Leo núi là bỏ tiền để chịu khổ?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thay vì bỏ tiền tận hưởng những kỳ nghỉ sang trọng, nhiều người lại chọn hình thức leo núi vất vả và đôi khi tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cộng đồng leo núi đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Một số người Việt còn đem lại vinh quang cho đất nước khi chinh phục thành công những đỉnh núi cao nhất thế giới. Tuy nhiên, việc bỏ tiền cho một chuyến leo núi vẫn gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Bởi với số tiền đó, họ có thể dùng để tận hưởng những kỳ nghỉ sang trọng, thư thái.

Dưới đây là quan điểm của những người đam mê leo núi khi được hỏi về vấn đề này.

Ngô Hải Sơn - Bác sĩ phẫu thuật

Leo núi là bỏ tiền để chịu khổ? - 1

Tôi chơi rất nhiều môn thể thao như bóng rổ, bóng đá, kendo, calisthenic… nhưng những ước mơ lớn nhất lại gửi gắm cho môn thể thao ít có cơ hội tham gia nhất: leo núi.

Năm 2015 là lần đầu tiên tôi tham gia leo núi và cũng đi một mình với một porter để chinh phục Bạch Mộc Lương Tử (Kỳ Quan San) cao 3.043m. Đây là một chuyến đi rất đáng nhớ và sau lần đó, tôi bắt đầu mê leo núi luôn.

Tôi đã chinh phục một số đỉnh cao nhất Việt Nam. Tại nước ngoài, tôi cũng thành công chinh phục Kilimanjaro 5.895 m (đỉnh núi cao nhất châu Phi) vào năm 2017. Một năm sau, tôi hành hương qua đèo Dolma cao 5.630m của núi thiêng Kailash ở Tây Tạng (Trung Quốc) và năm 2019 hoàn thành Mera Peak cao 6.500 m ở Nepal.

Một chuyến leo núi ngắn ngày (1-2 ngày) ở Việt Nam sẽ không tốn quá nhiều chi phí. Những chuyến đi leo núi ở nước ngoài cũng phụ thuộc vào độ cao, địa điểm leo, có kế hoạch du lịch khác kết hợp cùng chuyến đi leo núi hay không?

Đối với những chuyến đi dưới 20 ngày, chi phí toàn bộ cho tiền tour, vé máy bay, trang thiết bị sẽ rơi vào khoảng 3.000-4.000 USD. Với những đỉnh núi cao hơn, khoảng 7.000-8.000 m sẽ tốn 35-50 ngày nên chi phí cũng sẽ cao hơn rất nhiều, khoảng 9.000-12.000 USD. Chuyến đi tốn kém nhất cho tới giờ đã "đốt" mất 4.000 USD của tôi.

Tôi nghĩ chuyện leo núi là bỏ tiền để khổ không sai, quan trọng bạn muốn thử thách mình thế nào? Ví dụ, bạn sẽ chẳng thể có một cơ thể khỏe mạnh và cân đối nếu không trải qua những giây phút mệt mỏi khi luyện tập. Chất lượng cuộc sống không được đo lường bởi những trải nghiệm tích cực, mà là bởi những trải nghiệm tiêu cực. Nếu bạn cảm thấy ổn khi giải quyết những vấn đề khó khăn này, đấy cũng chính là lúc bạn có thể đương đầu với cuộc sống.

Ước mơ lớn nhất của tôi vẫn là K2 (cao 8.641 m). Dù chỉ là đỉnh núi cao thứ 2 thế giới, nó khó khăn và nguy hiểm hơn nhiều đỉnh Everest. Số người đã chinh phục thành công K2 chỉ bằng 1/10 so với Everest. Chỉ cần miêu tả như vậy thôi cũng đủ biết độ khó khủng khiếp của thử thách này rồi.

Phan Nga - MC truyền hình

Leo núi là bỏ tiền để chịu khổ? - 2

Tôi bắt đầu leo núi từ cuối năm 2020 khi được một người bạn rủ tham gia. Thời điểm đó, tôi có nhiều chuyện buồn nên bạn rủ trekking là đi luôn.

Leo núi giúp người ta tìm lại sự cân bằng về mặt tinh thần bởi mỗi bước đi đều cần sự kiên trì, bền bỉ. Từ đó, người leo dần trở nên mạnh mẽ hơn. Việc hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ, nơi không có sóng điện thoại, không áp lực cuộc sống giúp tôi có khoảng nghỉ chất lượng.

Tôi đã từng leo 10/15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam như Fansipan, Bạch Mộc Lương Tử, Putaleng, Tả Chì Nhù... Một số đỉnh tôi thích nên leo lại nhiều lần.

Tôi thấy leo núi khá tốn kém chứ không rẻ. Hoặc có thể do tôi là phụ nữ nên luôn chọn giải pháp an toàn nhất. Mỗi chuyến đi, tôi thường chọn công ty tổ chức tour chuyên nghiệp hoặc thuê nhiều porter, người bản địa để chỉ đường hoặc bê vác đồ. Chi phí mỗi chuyến tùy thuộc vào quãng đường, độ khó và đôi khi là yêu cầu cá nhân.

Với tôi, chuyến hai ngày một đêm thường vào khoảng 3-4 triệu đồng/người. Chuyến 3 ngày 2 đêm cỡ 5-6 triệu đồng/người.

