liên kết du lịch TP.HCM - ĐBSCL có hiệu quả nhưng phải đột phá hơn - 1

Cáp treo Phú Quốc - Hòn Thơm, tour trải nghiệm "vượt biển trên không" thu hút lượng lớn du khách mỗi dịp về đảo ngọc Kiên Giang

Đứng tốp du lịch biển đảo phải kể đến tỉnh Kiên Giang. Năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến Kiên Giang ước đạt gần 7,6 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế ước hơn 223 nghìn lượt. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 10.585 tỷ đồng.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng – Phó tổng Giám đốc công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam Vietravel cho biết: "Lượt khách đi về 13 tỉnh ĐBSCL thì Kiên Giang là một điểm sáng. Nhìn sơ qua mình cũng thấy được hạ tầng du lịch ở TP Phú Quốc đã được đầu tư rất đầy đủ và chúng tôi tự tin đưa sản phẩm ở đảo Ngọc để giới thiệu đến công đồng du lịch thế giới. Nếu mà nói tới việc phát triển mạnh du lịch trong nước để quảng bá hình ảnh chung đến bạn bè thế giới thì Kiên Giang đã làm rất tốt trong 2 năm vừa qua".

Tốp đầu du lịch tín ngưỡng thuộc về An Giang. Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam hằng năm thu hút đến 4,5 triệu lượt khách tham quan và 3 triệu phật tử khắp nơi trên cả nước hành hương cầu an. Trong 7 tháng đầu năm 2022, An Giang đã đón 6,7 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 4.150 tỷ đồng.

Ông Trần Anh Thư – Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang thông tin: "Tại ĐBSCL nếu với mặt bằng trước đại dịch thì số lượng khách chưa đạt, nhưng nếu so 2020, 2021 thì tăng hơn 200%. Trong thời gian vừa qua, TP.HCM và các tỉnh thành phố ở khu vực ĐBSCL đã tổ chức rất nhiều sự kiện, chương trình để thực hiện việc hợp tác và liên kết".

Liên kết du lịch TP.HCM - ĐBSCL có hiệu quả nhưng phải đột phá hơn - 2

Du lịch sinh thái quýt hồng Lai Vung - Đồng Tháp là một trong những tour đắt khách tại miền Tây vào mỗi dịp Tết đến.

Qua thống kê, năm 2022, tổng lượng khách đến ĐBSCL đạt trên 44 triệu lượt, tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu ước đạt 33.977 tỷ đồng,

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội đồng Liên kết, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng sản phẩm, chương trình kích cầu du lịch của các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL vẫn chưa mới và hấp dẫn. Nỗ lực tiếp theo trong năm 2023 là các địa phương phải phát huy thế mạnh về đường sông, đường biển. Thống nhất phân chia sản phẩm đặc sản từng địa phương, tránh sự trùng lặp. Dịch vụ homestay ở các tỉnh trong vùng cần đầu tư có sắc thái riêng, tránh “sao chép” lẫn nhau.

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: "Tăng cường các hoạt động giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới giữa các tỉnh thành. Lựa chọn sản phẩm để cùng nhau quảng bá thương hiệu, để quảng cáo các sản phẩm du lịch của ĐBSCL nói chung, chứ không làm riêng lẻ, quảng bá không chỉ trên phương tiện thông tin đại chúng không, mà phải tạo nền tảng số để quảng bá. Phải phối hợp về các hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư du lịch của TP.HCM và 13 tỉnh ĐBSCL".

Để phát triển mạnh mẽ chuỗi liên kết, đảm bảo tăng trưởng đều trong du lịch thì thời gian tới, TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL sẽ xúc tiến, quảng bá, giới thiệu du lịch chung của vùng tại thị trường trong nước, trọng điểm là khu vực miền Trung và phía Bắc với thông điệp “du lịch an toàn”, “An toàn trong từng trải nghiệm”.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Kim Loan (VOV Giao Thông)