Du lịch Việt Nam từ bài học “đội sổ” 2022

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

“Do cơ chế hay cách làm? Do tổ chức thực hiện hay các bộ, ngành chưa làm đầy đủ trách nhiệm? Các doanh nghiệp đã làm gì?”- đó là những câu hỏi rất “nóng” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra với những người làm du lịch Việt.

“Do cơ chế hay cách làm? Do tổ chức thực hiện hay các bộ, ngành chưa làm đầy đủ trách nhiệm? Các doanh nghiệp đã làm gì?” - đó là những câu hỏi rất “nóng” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra với những người làm du lịch Việt, ngay sau thông tin du lịch Việt Nam cả năm 2022 chỉ đón được khoảng 3,5 triệu du khách nước ngoài, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra và thấp nhất so với các nước ngay trong khu vực.

Mở cửa rất sớm, du lịch vẫn “đội sổ”

Tại hội nghị bàn tròn với chủ đề Phục hồi kinh tế và doanh nghiệp 2023: Giải pháp tạo bứt phá từ trụ cột dịch vụ hàng không - du lịch tổ chức chiều 16/12, ông Chris Farwell - đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) - nêu thực tế đáng buồn: Việt Nam là nước đi đầu mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 nhưng không tận dụng được lợi thế.

Cụ thể, theo thống kê năm 2022 Việt Nam chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đón được 5 triệu lượt khách để tạo nguồn thu khoảng 4,5 tỉ USD.

Trong khi Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu về du khách quốc tế mà họ đặt ra thì Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau COVID-19. Thái Lan dù mở cửa sau Việt Nam, nhưng đã đón được hơn 10 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, mang lại tổng thu từ du khách quốc tế 14 tỷ USD nhờ vào việc tạo điều kiện dễ dàng và hấp dẫn để khách quốc tế nhập cảnh. Trong 2 tháng cuối năm 2022, một số thị trường chính của Thái Lan ở châu Âu đã trở lại đạt gần với mức trước COVID-19. Trong khi không có thị trường trọng điểm nào của Việt Nam phục hồi đạt mức 50% so với thời điểm trước COVID-19.

Du lịch Việt Nam từ bài học “đội sổ” 2022 - 1

Du khách thích thú nhảy điệu múa vùng cao trong khuôn khổ lễ hội “Thành phố Hồ Chí Minh – Ngôi nhà của chúng ta” năm 2022 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ". Ảnh: Nhật Thịnh

Trước đó, hồi đầu tháng 12, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 11, Việt Nam đón 569.900 lượt khách quốc tế, tăng 23,2% so với tháng trước. Trong đó, thị trường châu Âu tăng trưởng rất tốt với mức tăng 48,2%, khách từ Pháp tăng tới 73,2%; Nga tăng 55,5%; Anh tăng 37,7%. Còn thị trường châu Mỹ tăng 22%. Tỷ lệ tăng trưởng khởi sắc là vậy nhưng nếu tính trên con số tuyệt đối, chưa có thị trường nào trong danh sách trên đạt tới 100.000 lượt khách tới Việt Nam. Thị trường Ấn Độ, khách Trung Đông được trông đợi nhiều nhất lấp khoảng trống của khách Trung Quốc nhưng do mới phát động thị trường nên dù tốc độ tăng trưởng bình quân khá lớn (49%/tháng) nhưng tính chung 11 tháng, tổng khách Ấn Độ đến Việt Nam mới chỉ dừng ở 109.000 lượt.

Theo ông Chris Farwell - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Minh, đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực mở cửa trở lại nhờ triển khai thành công chương trình tiêm chủng và đạt tỷ lệ cao người dân được tiêm chủng. Điều đáng tiếc là Việt Nam đã không thể tận dụng được lợi thế của vị trí dẫn đầu này.

Thủ phạm: Nút thắt chính sách visa

Trước đây, sự eo hẹp về thị trường sau dịch COVID-19, các nước còn dè dặt, nhu cầu về du lịch giảm mạnh… đã được rất nhiều cơ quan chức năng và doanh nghiệp đưa ra để lý giải cho tốc độ tăng trưởng ì ạch của lượng khách quốc tế. Tuy nhiên, tới thời điểm hết năm 2022 này, khi nhìn sang chỉ số tăng trưởng của các nước cùng mở cửa du lịch với Việt Nam, thì những lý do đã không còn thuyết phục, nếu không muốn nói nặng nề là mang tính bao biện.

