Đôi bờ Nhật Lệ
Sống gần sông, biển Nhật Lệ, con nước cũng như chiếc phong vũ biểu cảm xúc của người Đồng Hới. Nắng lên, nước trong xanh sáng lung linh như reo vui; bão về, nước dâng mình đục ngầu xua đuổi; những ngày gió rít, nó còn kéo cả về một miền ký ức khi đôi bờ còn chỉ nối nhau bằng chiếc đò nhỏ chông chênh.
Nhớ những năm đầu 2000, đôi bờ Nhật Lệ vắt qua thị xã Đồng Hới kéo dài đến tận cửa sông chỉ có thể ngó trông nhìn nhau. Di chuyển, đi lại đều nhờ cả vào đò lớn, đò nhỏ, thuyền vận chuyển. Mấy đứa trẻ con ở Bảo Ninh xin đi học tiểu học ở thị xã, sáng ngày ngày đều đạp xe từ nhà ra bến đò, vượt sông, rồi lại băng băng đến lớp.
Nghe chúng nó bảo “bắt” đò đi học, đứa học trò nào cùng lứa cũng trầm trồ muốn thử cái cảm giác sông nước đứng trước mũi đò, tưởng là ngầu và phiêu lưu đấy. Nay lớn rồi mới thấu cái nhọc nhằn của những đứa nhóc miền biển ở bán đảo, dù nắng mưa hay rét mướt, dù hè đến hay đông sang mà bầu trời còn tối mịt mù thì vẫn phải lóc cóc đạp xe, rồi vượt sông đến trường cho kịp giờ trống đánh. Chưa kể những ngày trời chuyển mùa, tối thì rét lạnh mà sáng mặt trời lại lên sớm ấm dần, băng đò trong làn sương dày của biển ùa vào và từ nước sông dâng lên kể ra cũng nên thơ và lạ lẫm, mà đến trường thì lớp áo ngoài cũng đẫm ướt sương và rít mặn.
Cửa sông Nhật Lệ
Rồi kể từ ngày khánh thành cầu Nhật Lệ đầu tiên, dù chỉ có hai làn nhỏ, nhưng đã tạo nên sự thay đổi lớn cho thị xã, nay là thành phố Đồng Hới, và vùng đồi cát Bảo Ninh. Nhưng tình cảm của người con đôi bờ với sông, biển thì vẫn như vậy, giăng mắc cả vào tia nắng nối hai dải đất song song bên dòng nước.
Với tuổi mới lớn hay đang mắc kẹt trên con đường trưởng thành, bạn bè là một nơi tâm sự trút bỏ buồn phiền. Người trẻ Đồng Hới có thêm lựa chọn khác, sông luôn được tin tưởng bởi sự uy tín và lặng im trong mọi trường hợp, để trút bỏ một hơi thở nặng nhọc xuống đáy sông và mỉm cười bước tiếp với lựa chọn để lớn lên. Những người con đi xa vạn dặm, đến những thành phố lớn náo nhiệt với các tòa nhà cao chọc trời và nhiều con đường nhộp nhịp người và xe, đôi khi bí bách cũng lại thèm trở về quê hương đứng bên dòng Nhật Lệ để dừng dòng suy nghĩ, nhìn về bờ bên kia như một người giấu mặt nhìn ngắm cuộc đời người khác, và soi rọi lại với bản thân mình.
Hoàng hông trên sông Nhật Lệ
Ngay ở cửa sông, bãi cát trắng ở bờ sông Nhật Lệ nhìn sang hay từ mũi Bắc của bán đảo Bảo Ninh nhìn lại đều tiếp diễn những khung cảnh thú vị của sông nước. Lũ trẻ con nhà gần biển mùa hè đến lại rủ nhau ra giữa dòng nước của đôi bờ để tắm. Và cũng chỉ có những đứa trẻ nào biết bơi điêu luyện, lại mạnh dạn và nắm con nước, tắm gần bờ mới dám xuống. Một vài người già, không còn sức khỏe nhiều để ra khơi trên những con thuyền lớn, thì mang cần câu ra bờ biển với ít mồi tươi để câu một vài con cá diếc, cá liệt, cá ong,… làm bữa canh chua ngon lành. Thừa chút ít thì lại bán kiếm tiền tiêu vặt, vui vẻ những ngày xế chiều.
Những ngày cuối tháng 2, một vạt nắng nhẹ của ngày gió đông tàn cũng đủ để tô ấm màu cho biển chiều. Khi dòng Nhật Lệ ôm trọn hàng chục con thuyền của ngư dân giữa dòng biển lấp lánh, mới thấy con sông này đã yêu người Đồng Hới nhường nào. Sự gắn bó ấy như đã định sẵn như vốn có từ bao đời nay, khi sông che chở, yêu thương, cho niềm vui và nhẫn nại cất giấu nỗi buồn cho bao người.
Lần lượt những cây cầu tiếp nối bắt ngang sông, càng ngày càng to và đẹp với những thiết kế hiện đại, nối giao thông, nối những con đường và kéo dài cả những hành trình phát triển. Nhưng tình người đôi bờ với sông, nước Nhật Lệ, lâu nay không có khi nào vơi.
Thực tiễn gần 40 năm đổi mới cho thấy, báo chí, xuất bản luôn phát huy vai trò xung kích trong việc bảo tồn những giá...