Du lịch nỗ lực “phá băng” để thích ứng với dịch Covid-19

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 60 năm của ngành Du lịch phải chứng kiến khó khăn chồng chất khó khăn như hiện nay. Trải qua 4 lần bùng dịch Covid-19, du lịch và lữ hành như người vừa ốm dậy liên tiếp gặp bão, cơn sau mạnh hơn cơn trước. Đại dịch đã khiến ngành Du lịch đóng băng nhưng dưới lớp băng ấy, “mầm cây” vẫn chắt chiu sự sống, chỉ chờ cơ hội để vươn mình khỏi lớp băng giá và phát triển mạnh mẽ.

Chạm đáy trong “bão Covid-19”

"Ở nhà giãn cách, thời gian kéo dài hết sức. Lại không có thu nhập nên hằng đêm tôi hay mơ, hay giật mình về chuyện con hỏi mẹ tiền nộp học, tiền mua sách vở, tiền chữa xe”, chị Trần Thị Xin (phường Thanh Hà, TP Hội An) tâm sự. Gần 20 năm bán hàng rong những lắc xỏ tay, con vật bằng gốm mộc Thanh Hà trong khu phố cổ Hội An, chưa khi nào chị Xin thấy phố Hội “ốm” lâu như những ngày này.

Chị Xin nhớ lại, cuối tháng hai, đầu tháng ba năm 2020, chị vẫn nghe người ta nói râm ran về một bệnh dịch lan trên thế giới. Nhiều người có cửa hàng lớn trên phố cho chị hay rằng, khách quốc tế sẽ không đến Hội An nữa.

Du lịch nỗ lực “phá băng” để thích ứng với dịch Covid-19 - 1

Những gánh hàng rong buồn trong Phố Hội vắng khách. Ảnh: Duy Hậu.

“Tôi chỉ nghe thôi và không tin vào những điều mình đã nghe. Khách của tôi, những người từ nơi khác về. Họ hân hoan khi nhìn mặt hàng của tôi bán. Họ vui đùa với nhiều hàng rong bán trái cây bên bờ sông Thu Bồn. Những cảnh đó cũng là một phần cuộc sống của chị em chúng tôi”, chị Xin kể.

Tháng 8/2020, giãn cách lần hai, tháng 5/2021 giãn cách tiếp. Giữa thời gian không giãn cách, hàng rong cũng không hoạt động được vì khách chỉ đi du lịch ngắn ngủi, không có nhu cầu mua sắm. Không riêng hàng rong mà hàng gì cũng ế.

“Cứ mỗi một ngày, vào giờ đó, tôi nhớ phố. Ở nhà nhìn đồng hồ, nhìn ngày trôi qua, dài lê thê”, người phụ nữ lam lũ với gánh nặng gia đình có chồng bệnh nặng và hai đứa con đang tuổi ăn học, sống dựa vào gánh hàng rong từ khách du lịch buồn bã nói.

Chị bảo, ngay cả trong giấc ngủ mơ, đâu đó, nụ cười của khách du lịch, ánh mắt ngạc nhiên khi nhìn những mặt hàng của chị và lời hỏi giá bằng tiếng Anh, tiếng Việt vẫn đâu đó hiện về. Trong lời kể của chị đều chan chứa mong đợi dịch bệnh mau qua đi, cuộc sống hãy trở lại như trước đây.

Không chỉ chị Xin, mà hàng nghìn lao động trong ngành du lịch đang chờ đợi ngày du lịch được hồi sinh, dù chỉ được một phần của trước đại dịch.

Du lịch nỗ lực “phá băng” để thích ứng với dịch Covid-19 - 2

Tổng thu từ khách du lịch là tổng thu từ số tiền chi tiêu của khách du lịch quốc tế đến và khách du lịch đi quốc tế (chi tiêu trong nước trước và sau khi ra nước ngoài) và khách du lịch nội địa trong lãnh thổ Việt Nam.

Trước khi Covid-19 xuất hiện, từ năm 2015 - 2019, khách quốc tế đi du lịch Việt Nam đã tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lên 18 triệu; khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt. Năm 2019 ngành Du lịch đóng góp trên 9,2% vào GDP cả nước. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng 12 bậc từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019.

Đang trên đà tiệm cận thành ngành kinh tế mũi nhọn, “cơn bão” Covid-19 mang sức công phá khổng lồ đã kéo du lịch chạm đáy. Dịch Covid-19 đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình gần 23%/năm về lượng khách quốc tế của giai đoạn 2015-2019. Năm 2020, đại dịch đã lấy đi 80% lượng khách quốc tế tới Việt Nam, 34,1% lượng khách nội địa so với năm 2019 và tổng thu du lịch chỉ đạt 312.000 tỷ đồng, giảm khoảng 58,7%.