“Chúng ta nói nhiều về việc Trung Quốc chưa mở cửa, thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản mở cửa chậm, nhưng vì sao nhiều quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu của họ? Vì sao Việt Nam đứng cuối Bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi Du lịch châu Á sau COVID-19? Đây là điều cần phải làm rõ và có giải pháp khắc phục sớm”, TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt vấn đề.

Hầu hết các chuyên gia đã thẳng thừng chỉ mặt đặt tên một trong những “thủ phạm” chính yếu là cơ chế visa. Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation nhìn nhận: Khách quốc tế vẫn chưa tới Việt Nam, lý do đầu tiên là “khóa” visa.

Dù mở cửa từ đầu năm nhưng đến nay, khách xin visa vào Việt Nam rất khó khăn, đặc biệt là khách đi tự túc. Họ bị yêu cầu phải mua tour qua các công ty du lịch, phải đối mặt với những thủ tục nhập cảnh rắc rối và thời gian chờ xét duyệt hồ sơ kéo dài. Trong khi đó, ngay khi vừa đón khách quốc tế, Thái Lan đã lập tức điều chỉnh chính sách visa, kéo dài thêm thời gian lưu trú cho nhiều đối tượng khách để nhanh chóng mở thị trường. Coi như Việt Nam đã đi sau hoàn toàn.

Du lịch Việt Nam từ bài học “đội sổ” 2022 - 2

Việt Nam đi đầu mở cửa nhưng chưa tận dụng được lợi thế phục hồi du lịch.

“Lạ lùng” là cụm từ Tiến sỹ Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nêu lên khi đề cập đến câu chuyện “khác thường” của Việt Nam: kể từ khi mở cửa đến nay vẫn chỉ cho phép miễn visa với 13 nước và thời gian miễn visa chỉ 15 ngày, trong khi trước dịch là 30 ngày. Nước ta đã an toàn nhưng chính sách vẫn không thay đổi nên “không thể đồng nhịp với thế giới”.

Cùng chung góc nhìn, dẫn chứng các câu chuyện thành công của du lịch các quốc gia trong khu vực sau khi mở cửa, tại hội nghị bàn tròn với chủ đề Phục hồi kinh tế và doanh nghiệp 2023: Giải pháp tạo bứt phá từ trụ cột dịch vụ hàng không - du lịch do Báo Nhân Dân phối hợp với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân tổ chức chiều 16/12, ông Chris Farwell - đại diện Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho hay vấn đề tăng thời gian miễn thị thực trên 30 ngày cho khách quốc tế là một trong những nguyên nhân chính.

Cũng theo thông tin tại hội nghị bàn tròn, Thái Lan được du khách ưu tiên chọn điểm đến là đất nước này miễn thị thực (visa) đối với công dân của 65 quốc gia. Ngoài ra, thời gian miễn visa được kéo dài từ 30 - 45 ngày, một số trường hợp là 90 ngày. Trong khi đó, ngược lại với Thái Lan, Việt Nam gặp phải rào cản rất lớn từ chính sách thị thực.

Cũng theo TAB, hiện tại không dễ xin thị thực du lịch tại các đại sứ quán của Việt Nam như trước dịch COVID-19, khi bị yêu cầu phải có các công ty bảo lãnh hoặc bị giới thiệu xin visa qua các đại lý dịch vụ cấp visa với phí thường rất cao, từ 200 USD cho tới 500 USD đối với các visa xin gấp vào thời hạn cuối, trong khi lệ phí chính thức cấp visa chỉ là 25 USD. Đại diện TAB khuyến nghị việc mở rộng danh sách quốc gia được miễn visa và kéo dài thời hạn visa từ 15 lên 30 hoặc 45 ngày là động lực lớn đối với người nước ngoài đang muốn đi du lịch đến Việt Nam.

Ngoài vướng mắc về visa du lịch, đại diện TAB cho rằng, Việt Nam chưa có kế hoạch cấp quốc gia về phục hồi ngành du lịch và khách sạn sau dịch COVID-19. ngành Du lịch còn đang phụ thuộc vào các sáng kiến, dự án mang tính sự việc không thường xuyên hoặc cấp vùng, hay khách du lịch nội địa để “nuôi sống” ngành. Việt Nam cũng đang thiếu một tổ công tác bao gồm tất cả các bên liên quan chính gồm Chính phủ và khu vực tư nhân cùng phối hợp làm việc để xây dựng và triển khai kế hoạch quốc gia phục hồi ngành du lịch.

“Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành và hàng không năm 2023 đều như người mới ốm dậy, cần rất nhiều hỗ trợ về cơ chế chính sách, đặc biệt là về dòng tiền để duy trì đội ngũ và đưa ra những sản phẩm du lịch mới, đủ sức hấp dẫn với du khách quốc tế”, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel cho biết.

Cần hành động cấp bách

Khách du lịch quốc tế đến đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu tổng doanh thu của ngành du lịch. Trong 3 năm trước đại dịch COVID-19, trung bình khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/5 khách nội địa nhưng đóng góp khoảng 58% tổng thu nhập từ khách du lịch. Năm 2019, tổng thu từ khách du lịch quốc tế chiếm 18,3 tỷ USD trong tổng doanh thu 32,8 tỷ USD mà toàn ngành du lịch tạo ra. Những con số này cho thấy du lịch quốc tế có vai trò rất quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam, góp phần đem lại nguồn thu cho đất nước. Vì thế, gỡ khó cho ngành du lịch chính là gỡ nút thắt cho rào cản du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Theo các doanh nghiệp, mục tiêu đón 8 triệu lượt khách của du lịch Việt Nam không quá thách thức. Nếu nhìn sang các nước thì cũng khá phù hợp xu hướng chung là tăng gấp đôi con số thực hiện năm 2022. Chẳng hạn, Thái Lan cũng đặt mục tiêu đón 20 triệu khách trong năm 2023 sau khi đón vị khách thứ 10 triệu hồi tháng 12; tương tự, Singapore cũng không giấu tham vọng tăng gấp đôi con số gần 6 triệu lượt khách hiện nay. 

Nhưng để có thể hiện thực hóa mục tiêu này, ngành du lịch Việt Nam phải sớm tháo gỡ những nút thắt về chính sách visa, quảng bá điểm đến, các rào cản kỹ thuật như mua bảo hiểm COVID-19... đang vướng hiện nay. “Bước sang năm 2023, Việt Nam cần có lộ trình phục hồi cụ thể, cái gì xác định là điểm nghẽn thì phải tháo hết, phải thay đổi quan điểm khách có sẵn ngoài biên giới, chỉ cần mở cửa là có khách đến, bây giờ các thị trường đều mở và cạnh tranh để thu hút khách diễn ra rất quyết liệt”, ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group nhận định. 

Tiến sỹ Trần Đình Thiên cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đủ lực và đủ nhạy bén để đưa ngành công nghiệp không khói này hồi sinh. Với “độ nén” hiện nay, ngành du lịch sẽ thực sự bùng nổ khi được tháo gỡ về thể chế. Thể chế chính là vấn đề cần tập trung trong giai đoạn hiện nay.

Du lịch Việt Nam từ bài học “đội sổ” 2022 - 3

“Do cơ chế hay cách làm? Do tổ chức thực hiện hay các bộ, ngành chưa làm đầy đủ trách nhiệm? Các doanh nghiệp đã làm gì? Đã đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực du lịch chưa? Sản phẩm du lịch có nhiều đổi mới sáng tạo chưa? Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã đưa vào ngành du lịch chưa? Công tác truyền thông, quảng bá du lịch đã xứng tầm chưa?”, những câu hỏi của Thủ tướng cũng là những bài toán ngành du lịch phải có ngay lời giải cấp bách.

Và trên hết, như chính thừa nhận của một người có trách nhiệm của ngành du lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu - sau ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 thì phát triển du lịch phải được thực hiện ở trình độ cao hơn, bài bản hơn, đòi hỏi tính chuyên nghiệp, cạnh tranh khốc liệt hơn. Trước đây, khách du lịch tự nhiên đến, nhưng sau giai đoạn COVID-19, tất cả điểm đến đều mở lại để cạnh tranh. Do đó du lịch phải có cách làm mới, bài bản hơn, chuyên sâu hơn chứ không thể “ung dung tự tại” nữa.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hà Trang (Báo Công Luận)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!