Báo chí, xuất bản phát huy vai trò xung kích trong bảo tồn văn hóa
Thực tiễn gần 40 năm đổi mới cho thấy, báo chí, xuất bản luôn phát huy vai trò xung kích trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa, tham gia tích cực vào việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Đó là nhận định của Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM Nguyễn Tấn Phong tại tọa đàm “Vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh” vào sáng nay 5/7/2023; sự kiện do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức.
Toàn cảnh tọa đàm “Vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh” sáng ngày 5/7/2023.
Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM Nguyễn Tấn Phong nhấn mạnh, báo chí, xuất bản đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của xã hội qua các thời kỳ, có tác động sâu sắc đến mỗi cá nhân cũng như cộng đồng xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.
Đây đều là những phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, đồng thời có mối liên hệ mật thiết với văn hóa, vừa là một bộ phận của văn hóa, vừa là phương tiện chuyển tải, phổ biến văn hóa tới công chúng.
Thực tiễn gần 40 năm đổi mới cho thấy, báo chí, xuất bản luôn phát huy vai trò xung kích trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa, tham gia tích cực vào việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Chủ tịch Hội Nhà báo TP Nguyễn Tấn Phong phát biểu đề dẫn tọa đàm.
Theo ông Nguyễn Tấn Phong, tọa đàm đã nhận được 37 tham luận từ các các cơ quan báo chí, xuất bản, các địa phương, đơn vị, một số nhà nghiên cứu. Mỗi tham luận là mỗi góc nhìn khác nhau về mối quan hệ giữa báo chí, xuất bản với văn học nghệ thuật nói chung, việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật nói riêng.
Các tham luận đều đã tập trung phân tích làm rõ vai trò tầm quan trọng của báo chí, xuất bản trong đời sống xã hội; vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, lan tỏa các tác phẩm văn học nghệ thuật và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong điều kiện của TP.HCM hiện nay.
Chủ trì tọa đàm gồm: ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP; ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TP; ông Tăng Hữu Phong, Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng; ông Bùi Anh Tấn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ TP.
Tại tọa đàm, các đại biểu, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản đã tập trung trao đổi, thảo luận các chủ đề về quan điểm, nhận thức về vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Nâng cao mục tiêu, lý tưởng cách mạng trong đội ngũ làm công tác báo chí, xuất bản và đội ngũ sáng tác văn học, nghệ thuật đồng thời cũng phát huy nhiệm vụ, vai trò sáng tạo của đội ngũ nhà báo, văn nghệ sĩ trong việc đưa ra giải pháp, xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh.
GS.TS Trần Luân Kim nêu ý kiến tại toạ đàm.
Theo PGS.GS. Trần Luân Kim, Uỷ viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM, các tác phẩm văn học nghệ thuật giữ vai trò trung tâm trong hình thành và bồi dưỡng đạo đức xã hội, truyền cảm hứng để mọi người nâng cao ý thức, nhận thức đáp ứng yêu cầu của xã hội.
“Báo chí, xuất bản gắn liền với hoạt động văn học nghệ thuật, thành tựu hoặc yếu kém của hai lĩnh vực này đều ảnh hưởng, tác động lẫn nhau. Với lực lượng lớn mạnh của các phương tiện, đội ngũ báo chí, xuất bản, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phủ sóng, chủ động định hướng”, PGS.GS. Kim Nêu rõ.
"Bạn đọc rất quan tâm đến các đề tài lịch sử, văn hoá, con người vùng đất Nam Bộ cùng lịch sử hình thành, phát triển của Sài Gòn - TP.HCM trong chiều dài 325 năm đã qua; chính vì nhu cầu lớn của bạn đọc như thế, lực lượng báo chí, xuất bản được tiếp thêm động lực để sáng tác, xuất bản các ấn phẩm về đề tài trên", TS. Quách Thu Nguyệt cho hay.
TS. Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ nhìn nhận, để thế hệ người Việt trẻ, những công dân trẻ của TP.HCM yêu và gắn trách nhiệm với đất nước này, mảnh đất này, thành phố này, không gì bằng giúp giới trẻ biết và hiểu đúng về lịch sử văn hóa của Việt Nam, của miền Nam, của Sài Gòn – TP.HCM.
“Từ biết, hiểu đến yêu, những người trẻ sẽ thấy tự hào và trách nhiệm trong việc gìn giữ bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc, của thành phố để cùng chung sức dựng xây đất nước, xây dựng TP.HCM phát triển mạnh giàu, vững bền”, TS. Quách Thu Nguyệt bày tỏ.