Với định hướng “Phục hồi nhanh – phát triển mạnh – bền vững”, Sở Du lịch Quảng Bình và ngành du lịch tỉnh đã tạo thêm nhiều sản phẩm mới, cùng những giải pháp thiết thực để du lịch tỉnh thực sự “cất cánh”.
Ở tầm chiến lược, cuối tháng 3/2023, Sở Du lịch Quảng Bình đã tổ chức chương trình khảo sát điểm đến du lịch Quảng Bình cho các đơn vị truyền thông, lữ hành lớn và chuyên gia du lịch tại TP.HCM.
Đoàn đã khảo sát các điểm tham quan du lịch nổi bật của Quảng Bình lâu nay và mới mở gần đây, như: Chày Lập Farmstay, Zipline sông Chày – hang Tối, khu sinh thái Ozo Park, dự án khu đô thị ven biển chuẩn quốc tế Regal Legend Quảng Bình…
Đoàn cũng khảo sát các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ ăn uống tại TP. Đồng Hới và khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng như: Gold Coast Hotel Resort & Spa, Phong Nha Lake House, Chang Chang Sea Foods, nhà hàng Cánh Buồm Đỏ…
Với những tài nguyên và tiềm năng thực sự về du lịch ở Quảng Bình, chuyến khảo sát này là cầu nối để tỉnh và các đơn vị của TP.HCM liên kết, xây dựng chương trình du lịch liên tuyến kết nối Quảng Bình với vùng Bắc Trung bộ. Đồng thời dịp này, Sở Du lịch Quảng Bình cũng tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm, chương trình tham quan điểm đến Quảng Bình cho du khách từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam đến với tỉnh.
Cắm trại trong thiên nhiên xanh mát của Quảng Bình.
Ở mức độ cụ thể, mở đầu mùa du lịch 2023 là Tuần Văn hóa – Du lịch Đồng Hới, diễn ra từ ngày 25/4 đến 1/5 với nhiều hoạt động hấp dẫn, nổi bật là lễ hội ẩm thực Hương quê được tổ chức tại quảng trường biển Bảo Ninh.
Đây là dịp để du khách thưởng thức các món ăn đã làm nên thương hiệu của ẩm thực Quảng Bình, như: bánh xèo Ba Đồn, cá trắm sông Son, sò huyết Ba Đồn, bánh lọc, bánh khoái và bánh bèo Đồng Hới…
Trò chơi trượt cát ở ven biển Quang Phú, Nhân Trạch cũng là trải nghiệm độc đáo, thú vị cho du khách các tỉnh phía Nam và phía Bắc, khi mê mải trên những đồi cát trắng mênh mông và ngắm nhìn biển rộng cùng rừng phi lao xanh ngát.
Trong năm 2023, Sở Du lịch Quảng Bình và ngành du lịch tỉnh cũng tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, quảng bá, xúc tiến, kích cầu. Có thể kể đến như lễ hội hang động Quảng Bình 2023 và kỷ niệm 20 năm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, Tuần Văn hóa – Thể thao – Du lịch và lễ hội Rằm tháng 3 Minh Hóa, lễ giỗ Thánh mẫu Liễu Hạnh ở đền dưới chân đèo Ngang…
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng luôn là điểm đến được nhiều du khách yêu thích tại Quảng Bình sau 20 năm hoạt động.
Cùng với việc làm mới các sản phẩm du lịch sẵn có, các sản phẩm du lịch vừa được đưa vào khai thác từ đầu năm 2023 cũng sẽ đưa đến cho du khách thêm nhiều lựa chọn hấp dẫn.
Trung tâm Du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng đang làm đề án khám phá động Phong Nha và cắm trại tại khu du lịch sinh thái suối nước Moọc vào ban đêm. Đây là nỗ lực nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, cũng là để du khách có thêm điểm đến về đêm tại Phong Nha – Kẻ Bàng.
Tại vùng suối nước Moọc, trung tâm đã làm thêm các chòi nghỉ, làm lại lối đi bộ ngắm cảnh để phục vụ cùng lúc cho hơn 4.000 người.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quý – Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, năm 2022, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình là hơn 2,1 triệu lượt, trong đó khách quốc tế hơn 33.700 lượt.