Sau 4 lần “tắt-mở” tương ứng với 4 đợt bùng phát mạnh của dịch bệnh, hoạt động kinh doanh du lịch đã gần như tê liệt, các doanh nghiệp du lịch đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn lực. Khó khăn đã len lỏi vào từng ngóc ngách của mỗi số phận người làm du lịch, từ doanh nghiệp lớn tới những người bán hàng rong cho du khách như chị Xin.

Du lịch nỗ lực “phá băng” để thích ứng với dịch Covid-19 - 3

Một công ty lữ hành nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình kinh doanh thực phẩm sạch để duy trì hoạt động với 1/2 nhân lực.

Trao đổi với Tri thức trẻ ngày 22/7, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB) cho hay, đợt bùng dịch thứ 4 đúng mùa cao điểm du lịch hè kéo dài từ 30/4 đến nay đã khiến khoảng 80% các công ty du lịch đóng cửa, 85% nhân viên bị ảnh hưởng hoặc giảm lương. Điều này cũng đồng nghĩa với hàng triệu người mất việc, hoặc bị sụt giảm thu nhập rất nhiều.

Nhóm người trong ngành có mức thu nhập thấp, lao động phổ thông hoặc chuyên môn không cao, phải chuyển sang ngành khác như nông nghiệp, tài xế xe công nghệ hoặc xây dựng rơi vào khoảng 500 – 600 nghìn người…

Tổng cục Thống kê công bố số liệu cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% so với cùng kỳ 2020, đạt 31,5 triệu lượt khách; khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch giảm 41%.

Những con số này mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khó khăn chưa từng có mà ngành du lịch Việt Nam đang phải trải qua. Đa số công ty, doanh nghiệp trong ngành du lịch và lữ hành buộc phải cắt giảm tối đa nhân sự để duy trì bộ khung, cầm cự chờ ngày du lịch được phục hồi. Nhiều lao động trong ngành du lịch phải chuyển nghề chưa biết khi nào mới có thể quay lại nghề cũ.

Nỗ lực "phá băng"

Ngay khi dịch Covid-19 có dấu hiệu được kiểm soát, ngành Du lịch đã nhanh chóng bắt nhịp kích hoạt lại các hoạt động du lịch nội địa từ tháng 10/2021. Xa hơn nữa, cả hệ thống đang chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang) vào cuối tháng 11/2021.

“Hành lang xanh”Chìa khóa cho du lịch nội địa

Ngày 7/9/2021, Bộ VHTTDL đã ban hành kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL triển khai các chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành, trước mắt tập cho thị trường khách nội địa nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh cũng khẳng định, yếu tố an toàn là điều kiện tiên quyết để tái khởi động ngành du lịch. Để bảo đảm an toàn khi tái khởi động du lịch, không có cách nào khác là phải đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 và sớm có một bộ tiêu chí chung trên toàn quốc về chứng nhận vaccine.

Phương châm này cho thấy Bộ VHTTDL đã có những tính toán rất kỹ lưỡng, bảo đảm cho việc mở cửa du lịch từng nấc và đặt an toàn của người dân và người lao động trong ngành Du lịch lên hàng đầu.

Du lịch nỗ lực “phá băng” để thích ứng với dịch Covid-19 - 4

Cùng với Bộ VHTTDL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động "Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 lần 4" với chủ đề "Kết nối xanh du lịch Việt Nam”.

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chương trình sẽ xây dựng những tiêu chí an toàn ở các vị trí trong chuỗi dịch vụ du lịch, như tiêu chí an toàn đối với khách du lịch, với doanh nghiệp lữ hành, với cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch. Các tiêu chí và quy định tại từng thời điểm có thể thay đổi cho phù hợp với tình hình dịch. Khi có diễn biến mới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ công bố việc sửa đổi bổ sung tiêu chí; địa phương cập nhật và điều chỉnh cho phù hợp.

“Nếu không có bắt đầu thì hoạt động du lịch không thể mở lại được. Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch sẽ phát động lại, làm lại, tạo điều kiện để mọi người quen đi với khái niệm an toàn mới”, ông Bình nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tái khởi động du lịch an toàn.

Ngay sau “lời kêu gọi” của Bộ VHTTDL, Hiệp hội Du lịch, các địa phương, doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã nhanh chóng bắt nhịp, đưa ra các sản phẩm mới với tinh thần “an toàn là trên hết” để hoạt động du lịch được rục rịch khởi động lại sau thời gian dài "kiệt sức" vì Covid-19.