Tôi không nghĩ leo núi là chi tiền để khổ. Tuy nhiên, khổ đôi khi cũng tốt. Vì khổ thì ta mới thấy cuộc sống hàng ngày của mình sung sướng thế nào. Nếu từng bước leo của bạn là từng bước khổ, mỗi bước đi trên mặt đường bằng phẳng là một sự may mắn và sung sướng.

Cá nhân tôi nghĩ leo núi rất sướng. Sướng vì có thời gian chất lượng bên gia đình, bạn bè. Sướng vì được hít thở bầu không khí trong lành không chút khói bụi. Và tôi cũng sướng vì được tiêu những đồng tiền đúng nghĩa.

Với số tiền 3-6 triệu đồng/người cho mỗi chuyến đi trekking, bạn có thể dùng số tiền này cho một chuyến đi nghỉ dưỡng ở những resort hoặc khách sạn 5 sao. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải là tiền. Điều quan trọng là sau mỗi chuyến đi, bạn được trải nghiệm những gì?

Leo núi mang lại một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt so với bơi lội, cầu lông, tennis, bóng đá (vì tôi cũng chơi tất cả những môn này). Nó kết hợp giữa thể thao và cả du lịch. Tương lai tôi muốn trải nghiệm trekking một số ngọn núi ở châu Âu và Nepal. Tôi nghĩ cứ ước mơ và đặt mục tiêu đi rồi cơ hội sẽ dần hiện ra trước mắt.

Đặng Văn Hải - Nhiếp ảnh gia

Leo núi là bỏ tiền để chịu khổ? - 3

Công việc chính của tôi là quay phim, chụp ảnh du lịch. Từ năm 2015, tôi đã bén duyên với những ngọn núi. Không có môn thể thao nào khiến tôi đam mê nhiều như thế. Leo núi đem lại cảm giác yên bình, hòa mình với thiên nhiên. Nhờ có leo núi, tôi được ngắm nhìn những cảnh đẹp vốn chỉ có thể nhìn qua ảnh hay xem trên TV. Ngoài ra, leo núi cũng thúc đẩy tôi vượt qua những giới hạn của bản thân.

Hiện tại, tôi chỉ mới chinh phục một số đỉnh ở Việt Nam như Fansipan (Lào Cai, 4 lần), Kỳ Quan San (Lào Cai, 5 lần), Lảo Thẩn (Lào Cai, 4 lần). Với các đỉnh như Putaleng (Lào Cai), Tả Liên Sơn (Lai Châu), Ngũ Chỉ Sơn (Lào Cai), Nhìu Cồ San (Lào Cai), mỗi đỉnh tôi chinh phục một lần.

Các chuyến leo núi của tôi thường có chi phí khoảng 3-4,5 triệu đồng. Chuyến tốn nhiều tiền nhất là đi Kỳ Quan San khi tôi phải thuê 5 porter và mang vác nhiều đồ lên núi. Tôi cũng dành tới 6 ngày ở đây để săn ảnh.

Với số tiền đó, tôi có thể dành để đi một chuyến nghỉ dưỡng thư thái hơn. Tuy nhiên, mỗi người một sở thích. Ai muốn chinh phục bản thân, khám phá thiên nhiên sẽ chọn leo núi. Những người thích đi du lịch nhẹ nhàng sẽ không hợp.

Tháng 11 năm nay, tôi dự tính trekking cung Everest Base Camp (Nepal). Đây là chuyến đi tôi đã dự định từ lâu nhưng vì dịch nên chưa thực hiện được. Hiện tại, việc đi lại bên Nepal cũng đã dễ hơn. Tôi chỉ chờ tháng mùa thu để khởi hành vì thời gian đó cảnh sắc sẽ đẹp hơn.

Bùi Thành Trung - Chuyên viên Công nghệ Thông tin

Leo núi là bỏ tiền để chịu khổ? - 4

Năm 2010, tôi bỏ lại công việc phía sau và đi một chuyến leo Fansipan xả hơi. Từ đó, tôi đam mê bộ môn này.

Ở Việt Nam, tôi đã chinh phục 4 đỉnh là Fansipan, Tả Chì Nhù (Yên Bái), Bạch Mộc Lương Tử và Bạch Mã (Thừa Thiên Huế). Tôi cũng từng tham gia trekking cung Annapurna Circuit (Nepal) vào năm 2018. Đây là cung trekking cổ điển thuộc loại khó và dài ngày ở Nepal.

Chuyến đi Annapurna Circuit năm 2018 để lại nhiều ấn tượng nhất với tôi. Không chỉ là thánh địa Phật giáo, Nepal còn là đất nước sở hữu 8/10 ngọn núi cao nhất thế giới. Chuyến trekking Nepal cũng là lần đi tốn kém nhất với tôi (28 triệu đồng/15 ngày, không bao gồm mua sắm đồ dùng do đã chuẩn bị trước). Đi trong nước tương đối rẻ bởi mình chỉ mất tiền xe, porter và ăn uống, trung bình khoảng 3,5 triệu đồng/chuyến.

Về quan điểm leo núi là chi tiền để khổ, tôi nghĩ tiền ai người đó tiêu. Bởi bất kể chuyến đi nghỉ dưỡng hay trekking, leo núi cũng để lại những ký ức đẹp.

Trong tương lai, tôi muốn chinh phục đỉnh Everest. Ai cũng vậy thôi. Đó là ước mơ của dân trekking, leo núi. Giấc mơ khó nhưng có thể thành hiện thực vì "còn thở là còn trek".

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Anh Tú (Zing News)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!