Vùng ‘rốn lũ’ Quảng Bình được vinh danh là làng du lịch tốt nhất thế giới

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Với những nỗ lực của người dân, cùng sự hỗ trợ có hệ thống từ gần 10 năm qua của Công ty Oxalis, Tân Hoá (huyện Minh Hoá) đã được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã vinh danh là Làng du lịch tốt nhất thế giới.

Lễ vinh danh được tổ chức vào ngày lúc 13h45 (giờ địa phương) ngày 19/10/2023 tại Samarkand, Uzbekistan. Tân Hóa là làng duy nhất của Việt Nam được UNWTO bầu chọn, nằm trong số 260 làng được đề cử từ 60 quốc gia để tham gia dự giải năm 2023.

Vùng ‘rốn lũ’ Quảng Bình được vinh danh là làng du lịch tốt nhất thế giới - 1

Làng Tân Hóa nhìn từ trên cao

Giải thưởng Làng du lịch tốt nhất (Best Tourism Villages) là một sáng kiến toàn cầu của UNWTO nhằm mục đích nêu bật những ngôi làng nơi du lịch bảo tồn và phát huy các giá trị, sản phẩm và lối sống dựa vào cộng đồng và nông thôn, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và tính bền vững. Sáng kiến này cũng công nhận sự đóng góp của các ngôi làng cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) thông qua du lịch.

Theo Sở Du lịch Quảng Bình, thông tin từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết sau khi đánh giá 260 hồ sơ đăng ký từ 60 quốc gia, UNWTO đã ghi nhận tài nguyên văn hóa, thiên nhiên phong phú và nổi bật của làng Tân Hóa, cùng những cam kết và hành động của làng tuân thủ ba trụ cột chính về phát triển du lịch bền vững.

Tân Hóa trước đây là một làng luôn bị lũ lụt nặng nề mỗi khi mùa mưa bão đến. Lũ lụt thường vào thời gian từ tháng 10 đến hết tháng 11 hằng năm, và có năm người dân ở đây phải chịu 3-4 trận lụt lớn. Do có nhiều hang động nên khi lũ lụt nước thoát chậm gây không ít khó khăn trong sản xuất phát triển kinh tế, khiến đời sống sinh hoạt của nhân dân rất khó khăn.

Vùng ‘rốn lũ’ Quảng Bình được vinh danh là làng du lịch tốt nhất thế giới - 2

Tân Hóa sau một trận lũ

Trận lũ lịch sử 2010 với mức nước dâng cao 12m đã nhấn chìm hầu hết các ngôi nhà ở Tân Hoá, khiến hàng trăm người dân Tân Hoá phải lên hang và vách núi đá sống cả tuần để trú ẩn chờ nước rút. Sau khi lũ qua đi thì đã có nhiều đề xuất như di dời toàn bộ dân làng trong vùng trũng đi nơi khác hay đề xuất phá núi để tạo luồng thoát lũ xuyên qua khu vực hang động Tú Làn.

Vùng ‘rốn lũ’ Quảng Bình được vinh danh là làng du lịch tốt nhất thế giới - 3

Người dân nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau trận lũ

Tuy nhiên các đề xuất đều không thể thực hiện được vì người dân đã sinh sống ở ngôi làng của họ hàng trăm năm và họ không muốn dời đi sinh sống nơi khác, còn giải pháp phá núi tạo dòng thoát lũ thì cần nguồn kinh phí quá lớn, chưa kể giải pháp này có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên.

Từ năm 2011 Công ty Oxalis đã khai thác du lịch trên địa bàn Tân Hoá và từ đó “biến” Tân Hoá trở thành Làng du lịch thích ứng thời tiết, thành điểm đến nổi bật của du lịch Việt Nam và được bầu chọn là Làng du lịch tốt nhất thế giới.

