Khai thác du lịch đường sông ở thành phố Đà Nẵng
Thành phố Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch đường sông, đặc biệt là hoạt động du thuyền và du lịch bằng xe đạp dọc bờ sông, kết hợp tham quan các điểm du lịch.
Thành phố Đà Nẵng (TPĐN) có mạng lưới sông ngòi phong phú gắn liền với đời sống văn hóa và sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trong giai đoạn hiện nay, khi TPĐN đang trở thành trung tâm thu hút khách du lịch thì các con sông cũng đang chuyển mình trong vị thế mới, như là một tài nguyên du lịch đầy tiềm năng.
Mặc dù hoạt động du lịch đường sông (DLĐS) đã được khai thác từ năm 2009 nhưng sản phẩm du lịch còn rất đơn điệu, chủ yếu là hoạt động du thuyền ngắm cảnh trên sông Hàn. Trong khi đó, các hệ thống sông khác có nhiều khả năng cho phát triển du lịch, đặc biệt là khu vực hạ lưu sông Vu Gia gồm sông Hàn, Cẩm Lệ và Cổ Cò với nhiều lợi thế cho hoạt động du thuyền và du lịch bằng xe đạp dọc bờ sông kết hợp tham quan điểm du lịch.
Theo một nghiên cứu của các tác giả Nguyễn Kim Hồng, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM và Nguyễn Thị Hồng, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, các sông trên đều có đặc điểm vật lý thủy văn thuận lợi cho việc xây dựng luồng tàu chạy. Các sông nằm ở vị trí không xa trung tâm TPĐN, được hợp lưu và phân lưu tại ngã ba sông Cái (Hàn – Vĩnh Điện – Cẩm Lệ) chảy vào sông Hàn đổ ra biển. Đây là điều kiện thuận lợi để tiếp cận, tổ chức, phân luồng và xây dựng tuyến DLĐS giữa các sông với nhau và kết hợp khai thác tài nguyên du lịch phong phú ven sông. Địa điểm du lịch này vừa mang sắc thái văn hóa đô thị hiện đại, vừa mang bản sắc văn hóa, lịch sử truyền thống.
Sông Hàn nằm ở hạ lưu của hệ thống sông, bắt nguồn từ ngã ba sông Cái chảy qua trung tâm thành phố đổ ra biển, mang vẻ đẹp cảnh quan đô thị hiện đại. Sông Cẩm Lệ được bắt nguồn từ hợp lưu của sông Yên và sông Túy Loan chảy qua nhiều điểm du lịch hấp dẫn của quận Cẩm Lệ và đổ về ngã ba sông Cái. Sông Cổ Cò là một chi lưu bắt nguồn từ ngã ba sông Cái chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam từ TPĐN đến thành phố Hội An (Quảng Nam). Đây cũng là tuyến giao thông liên vùng quan trọng trong lịch sử, do đó, có thể khơi thông để liên kết xây dựng tuyến du lịch liên vùng kết hợp ngắm cảnh, tham quan các điểm du lịch dọc ven sông.
Điểm tài nguyên du lịch rất thuận lợi là Thành Điện Hải, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, đây là những điểm tài nguyên hấp dẫn với cơ sở hạ tầng tốt nên có thể đem vào khai thác ngay, riêng danh thắng Ngũ Hành cần xây dựng thêm cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật.
Đối với điểm tài nguyên du lịch Cầu Tình yêu, Công viên châu Á (Asia Park), Chùa Quan Thế Âm, khu căn cứ cách mạng K20, khu di tích lịch sử văn hóa Khuê Trung, làng bánh khô mè Quang Châu, khu du lịch sinh thái câu cá Vườn Chuối, là những điểm du lịch hấp dẫn có thể kết hợp nhưng cần xây dựng thêm cơ sở hạ tầng với tàu thuyền, bến bãi, bãi đậu xe hoạt động du thuyền.
Để khai thác hoạt động du lịch bằng xe đạp dọc sông, cần xây dựng tuyến đường mòn dọc sông nối liền với các điểm tài nguyên.
Chương trình Đà Nẵng về đêm - Danang by Night được tổ chức trong phạm vi của 4 tuyến đường Bình Minh 4 – Bình Minh 10...