Fansipan – Mở lối lên đỉnh trời
Gió ở trên độ cao 3.143m vẫn phần phật thổi khiến cho Trịnh Văn Hà – cựu kỹ sư trác đạc từng ăn dầm, ngủ dề với Fansipan 5 năm về trước rùng mình.
Bên cạnh anh, hơn chục “đồng đội xưa” hướng tầm mắt nhìn ra biển mây đang ngùn ngụt chảy, những mảnh ký ức lại ùa về, như chưa từng chia xa…
Một quyết định khó
Đầu tháng 5/2013, ngay sau khi tuyến cáp số 3 tại Bà Nà của Sun Group khánh thành không lâu, anh Trịnh Văn Hà nhận được lệnh khẩn điều động tới Sa Pa với nhiệm vụ định tuyến, mở đường cho việc xây dựng tuyến cáp treo 3 dây đầu tiên của Việt Nam nối thẳng lên đỉnh Fansipan.
Thời điểm đó, lựa chọn xây dựng cáp treo 3 dây là chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Toàn bộ trang thiết bị, máy móc chính sẽ đều phải nhập khẩu. Kỹ thuật cũng mới toanh. Quyết định ấy đồng nghĩa với tốn kém và khó khăn cũng sẽ gấp bội phần.
Ở Fansipan, tất cả đều đi bộ trong địa hình núi non hiểm trở, toàn đèo dốc, vực sâu để mở đường
Nguyễn Khắc Hằng, một kỹ sư đời đầu tại Fansipan khẽ nhăn mặt khi nhắc lại quãng thời gian ấy: “Những ngày đầu khảo sát thực sự kinh hoàng”. Đường không được tính bằng cây số mà bằng cách đếm số con dốc và trảng rừng đã leo qua. “Phòng ở” được dựng bằng tre nứa uốn cong mà người ở trong “chui như con chuột” và lúc nào cũng phập phồng lo sập.
Tổ khảo sát được chia làm 2 mũi, đi từ hai hướng ngược nhau xuống. Thế nhưng, đến khi gặp, có khi cả hai đã bị lệch đến cả chục mét. Những người trong tổ đặc nhiệm không thể đếm được đã phải qua, lại bao lần chỉ để khoảng cách ấy dần dần thu hẹp lại; chỉ biết “tất cả các đỉnh núi trong phạm vi 5km chúng tôi đã đều in dấu chân”, như cách nói của anh Hà.
Đến tháng 11 năm ấy, xương sống của tuyến cáp đã được định vị xong. Tình yêu với Fansipan cũng đã lặng lẽ đến và thấm sâu vào những gã trai mở đường.
Cõng sắt, đá lên Nóc nhà Đông Dương
Cuối năm 2013, từ Đà Nẵng, Trần Công Mỹ ngược ra Sa Pa nhận nhiệm vụ Phó ban quản lý dự án, phụ trách phần thô và hạ tầng. Chàng kỹ sư trẻ không bao giờ nghĩ tới việc mình sắp trải qua chuỗi ngày bất bình thường nhất trong đời.
Bài tập thể dục mỗi ngày khi ấy là leo núi ở độ cao hàng ngàn mét. Khi rét buốt, họ có thêm bài tập phá băng lấy nước về dùng. Có đợt mưa lớn khiến hoạt động cung ứng tạm thời bị cắt đứt, không điện, không thức ăn, cả đội chỉ còn nhõn vài gói mỳ tôm chia nhau cầm cự.
Khó khăn là thế, nhưng việc thì không thể dừng. Nhiệm vụ của đội phụ trách phần thô và hạ tầng lúc này là phải nhanh chóng tạo mặt bằng, xây dựng móng cho nhà ga đi, ga đến và 4 cột trụ cáp. 5/6 địa điểm được chọn để thi công hố móng đều nằm sâu trong rừng rậm, hoặc trên núi cao, cộng thêm chủ trương không phá rừng từ chủ đầu tư Sun Group nên phương án khả thi nhất là… dùng sức người “cõng” sắt, đá, xi măng lên núi.
“Các nước khác đều chặt cây, mở đường hay dùng trực thăng để thi công. Còn ở Fansipan, tất cả đều đi bộ trong địa hình núi non hiểm trở, toàn đèo dốc, vực sâu...”, Reto Sigrist - chuyên gia của Doppelmayr đã phải thốt lên.
Vậy mà chỉ hơn 1 năm, hàng chục nghìn tấn vật liệu đã có mặt tại 6 điểm tập kết, để những gã thợ chỉ có cuốc, xẻng trần mình hì hục khoét từng mảng đất, san gạt hố móng tạo mặt bằng chuẩn bị dựng trụ cáp. Trần Vinh – kỹ sư cơ khí tủm tỉm cười khi nhớ lại sự ngạc nhiên đến tột cùng của các chuyên gia tới từ Châu Âu. Anh bảo: “Họ không thể tin với cách làm ‘made in Vietnam’, chúng ta có thể đưa công trình về đích đúng thời hạn”.