Vùng ‘rốn lũ’ Quảng Bình được vinh danh là làng du lịch tốt nhất thế giới - 4

Làng Tân Hóa hôm nay

Tân Hoá có diện tích tự nhiên là 7.427ha, đất nông nghiệp: 6.621ha, dân số 3.075 người. Xã Tân Hoá ở giữa các dãy núi đá vôi, có nhiều hệ thống hang động được kiến tạo qua hàng triệu năm. Núi rừng Tân Hóa có nhiều hang động như Con Chuột, Dơi, Tụng, và hệ thốnghang Tú Làn… hiện đã được đưa vào khai tác du lịch nhiều hang. Tân Hoá nằm trong vùng giao thoa nền văn hoá Đông Sơn ở phía Bắc và văn hoá Sa huỳnh ở Phía Nam.

Chính vậy sự giao thoa này cùng với điều kiện sống giữa núi rừng bạt ngàn xa trung tâm kinh tế, văn hoá lớn, trải qua bao nhiêu năm tháng các thế hệ người dân Tân Hoá đã tạo dựng nên một nền văn hoá tinh thần mang bản sắc núi rừng quê hương mình, giản dị, chân chất, mộc mạc, với những điệu hát sắc bùa, hát nhà trò, hò thuốc cá, hò kéo đò, hò đối đáp giao duyên…

Du khách khi đến đây sẽ được thưởng thức ẩm thực của người Tân Hoá như pồi ngô, ốc tực, cà lào, cá tôm khe... Hình ảnh hàng trăm ngôi nhà ở Tân Hoá bị nhấn chìm dưới dòng nước lụt vào năm 2010.

Vùng ‘rốn lũ’ Quảng Bình được vinh danh là làng du lịch tốt nhất thế giới - 5

Những căn nhà nổi mà người dân Tân Hoá làm du lịch thích ứng thời tiết hiện nay

Sau trận lũ lịch sử năm 2010, cứ đến mùa lũ là người dân xã Tân Hoá làm nhà trên bè phao để sống chung với lũ. Bè phao được làm trên khoảng 20 đến 30 chiếc thùng phuy rỗng kết lại tùy vào từng nhà làm bè lớn hay nhỏ, khi nước dâng cao, nhờ các thùng phi rỗng này mà bè nổi theo nước, ban đầu người dân chỉ kết bè và đặt thùng phuy bên dưới, đồ đạc quý giá được đặt lên và lấy bạt che mưa, người dân thì lên núi dựng lán tránh lũ cho đến khi nước rút mới quy về dọn dẹp. Đến năm 2012 dần về sau từ kinh nghiệm qua những năm lụt bà con cải tiến từ bè nổi lên thành nhà nổi, có mái, vách thưng che mưa nắng, cả gia đình sống trong nhà nổi sinh hoạt bình thường.

Công ty Oxalis đã tài trợ được gần 200 ngôi nhà nổi với thiết kế khung thép, tường và mái được bọc tôn để chống dột khi mưa, giữ ấm khi có gió. Diện tích mỗi nhà được tăng lên thành 30m2, đủ để một gia đình có ít nhất 6 người cùng các nhu yếu phẩm để sống và sinh hoạt qua được những ngày mưa lũ. Đến nay cả làng Tân Hoá có gần 620 căn nhà nổi, đảm bảo 100% các hộ dân có thể thích ứng, an toàn và sống chung với lũ.

Cuộc sống và làng của người dân Tân Hoá hiện đã thích ứng với thời tiết và sống chung với lũ một cách yên bình. Người dân Tân Hoá vừa ở tại chỗ trong lũ lụt, vừa hợp tác với Oxalis phục vụ khách du lịch.

Ngày nay, đến với làng Tân Hóa sẽ thấy những ngôi nhà được xây bằng gạch kiên cố với mái ngói khang trang, thay thế cho những ngôi nhà gỗ nhỏ trước đây. Người dân đã trở thành người làm du lịch, sống tốt trên mảnh đất lũ lụt quê hương mình. Và điều tốt nhất cho người dân Tân Hoá là bây giờ họ không còn phải chạy lũ, chạy lụt hằng năm nữa.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lam Giang

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.