Một số điểm đến của tỉnh được quốc tế tiếp tục đánh giá cao, như hang Sơn Đoòng được giới thiệu trên trang chủ Google tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, với sự tiếp cận của hơn 500 triệu lượt người.
Sở đã phối hợp với các cơ sở tổ chức 15 lớp đào tạo tiếng Anh, tập huấn nghề cho người hoạt động du lịch với 611 học viên, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là tại các địa phương mới phát triển du lịch, như ở vùng du lịch cộng đồng Cự Nẫm (Bố Trạch), Cảnh Dương (Quảng Trạch) và Trường Xuân, Trường Sơn (Quảng Ninh)...
Sở Du lịch cũng nhận định, sau đại dịch COVID-19, thị hiếu và nhu cầu của du khách có sự thay đổi lớn, thiên về gắn kết với thiên nhiên và trải nghiệm nhiều hơn là chỉ nghỉ ngơi, thưởng lãm phong cảnh hay ẩm thực.
Vì vậy, sở xác định lượng du khách lớn sẽ từ các tỉnh, thành đến là Hà Nội và khu vực Đông Bắc Bộ, TP.HCM, các địa phương lân cận từ Thanh Hóa đến Quảng Nam, Tây Nguyên và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc…
Sau đại dịch, du khách thích gắn kết với thiên nhiên và trải nghiệm nhiều hơn là nghỉ dưỡng.
Ngành du lịch tỉnh tập trung cho các điểm đến đặc trưng của Quảng Bình theo các chủ đề là trải nghiệm, khám phá thiên nhiên đồi rừng, nghỉ dưỡng ở biển, du lịch nông nghiệp gắn với cộng đồng; khai thác các sản phẩm du lịch tại Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong (điểm đến đạt giải Top 7 ấn tượng Việt Nam), và Chà Lòi của Công ty Netin Travel, khe Kiều – hệ thống hang Sơn Bồi... cùng du lịch sinh thái, khám phá văn hóa tộc người Bru – Vân Kiều ở Quảng Ninh, Lệ Thủy.
Với “Wake up in Phong Nha”, “Sunset in Phong Nha”, du khách sẽ chạy bộ, đạp xe đạp, đi thuyền quanh các làng quê, làng nghề khu vực thị trấn Phong Nha; tham gia các hoạt động thể thao, giải trí dưới nước trên sông Chày và sông Son; lưu trú ở các cơ sở có không gian giữa thiên nhiên, cùng sống và hòa mình vào với đồng bào, thưởng thức ẩm thực độc đáo tại Phong Nha và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Năm 2023, du lịch Quảng Bình cũng đặt mục tiêu đón 50.000 lượt khách quốc tế. Vì vậy, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ ở các điểm du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá hang động, trải nghiệm thiên nhiên, nghiên cứu đa dạng sinh học.
Quảng Bình cũng hướng đến xây dựng các chương trình trọn gói du lịch nghỉ dưỡng kết hợp thể thao giải trí và chăm sóc sức khỏe cho khách đến từ các nước Đông Bắc Á, châu Úc, ASEAN… Đồng thời đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp là đặc sản địa phương trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” nhằm phục vụ du khách từ Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu.
Thiên nhiên hùng vĩ của Quảng Bình mang đến cho du khách trải nghiệm độc đáo.
Du lịch sinh thái, du lịch xanh được tỉnh Quảng Bình khuyến khích đầu tư khai thác, dựa vào thiên nhiên và bản sắc văn hóa cộng đồng của người dân địa phương.
Hiện trong số hơn 40 sản phẩm du lịch mà Quảng Bình đang khai thác, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tạo được sức hút với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Tiêu biểu là các sản phẩm như khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru – Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy; khám phá Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong, suối Tiên, chinh phục thác Cổng Trời; trải nghiệm du lịch tại bản Rum Ho; trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa tại xã Thượng Hóa (Minh Hóa)…
Việc ngành du lịch Quảng Bình chú trọng phát triển thêm các điểm đến về du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, ngoài bổ sung thêm điểm đến thu hút du khách cũng góp phần chuyển đổi sinh kế, bảo vệ thiên nhiên, nâng cao thu nhập cho người dân ở các vùng còn khó khăn. Vậy sao bạn chưa đến với Quảng Bình để thưởng lãm, khám phá và tận hưởng?