Kéo điện lên nóc nhà Đông Dương
Năm 2015, anh Đặng Ngọc Hồng được giao nhiệm vụ chỉ huy xây dựng đường dây 35kV từ chân núi lên đỉnh Fansipan. Từng kéo điện cho hai tuyến cáp lớn tại Bà Nà, những ngày đầu tiên tới Fansipan, anh Hồng cũng phải thừa nhận “bị sốc và choáng”.
Tuyến 35kV được định vị bám sát đường phượt chạy từ Trạm Tôn lên phía đỉnh, vừa để đảm bảo thuận tiện khi vận chuyển nguyên vật liệu, đồng thời cũng hạn chế tối đa ảnh hưởng tới rừng. Trong vài tháng, hàng trăm công nhân mang theo cuốc, xẻng vào rừng, cùng lúc từng tốp đồng bào người Mông, Dao, Thái… cũng được thuê vận chuyển vật liệu bằng gùi. Có thời điểm, chỉ riêng đội porter cõng thiết bị đã lên tới 400-500 người. Bằng phương thức thô sơ ấy, tổng cộng hơn 15.000 tấn vật liệu đã có mặt tại các vị trí thi công.
Vận chuyển đã khó khăn, việc thi công lại càng gian nan gấp bội. Một móng cột kích cỡ trung bình 5-6m2, sâu 4m “như một căn phòng nhỏ”. Toàn bộ quá trình đào hoàn toàn bằng cuốc, xẻng. Bên cạnh đó, do thời điểm tiến hành dựng cột lại vào mùa khô nên nước cực kỳ khan hiếm. Anh em công nhân phải đi sâu hơn vào lõi rừng, tìm kiếm khe suối, mang từng can nước về để đổ bê tông và sinh hoạt.
Vượt qua gian khó, tháng 11/2015, 33 cột điện đã dựng nên dọc đường mòn, củng cố niềm tin vào sự thành công của con đường ánh sáng, trong một ngày không xa.
Kéo cáp – chuyên gia nước ngoài ngả mũ trước Việt Nam
Tháng 7/2014, từ Áo và Thụy Sỹ, nhóm chuyên gia Doppelmayr Garaventa bay thẳng sang Việt Nam, mang theo kinh nghiệm gần 100 năm, chuẩn bị sẵn sàng các phương án tối tân nhất. Tuy nhiên sự khắc nghiệt của rừng Hoàng Liên cùng chủ trương nhất định giữ rừng của Sun Group đã khiến toàn bộ phương án “ngoại” thất bại. Cách duy nhất lúc này lại là dùng sức người để xây một tuyến cáp công vụ LCS nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.
Một đợt cao điểm mới mở ra, những công nhân “kiến thợ của rừng Fan” thêm một lần “cõng sắt, vác cáp” vào rừng, tay cuốc, tay xẻng đào móng. Chứng kiến cách làm “thô sơ” này, chuyên gia nước ngoài ngán ngẩm dự báo có lẽ phải mất tới 5 năm, công trình mới có cơ may vận hành. Nhưng trái ngược với sự bi quan này, tháng 1/2015, tuyến cáp công vụ chính thức được vận hành. Thêm 3 tháng nữa, 4 trụ thép chính T1 đến T4 đã vươn cao trên tán rừng Hoàng Liên. Và đến giữa tháng 12/2015, sợi cáp cuối cùng cũng cán đích, chính thức thiết lập thành công cáp 3 dây đầu tiên của Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.
Đánh giá riêng về quá trình kéo cáp Fansipan, các chuyên gia Doppelmayr Garaventa từng phải thừa nhận: Đây là một trong những dự án khó nhất trong cuộc đời mà họ từng gặp, thậm chí có người còn chia sẻ sẽ không bao giờ nhận một công trình như vậy nữa. Nhưng với những Trịnh Văn Hà, Nguyễn Khắc Hằng, Trần Vinh… cũng như hàng trăm kỹ sư, công nhân khác, thì trong họ, vẫn nguyên vẹn một phần “hồn cáp”. Và từ Fansipan, những tuyến cáp treo khác vẫn tiếp tục được hình thành, trên khắp ba miền đất nước, mang theo cả những ký ức không quên về những năm tháng khó khăn và khốc liệt ngày nào trên đỉnh cao ngạo nghễ.
Forbes chọn Lào Cai, vườn quốc gia sông ngầm Puerto Princesa, hồ Sen Đỏ, đỉnh Kinabalu và quần đảo Komodo là 5 kỳ quan thiên...