Giám đốc Sở du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, Sở Du lịch thành phố đã xác định từng bước phục hồi ngành du lịch theo hướng thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Trong đó, thị trường du lịch nội địa giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn đầu phục hồi; tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn; chủ động kết nối các địa phương để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng.

Từ ngày 19/9, 4 điểm du lịch trên địa bàn huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh chính thức khôi phục hoạt động, mở cửa đón khách du lịch là 119 y, bác sĩ tuyến đầu theo mô hình khép kín. Sau thành công của tour tri ân Cần Giờ, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) tiếp tục tài trợ và tổ chức 8 tour tham quan Cần Giờ và Củ Chi, với cùng mục đích tri ân lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh.

Các tour này đều được tổ chức theo mô hình “bong bóng khép kín”, với cung đường khép kín, khách chủ yếu tham quan tại các điểm du lịch ngoài trời, không gian sinh thái rừng ngập mặn, sông nước tại Cần Giờ, hay các điểm tham quan dã ngoại tại địa đạo Củ Chi. Cả 2 địa phương này hiện đều là "vùng xanh" của TP Hồ Chí Minh. Sau đó, TP Hồ Chí Minh sẽ mở rộng ra các vùng an toàn khác như Củ Chi - Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh-Bà Rịa Vũng Tàu và tiến tới các địa phương ở phía bắc.

Tại Quảng Ninh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch phục hồi và thu hút khách du lịch ngoại tỉnh nhằm lấy lại tăng trưởng du lịch trong tình hình mới. Quảng Ninh sẽ kết nối du lịch với các tỉnh, thành phố an toàn với Covid-19 vào đầu tháng 11/2021, trước mắt là Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Thái Nguyên và một số tỉnh, thành phố "vùng xanh."

Không chần chừ, tỉnh này đã tổ chức một cuộc hội nghị trực tuyến với Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan tại Việt Nam để tìm hiểu kinh nghiệm đón khách quốc tế trở lại Phuket theo mô hình "Hộp cát Phuket".

Từ ngày 1/10, nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa,… đã thực hiện đón khách nội tỉnh. Đặc biệt Khánh Hòa đã lên kế hoạch giai đoạn 2 từ ngày 15/10, căn cứ vào tiêu chí phòng chống dịch sẽ xúc tiến các thị trường lân cận. Cuối cùng ở giai đoạn 3, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ kiến nghị Chính phủ thí điểm đón khách quốc tế theo hình thức "Hộ chiếu vaccine". Trong đó từ tháng 11 sẽ thí điểm đón khách ở 12 cơ sở du lịch tại khu du lịch Bãi Dài, phía Bắc bán đảo Cam Ranh.

Khi cả nước chuyển trạng thái hoạt động bình thường mới, Đà Nẵng sẽ khôi phục toàn bộ hoạt động du lịch theo từng cấp. Ngày 13/10, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng thông báo, dự kiến từ ngày 20/10, Đà Nẵng sẽ đón khách tại đại phương và từ tháng 11 sẽ thực hiện “bong bóng du lịch” giữa TP Đà Nẵng với các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ninh.., Sau đó, Đà Nẵng sẽ thí điểm đón khách quốc tế với slogan “Enjoy Đà Nẵng” với 2 nhóm khách là người nhập cảnh làm công vụ, thăm thân nhân, hồi hương…

“Hiện, ngành du lịch Đà Nẵng đã nhận được một số thông tin tích cực thì thị trường Hàn Quốc và Nga. Dự kiến, Nga sẽ đưa vào thị trường 2 đến 4 nghìn khách/tháng. Sau đó thành phố đón khách bình thường khi Chính phủ cho phép khôi phục đường bay quốc tế”, bà Hạnh thông tin thêm.

Đồng hành cùng các địa phương, các công ty, doanh nghiệp du lịch và lữ hành cũng đang lên các phương án chuẩn bị tái hoạt động. Công ty lữ hành Vietravel dự kiến trong tháng 10/2021 sẽ mở cửa hoạt động kinh doanh tại trụ sở và chi nhánh trên toàn quốc, phát triển sản phẩm nội vùng, cung ứng dịch vụ tại chỗ để phục vụ du khách.

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, cho biết công ty đã xây dựng chương trình du lịch an toàn mang chủ đề "Hanoitourist - Du lịch bình thường mới" gồm 5 nhóm sản phẩm: Trải nghiệm du lịch caravan an toàn, du lịch MICE an toàn, du lịch mùa thu an toàn, đặt phòng khách sạn an toàn và homestay an toàn.

Sun Group thông báo đang gấp rút ứng dụng công nghệ vào quá trình nâng cấp trải nghiệm của khách hàng tại các khách sạn, resort như JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, New World Phu Quoc Resort hay Premier Residences Phu Quoc Emerald Bay, ... để hạn chế tối đa việc tiếp xúc nhờ các dịch vụ không chạm hay một chạm, bắt kịp xu hướng du lịch thời kỳ mới hậu Covid-19.

Tập đoàn cho hay, thời gian qua, thông qua chiến dịch "phủ áo mới" và nâng cấp chất lượng dịch vụ một cách đồng bộ, mạnh mẽ, các khu nghỉ dưỡng và tổ hợp vui chơi giải trí của Sun Group tại Phú Quốc đã có sự thay đổi lớn về diện mạo, chất lượng dịch vụ cũng như bổ sung thêm các trải nghiệm mới. Sự chuẩn bị của các doanh nghiệp như Sun Group cũng sẽ là một trong những nền tảng để hòn đảo này có thể thành công trong chương trình thí điểm đón khách quốc tế tới đây.

"Chìa khóa" để mở cửa lại du lịch quốc tế

Từ bài học sống chung với Covid-19 của thế giới, thành công từ những mô hình mở cửa du lịch quốc tế tại châu Âu, mà đặc biệt là quốc gia láng giềng với mô hình "Hộp cát Phuket" tại Thái Lan, Việt Nam xác định phải tái mở dần du lịch quốc tế song hành với mở lại du lịch nội địa.

Với những điều kiện có sẵn, đảo ngọc Phú Quốc đã được lựa chọn là điểm đến đầu tiên ở Việt Nam thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế sau thời gian dài “đóng băng” vì dịch Covid-19.

Tại cuộc làm việc giữa Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Kiên Giang về Kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Khi mở cửa trở lại phải bảo đảm an toàn cho cả người dân và du khách. Hy vọng, thị trường quốc tế sẽ được khởi động lại hiệu quả, an toàn bắt đầu từ hiệu ứng Phú Quốc”.

Tỉnh Kiên Giang cùng Bộ VHTTDL đã thống nhất thời điểm bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc là cuối tháng 11/2021. Thời gian mở cửa chính thức sẽ được dựa theo thời điểm phủ vaccine Covid-19 cho 90% dân số Phú Quốc theo tinh thần của Bộ trưởng VHTTDL: “Việc mở lại thị trường làm đến đâu phải chắc đến đấy, chia lộ trình rõ ràng, bảo đảm việc mở lại hiệu quả; an toàn cho người dân và khách du lịch; khẳng định hình ảnh điểm đến Việt Nam”.

Song song với việc xin ưu tiên phân bổ vaccine và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho người dân Phú Quốc, chương trình du lịch khép kín đã được lên kế hoạch chi tiết, lấy ý kiến rộng rãi từ các doanh nghiệp lưu trú, du lịch, lữ hành, cơ quan quản lý từ trung ương tới địa phương.

Du lịch nỗ lực “phá băng” để thích ứng với dịch Covid-19 - 5

Cho đến thời điểm này mọi công việc chuẩn bị cho việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc đang dần được hoàn tất. TCDL tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các bên liên quan, hoàn thiện nội dung về quảng bá để sớm trình cấp có thẩm quyền thông qua trong thời gian sớm nhất.

Một trong những yếu tố để bảo đảm thực hiện thành công thí điểm mở cửa du lịch quốc tế tại Phú Quốc là vấn đề công nhận "Hộ chiếu vaccine" giữa Việt Nam và các nước. Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 7/10 vừa qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông báo, lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý với Bộ tiêu chí công nhận và sử dụng "Hộ chiếu vaccine" của các nước tại Việt Nam do Bộ Ngoại giao đề xuất.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng chính thức thông tin tới thế giới rằng, “Bộ VHTTDL Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách du lịch đã được tiêm chủng tới Việt Nam, trước mắt là sớm triển khai thí điểm ở Phú Quốc trong thời gian tới”.

Nếu mô hình thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc thành công, TCDL dự kiến sẽ mở rộng thí điểm đón khách quốc tế ra một số điểm đến khác đáp ứng yêu cầu như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng).

Du lịch nỗ lực “phá băng” để thích ứng với dịch Covid-19 - 6

Để chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế trở lại “đảo ngọc”, TCDL cùng nhóm chuyên gia từ Canada, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam xây dựng chương trình truyền thông, quảng bá thu hút khách quốc tế đến Phú Quốc, cũng như chuẩn bị từng bước mở cửa hoàn toàn du lịch Việt Nam.

Chương trình truyền thông thí điểm mở cửa đón khách vào Phú Quốc có tên là "Roam Phu Quoc - "Khám phá/du ngoạn Phú Quốc” đã chính thức lên sóng, hướng đến các thị trường khách du lịch mục tiêu của Việt Nam (Đông Bắc Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Đại dương).

Không chỉ chuẩn bị thí điểm mở cửa Phú Quốc, Chiến dịch quảng bá chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa hoàn toàn Việt Nam sẽ có chủ đề "Live Fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam," nhằm tiếp tục đẩy mạnh quảng bá thương hiệu du lịch "Việt Nam: Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận" (Vietnam - Timeless Charm).

Liên kết để phục hồi

Thực tế của nhiều quốc gia trên thế giới đang chứng minh, mức độ mở lại các hoạt động du lịch là một trong nhiều chỉ báo quan trọng về khả năng thích ứng linh hoạt, sống chung với Covid-19. Tại Việt Nam, lộ trình tái mở cửa du lịch nội địa và quốc tế dù đã được vạch rõ, nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn sau một thời gian hứng chịu liên tiếp “các cú đấm bồi” của đại dịch Covid-19.

Kế hoạch đón khách du lịch trở lại cũng đang khiến các địa phương và doanh nghiệp du lịch loay hoay với bộ tiêu chí du lịch an toàn, vì hiện nay mỗi địa phương lại có những tiêu chí riêng. Việc làm thế nào để di chuyển, kết nối thông suốt các "vùng xanh" liên tỉnh đang là vấn đề gây nhiều trăn trở cho các doanh nghiệp lữ hành trong quá trình triển khai Chương trình "Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc".

Du lịch nỗ lực “phá băng” để thích ứng với dịch Covid-19 - 7

"Vũ điệu trong mây" được Tổ chức Guinness xác lập kỷ lục "Show diễn nghệ thuật thể hiện đặc trưng văn hóa Tây Bắc độc đáo nhất Việt Nam"

Hiện, mỗi tỉnh, thành phố đều có những quy định riêng về phòng, chống dịch dựa trên tình hình cụ thể của địa phương. Quy định màu sắc theo tình hình dịch tại mỗi địa phương vẫn còn khác biệt. Đồng thời, việc kết nối giữa các "vùng xanh" nhiều khi khá khó khăn do thực tế vẫn phải di chuyển qua “vùng đỏ”. Vì vậy, nếu không sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan quản lý các lĩnh vực giữa các địa phương, khó khăn sẽ rất lớn cho sự kết nối du lịch dù các tour, tuyến hoạt động theo quy trình khép kín.

Thực hiện du lịch an toàn trong bối cảnh đại dịch còn dựa vào độ bao phủ của vaccine ngừa Covid-19. Hiện, tỷ lệ tiêm chủng chưa đồng đều giữa các địa phương là một khó khăn để mở cửa và kết nối du lịch ngoại tỉnh. Thực tế, bên cạnh một số ít địa phương có tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 95% trong toàn dân, thì cũng có những nơi mới chỉ đạt 20% tiêm mũi 1 cho nhân viên ngành du lịch.

Trong khi đó, giao thông vận tải liên tỉnh còn chưa được bảo đảm thông suốt. Các doanh nghiệp du lịch hiện đang băn khoăn khi mới chỉ có vài địa phương cho phép mở đường bay. Ngay cả khi đã mở đường bay đón khách ngoại tỉnh, mỗi địa phương lại đặt ra các quy định phòng, chống dịch khác nhau rất khó để nắm bắt.

Ngoài ra, những khó khăn để duy trì bộ máy hoạt động của doanh nghiệp du lịch cũng như năng lực giữ chân lao động (đặc biệt là lao động lành nghề trong ngành) cũng là cản trở làm giảm đà phục hồi hoạt động trở lại.

Một tín hiệu vui cho hoạt động du lịch và lữ hành khi ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhằm thực hiện mục tiêu kép bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân song song với khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.

Điều kiện cần để mở cửa lại du lịch đã có. Nhưng để du lịch “lách khe cửa hẹp” phục hồi an toàn và thông suốt đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng hơn nữa giữa các cấp từ quản lý tới doanh nghiệp, và cần cả ý thức phòng dịch của mỗi du khách.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trang Linh - Niinh Nguyễn (Báo Nhân Dân)